Lễ hội qua góc nhìn báo chí những năm đầu đổi mới

Từ tháng 12-1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước về: tư duy, chính sách kinh tế, chính sách xã hội, phương pháp lãnh đạo, phong cách công tác… Đại hội đặc biệt nhấn mạnh, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, phải nắm vững quy luật khách quan, lấy dân làm gốc, phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đã xác định nội dung: “1) Quan niệm tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; 2) Những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Thể chế hóa Cương lĩnh này, Nhà nước ban hành Hiến pháp năm 1992. Đại hội VIII của Đảng Cộng sản (tháng 6-1996) đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc đổi mới. Trong vòng mười năm (từ 12-1986 đến 6-1996), nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Năm 1995, Việt Nam đã trở thành thành viên của khối ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt từ thập kỷ 1980.

Về mặt văn hóa, vào tháng 12-1986, Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 41 đã chính thức thông qua Nghị quyết số 41/1987 tuyên bố thập kỷ 1988-1997 là thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Về quản lý lễ hội, từ năm 1989 đến năm 1994 đã có hai bản quy chế được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) ban hành: Quy chế số 54/ VHQC về việc mở hội truyền thống dân tộc, ngày 4-10-1989; Quyết định số 636/QĐ-QC ban hành Quy chế lễ hội, ngày 7-5-1994. “Phải thừa nhận rằng, đây là một mốc quan trọng đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức lễ hội qua việc lần đầu tiên lễ hội truyền thống có quy chế riêng cho mình với những hướng dẫn rất chi tiết, hơn hẳn so với những thông tư trước đây” (1). Báo chí đã phản ánh kịp thời, khách quan tình hình đời sống văn hóa, xã hội nước ta những năm đầu thực hiện đổi mới, trong đó có các thực hành văn hóa lễ hội của nhân dân. Bằng việc khảo sát các bài báo viết về lễ hội trên 3 tờ báo in giai đoạn này là Nhân Dân/ Nhân Dân chủ nhật/ Nhân Dân cuối tuần, Tiền phong, Tuổi trẻ có thể thấy một số xu hướng phản ánh về lễ hội như sau:

1. Xu hướng khẳng định nét đẹp văn hóa lễ hội

Các tác giả đã đề cao giá trị văn hóa dân tộc thông qua hoạt động thực hành lễ hội, cho rằng lễ hội là một nét đẹp đặc thù của văn hóa dân tộc mà cha ông ta để lại, bảo lưu được nhiều nghi lễ cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Các hoạt động tổ chức và tham gia lễ hội truyền thống là cơ hội để mỗi người dân nước Việt tìm về với quá khứ, với cội nguồn văn hóa dân tộc. Những người dân sống tại làng quê Việt Nam đã tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tín ngưỡng, phục vụ đời sống tinh thần của họ. Bên cạnh khái niệm “lễ hội”, các tác giả còn dùng các từ “lễ hội cổ truyền”, “lễ hội dân gian”, “hội làng”. Việc khảo sát các bài báo viết về lễ hội cho thấy ba khái niệm này được dùng tương đương để chỉ tất cả những lễ hội mà nhân dân tham dự từ quá khứ cho đến ngày nay.

Khi viết về lễ hội, các báo đều thể hiện giọng điệu ngợi ca, trân trọng. Lễ hội được xem như một yếu tố thỏa mãn khát vọng của nhân dân, gia tăng sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc. Đa phần các lễ hội được tổ chức trong phạm vi một làng. Hội làng được tổ chức trong không khí hoan hỉ, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Có xem hội làng mới cảm nhận hết “ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với một truyền thống vàng son” (2). Bên cạnh đó, ý nghĩa, tầm quan trọng của lễ hội được thể hiện một cách rõ ràng, bởi: “Ngày hội như ngày Tết thứ hai, thậm chí còn vui hơn Tết. Ngày đó là ngày giao lưu, gặp bạn cũ, kết thêm bạn mới” (3). Không thể phủ nhận, lễ hội mang lại cho người đi hội những tình cảm mới, một sự cân bằng sinh thái và tâm trạng trang trọng, qua đó giúp họ hoàn thiện hơn nữa những phẩm chất tốt đẹp của con người: “Lễ hội xóa đi sự xa lạ, lạnh lùng, trơ mòn bởi cái thường nhật lặp đi lặp lại trong quan hệ giữa con người với nhau” (4). Cho dù trải qua nhiều thăng trầm, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, người dân trong làng phải giấu đi những tấm áo hồng khăn hoa, những trang phục chỉ dùng để mặc trong ngày hội làng thì lễ hội nơi đây vẫn cứ diễn ra đúng ngày, chủ nhà vẫn sửa soạn đón khách, vẫn thắp hương lên chùa

