Cách mạng công nghiệp 4.0 với nghệ thuật biểu diễn - cơ hội và thách thức

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

1. Cách mạng công nghiệp 4.0

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hình thành dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng của mô hình chưa từng có trong điều kiện kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm, cách chúng ta làm, chúng ta là ai” (1). Cuộc cách mạng lần thứ tư bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của TK XXI, được đặc trưng bởi một loạt các công nghệ mới đang kết hợp thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, ngành công nghiệp và thậm chí là những ý tưởng thách thức về ý nghĩa của việc trở thành con người. Cách mạng 4.0 là sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Đó là các công nghệ internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh… là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau với nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Trung tâm của cuộc cách mạng 4.0 là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật (IoT/ Internet of things).

Cách mạng công nghiệp 4.0 có các đặc điểm chính: Là sự kết hợp của các công nghệ, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là cuộc cách mạng đang thay đổi cách sản xuất và chế tạo máy móc được kết nối với internet và được liên kết với nhau thông qua một hệ thống có thể hình dung toàn bộ quy trình sản xuất và đưa ra quyết định sẽ dần thay thế dây chuyền sản xuất trước đây; Có thể mở ra một kỷ nguyên đầu tư, năng suất và mức sống ngày càng cao. Thành công ứng dụng trong lĩnh vực robot, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D, quá trình tương tác diễn ra nhanh hơn, thuận tiện và chính xác hơn, giúp giảm thiểu quy trình, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải tiến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa; Diễn ra với tốc độ, phạm vi và mức độ tác động chưa từng có trong lịch sử. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển với tốc độ cấp số nhân.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Do đó, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung, phát triển văn hóa, nghệ thuật nói riêng, đặc biệt phát triển công nghiệp văn hóa có trong đó nghệ thuật biểu diễn.

2. Nghệ thuật biểu diễn

Nghệ thuật biểu diễn là hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói, âm thanh, nhạc cụ và sự có mặt của chính nghệ sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng. Nghệ thuật biểu diễn là loại hình nghệ thuật chuyển động đa loại, đa dạng, đa hình, đa âm. Có nhà nghiên cứu còn gọi nghệ thuật biểu diễn là nghệ thuật động, giàu tính thẩm mỹ trực quan, đem lại cho người tiếp cận bằng thị giác, thính giác (nghệ thuật thính thị), tiếp cận dưới góc độ thẩm mỹ. Nghệ thuật biểu diễn là sự thể hiện sáng tạo của nghệ sĩ trước khán giả, là tiếng nói từ trái tim đến trái tim, từ tình cảm đến tình cảm và trở thành một bảo tàng sống của dân tộc.

Nghệ thuật biểu diễn là hoạt động nghệ thuật gắn với vai trò của người biểu diễn. Người biểu diễn đóng vai trò trung tâm chi phối các yếu tố nghệ thuật khác. Thông qua quá trình sáng tạo, từ lúc nghiên cứu tác phẩm đến khi đặt mình trong hoàn cảnh và hành động, đó là quá trình hóa thân của người biểu diễn, dùng tâm hồn, trí tuệ, cơ thể, cảm xúc, hóa vai, nhập vai, hoạt động trong vai kịch, hay thể hiện một ca khúc, một bản nhạc… yếu tố biểu diễn của người nghệ sĩ rất quan trọng. Nghệ thuật biểu diễn gồm các loại hình nghệ thuật phong phú như: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, ảo thuật… Nền nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài với nhiều hình thức đa dạng.

Nghệ thuật biểu diễn là một ngành công nghiệp văn hóa trụ cột trong các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, là một bộ phận trong nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Nghệ thuật biểu diễn là một nội dung quan trọng của văn hóa tinh thần, là sự biểu hiện tinh tế nhất của văn hóa thẩm mỹ. Nó được hình thành và có sức tác động lớn đến tâm hồn, cảm xúc, trí tuệ, tình cảm của con người xã hội. Nghệ thuật biểu diễn chịu sự tác động trực tiếp của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; đồng thời, nghệ thuật biểu diễn cũng là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, khoa học công nghệ. Nghệ thuật biểu diễn có các chức năng quan trọng: giải trí, nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục... định hướng thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống… cho công chúng. Những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn sẽ chuyển tải những thông điệp, giá trị nghệ thuật tới công chúng một cách sâu sắc và hiệu quả.

