Biên niên ký chim vặn dây cót là tác phẩm nổi tiếng của Haruki Murakami. Tiểu thuyết này được xuất bản ở Nhật Bản năm 1996, ở Việt Nam năm 2006 qua bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn giới phê bình khó tính mà còn rất nhiều tầng lớp bạn đọc ở các quốc gia khác nhau. Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc, ngoài khối lượng chữ đồ sộ còn ẩn chứa trong mình sự khó hiểu điển hình của một tiểu thuyết hiện đại có chất lượng. Đọc, cảm nhận tác phẩm, người thưởng thức phải vứt bỏ mọi giáo điều, định kiến; những gì bạn tin là đúng, cho là có trong cuộc sống thực lại không thể áp dụng hay là cơ sở để bạn hiểu tác phẩm này, bởi đó là một thế giới thực, ảo đan xen.
Biên niên ký chim vặn dây cót là tiểu thuyết tình cảm, có tình yêu, chia ly, tìm kiếm, ghen tuông, tha thứ; là tiểu thuyết phiêu lưu, có hành trình, biến cố, tinh thần khát khao giải mã những bí ẩn; hay đây là một tiểu thuyết trinh thám, có dấu vết, giết người, tội ác, nhân chứng; hoặc đó là một tiểu thuyết chiến tranh, có quân nhân, chiến trường, những ám ảnh tội ác chiến tranh? Không. Tác phẩm là một tiểu thuyết tổng hợp, không nhằm miêu tả tình yêu, thỏa mãn máu trinh thám, phiêu lưu hay phê phán chiến tranh; đó là tiểu thuyết vượt ra ngoài những lối mòn thông thường, đa diện, miêu tả nội tâm phức tạp của con người; một tiểu thuyết dấn thân để đi tìm các bản ngã đã bị xóa nhòa trong xã hội hiện đại ấm mùi tiền, lạnh mùi người; một tiểu thuyết tiên tri về nỗi cô đơn của con người hiện đại, có tất cả nhưng thực ra chẳng có gì.
Nếu so sánh Biên niên ký chim vặn dây cót là một khu rừng với tầng tầng, lớp lớp những bí ẩn thì lối đi của chúng ta chính là nắm được nhà văn đã viết tác phẩm theo trường phái văn học nào. Đây là mấu chốt để dựa vào đó ta giải mã giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Các nhà phê bình trên thế giới đều có ý kiến xếp Haruki Murakami vào danh sách các nhà văn hậu hiện đại. Bởi tác phẩm của ông từ Rừng Nauy, Cuộc phiêu lưu theo con cừu, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển đều mang màu sắc của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Hiểu một cách đơn giản, chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn học ra đời khoảng đầu TK XX, các nhà văn đưa tác phẩm đến với sự hỗn độn của hiện thực thậm phồn, từ chối giá trị thực để đến với giá trị ảo, đặt ra tiểu thuyết bất tín đại tự sự, tức là không tin vào bất kỳ điều gì lớn lao, không mệnh danh bất cứ điều gì. Giải tất cả để làm hiện rõ thế giới bất an, phức tạp, hỗn độn. Con người hậu hiện đại là con người trống rỗng, cô đơn, không có ánh sáng chiếu rọi, phải lang thang đi tìm cái gọi là bản ngã, để không lẫn lộn mình trong trái đất mấy tỉ con người.
Một đặc điểm nổi bật về mặt nghệ thuật của trào lưu hậu hiện đại ta có thể nhận thấy qua tác phẩm chính là sự phân mảnh trong cấu trúc tác phẩm. Biên niên ký chim vặn dây cót kể về cuộc đời người đàn ông tên là Toru Okada. Nhưng trong suốt chiều dài tác phẩm lại là chuyện đời của rất nhiều nhân vật, có những đoạn, những chương hoàn toàn là lời kể của nhân vật khác. Chính hình thức mới lạ này tạo cho tiểu thuyết một sức khái quát cao, cuộc sống được nhìn với nhiều đôi mắt, những chiều kích khác nhau của thế giới thậm phồn hiện lên chân thật, rõ ràng. Nhà văn không đóng vai trò thượng đế mà nép mình cho nhân vật tự bộc lộ. Các nhân vật xưng tôi kể lại câu chuyện của mình. Nhưng câu chuyện đó không tạo sự khách quan, không khiến người đọc xác tín bởi đã được nhìn từ sự chủ quan, thiên kiến riêng. Tác phẩm là sự dung hợp kỳ lạ giữa khách quan với chủ quan, đời thực với những giấc mơ, cao đẹp với dung tục, sáng rõ với nhòa mờ, tin với không tin, thực với ảo…