2. Tuyên truyền giữ gìn thực hành văn hóa lễ hội

Các báo cho rằng, đầu năm đi lễ chùa, đi trẩy hội xuân được coi là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Thông điệp báo chí khẳng định, nhu cầu đi lễ chùa, đi hội xuân đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân, là cơ hội để gia tăng tinh thần biết ơn những người có công với đất nước, dân tộc. Không phải ngẫu nhiên lễ hội thu hút được đông đảo người dân tham gia, mà theo khuynh hướng chung, các báo cho rằng hoạt động này thu hút được nhiều người là do đời sống người dân đã khá hơn, nhu cầu vật chất được đáp ứng, con người ta có nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, tình hình giao thông đi lại thuận tiện hơn, nên lễ hội thu hút ngày càng đông khách du lịch, hành hương đến từ nhiều vùng trong cả nước cũng như du khách nước ngoài. Bài Xã luận Lễ hội và văn hóa trên báo Nhân Dân chủ nhật năm 1989 cho rằng, lễ hội thời gian này trở nên đông vui, náo nhiệt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân “đi trẩy hội, tham dự những ngày lễ hội truyền thống, lịch sử và dân gian đã trở thành nhu cầu, thành nếp sống của nhân dân thuộc đủ các tầng lớp và lứa tuổi” (5), cho nên lễ hội có xu hướng mở rộng nhanh về không gian tổ chức “lễ hội là sinh hoạt văn hóa mang tính quần chúng rộng rãi” (6).

Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, đa số người dân Việt Nam chỉ mong muốn đủ ăn, đủ mặc. Nhiều người chưa dám nghĩ đến việc “ăn ngon, mặc đẹp”, do cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn. Để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, người ta gửi gắm niềm tin vào các đấng thần linh qua việc đi lễ chùa, lễ đình, đền, dâng hương. Là một loại hình văn hóa dân gian, lễ hội tồn tại như một tổng thể đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đời sống tinh thần của mỗi người dân. Mỗi lễ hội đều trải qua dòng chảy của lịch sử và thời gian, lắng đọng nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng - giá trị khác nhau. Tham dự lễ hội là dịp để người dân thỏa mãn nhu cầu tâm linh, có những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sự giao lưu hiểu biết và hòa nhập cộng đồng. Tác giả Nguyễn Chương viết trên báo Tuổi trẻ: “Đã trở thành tập tục, rằm tháng giêng là dịp khách thập phương đến viếng chùa, đình cầu lộc, làm ăn phát tài cho cả năm” (7). Các bài báo giai đoạn này không ngừng đề cao việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, xem đó là nhu cầu chính đáng không thể thiếu trong đời sống xã hội: “Lễ hội không chỉ là dịp để con người truyền đạt tình cảm, đạo lý và khát vọng cho nhau mà còn là dịp để con người giao hòa với quá khứ và hiện tại, qua đó con người củng cố thêm sức mạnh cộng đồng và thể hiện sự tôn kính của mình đối với tạo hóa và tổ tiên cội nguồn” (8).

Bên cạnh đó, các báo cũng truyền tải thông điệp coi việc đi dự hội xuân, đi lễ đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta mà còn là dịp để khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn.

3. Phê phán công tác tổ chức quản lý lễ hội yếu kém

Giai đoạn này còn xuất hiện những thông điệp mang tính phê phán, thể hiện quan điểm của một bộ phận những người làm báo trong cách nhìn nhận thực hành văn hóa lễ hội. Sự khôi phục các lễ hội truyền thống trên thực tế đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai thực hiện các quy chế, nội quy của lễ hội, việc tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức các hội thảo khoa học, điều tra khảo sát về văn hóa lễ hội đã góp phần trả lại cho lễ hội những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

