Phát huy nguồn lực văn hóa tỉnh Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, để khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh” như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra, việc tập trung các nguồn lực để phát triển, trong đó, nguồn lực văn hóa có ý nghĩa quyết định. Với vùng đất giàu truyền thống văn hóa như tỉnh Thái Bình, việc huy động nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội vừa mở ra cơ hội mới cho quá trình phát triển, vừa giúp gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa.

Chùa Keo - Di tích quốc gia đặc biệt mùa lễ hội - Nguồn: baothaibinh.com.vn

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc...” (1). Để văn hóa trở thành động lực, thành sức mạnh nội sinh, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải chú trọng khơi dậy được vai trò của nhân tố văn hóa trong mối quan hệ với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế.

Được xem là vùng “địa linh nhân kiệt”, gắn liền với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, mảnh đất Thái Bình còn mang những sắc thái văn hóa của vùng chiêm trũng hạ lưu sông Hồng vừa đa dạng, vừa cởi mở, phóng khoáng. Quá trình tích tụ của lịch sử dựng nước và giữ nước đã hình thành trên mảnh đất Thái Bình những nét văn hóa đặc sắc, từ con người đến các giá trị di sản.

1. Về phương diện chính sách phát huy những giá trị văn hóa

Thời gian qua, nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về nguồn lực văn hóa và vai trò của nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy các giá trị văn hóa để phát triển, đặc biệt việc thu hút du lịch cho tỉnh như: Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Xây dựng con người phát triển toàn diện về trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và thể chất; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 tỉnh Thái Bình; Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND tỉnh Thái Bình Phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, QĐ 1671/QĐ-UBND tỉnh Thái Bình (2018) Về việc phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là, Nghị quyết 04-NQ/TU/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX; các công trình như Dư địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, cùng với một số đề án như Đề án về phát triển nghề muối ở Thụy Hải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án hỗ trợ và nâng cao thiết chế văn hóa cơ sở, Đề án quy hoạch rừng ngập mặn Thụy Trường… đã giới thiệu và khai thác các nguồn lực văn hóa trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, thành tựu về phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Từ quan điểm lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch bền vững; cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành liên quan đang tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong số đó, ưu tiên tu bổ các di tích cấp quốc gia, di tích lịch sử cách mạng; thực hiện các biện pháp bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các di tích bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản; tăng cường kiểm kê, nhận diện và xác định giá trị của từng loại di sản trong cộng đồng, trên cơ sở đó lựa chọn các di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia và thế giới. Với quan điểm chỉ đạo sâu sát, đúng hướng, nguồn lực văn hóa ở tỉnh Thái Bình hiện nay không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại sự phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo, mà còn là nền tảng gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn, có bản sắc và bền vững.

2. Thực trạng việc huy động nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Nguồn lực con người

Từ truyền thống đến hiện tại, tiềm năng phát triển nguồn lực con người của tỉnh Thái Bình rất dồi dào, phong phú. Một trong những truyền thống tiêu biểu phải kể đến là tinh thần yêu nước, kiên cường bất khuất, cần cù, sáng tạo trong lao động và truyền thống hiếu học.

Yêu nước, thương nòi và giàu truyền thống đấu tranh, xả thân vì nghĩa lớn là đặc tính nổi trội của người Thái Bình. Điều này có yếu tố lịch sử để lại, từ thời nhà Lý, nhà Trần… Nhiều người con của quê hương Thái Bình đã ghi những dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng tinh thần yêu nước, quả cảm, sẵn sàng xả thân hy sinh cho Tổ quốc. Ngày nay, tình yêu nước đó được chuyển hóa thành sự tự hào, khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp. Người Thái Bình mang trong mình dòng máu đó, khát vọng đó, tới khắp mọi miền Tổ quốc.