Các loại hình nghệ thuật biểu diễn có thể chia thành nghệ thuật biểu diễn truyền thống và nghệ thuật biểu diễn đương đại.

Các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống: Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam gồm các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc như: tuồng, chèo, múa rối. Bên cạnh đó là các hình thức sân khấu mới được hình thành cách đây vài trăm năm như: cải lương, ca kịch Huế, ca kịch bài chòi. Sự ra đời của các loại hình sân khấu mới là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Không chỉ vậy, xã hội Việt Nam còn tồn tại nhiều hình thức diễn xướng dân gian của mỗi cộng đồng dân tộc ít người sống trên lãnh thổ Việt Nam trải từ Bắc vào Nam. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống có sức sống bền bỉ trong dân gian và được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua mỗi thế hệ. Nhận thức rõ giá trị và tầm quan trọng đó, Nhà nước đã cho thành lập các đoàn nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật nhằm lưu giữ, biểu diễn phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân. Đồng thời, các nghệ sĩ độc lập cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy và biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Các loại hình nghệ thuật biểu diễn đương đại: Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các hình thức nghệ thuật biểu diễn có nguồn gốc từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam như: kịch nói, vũ kịch, nhạc kịch, xiếc, tạp kỹ, múa đương đại... đã được công chúng đón nhận. Nhiều tác phẩm kinh điển của kho tàng sân khấu thế giới được giới thiệu vào Việt Nam với các tên tuổi lớn: Shakespeare (Anh), Moliere, V.Hugo (Pháp), Sinler (Đức)… Với loại hình kịch nói phát triển cả chính kịch, bi kịch và hài kịch (2). Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm, vở diễn thuộc các loại hình sân khấu khác nhau ra đời. Đặc biệt, trong những năm gần đây còn xuất hiện một số loại hình nghệ thuật biểu diễn đương đại mới như: nhạc dân gian điện tử, sân khấu thực cảnh. Nhạc dân gian điện tử là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc điện tử. Sân khấu thực cảnh là loại hình nghệ thuật biểu diễn được thực hiện trên nền cảnh quan thực tế và thường là sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi… hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa. Đây là hình thức nghệ thuật sử dụng hoàn toàn chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại như âm thanh, ánh sáng, hệ thống bàn nâng công nghệ cao với nhiều phương thức, đạo cụ đặc biệt.

Sân khấu ca nhạc hiện nay đang chiếm ưu thế. Nếu trước đây, dòng nhạc cách mạng được đề cao, thì ngày nay, cuộc sống đương đại đòi hỏi những dòng nhạc mới đáp ứng thế giới tâm hồn phức tạp, đa thanh của công chúng hiện đại. Hoạt động sáng tác, biểu diễn, sản xuất, kinh doanh chú ý đến mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi, học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi, từ thành thị đến nông thôn… Đây là lý do xuất hiện các dòng nhạc thị trường, nhưng sự tồn tại của dòng nhạc này không được lâu. Đối tượng thưởng thức dòng nhạc này phần lớn là giới trẻ. Đặc biệt, những năm cuối TK XX và đầu TK XXI, do ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài vào Việt Nam nên đã hình thành các dòng nhạc mang hơi thở thời đại trên nền tảng tiếp biến các dòng nhạc thế giới, trong đó, có các dòng nhạc mang tính toàn cầu như: Pop, Rap, Jazz… Nhờ đó mà xuất hiện các ban, nhóm nhạc được thành lập bởi các bạn trẻ, hướng tới phục vụ giới trẻ.

Trên cơ sở của sự xuất hiện và tồn tại các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hiện đại, hiện nay, nghệ thuật biểu diễn do các đơn vị công lập và các công ty trách nhiệm hữu hạn, các ban nhạc, nghệ sĩ độc lập… biểu diễn. Mỗi đơn vị/ tổ chức nghệ thuật có đặc thù riêng, nhưng mục đích đều hướng tới giữ gìn, phát huy, lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật biểu diễn trong nước cũng như quốc tế đến với công chúng; nâng tầm nghệ thuật biểu diễn của nước nhà, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, hướng tới “mục tiêu đến năm 2030, ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD” (3).

