Một trong những điểm thú vị của bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới là luôn có hơn một cách hoặc nhiều cách để diễn đạt về một vấn đề, một nội dung. Những cách diễn đạt khác nhau này vừa có sự tương đồng, vừa có những khác biệt đôi khi rất tinh tế mà nếu không để ý kỹ, dù cho người bản ngữ cũng khó lòng nhận ra. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về các từ ngữ bày tỏ thái độ khen ngợi hình thức một người phụ nữ.
Hai đơn vị từ thông dụng nhất có lẽ chính là xinh và đẹp. Vậy khi nào thì chúng ta khen một cô gái xinh và khi nào khen một cô gái đẹp? Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), xinh được định nghĩa là: “có hình dáng và những đường nét dễ coi, ưa nhìn, thường nói về trẻ em hoặc người trẻ tuổi”, xinh cũng thường dùng để miêu tả những dáng vẻ nhỏ nhắn, thanh thoát: Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh (ca dao). Từ việc miêu tả, nhận xét một cô gái xinh, người Việt cũng có thể nói: một ngôi nhà xinh, chiếc bút xinh, cái đồng hồ xinh xinh… Chắc chắn không ai nói: tòa nhà xinh xinh (!) hay công trình thủy điện xinh xinh (!)…
Khác với xinh, đẹp có một sức khái quát lớn hơn. Đẹp không chỉ dùng để miêu tả hình thức bên ngoài mà còn dùng để diễn tả phẩm chất, nội dung, tinh thần. Người Việt vẫn thường có những cách nói: Văn chương hướng đến cái đẹp, Chân - Thiện - Mỹ thuộc về cái đẹp. Cái đẹp đã trở thành một khái niệm, một phạm trù có sức bao quát, dễ dàng đi vào các câu danh ngôn, chẳng hạn: Cái đẹp không nằm trên má hồng người thiếu nữ mà ở trong đáy mắt kẻ si tình (Kant, triết gia Đức). Ngay cả trong trường hợp dùng chữ đẹp để miêu tả hình thức của một cô gái/ một phụ nữ thì chân dung ấy dường như cũng toàn mỹ hơn, trọn vẹn hơn so với việc chỉ dùng từ xinh: Người đẹp trông như tuyết/ Chạm vào thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa/ Sờ vào thấy mát/ Người không khát - nhìn người đẹp cũng khát/ Người không đói - nhìn người đẹp cũng đói/ Người muốn chết - nhìn người đẹp lại không muốn chết nữa/ Ơ! Người đẹp là ước mơ/ Treo trước mắt mọi người (Người đẹp, Lò Ngân Sủn).
Có một nội hàm rộng hơn xinh, đẹp còn dùng để nói về sự hài hòa tương xứng trong những ngữ cảnh như: vợ chồng đẹp đôi, đẹp duyên; chứ không ai nói vợ chồng xinh đôi (!), xinh duyên (!). Đẹp cũng được dùng để diễn tả cảm giác sung sướng, mãn nguyện trong các cách nói như: đẹp lòng, đẹp ý; bởi chắc chắn không ai nói: xinh lòng (!), xinh ý (!).
Ngoài hai từ xinh, đẹp, còn có thể kể đến một loạt các từ Hán Việt cũng dùng để miêu tả, ngợi ca hình thức của người phụ nữ như: yêu kiều, kiều diễm, diễm lệ, kiêu sa. Yêu kiều dùng để diễn tả vẻ đẹp mềm mại, nhẹ nhàng. Vẻ đẹp ấy có thể toát ra từ tổng thể mà cũng có khi tập trung vào một điểm như trong lời một ca khúc nổi tiếng: Đôi mắt yêu kiều như nói bao điều/ Vương vấn trong tim thành lời nhớ (Xa vắng, Nhạc và lời: Nguyễn Văn Hiên). Còn kiều diễm và diễm lệ miêu tả vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy, thậm chí có thể gây choáng ngợp với những người được tiếp xúc, gặp gỡ. Nói cách khác, hai đơn vị này có khả năng miêu tả vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ ở mức độ cực đỉnh, cùng một đơn vị nữa là tuyệt trần.
Sau cùng, trong con mắt si tình của những gã trai, đôi khi có thể gặp cả những vẻ đẹp mãi mãi ở ngoài tầm với, dường như không dám chạm vào. Vẻ đẹp ấy được gọi tên qua từ kiêu sa: Nàng đẹp như cánh hoa, mặn mà trong dáng kiêu sa/ Nên tôi đâu dám yêu nàng, nên tôi đâu dám yêu nàng/ Tôi chỉ biết đứng im để lòng nghe xót xa (Đêm nằm nghe hương bay, Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện).
Vẻ đẹp của người phụ nữ là một tuyệt phẩm của tạo hóa hun đúc mà mỗi chúng ta cần biết trân trọng nâng niu. Những vẻ đẹp ấy từ bình dị cho đến lộng lẫy có khả năng cứu vớt biết bao tâm hồn đau khổ. Xin được dùng mấy câu trong kiệt tác U mộng ảnh của Trương Trào để khép lại bài viết này: “Gọi là mỹ nhân thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim, tinh thần như trăng, vẻ như liễu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước thu, lòng như thơ. Ta không còn chỗ nào chê cả”.
TS ĐỖ ANH VŨ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022