Vào năm 1987, tín ngưỡng thờ mẫu mà điển hình là diễn xướng hầu đồng bị nhìn nhận như một hoạt động mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” và không được công khai hoạt động. Tác giả Hồng Tuyển trên báo Tiền phong năm 1987 trong bài điều tra Những kẻ buôn thần bán thánh không đồng tình, ủng hộ với kiểu hoạt động mê tín dị đoan này, bởi: “Đền thờ “Quan lớn” là một địa điểm tụ họp kín đáo và hoạt động ráo riết của những kẻ chuyên nghề buôn bán thần thánh… tạo thành địa điểm có tín nhiệm với những kẻ gọi hồn, lên đồng và xin chịu mình thánh” (9). Tác giả cho rằng, những người tổ chức gọi hồn, hầu đồng tại đền thờ đã tìm mọi cách để che giấu cho những hoạt động đích thực của ngôi đền, che giấu cho “hoạt động mê tín dị đoan, phá hoại văn hóa xã hội mới” (10).

Báo Nhân Dân cuối tuần đề cập đến tệ nạn xã hội, một hiện tượng gây nhức nhối đối với người dân và cả những người làm công tác quản lý lễ hội nhưng chưa dẹp bỏ được: “Tổ chức lễ hội nhưng đừng biến lễ hội thành nơi xô bồ, nơi tổ chức những trò mê tín dị đoan, cờ bạc, khơi gợi những hủ tục làm xấu đi bao nét đẹp của làng quê mình” (11).

Báo Tuổi trẻ, ngày 25-1-1994 cũng phê phán: “...song song với việc nâng cấp, tôn tạo lại lăng thì các hủ tục mê tín dị đoan cũng phát triển mạnh với sự hành nghề tự do, công khai của đội ngũ đông đảo các thầy bói, thầy tướng, xem quẻ, giải sao, giải hạn chung quanh lăng, trong khuôn viên khu di tích” (12).

Quy chế lễ hội ban hành năm 1994 nhấn mạnh, các hành vi xem số, xem bói, gọi hồn, sấm truyền, bùa ngải, trừ tà, đốt đồ mã (hình nhân, nhà lầu, xe hơi, đô la, séc) trong các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội... là hành vi mê tín dị đoan, bị Nhà nước nghiêm cấm (13). Thực tế sinh hoạt lễ hội xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực mà cơ quan quản lý Nhà nước đã nêu ở trên như: xem bói, xóc thẻ, đốt vàng mã... Tệ nạn này không phải bây giờ mới xuất hiện mà học giả Phan Kế Bính đã phê phán nó từ năm 1915 (14). Với nhiệm vụ tuyên truyền định hướng, quan điểm, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân, các cơ quan báo chí đã chuyển tải khá đầy đủ nội dung thông điệp: “Xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan”. Khuynh hướng chung, các báo phản ánh chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn coi trọng tự do tín ngưỡng, phê phán những ai lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền nhảm nhí, bày trò mê tín dị đoan, lừa người nhẹ dạ. Nhiều bài báo cho thấy trong cơ chế thị trường, khi các loại hình kinh doanh, dịch vụ gặp thời cơ trên đà phát triển thì nhiều người đã lợi dụng tín ngưỡng dân gian, lợi dụng tôn giáo để hành nghề buôn thần bán thánh: “Sau mùa lễ hội chúng ta thấy không ít những cảnh trái văn hóa như việc tụ họp buôn bán thẻ quẻ, xem tướng, bói toán, hàng mã, lãng phí tiền bạc rất lớn (…), nạn cướp giật, móc túi, nạn ăn xin” (15).

4. Thảo luận

Trên ba tờ Báo Nhân Dân cuối tuần, Tuổi trẻ Tiền phong, chúng ta nhận thấy sự đa dạng và khác nhau trong các thông điệp về lễ hội. Trong thời gian từ năm 1986 đến những năm 2000, có các khuynh hướng: khẳng định nét đẹp văn hóa lễ hội; tuyên truyền giữ gìn thực hành văn hóa lễ hội; phê phán công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Về phía tác giả các bài báo, có nhà báo chuyên nghiệp thường viết về các vấn đề khoa học là Hàm Châu và những nhà khoa học quen biết như GS,TSKH Phan Đăng Nhật, TS Nguyễn Quốc Phẩm, PGS,TS Văn Giá. Hầu hết các tác giả còn lại không phải là những nhà báo quen thuộc hoặc đã khẳng định tên tuổi trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Từ hiện tượng này cho thấy, sự phối hợp giữa các nhà khoa học và các tờ báo trong thời gian này chưa thật mặn mà. Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định rằng tuy các nhà khoa học ít viết bài trên ba tờ báo đã nêu song ảnh hưởng của giới nghiên cứu khoa học về lễ hội là điều hết sức rõ ràng.

