CÁCH SỬ DỤNG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ TRONG TÍT BÁO THỂ THAO

Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, hoạt động thông tin tuyên truyền nói chung và báo chí nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bằng việc đăng tải các bài viết, tin tức thuộc nhiều lĩnh vực xã hội trong và ngoài nước, báo chí không chỉ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, mà còn góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần của nhân dân.

Các báo thể thao Việt Nam hiện nay luôn chiếm được sự quan tâm của đông đảo độc giả và ngày càng đa dạng về cả số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, trên các báo thể thao, nhiều từ ngữ mới, cách sử dụng từ, cách diễn đạt sáng tạo ra đời. Trong các tác phẩm báo chí, tít báo hay còn gọi là tiêu đề, là một yếu tố quan trọng, thâu tóm cô đọng nội dung chính của bài báo và cũng là yếu tố tạo nên sự chú ý, thu hút bạn đọc. Đây là một bộ phận hữu cơ trong cấu trúc tổng thể của một bài báo, là đơn vị ngôn ngữ trực tiếp tham gia vào hoạt động xã hội với vai trò phản ánh tư tưởng. Đặt tít báo sao cho hay, hấp dẫn, bám sát nội dung của bài viết là một vấn đề người cầm bút luôn đặt ra cho mình. Thành ngữ, tục ngữ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động. Đó là những lời nói ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh, là sự kết tinh kinh nghiệm, lối sống và tinh hoa văn hóa của dân tộc. Kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, sinh động. Khi nói, khi viết biết vận dụng tri thức vốn có của dân tộc và biết sáng tạo thêm những thành ngữ, tục ngữ mới là cách thiết thực góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong việc đặt tít báo là một xu thế của báo chí nói chung và của các báo về thể thao nói riêng. Bằng cách đặt tít này, những bài viết trên các báo thể thao Việt Nam vừa mang phong cách hiện đại, vừa dí dỏm, hàm súc, gây ấn tượng cho người đọc.

Tìm hiểu cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ trên các báo thể thao Việt Nam năm 2009, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào bốn loại báo thể thao được phát hành với số lượng lớn để khảo sát, đó là Thể thao Việt Nam (TTVN), Thể thao thành phố Hồ Chí Minh (TTHCM), Thể thao và Văn hóa (TT&VH), Bóng đá (BĐ). Đồng thời, chúng tôi cũng căn cứ vào cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (1) làm cơ sở đối chiếu, so sánh để rút ra những cách đặt tít báo hiện nay. Khảo sát cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong các tít báo thể thao Việt Nam năm 2009, chúng tôi đã tìm hiểu hơn 810 số báo thể thao trong năm 2009, thống kê được 447 tít báo có sử dụng thành ngữ, tục ngữ. 447 tít báo này được chúng tôi xem xét trên hai bình diện: hình thức và nội dung.

 

1. Về mặt hình thức

Xét về mặt hình thức, các thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trên báo chí chủ yếu ở hai dạng thức là giữ nguyên dạng thành ngữ, tục ngữ gốc hoặc được sáng tạo (cải biên). Các thành ngữ, tục ngữ được cải biên trong các tít báo này thường xuất hiện ở dạng: hoán đổi vị trí các yếu tố, cải biên các yếu tố như mở rộng cấu trúc, thay yếu tố cũ bằng yếu tố mới, thêm yếu tố mới và lược bớt các yếu tố. Bằng cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong các tít báo, người viết đã tạo ra cách nói hàm súc, gây bất ngờ, hứng thú với bạn đọc.

Hình thức của thành ngữ, tục ngữ

 

trong tít báo được sử dụng

 

Số lượng

 

Tỉ lệ

 

%

Nguyên dạng

237

53

Sáng tạo

Hoán đổi vị trí các yếu tố

13

2,9

Cải biên các yếu tố

Mở rộng cấu trúc

24

5,3

Thay thế yếu tố cũ bằng yếu tố mới

87

19,4

 

Thêm yếu tố mới

22

4,9

Lược bớt các yếu tố

64

14,3

 

Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, những thành ngữ, tục ngữ được giữ nguyên dạng chủ yếu là thành ngữ, tục ngữ bốn yếu tố chiếm 72,15%. Những thành ngữ, tục ngữ này ngắn gọn về hình thức, hàm súc về nội dung và có vần, có nhịp. Các yếu tố của thành ngữ, tục ngữ kết hợp chặt chẽ theo những mô hình nhất định, có tính cặp đôi, đối ngẫu trong cấu trúc từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ âm. Người viết có thể vận dụng thành ngữ, tục ngữ 4 tiếng theo 8 mô hình sau:

Động từ - danh từ + động từ - danh từ: Ném bóng giấu tay (BĐ, số 324).