Theo Báo cáo, số 34/BC-BVHTTDL ngày 9-3-2021 về kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VHTTDL, về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: năm 2017, tổ chức hơn 2.851 buổi biểu diễn (trong đó 213 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo), phục vụ tổng số hơn 1.418.300 lượt người xem. Doanh thu bán vé khoảng hơn 72 tỷ đồng. Năm 2018, tổ chức 2.118 buổi biểu diễn; doanh thu bán vé hơn 104 tỷ đồng. Năm 2019, các đoàn nghệ thuật ở Trung ương đã tổ chức dàn dựng 40 chương trình, 3.398 buổi biểu diễn (trong đó có 652 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn bán vé đạt 72,5 tỷ đồng. Các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã tổ chức dàn dựng 167 chương trình, 7.049 buổi biểu diễn (trong đó 3.065 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), 7.023.646 lượt người xem; kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt gần 38 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã cấp 162 giấy phép cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật trung ương trên toàn quốc; 193 giấy phép (340 lượt nghệ sĩ) cho nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật; cấp phép 53 đoàn nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật và 9 đoàn nghệ thuật trong nước ra nước ngoài tham gia biểu diễn; 2 giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc gia. Năm 2020, tổng số các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước là 124 đoàn (trong đó có 12 đoàn nghệ thuật trung ương, 106 đoàn nghệ thuật địa phương, 12 đoàn nghệ thuật do các Bộ khác quản lý). Tổng số vở diễn sân khấu, chương trình ca múa nhạc và công diễn là 837 (trong đó 299 chương trình của đơn vị nghệ thuật Trung ương, 538 chương trình của đơn vị nghệ thuật địa phương); tổ chức 6 cuộc thi, liên hoan biểu diễn nghệ thuật. Tổng số buổi biểu diễn là 3.749 buổi (1.249 buổi do đơn vị nghệ thuật trung ương và 2.500 buổi do đơn vị nghệ thuật địa phương thực hiện) (4).

3. Cơ hội

Trong thời đại giao lưu hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động to lớn trực tiếp và gián tiếp đối với nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Trước xu thế này, ngày 11-9-2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo khoa học Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Việc tổ chức hội thảo đã cho thấy sự quan tâm của Bộ VHTTDL cũng như các nhà quản lý để lắng nghe ý kiến của các nghệ sĩ, đơn vị/ tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trao đổi, thống nhất tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng tới nền nghệ thuật biểu diễn tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Hội thảo, NSND Nguyễn Quang Vinh (lúc đó là Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn), đã khẳng định: “Nếu nghệ thuật chỉ đơn thuần, thô ráp, không tận dụng được những ứng dụng của công nghệ thì sức hấp dẫn cũng giảm đi rất nhiều. Song, cũng không nên quá phụ thuộc vào công nghệ, bởi nghệ thuật số có thế giới riêng và đối tượng riêng để hưởng thụ. Vậy thì, cái đích hướng tới là cố gắng tận dụng công nghệ để tạo hiệu quả cho sản phẩm của mình, chứ không phải chuyển đổi từ nghệ thuật truyền thống sang nghệ thuật số. Và yếu tố con người là quan trọng, bên cạnh sử dụng công nghệ đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng” (5). Như vậy, có thể thấy những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam nói riêng là rất lớn. Làm thế nào để tận dụng những cơ hội, vượt qua những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ then chốt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết và chiến lược đã được Đảng và Chính phủ thông qua.

Có thể thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra một số cơ hội đối với nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đưa công nghệ số vào các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, sân khấu… để tạo hiệu ứng, nâng cao hiệu quả trong quá trình sáng tạo, sản xuất, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đã tạo những đột phá, thổi luồng gió mới vào nghệ thuật biểu diễn; làm cho nghệ thuật biểu diễn đương đại trở nên đa âm sắc, đa loại hình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, đặc biệt của giới trẻ.

