Mô hình Trưởng thôn thân thiện ở Đông Anh (Hà Nội): Điểm sáng về xây dựng văn hóa cơ sở - Bài 1: Những trưởng thôn năng động, sáng tạo

Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh, sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương có vai trò hạt nhân của các trưởng thôn – những người gần dân, sát dân và hiểu dân.

Cảnh quan làng Lương Nỗ - Ảnh: Tuệ Sam

Sức bật huyện ngoại thành

Huyện Đông Anh nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích 18.230 ha, dân số trên 400 nghìn người, gồm 23 xã và 1 thị trấn với 155 thôn làng, 40 tổ dân phố. Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội luôn được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư và thực hiện tốt, vì vậy, phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu. Hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ chương trình số 04-CTr/HU về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025, kết quả phát triển văn hóa - thể thao đã đạt được một số kết quả khích lệ.

Theo đó, huyện đã triển khai, tổ chức thực hiện Đề án phát triển văn hóa - thể thao huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025 đã đạt được kết quả tích cực: công tác quản lý nhà nước về văn hóa, chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao. 24/24 xã, thị trấn đã ban hành quyết định thành lập, kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 195/195 thôn, tổ dân phố thành lập ba chủ nhiệm nhà văn hóa. Thành lập được 1.172 câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao. Trong 3 năm, quản lý khai thác, xã hội hóa, khuyến khích vận động nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, ủng hộ, tổ chức trung bình mỗi năm 178 buổi văn nghệ quần chúng, 390 giải thể thao được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Nhà văn hóa thôn Lương Nỗ - Ảnh: Tuệ Sam

Công tác tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Sái xuân Quý Mão 2023 đã có nhiều đổi mới về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị…

Thực hiện Nghị quyết số 250 của Huyện ủy về 5 “có” 3 “không” (5 có gồm: nhà văn hóa; công viên mini, điểm sinh hoạt cộng đồng; sân bóng đá; điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; điểm thu gom, tập kết phế thải xây dựng. 3 không gồm: không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai; không vi phạm trật tự xây dựng đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo).

Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến cơ sở, các thôn làng, tổ dân phố được quan tâm đầu tư đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sau đầu tư, hoàn thành nhà văn hóa huyện đưa vào khai thác sử dụng; triển khai thi công xây dựng trung tâm thể dục thể thao huyện; tu sửa đầu tư xây dựng khai thác sử dụng hiệu quả 9 trung tâm văn hóa thông tin cấp xã: Nguyên Khê, Vân Hà, Xuân Nộn, Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Vân Nội, Nam Hồng, Đông Hội, phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trung tâm văn hóa thông tin xã (chỉ tiêu đến 2025 là 80%). Huyện đã đầu tư khai thác sử dụng hiệu quả 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố; 881 khu thể thao, tổ dân phố; 233 điểm sinh hoạt cộng đồng, 60 tiểu công viên, 80 điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; 99 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đã lắp đặt 654 thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời.

Chất lượng công tác xây dựng, bình xét các mô hình văn hóa tại cơ sở được nâng lên. Trong 3 năm, huyện luôn đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng mô hình văn hóa, đến năm 2022, huyện có 88.499/92.475 (95,7%) số hộ đạt gia đình văn hóa, 153/155 (98,7%) số thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, 40/40 số tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa…

Nhà văn hóa thôn Mít - Ảnh: Tuệ Sam

Những sáng kiến mới trong xây dựng đời sống văn hóa

Để có được những kết quả như trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự đóng góp công sức của các trưởng thôn ở cơ sở với những mô hình sáng kiến mới trong xây dựng đời sống văn hóa.

Xuất phát từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, nhiều địa phương trong huyện Đông Anh đã có cách làm hay, hiệu quả, đổi mới nội dung sinh hoạt, điển hình như ở thôn Mít, xã Cổ Loa. Về thôn Mít hôm nay, không khó để cảm nhận diện mạo nông thôn mới đã và đang thay đổi từng ngày. Có được điều này chính là nhờ cố gắng của chị Nguyễn Thu Hà, nguyên trưởng thôn Mít, hiện là thành viên Ban Pháp chế HĐND xã Cổ Loa. Trong thời gian làm trưởng thôn, chị đã dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì sự phát triển của thôn, được nhân dân quý mến. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, để khẳng định năng lực bản thân, chị đã tích cực đi đầu trong các phong trào ở địa phương, trong đó, dự án trồng hoa đã được chị và nhân dân trong thôn hoàn thành, những đoạn đường nở hoa, đã cải thiện môi trường sạch đẹp của thôn. Trước đây, đường thôn rất bẩn, lề đường người dân đổ rác thải, vật liệu xây dựng để lung tung, thùng rác để khắp nơi… Vì vậy, khi phát động tổng vệ sinh, nhân dân trong thôn đã ủng hộ. Trong quá trình làm việc, chị cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhưng với cái tâm của người lãnh đạo, chị đã vượt qua, cùng người dân xây dựng quê hương giàu đẹp. Những cố gắng đó đã được ghi nhận: thôn nhận giải Nhất sáng - xanh - sạch - đẹp cấp xã (2019), giải Nhì nhà văn hóa cấp huyện (2020), thôn được giải Nhì cấp xã và cấp huyện (2022). Và, nhờ sự nỗ lực của mình trong công tác, chị đã đạt được nhiều thành tích, mà trong số đó là giải Nhất Hội thi Trưởng thôn thân thiện năm 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Trưởng thôn Lê Thị Huế giới thiệu về mô hình thu gom rác - Ảnh nhân vật cung cấp

Một trong những phong trào được bà con chung tay ủng hộ là mô hình thu gom rác thải. Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, năm 2021, huyện Đông Anh bắt đầu triển khai chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác. Ban đầu chương trình được triển khai thí điểm tại 3 xã gồm: Liên Hà, Việt Hùng và Dục Tú, trong đó lựa chọn 3 thôn Hà Lỗ, Nghĩa Vũ, Lương Quán làm điểm. Thực hiện mô hình, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa) ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tái chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của huyện đến đưa đi xử lý. Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao.

Theo chia sẻ của chị Lê Thị Huế, trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, lúc đầu có 10 hộ tham gia làm nòng cốt để phân loại rác, sau thành lập nhóm nòng cốt phân loại rác của thôn có 10 thành viên là các ông, bà ban ngành đoàn thể của thôn. Họ làm trước rồi mới đi tuyên truyền đến các ngõ xóm, mỗi ngõ xóm lại cử 1, 2 nhà là điểm phân loại rác, đi từng nhà, từng ngõ, mỗi người phụ trách 2, 3 hộ sau đó vận động và hướng dẫn người dân phân loại rác, ủ tại gia đình… Mô hình thu gom rác thải thôn Nghĩa Vũ đã trở thành hình mẫu để nhiều địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai thực hiện mỗi cán bộ, hội viên của ban kiểm tra vừa là người gương mẫu đi đầu thực hiện, vừa là tuyên truyền viên để chuyển tải mục đích, ý nghĩa, lợi ích của mô hình nhằm góp phần cải tạo môi trường thông thoáng, trong lành; phát huy tình làng nghĩa xóm, chia sẻ, giúp nhau vượt qua những khó khăn, để nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho nhân dân và để cho mỗi người dân, hộ gia đình trong thôn tận hưởng.

(Còn nữa)

NGUYỄN THỊ LÕN

 

;