Toàn bộ tác phẩm được phân ra thành những mẩu ghép vốn chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng lại có sự nối kết vô hình. Hỗn độn trong trật tự. Đơn giản trong phức tạp. Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, ta thấy sự xuất hiện của hai thế giới: thế giới thực với cuộc sống bình lặng của một gia đình bình thường ở Tokyo, có ngôi nhà rộng lắp kính, khu vườn nhỏ, đường phố tấp nập, xe điện ngầm, tiệm giặt là, nhạc jazz, quần jean, áo thun, điện thoại, những vật dụng thông thường của cuộc sống hiện đại. Thế giới ảo với hai chị em: nhà tiên tri Kano Malta, Kano Creta, ông già Honda cũng có tài tiên tri, những giấc mơ của Toru, cái giếng - cánh cửa thông với phòng 208, cô gái bí ẩn nói chuyện sex qua điện thoại, hai mẹ con Nhục Đậu Khấu, Quế, cuộc chiến giải thoát Kumiko ra khỏi Noboru…
Hai thế giới này không tách biệt nhau, trong tác phẩm chúng là một. Sự dung hợp này mở rộng mọi giác quan của người đọc. Ta không chỉ thấy cái hiển hiện của đời sống thực mà còn có thể len lỏi vào từng góc khuất của tâm trạng nhân vật. Cách xây dựng câu chuyện hiện đại bằng niềm tin ngây thơ của cổ tích, con người có thể tiên tri, xuyên tường, cứu rỗi chính mình, tác giả Murakami đã mở ra mọi góc độ của con người, bóc trần mọi thứ ra ánh sáng. Cuộc sống mà con người cho rằng mình hiểu đến chân tơ kẽ tóc, sự vật hiện tượng, con người cho rằng mình hoàn toàn có thể nhận thức phút chốc hóa thành hư vô. Chúng ta hoang mang, nghi ngờ giống như Toru. Thế giới thực, ảo đó chính là thế giới tâm tưởng của con người.
Một đặc điểm nghệ thuật nữa của Biên niên ký chim vặn dây cót chính là hệ thống biểu tượng trong tác phẩm. Biểu tượng chính là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả. Biểu tượng dày đặc trong tác phẩm làm nên bức màn sương mù mờ ảo thách thức người đọc giải mã.
Biểu tượng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhất chính là chim vặn dây cót. Đây đồng thời cũng là tên tác phẩm. Chim vặn dây cót là con chim chưa từng xuất hiện, không có hình dáng cụ thể, nó chỉ để lại những tiếng kêu như bằng kim khí, nghe như nó đang vặn dây cót đồng hồ. Đó chính là một dấu hiệu của thời gian. Chim vặn dây cót này đã từng xuất hiện trong quá khứ qua trí nhớ của Quế, chàng trai bị câm. Nó cũng xuất hiện trong câu chuyện của bác sĩ thú y trong chiến tranh, trong suy nghĩ của Toru Okada. Đây là biểu tượng của thời gian phi tuyến tính, của quá khứ - hiện tại không phân biệt. Mỗi lần tiếng chim cất lên như tiếng vặn dây cót đồng hồ thì sẽ có những biến cố sắp xảy đến. Nhưng bên cạnh đó, chim vặn dây cót còn là biệt hiệu Toru Okada tự đặt cho mình, xét theo nghĩa này ta có thể thấy đây là biểu tượng cho một con người ở thời đại hậu công nghiệp, bị lập trình sẵn, sống nhưng giống như máy móc, không có sự tự do. Biên niên ký chim vặn dây cót chính là ghi lại ký sự về một con người lạc loài trong cuộc sống lạc lõng, nơi con người không thể cất cao tiếng hót trong trẻo, tươi vui mà chỉ có thể phát ra những tiếng kêu giống như được lập trình, một ngày bắt đầu sống là một ngày được cài đặt sẵn. Con người vô thức sống theo tập thể, vô thức bị lập trình, dần dần bản ngã biến mất. Hành trình còn lại của cuộc đời chính là hành trình đi tìm thứ đã mất.
Trong tác phẩm còn rất nhiều những ký hiệu được mã hóa, những biểu tượng khi ẩn, khi hiện. Kano Malta, biểu tượng của sự bí ẩn; Kano Creta, biểu tượng của dục tính con người; Honda, biểu tượng của khát vọng biết trước mọi thứ, nắm bắt được tương lai con người; Kumiko, biểu tượng của tình yêu, sự tha thứ hay nỗi ám ảnh; Boris lột da, biểu tượng của tội ác chiến tranh; Wataya Noboru, biểu tượng của cái ác, nguyên bản được che đậy bởi mật ngọt, xảo ngôn. Cái giếng cạn nơi Mamiya thời chiến tranh nhìn thấy những điều mặc khải, nơi Toru năm 1984 tìm kiếm để nhận thức lại cuộc đời rối ren, nơi thông với căn phòng 208, nơi Toru quan hệ với hai người đàn bà qua giấc mơ, cũng là nơi kết thúc mọi chuyện. Cái giếng sâu, tối đen thăm thẳm, không có nước, thông với thế giới khác, lắng dịu mọi âm thanh, mọi xô bồ.