Danh từ - danh từ + danh từ - danh từ: Chén anh, chén chú (BĐ, 31).

Danh từ - tính từ + danh từ - tính từ: Cây cao bóng cả (BĐ, 47).

Danh từ - động từ + danh từ - động từ: Cốc mò cò xơi (BĐ, 161).

Động từ - tính từ + động từ - tính từ: Nhìn xa, trông rộng (TT&VH, 260).

Tính từ - danh từ + tính từ - danh từ: Thấp cổ, bé họng (BĐ, 178).

Danh từ - đại từ + danh từ - đại từ: Tiền nào của nấy (BĐ, 202).

Tính từ - động từ + tính từ - động từ: Cao chạy xa bay (BĐ, 30).

Thành ngữ, tục ngữ trong tít báo được sử dụng sáng tạo bằng cách hoán đổi vị trí các yếu tố, cải biên các yếu tố thông qua việc mở rộng cấu trúc, thay thế yếu tố cũ bằng yếu tố mới, thêm yếu tố mới và lược bớt các yếu tố. Sáng tạo trong cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ trên tít báo tạo ra cách chơi chữ, cách truyền tải thông tin cô đúc, ngắn gọn, hấp dẫn, thể hiện phong cách riêng của mỗi cây bút.

Ở trường hợp tít báo sử dụng thành ngữ, tục ngữ hoán đổi vị trí các yếu tố, số lượng các yếu tố trong thành ngữ, tục ngữ vẫn được giữ nguyên dạng, chỉ có vị trí của chúng trong cấu trúc được sắp xếp lại. Sự hoán đổi vị trí các yếu tố thường chỉ gặp trong các thành ngữ, tục ngữ bốn yếu tố có cấu trúc đối ngẫu cặp đôi (tức là có hai vế tương ứng). Đó có thể là sự hoán đổi vị trí của các cặp yếu tố: Cân tài/cân sứcà Cân sức/cân tài (TT&VH, 38); mà cũng có thể là sự hoán đổi vị trí của từng yếu tố đơn lẻ: Bình cũ/rượu mới à Bình mới/rượu cũ (TTVN, 3), Khôn nhà/dại chợ à Khôn chợ/dại nhà (TT&VH, 33). Khi cải biên các thành ngữ, tục ngữ bằng cách hoán đổi vị trí các yếu tố sẽ tạo ra sự thay đổi về nghĩa. Ví dụ câu tục ngữ Cá lớn nuốt cá bé nhằm diễn tả kẻ mạnh (cá lớn) hà hiếp kẻ yếu (cá bé), người trên áp bức người dưới. Nhưng khi giao hoán vị trí 2 yếu tố lớn cho nhau thành Cá bé… nuốt cá lớn (BĐ, 286) thì nghĩa câu tục ngữ đã hoàn toàn thay đổi, kẻ dưới lại có thể áp đảo kẻ trên.

Bên cạnh việc hoán đổi vị trí các yếu tố trong thành ngữ, tục ngữ, nhiều tít báo thể thao Việt Nam còn sử dụng biện pháp cải biên các yếu tố. Người viết đã mở rộng cấu trúc câu tục ngữ, thành ngữ bằng cách giữ lại tất cả yếu tố gốc, rồi thêm các yếu tố mới: Tấm huy chương đồng quý như vàng (TTVN, 120), Lotito giận quá mất khôn (TTHCM, 291), Nguyễn Tiến Minh đã hết khôn nhà dại chợ (TT&VH, 257). Bằng việc mở rộng cấu trúc của thành ngữ, tục ngữ gốc, các tít báo có khả năng truyền tải nhiều nội dung thông tin hơn, nêu rõ chủ đề, thái độ của người viết so với các tít báo chỉ sử dụng thành ngữ, tục ngữ ở nguyên dạng.