Là vùng đất thuần nông, điều kiện địa lý tương đối đặc biệt (trước đây là vùng đầm lầy và rừng rậm ven biển), con người Thái Bình đã trải qua nhiều quá trình lịch sử, bằng sức lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo, họ đã biến miền đất hoang dã ngập mặn thành phì nhiêu màu mỡ, tạo điều kiện tích cực cho nghề trồng lúa, mở rộng địa bàn cư trú, thuần dưỡng đất đai canh tác, phát triển ngành nghề, sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, đóng góp vào kho tàng chung của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đặc tính không thể không kể đến của người Thái Bình là truyền thống hiếu học. Trong lịch sử, Thái Bình đã đóng góp cho lịch sử khoa bảng đất nước số lượng các vị đại khoa khá lớn. Theo số liệu thống kê, Thái Bình có hơn 120 vị đại khoa, trong đó có 2 trạng nguyên, 2 bảng nhãn, 3 thám hoa, 26 hoàng giáp, 76 tiến sĩ và phó bảng và nhiều nhà khoa học tên tuổi như nhà bác học Lê Quý Đôn, Phạm Đôn Lễ, Ngô Quang Bích… (2).

Nguồn lực con người tỉnh Thái Bình mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần cần cù, sáng tạo và ham học hỏi góp phần không nhỏ tạo nên sự cố kết, đồng thuận trong cộng đồng xã hội. Hiện nay, Thái Bình đang nỗ lực xây dựng con người Thái Bình phát huy truyền thống quê hương, ngoài ra còn phải tích hợp những giá trị mới của thời đại như biết tích lũy tri thức khoa học công nghệ, khả năng đối thoại, hợp tác, cùng chung sống với các cộng đồng khác để hội nhập, học hỏi, tiếp thu và phát triển.

Nguồn lực từ di sản văn hóa

Trải qua quá trình hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc. Tỉnh Thái Bình có nhiều nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng, toàn tỉnh có: 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 117 di tích quốc gia, 577 di tích cấp tỉnh. Tỉnh còn có 483 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có: 8 lễ hội được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (3). Đó là nguồn tiềm năng phát triển quý giá mà nhiều địa phương khác không có được.

Nguồn lực văn hóa phi vật thể

Nguồn lực văn hóa phi vật thể ở tỉnh Thái Bình rất phong phú, đa dạng, đó là, lễ hội dân gian, nghệ thuật biểu diễn truyền thống, trò chơi dân gian, văn học dân gian… Trong đó, đặc biệt văn hóa làng xã, văn hóa cộng đồng là sợi dây gắn kết người Thái Bình cùng chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Nói tới tỉnh Thái Bình, không thể không nhắc tới văn hóa cộng đồng. Quá trình chấn hưng sự cố kết cộng đồng, cộng cảm làng xã truyền thống được biểu hiện bằng việc tôn tạo các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của làng như đình, chùa, đền, miếu... khôi phục hội làng truyền thống và những trò chơi, trò diễn dân gian, soạn thảo hương ước mới của làng... Đối với dòng họ là việc “vấn tổ tầm tông” huy động các nguồn lực tôn tạo, xây mới từ đường, phần mộ, duy trì việc giỗ chạp trong họ, dịch thuật, tục biên, biên soạn gia phả, các hình thức khuyến thiện, khuyến học... Một trong những mặt biểu hiện của văn hóa làng là việc chấn hưng các phong tục tập quán như cưới hỏi, mừng thọ, giỗ chạp, lễ Tết... Điều đó cho thấy, quá trình gìn giữ và phát huy văn hóa làng ở tỉnh Thái Bình trong hơn 3 thập kỷ qua đã mang lại nhiều giá trị tích cực. Đây là tiền đề thuận lợi để tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội. Văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình được gìn giữ góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách cho mỗi thành viên trong hằng số gia đình - làng - nước, đồng thời, tạo sức đề kháng trước sức ép của các luồng sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa. Thực tế, giá trị văn hóa làng, xã, dòng họ không phải là những gì nhất thành, bất biến mà ngày càng phong phú vì trong quá trình hình thành và tồn tại, nó đã trải qua biết bao biến đổi bằng việc loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời cùng với sự tiếp biến các yếu tố bên ngoài để phù hợp với yêu cầu mới, trong việc xây dựng đời sống văn hóa với những chuẩn mực mới phù hợp cuộc sống hiện hành nhưng vẫn hài hòa và bảo vệ được những giá trị thuộc về bản sắc. Việc bảo lưu, duy trì và phát huy các giá trị đó bằng những phương thức mới phù hợp để phát huy trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội là vô cùng cần thiết. Do đó, để xây dựng được hệ giá trị văn hóa, con người Thái Bình một cách chân xác, khoa học, cần chăm lo giải quyết tốt các vấn đề về dân sinh, dân trí, dân chủ, dân tình của mỗi cộng đồng dân cư cho phù hợp và phải thấm đẫm tinh hoa, hồn cốt của giá trị văn hóa làng, xã, dòng họ mà các thế hệ trước đã xây dựng và trao truyền lại.