Cùng với những bài viết tích cực về lễ hội, còn có những bài viết phê phán các hiện tượng chưa đẹp trong lễ hội. Tuy số bài phê phán công tác tổ chức lễ hội, phê phán một bộ phận người trẩy hội, phê phán những người hầu đồng, buôn thần bán thánh chỉ chiếm khoảng 40% nhưng đã gây nên ấn tượng đáng kể đối với bạn đọc và dư luận xã hội. Về khuynh hướng phê phán, trên báo Nhân Dân cuối tuần có 4 bài phê phán lễ hội vào các năm 1991 (3 bài) và năm 1995 (1 bài). Trong vài năm sau đó, chúng tôi không tìm được bài viết nào có khuynh hướng phê phán lễ hội. Tuy nhiên, trên báo Tiền phong, số bài viết phê phán lễ hội xuất hiện nhiều hơn. Nếu Nhân Dân cuối tuần thiên về việc đăng các bài có khuynh hướng khẳng định giá trị lễ hội và đăng bài với dung lượng lớn thì các bài viết về lễ hội trên Tiền phongTuổi trẻ thường có dung lượng ngắn hơn và chỉ khai thác một khía cạnh trong lễ hội.

Về hình thức diễn đạt, ở xu hướng khẳng định, những từ ngữ hay dùng là tính cộng đồng sâu sắc, đỉnh cao của sự hòa hợp, nhu cầu tinh thần, tính quần chúng rộng rãi. Ở xu hướng phê phán những từ ngữ hay dùng là tụ họp buôn bán thẻ quẻ, lãng phí tiền bạc, cướp giật móc túi, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, buôn thần bán thánh. Trừ cụm từ mê tín dị đoan, lãng phí, các cụm từ còn lại rất ít gặp trong các diễn ngôn về lễ hội trong thời gian trước đó. Các đánh giá khen và chê đều phù hợp với những nội dung và định hướng của Quy chế số 54 VHQC năm 1989 và Quy chế lễ hội năm 1994.

Bên cạnh việc nhận định, phản ánh về lễ hội các báo còn tham mưu những phương án, giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội xem xét, thực hiện để công tác tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu đi hội của đông đảo nhân dân. Có thể thấy những thông điệp này trên Báo Nhân Dân: “Chúng tôi đề nghị mấy giải pháp sau cần làm ngay: giải tỏa những hàng quán bên đường để tạo sự thông thoáng ở những đoạn thường xảy ra ùn tắc. BTC lễ hội kết hợp với ngành bảo hiểm cần sửa gấp, mở rộng tối đa các đoạn đường đó. Những lúc đông khách cần có lực lượng công an, bảo vệ hướng dẫn người lên xuống, giải tỏa nhanh sự ùn tắc” (16). Báo Tiền phong truyền tải thông điệp “Ban tổ chức lễ hội phải có phương án, kế hoạch, biện pháp để bảo vệ phòng ngừa đám đông rất dễ trở nên hỗn loạn (...) Mong sao các nhà chức trách nên lưu tâm giải quyết cho có trật tự hơn” (17); “Các ngành chức năng cần quan tâm điều chỉnh vấn đề này: Nên bắt đầu từ việc dẹp bỏ triệt để những nơi, những điểm hành nghề mê tín dị đoan” (18). Báo Nhân Dân cuối tuần thì đề xuất giải pháp nên: “Thiết kế lại các lễ hội trên tinh thần kế thừa có chọn lựa và phát triển các giá trị truyền thống ăn nhập với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ hiện đại, là việc đáng làm trước nhất. Khởi động các nguồn lực, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện và đạo diễn giỏi các hoạt động chủ đạo trong từng lễ hội theo kịch bản đã thiết kế hợp lý, sẽ đem lại cho lễ hội truyền thống sức tải hiện đại, với tính văn hóa cao, náo nhiệt, an toàn, phong phú, hấp dẫn, làm giàu đời sống tinh thần và tình cảm cộng đồng (19).