Thay thế yếu tố cũ bằng yếu tố mới cũng là cách nhà báo tạo ra những tít có sức lôi cuốn, tạo nên sự chú ý ở người đọc. Dựa trên các mô hình đã có sẵn từ thành ngữ, tục ngữ gốc, người viết đã lược bớt yếu tố cũ và thay thế bằng yếu tố mới, rồi kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các yếu tố gốc với các yếu tố mới. Các từ trong thành ngữ, tục ngữ được thay thế nằm trong những trường hợp đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc cùng trường nghĩa như: thành ngữ gốc đền ơn, trả nghĩa à thành ngữ cải biên: đền ơn, đáp nghĩa (BĐ, 27); của chồng công vợ à của chàng, công nàng (BĐ, 59). Yếu tố mới có thể là những biến thể từ ngữ từ yếu tố cũ: tan đàn, sẩy nghé à tan đàn, xẻ nghé (BĐ, 115). Ngoài ra, yếu tố mới lại có thể là từ trái nghĩa với yếu tố cũ trong thành ngữ, tục ngữ gốc: bình cũ, rượu mớià bình cũ, rượu cũ (BĐ, 189), bình mới, rượu mới (BĐ, 224).

Một số tác giả còn thêm yếu tố mới vào thành ngữ, tục ngữ gốc để đặt tít báo. Bằng cách chèn thêm từ, phá vỡ cấu trúc, nhà báo muốn nhấn mạnh, cụ thể hóa nội dung hoặc thể hiện hành động, trạng thái được lặp đi lặp lại nhiều lần theo một chu kỳ nhất định: Cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt (BĐ, 153); Gà nhà vẫn đá nhau (BĐ, 310). Ngoài ra, người viết còn muốn lồng ghép quan điểm, thái độ, nhận xét qua các từ ngữ có sắc thái đánh giá mang tính cường điệu: Chưa leo cao thì chưa ngã đau (TT&VH, 339); Không điếc, vẫn chẳng sợ súng (BĐ, 147).

Một cách khác trong việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ là lược bớt các yếu tố, tạo nên hiệu quả trong giao tiếp và khiến tít báo trở nên ngắn gọn. Người viết không đưa thêm bất kỳ yếu tố mới nào vào trong cấu trúc gốc, mà bớt đi một bộ phận (thường là một vế) của thành ngữ, tục ngữ gốc. Tít báo có thể sử dụng vế đầu của thành ngữ, tục ngữ gốc và thường bỏ lửng bằng dấu … ở cuối, tạo nên sự gợi mở cho người đọc: Đầu xuôi… (BĐ, 37), Kẻ ăn không hết… (BĐ, 177), hoặc sử dụng vế sau của thành ngữ, tục ngữ gốc, thường nhằm mục đích nhấn mạnh vào kết quả: Mỗi nhà, mỗi cảnh (BĐ, 51), Ngựa hay (TTHCM, 42).

 

2. Về mặt nội dung

Qua quá trình khảo sát, chúng tôi còn thấy giữa các tít báo có sử dụng thành ngữ, tục ngữ với những sự kiện thể thao có một sự tương thích nhất định. Các sự kiện thể thao thường mang tính chiến đấu, tính quyết liệt, tính đối kháng và chứa đựng những nét đẹp ẩn tàng trong các cuộc đua tài thể thao. Những sự kiện thể thao này rất gần gũi với các cuộc đọ sức, thậm chí mang màu sắc quân sự, chiến tranh... được thể hiện rõ nét qua một số tít báo như: Binh hùng tướng mạnh (TTVN, 141), Huynh đệ tương tàn (TTVN, 144), Đổi chủ khó đổi vận (TTVN, 141)… Như vậy, trước một số sự kiện thể thao, nhà báo có thể tận dụng vốn thành ngữ, tục ngữ của dân tộc để lựa chọn và có thể sử dụng sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ ấy sao cho phù hợp với nội dung cần phản ánh trong tít báo. Do vậy, nếu nhà báo biết vận dụng thành ngữ, tục ngữ một cách thích hợp với sự kiện thể thao đó thì bài viết sẽ trở nên độc đáo, cô đọng, đắt hơn so với cách sử dụng các tổ hợp thông thường.