Tính dục trong Biên niên ký chim vặn dây cót cũng là một dạng biểu tượng. Tính dục trong tác phẩm này không nhằm câu khách, không phải là một phương tiện mang lại khoái cảm, đồng thời nó cũng không dung tục, cấm kỵ. Sex là một loại quan hệ, một loại ràng buộc con người với cuộc sống nửa thực, nửa ảo. Quan hệ tính giao trong truyện diễn ra giữa Toru với Kano Creta trong giấc mơ, quan hệ cưỡng đoạt giữa Kano Creta với Noboru. Giữa Toru với Creta như một sự chấm dứt kiếp làm điếm xác thịt của Creta, giữa Creta với Noboru là sự tái sinh cái tôi thứ ba của Creta. Cao cả trong thấp hèn. Thiêng liêng với trần tục. Mọi khuất tất trong cuộc sống con người đều được Murakami phơi bày trên trang giấy. Không có gì là tầm thường. Những gì thuộc về con người đều được nhà văn trân trọng. Tính dục trong Biên niên ký chim vặn dây cót giống như một mật mã của sự sống, tác minh, nhận thức.
Về giá trị ngôn từ, Murakami dùng ngôn ngữ tạo ra một thứ văn chương rất riêng, mang đậm phong cách nghệ thuật độc đáo. Thế mạnh của Murakami chính là miêu tả. Truyện của ông đa số đều dùng ngôi thứ nhất để trần thuật. Nhân vật xưng tôi nhìn, cảm nhận thế giới. Văn của ông không lên gân, không mạnh mẽ, vũ bão mà nhẹ nhàng, thư thả, ung dung như nghệ thuật trà đạo, hoa đạo của xứ hoa anh đào. Nhân vật của ông nhìn nhận cuộc sống trọn vẹn, chú ý cả những chi tiết nhỏ: cái nhíu mày, đôi giày, giọng nói, cử chỉ… Với cái nhìn sắc sảo đó, nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót không hời hợt, dửng dưng như vẻ ngoài họ tạo ra. Vẻ ngoài lạnh nhạt chỉ dùng để che dấu nội tâm sôi sục bên trong.
Đối thoại trong Biên niên ký chim vặn dây cót cũng là một loại ngôn từ đáng quan tâm. Đó là loại đối thoại về triết học, cảm giác, những cái tối tăm của hiện thực, những cái phi hiện thực. Đó nhiều khi có thể hiểu là độc thoại, nhân vật nói để bộc lộ mình, không hề chờ đợi câu trả lời của người nghe. Hay thậm chí đối thoại không phải để giải quyết chủ đề mà là liên tục mở ra những chủ đề mới. Giải quyết hư vô này bằng các hư vô khác. Hư vô không đồng thời là vô nghĩa, mà là cách miêu tả cái phi lý của đời sống hiện sinh. Cuộc đời là gì nếu nó không có những điều con người không giải thích được. Như vậy, đối thoại trong tiểu thuyết này có thể xem là một loại ký hiệu.
Nhân vật trong tác phẩm được miêu tả rõ ràng có ngoại hình, quá khứ, tâm lý, biến cố nhưng vẫn là những ẩn số. Ta không thể hiểu hết Toru, Kumiko, Kano Creta dù ta biết rõ cuộc đời họ. Giữ cho nhân vật ở một tầm xa, thấy nhưng không thể chạm, nói chuyện nhưng không thể hiểu, tác giả Murakami đã cho ta thấy những giới hạn trong sự tồn tại của con người, nhận thức là có hạn còn thực tại là vô hạn. Không thể xác tín vào bất cứ điều gì. Chưa bao giờ thế giới tâm hồn con người được mở rộng biên độ ra vô cùng đến thế. Nhưng cũng chưa bao giờ chúng ta nhận ra mình nhỏ bé đến thế. Ngôn ngữ trong tác phẩm cũng vì thế mà không thể phân định đâu là thực, đâu là ảo. Tất cả làm nên bức màn ảo nhòa của ngôn từ, khiến ta thấy hay mặc dù không thể hiểu hết. Đó chính là sức mạnh của thứ văn chương chân chính.
Trong Biên niên ký chim vặn dây cót, nhà văn sử dụng hàng loạt những triết lý như mật mã ngầm giải quyết vấn đề. Triết lý do nhân vật phát ngôn trong lúc kể chuyện, đối thoại. Chính những câu triết lý này làm nên chiều sâu cho tác phẩm, tạo hứng chú cho người đọc. Điểm cuối cùng về giá trị ngôn ngữ của tác phẩm là Murakami đã sử dụng tên nhân vật như một loại ký hiệu: Toru nhận mình là chim vặn dây cót, Kasahara May gọi mình là dân vịt, con mèo lúc đầu tên là Wataya Noboru sau là Cá Thu, chị em Kano Malta, Kano Creta cũng vốn là biệt hiệu. Tên gọi, bản thân nó là một đại tự sự, là một phương tiện nhưng con người vẫn thường nhầm lẫn là quan trọng. Phủ nhận mọi cái tên, trả cho con người bản ngã riêng của chính mình để không bị những giá trị ảo lừa dối phải chăng chính là dụng ý của Murakami khi viết Biên niên ký chim vặn dây cót?
Tác giả: Lương Thị Hoài Tâm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018