Thông qua kênh phản ánh là báo chí các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa mà cao nhất là Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) kịp thời ban hành văn bản quản lý và điều chỉnh công tác tổ chức lễ hội. Có thể thấy các giải pháp được đề cập trên báo chí đều phản ánh đúng quan điểm chỉ đạo quản lý của Nhà nước trong Quy chế số 54 VHQC năm 1989 và Quy chế lễ hội năm 1994 và sau này là Quy chế tổ chức lễ hội năm 2001. Đáng chú ý, Quy chế lễ hội ban hành kèm Quyết định 636/QĐ-QC được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ký ngày 21-5-1994 đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Ban tổ chức lễ hội, thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ hội, thời gian mở hội, các quy định trong việc trang trí và tổ chức các hoạt động trong lễ hội. Cả 3 quy chế trên đều quy định, “Ban tổ chức các lễ hội phải đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh, tổ chức dịch vụ, y tế, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh chu đáo...” đồng thời Ban quản lý lễ hội phải thực hiện các giải pháp để “quản lý, ngăn chặn các hiện tượng mê tín đị đoan, hoạt động kinh doanh dịch vụ ảnh hưởng đến nội dung lễ hội”.

Tóm lại, thông qua sự phản ánh hoạt động văn hóa lễ hội trên báo chí những năm đầu đổi mới có thể thấy 3 xu hướng chủ đạo là sự đề cao nét đẹp văn hóa lễ hội, tuyên truyền giữ gìn các thực hành lễ hội và phản ánh cũng như đề ra các giải pháp nhằm quản lý và tổ chức tốt hơn các lễ hội. Những lễ hội trước đây từng bị lãng quên, những đình chùa, đền miếu từng bị đập bỏ hoặc để hoang tàn nay được phục dựng lại để tưởng nhớ và tôn vinh tổ tiên cùng các bậc anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề, thắp sáng tinh thần tìm về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Các lễ hội được tôn vinh, được khoác lên mình trọng trách quan trọng là “gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc”. Nhờ sự phản ánh của báo chí, sự tác động nhất định của các văn bản hướng dẫn tổ chức và quản lý lễ hội nên hoạt động tổ chức lễ hội đã có nhiều thay đổi, hình thành nên diện mạo lễ hội truyền thống độc đáo như hiện nay.

_______________

1. Bùi Hoài Sơn, Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009, tr.97.

2, 3, 4. Hà Ninh, Nét đẹp văn hóa giáo dục của hội làng vùng Kinh Bắc, Báo Nhân Dân chủ nhật, số 9 (160), ngày 1-3-1992, tr.10.

5, 6. Lễ hội và văn hóa, Báo Nhân Dân chủ nhật, số 6, ngày 19-3-1989, tr.1.

7. Nguyễn Chương, Rằm tháng Giêng đi xem lễ hội, Báo Tuổi trẻ, số 22/94 (2156), ngày 26-2-1994, tr.4.

8. Nguyễn Tri Nguyên, Những hàm nghĩa sâu xa, Báo Nhân Dân cuối tuần, số 11 (528), ngày 14-3-1999, tr.4.

9, 10. Hồng Tuyển, Những kẻ buôn thần bán thánh, Báo Tiền phong, số 25 (3092), ngày 23-6-1987, tr.5.

11, 15. Hoàng Huy, Văn hóa lễ hội, Báo Nhân Dân cuối tuần, số 6 (628), ngày 11-2-2001, tr.3.

12. Chí Thảo, Mùa Tết: Các “thầy” hoạt động ráo riết ở Lăng Ông, Báo Tuổi trẻ, số 11/94 (2145), ngày 25-1-1994, tr.7.

13. Bộ Văn hóa - Thông tin, Quy chế lễ hội số 636/QĐQC, ngày 21-5-1994.

14. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, tái bản, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, Hà Nội.

16. Đinh Văn, Để đảm bảo an toàn Lễ hội chùa Hương, Báo Nhân Dân, số 16303, ngày 28-2-2000, tr.5.

17. Phạm Yên, Những điều mới được thấy ở Lễ hội Chùa Hương, Báo Tiền phong, số 19, ngày 12-2-1998, tr.1.

18. T.Đ, Sự hưng thịnh đáng ngại của hàng mã ở Bắc Giang, Báo Tiền phong, số 35, ngày 21-3-1998, tr.4.

19. Sức tải mới của lễ hội, Báo Nhân Dân cuối tuần, số 11 (528) ngày 14-3-1999, tr.14

Tác giả: TS Lại Thị Hải Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

 

;