Ngoài văn hóa làng, xã, dòng họ được bảo tồn khá tốt và đã phát huy được giá trị trong việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tỉnh Thái Bình còn là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng văn minh lúa nước sông Hồng, với những làn điệu chèo làng Khuốc; múa Giáo cờ giáo quạt làng Giắng; múa Bát dật xã An Khê; hát trống quân cùng 2 di sản văn hóa phi vật thể trình diễn dân gian là múa rối nước Nguyên Xá, Đông Các và ca trù... Trong đó, lễ hội truyền thống Thái Bình được xem là tiêu biểu về số lượng, đa dạng về loại hình và nội dung. Về cơ bản, lễ hội ở Thái Bình có bốn nội dung: tái hiện cuộc sống nông nghiệp; tôn vinh các anh hùng dân tộc; tái hiện phong tục, tín ngưỡng; hội thi tài… Thái Bình còn được coi là cái nôi của nghệ thuật chèo với 3 vùng chèo Hà Xá (Hưng Hà), chèo Khuốc (Đông Hưng) và chèo Sáo Đền (Vũ Thư). Đây là những dòng chèo đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, Thái Bình cũng nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước ở các làng Nguyễn, Tang, Tuộc, Đống, Kỳ Hội, Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài của huyện Đông Hưng, mà nay nổi tiếng hơn cả là làng Nguyên Xá… Các điệu múa dân gian mang sắc thái phồn thực, bản địa như múa ông Đùng bà Đà, múa Đánh Bệt, múa Bát Dật, múa Giáo Cờ Giáo Quạt, múa Sênh Tiền, múa Trống - Trắc, các trò chơi dân gian… và được thực hiện giáo dục, phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu này (như đưa nghệ thuật chèo vào giảng dạy tại các trường học ở huyện Đông Hưng). Việc các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, các chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước: Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản phi vật thể địa phương. Đó cũng là nguồn lực văn hóa to lớn để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh, ngoài ra, còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo sự ổn định về mặt chính trị, xã hội.

Tỉnh Thái Bình hiện có rất nhiều di sản văn hóa vật thể như đền, đình, chùa, miếu… với rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, bánh cáy làng Nguyễn, thêu Minh Lãng, chiếu Hới, dệt Phương La, làng vườn Bách Thuận… Có thể kể đến như di tích đền Trần, đền Tiên La, cụm di tích Lưu Xá, chùa làng Riệc, đình và đền Cổ Trai (Hưng Hà), Đình Tử Các - miếu Đồn, miếu Thôn Ba, Đình Các Đông, Đình An Cố (Thái Thuỵ), Chùa Keo, chùa Phúc Thắng, Miếu Hai Thôn (Vũ Thư), Đình Tổ (Tiền Hải), Đình Lai Vi (Kiến Xương), đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ)… Với nguồn lực văn hóa vật thể phong phú, đặc sắc, chính quyền địa phương đang có chính sách phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm nhằm tạo công ăn việc làm, biến đổi sinh kế người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự. Đặc biệt, một số dự án trọng điểm phát triển hoàn chỉnh: Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, chùa Keo đã thành điểm du lịch quốc gia; một số khu, điểm du lịch quan trọng khác như Khu du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, Cồn Đen, Cồn Vành… làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh. Tỉnh cũng có chủ trương đầu tư vào các địa phương có dày đặc các di tích làm trọng điểm du lịch chính như huyện Hưng Hà.

