Hải Dương: Nhìn lại 15 năm triển khai Chỉ thị 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Nhìn lại chặng đường 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chương trình hành động của tỉnh, có thể nói, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Hải Dương đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Ngay sau khi Chỉ thị số 49-CT/TW (Chỉ thị số 49) ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng Gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (trước đây) là đơn vị đầu tiên thực hiện và triển khai Chỉ thị này đã tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 49 trong toàn tỉnh, Ngày 01/7/2005, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 41- CTr/TU; Ngày 14/3/2006 UBND tỉnh cũng có Chương trình hành động số 208/CTr-UBND bám sát các mục tiêu của Chỉ thị số 49 và Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa các nội dung, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Chỉ thị số 49 thành chương trình kế hoạch chung của tỉnh về thực hiện công tác gia đình.

Qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 49, công tác gia đình ở Hải Dương đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình, công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống gia đình được gìn giữ và phát huy; các kiến thức, kỹ năng, cách ứng xử trong gia đình được đề cao; nhiều gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo; các mô hình, điển hình tiêu biểu được nhân rộng; tình trạng bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm, vai trò của người phụ nữ được đề cao, công tác chăm sóc cho người cao tuổi được quan tâm, trẻ em được chăm sóc và giáo dục, ngày càng nhiều gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống; các hủ tục, tập quán lạc hậu  trong hôn nhân và gia đình từng bước được xóa bỏ.

Kết quả đạt được

- Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã các định rõ vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện được quan tâm thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình, từ đó xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình đạt hiệu quả. Tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút sự tham gia của 238.000 người (năm 2009) và 215.000 người (năm 2014) (hai cuộc thi đều được 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 66 cơ quan, đơn vị tham gia); biên soạn và phát hành được 5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, 2.500 cuốn “Hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”; in 6.025 tờ poster, 25.725 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; 26.640 tờ rơi tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phát cho các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; in 1.540 tập kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình làm tư liệu sinh hoạt cho các CLB tại các cơ sở. Thường xuyên có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình được đề cao. Các tệ nạn xã hội dần không còn chỗ đứng. Tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng giảm. Vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tạo được niềm tin đối với nhân dân trong việc tiến tới thực hiện công bằng trong công tác gia đình.

- Quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức trong gia đình. Thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hoạt động cho các mô hình các giải pháp can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình; mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; chương trình giáo dục đời sống gia đình. Đến nay, đối với cấp tỉnh, số đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình tăng từ 0 đơn vị năm 2005 lên 27 đơn vị năm 2019; số đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình tăng từ 0 đơn vị năm 2005 lên 2 đơn vị năm 2019; số đơn vị cung cấp dịch vụ nhận con nuôi tăng từ 0 đơn vị năm 2005 lên 2 đơn vị năm 2019. Đối với cấp huyện, số đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình tăng từ 0 đơn vị năm 2005 lên 235 đơn vị năm 2019; số đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc tăng từ 21 đơn vị năm 2005 lên 255 đơn vị năm 2019; số đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực  gia đình tăng từ 0 đơn vị lên 235 đơn vị năm 2019…

- Quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, tiêu biểu có các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, hoạt động khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ vay phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục duy trì đạt hiệu quả. Trong 15 năm, đã có 183.333 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp, trong đó có 30.965 hộ thoát nghèo. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, tạo động lực để nông dân sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm giàu chính đáng.

- Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã triển khai thực hiện công tác gia đình lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", góp phần tích cực vào công tác xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng làng, khu dân cư văn hóa. MTTQ các cấp đã tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về gia đình nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Báo Hải Dương mở các chuyên trang, chuyên mục về gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác gia đình, phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm nhân các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở VHTTDL mở chuyên mục Nếp sống văn hóa và gia đình, Tạp chí Gia đình, tuyên truyền, phản ánh các hoạt động về lĩnh vực gia đình, tổ chức Game show “Gia đình yêu thương” năm 2020 tạo sân chơi bổ ích, sự gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai, phổ biến các văn bản của Trung ương về chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức tập huấn, xây dựng chiến dịch truyền  thông, phối hợp tổ chức các hội thảo về phòng, chống bạo lực gia đình, dân số - kế hoạch hóa gia đình, các hội diễn, hội thi về mâm cơm dinh dưỡng, thi nữ công gia chánh, hội nghị biểu dương công nhân lao động xuất sắc hàng năm... Sở Tư pháp gắn nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ vào kế hoạch công tác ngành và chỉ đạo hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt công tác tư vấn, hòa giải can thiệp phòng, chống BLGĐ, phê duyệt các hương ước, quy ước của các làng, khu dân cư để không trái với luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc việc đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài. Tổ chức tốt các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức tốt hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở. Sở Lao động Thương binh & Xã hội thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách, tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 3211/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 về việc phê duyệt ban hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch hành động số 3002/KH-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Hải Dương về Bình đẳng giới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 -2020 và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

- Công tác triển khai chiến lược và chương trình mục tiêu về công tác gia đình được tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án cụ thể. Thực hiện chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình và Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh (nay là Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH) ban hành kế hoạch số 44/KH- BCĐ về việc Triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, triển khai mô hình điểm tại xã Thượng Đạt và xã An Châu (thành phố Hải Dương). Sau 1 năm triển khai, nhận thấy hiệu quả đạt được từ mô hình mang lại, năm 2011, Sở VHTTDL đã nhân rộng 6 mô hình tại các xã (xã Liên Hòa, huyện Kim Thành; xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc; xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà; xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang; thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn và phường Văn An, thị xã Chí Linh) mỗi mô hình gồm 05 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững. Những năm tiếp theo, Sở VHTTDL tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã để hướng dẫn các địa phương nhân rộng mô hình. Đến năm 2019, đã nhân rộng trên 90% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình. Lồng ghép nội dung chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình với việc thực hiện 5 nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp. Thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, giai đoạn 2012- 2016, Hải Dương đã được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) hỗ trợ dự án Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2012-2016. Đây là điều kiện thuận lợi cả về nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm để triển khai công tác PCBLGĐ giai đoạn tiếp theo. Bằng nguồn kinh phí của dự án (2 tỷ đồng), Sở VHTTDL đã tổ chức được 10 cuộc tập huấn về PCBLGĐ, tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình của UBND tỉnh Hải Dương... Đến nay, công tác phòng, chống bạo lực gia đình  và hoạt động của các mô hình điểm đã góp phần mang lại những kết quả rõ rệt. Tình trạng bạo lực gia đình trong tỉnh đã giảm dần theo các năm: năm 2010 là 361 vụ, năm 2018 giảm xuống còn 78 vụ, năm 2019 giảm xuống còn 39 vụ bạo lực gia đình.

Những khó khăn, vướng mắc

- Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình thay đổi thường xuyên nhất là ở cấp xã. Đa số cán bộ làm công tác gia đình chưa được đào tạo chuyên ngành về gia đình và phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Công tác tham mưu, định hướng chiến lược, dự báo tác động đối với lĩnh vực còn hạn chế.

- Công tác thu thập dữ liệu, tổng hợp báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2017 của Bộ VHTTDL  chưa được đầy đủ do cán bộ ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều đầu việc và luân chuyển thường xuyên.

- Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở chưa được  thường xuyên, liên tục. Nhận thức và vai trò trách nhiệm ở một số cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình còn hạn chế; Trên địa bàn tỉnh còn xảy ra một số vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng; sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về phương pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.

- Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao thiếu dẫn đến trang thiết bị còn hạn chế, hiệu quả hoạt động tuyên truyền chưa cao.

Giải pháp nâng cao hiệu quả “Xây dựng Gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong giai đoạn tới

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác gia đình. Công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các huyện, thành phố.

- Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan; những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình.

- Đẩy mạnh việc giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình những chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Thực hiện các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là các  gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, đề cao tính chủ động và trách nhiệm tham gia của từng ngành, lĩnh vực đối với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác, việc hỗ trợ, xây dựng, phát triển gia đình, việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, đoàn thể, địa phương.

- Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình. 

 

Tác giả: Phạm Văn Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;