Thứ hai, thể nghiệm một số tác phẩm nghệ thuật. Công nghệ âm thanh, ánh sáng, internet… đã giúp nghệ sĩ sáng tạo và thể nghiệm các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mới, góp phần làm đa dạng sản phẩm và thị trường nghệ thuật biểu diễn. Ví dụ, sân khấu thể nghiệm, đưa điện ảnh vào sân khấu, sân khấu thực cảnh… Những thể nghiệm trong nghệ thuật biểu diễn là xung lực giúp nghệ thuật biểu diễn nước nhà giao lưu, hội nhập và phát triển.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn. Xu hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và công nghệ đã giúp nghệ sĩ sáng tạo, sản xuất, trình diễn/ biểu diễn những tác phẩm hoàn toàn mới, thử nghiệm, phá cách, tiên phong… đồng thời, cũng nâng tầm các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn theo xu thế hiện nay trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh việc sáng tạo, biểu diễn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, sử dụng chất liệu nghệ thuật truyền thống, cần có những thể nghiệm, sự kết hợp mới để hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn.

Thứ tư, tạo những trải nghiệm mới cho khán thính giả. Thay vì những sân khấu biểu diễn truyền thống như trước đây, công nghệ đã giúp dàn dựng những sân khấu hoành tráng, tạo hiệu ứng tâm thanh, hình ảnh (visual effect), đặc biệt, đối với những sân khấu ca nhạc, sân khấu thực cảnh. Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống, thay vì những lúc tắt đèn sân khấu để chuyển cảnh, trang trí lại sân khấu, có thể trình chiếu những hình ảnh thay thế, tạo trải nghiệm mới cho khán giả. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, song việc làm mới, tạo những trải nghiệm mới cho khán giả là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

4. Thách thức

Bên cạnh những cơ hội to lớn do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, không thể không tính đến một số thách thức nhất định:

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu trang bị, sử dụng/ ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn. Cần phải có sự đầu tư xứng tầm cho nghệ thuật biểu diễn, trong khi nguồn lực tài chính của chúng ta còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc làm chủ công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn cũng là bài toán cần sớm có lời giải.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, sáng tạo song song với nhân lực công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, vì trong bối cảnh nào nguồn nhân lực cũng đều đóng vai trò chủ đạo, hết sức quan trọng.

Thứ ba, sử dụng công nghệ để tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng cho nghệ thuật biểu diễn, tránh chuyển đổi từ nghệ thuật biểu diễn sang nghệ thuật số một cách cứng nhắc, đặc biệt đối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ để có những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn có giá trị, ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần quảng bá và phát triển nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh sản phẩm và thị trường nghệ thuật biểu diễn phát triển nhanh chóng như hiện nay.

5. Một số giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nghệ thuật biểu diễn. “Cần xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó cần có sự hài hòa, đồng bộ giữa đào tạo nhân lực sáng tác, biểu diễn với đội ngũ ứng dụng công nghệ cung cấp các dịch vụ liên quan để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ văn hóa về biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ hội để nghệ sĩ được tiếp cận các nền biểu diễn nghệ thuật tiên tiến. Đồng thời cũng cần lựa chọn ứng dụng công nghệ để phù hợp với từng loại hình biểu diễn, đặc biệt là việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống” (6). Kết hợp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và đào tạo ở nước ngoài.

Thứ hai, đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt nguồn tài chính để mua sắm trang thiết bị, nền tảng công nghệ phục vụ cho sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật. Nhà nước cần đầu tư những chương trình trọng điểm, kết hợp với xã hội hóa.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện chiến lược, đề án phát triển nghệ thuật biểu diễn nói chung, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển nghệ thuật biểu diễn nói riêng nhằm tận dụng và hội nhập xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.

______________

1. Schwab, K., The Fourth Industrial Revolution (Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư), weforum.org.

2. Từ Thị Loan, Nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay, vanhoanghethuat.vn, 15-11-2021.

3. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tr.3.

4. Bộ VHTTDL, Báo cáo, số 34/BC-BVHTTDL ngày 9-3-2021 về Kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Hương Sen, Nghệ thuật biểu diễn thời Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chú trọng yếu tố con người, daibieunhandan.vn, 12-9-2019.

6. Hiền Lương, Ngọc Nhiên, Ứng dụng công nghiệp 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn: Ai cũng mong nhưng còn “nghèo quá”, baovanhoa.vn, 13-9-2019.

Ths PHẠM NGỌC KHUÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;