Bên cạnh đó, ý tưởng, tình cảm, thái độ của người viết không thể hiện hoàn toàn trên bề mặt câu chữ mà đôi khi được thể hiện qua hàm ý, đó là những thông tin ngoài lời. Muốn hiểu được nghĩa của hàm ý thì cần phải thông qua thao tác suy ý, hay còn được gọi là nghĩa ngoài câu chữ. Hàm ý của diễn ngôn tít báo thể hiện thái độ, quan điểm của nhà báo đối với sự kiện, đồng thời còn mang mục đích chia sẻ, tác động nhất định tới độc giả bằng chính kiến của tác giả. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy đa số các tít báo thể thao sử dụng thành ngữ, tục ngữ thường chứa hàm ý phê phán, cảnh báo ngầm là chủ yếu. Những tít báo này thường đề cập đến những vấn đề nổi cộm, những tệ nạn xã hội, những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm những quy tắc, chuẩn mực xã hội diễn ra trong thể thao.

Tít báo mang hàm ý chia sẻ, đồng tình như: Đường dài mới biết ngựa hay (BĐ, 30), Hạnh phúc là con dao hai lưỡi (TT&VH, 323). Trước chiến thắng xứng đáng của một đội tuyển, nhà báo muốn thể hiện hàm ý chia sẻ niềm vui ngay ở tít báo như: Cầu được ước thấy (BĐ, 28). Hay đôi khi là những chia sẻ, nhận định trước trận đấu, thể hiện sự kỳ vọng, mong đợi những điều tốt đẹp sẽ đến như: Gieo mơ ước, gặt phép màu. Bên cạnh những tít báo chia sẻ niềm vui, các tít báo chia sẻ nỗi buồn, niềm thất vọng cũng xuất hiện khá nhiều như: Mỗi nhà, mỗi cảnh (BĐ, 51), Gương lành lại… vỡ (BĐ, 57), Lắm mối tối nằm không (BĐ, 127). Ở những tít báo này, người viết đã thể hiện hàm ý chia sẻ một cách khéo léo thông qua việc vận dụng những câu thành ngữ, tục ngữ vốn mang tính chân lÝ. Điều này tạo nên sự đồng cảm, chia sẻ một cách thuyết phục hơn so với cách nói thông thường.

 

Tít báo mang hàm ý phản đối, phê phán như: Sân Vinh, nơi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược (TT&VH, 69), Chân không cứng đá chẳng mềm (BĐ, 4), Trong nhà đã khổ, ngoài ngõ cũng phiền (BĐ, 61). Các tít báo mang hàm ý phản đối, phê phán thường đề cập đến những vấn đề nổi cộm, bế tắc, bất cập, đồng thời thể hiện nhận định, đánh giá về sự vô lý, bất thường của hành vi, hiện tượng, sự tình.

Tít báo mang hàm ý tác động, khuyên bảo như: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng! (BĐ, 36), Còn nước, phải tát (BĐ, 148), Không phải lúc đếm cua trong lỗ (BĐ, 358). Hàm ý tác động là hành động mượn lời, dùng lời để gây phản ứng, thường xuất hiện ở những tít báo mang hành động mệnh lệnh, yêu cầu, kiến nghị...

Thông qua những tít báo sử dụng sáng tạo thành ngữ, tục ngữ, nhà báo có khả năng tác động đến ý thức, suy nghĩ của người đọc rất lớn. Những hàm ý này dường như là một lời cảnh báo trước những sự kiện bất cập của thể thao. Những tít báo này không chỉ tác động đến độc giả nói chung, mà còn tác động đến những người trong cuộc như huấn luyện viên, ban tổ chức hay vận động viên trước giờ thi đấu, để từ đó có những phương án thay đổi cho phù hợp.

Qua 447 tít báo có sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong các thể thao Việt Nam năm 2009, chúng tôi nhận thấy vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong cách đặt tít báo đang là xu hướng của báo chí hiện nay. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ một cách sáng tạo qua việc cải biên về mặt nào đó đã góp phần làm tăng tính hiệu quả khi giao tiếp. Những biến thể của các câu thành ngữ, tục ngữ trên tít báo không phải chỉ là kết quả của sự bông đùa, hài hước mà còn chứa đựng những giá trị riêng. Hàm ý trong những tít báo có sử dụng thành ngữ, tục ngữ đa phần là phê phán, châm biếm những hiện tượng còn thiếu lành mạnh trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao. Bằng cách đặt tên tít báo như vậy, báo chí đã trau dồi tư duy phê phán ở bạn đọc, hình thành văn hóa thể thao trong thi đấu, trong thưởng thức thể thao và đồng thời góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

_______________

              1. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Nguyễn Liên Hương

;