Tỉnh Thái Bình quyết tâm đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch góp phần khẳng định thương hiệu du lịch địa phương. Nhằm giúp ngành Du lịch đạt tốc độ nhanh để trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, thương hiệu mang bản sắc văn hóa của Thái Bình, thân thiện với môi trường, tỉnh Thái Bình đã xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút khách du lịch, tăng tỷ trọng khách lưu trú, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng trung bình GRDP du lịch Thái Bình đạt khoảng 18% giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, cơ sở lưu trú du lịch đạt hơn 5.000 buồng. Ngành Du lịch tỉnh đến năm 2019 đã tạo được việc làm cho khoảng 6.000 lao động trực tiếp và định hướng đến năm 2030 tạo được khoảng 14.600 lao động trực tiếp. Du khách đến Thái Bình qua các năm đều có sự tăng trưởng, ngoài việc biến đổi sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, cũng góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư vùng nông thôn, góp phần giản mức chênh lệch giàu nghèo các vùng, miền, đảm bảo an ninh, chính trị xã hội.

Vốn là vùng đất thuần nông, Thái Bình có một hệ thống làng nghề dày đặc. Hiện nay, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm, các làng nghề cũng đang được khai thác dưới góc độ du lịch. Thái Bình chú trọng khai thác du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với văn hóa ẩm thực và các đặc sản tự nhiên tại các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, thêu Minh Lãng, vườn Bách Thuận, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới… và tại các khu, điểm du lịch. Làng nghề cây cảnh tại xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh Thái Bình từ năm 2002. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh và xã Bách Thuận (Vũ Thư) đang tích cực phối hợp với tổ chức Car Free Day của Nhật Bản khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Ngày 29-4 đến 3-5-2022, Bách Thuận đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại làng vườn trong thời gian tới. Ngoài ra, với điều kiện địa lý có đường bờ biển dài, nhiều bãi biển, khu rừng ngập mặn sinh thái, tỉnh đã có những chủ trương phát triển du lịch cuối tuần kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển như khu vực Cồn Đen, Cồn Vành và vùng rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Một số loại hình du lịch khác như du lịch kèm theo các sự kiện đặc biệt (MICE) thương mại, công vụ, hội nghị hội thảo, sự kiện thể thao cũng đã được tổ chức. Tỉnh Thái Bình đang có chính sách huy động nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc mở rộng phát triển du lịch biển như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao biển; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái ven biển, phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Thái Bình đang trên đà phát triển hướng tới cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ, thương mại. Nhận thức đúng, hành động đúng là điều kiện quan trọng để huy động nguồn lực từ văn hóa cho quá trình phát triển hiệu quả và bền vững. Do đó, Thái Bình cần tập trung có những hành động mạnh mẽ để thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển văn hóa tỉnh Thái Bình một cách hiệu quả, phát huy tối ưu được tiềm năng và thế mạnh. Nhìn nhận đúng vai trò của sự đa dạng văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực quan trọng trong phát triển, là mạch nguồn giúp tỉnh Thái Bình có được bản lĩnh và sự chủ động trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa hiện nay.

_______________

1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.116.

2. Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, Báo cáo thực hiện nhiệm vụ trong triển khai, lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tr.2-3.

TS ĐẶNG THỊ TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;