Vai trò của đạo diễn chèo tuy mới xuất hiện từ đầu TK XX, song đã nhanh chóng chiếm vị trí hàng đầu trong công việc sáng tạo một vở diễn sân khấu. Đạo diễn là người đưa ra những phương pháp nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn.
Các thế hệ nghệ sĩ gặp mặt trong ngày truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam - Ảnh tư liệu
Hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam, chúng ta cùng nhớ đến công lao của các bậc tiền bối, những gương mặt đã đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật chèo qua nhiều thời kỳ.
Những tác gia, đạo diễn chèo lão luyện giai đoạn từ năm 1950 cho đến nay ở 18 đoàn chèo trên cả nước như: Trần Bảng, Trần Huyền Trân, Hàn Thế Du, Lưu Quang Thuận, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Lương Tá, Cao Kim Điển, Tào Mạt, Việt Dung, Hà Khang, An Viết Đàm, Hồng Dương, Thanh Long, Ngọc Phúng, Phan Tất Quang, Bùi Đức Hạnh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Trần Trí Trắc…
Theo dòng lịch sử, trước tiên phải kể đến kịch dân ca chèo. Kịch dân ca chèo là hình thức nghệ thuật xuất hiện, phát triển mạnh vào những năm 1955-1960. Kịch dân ca chèo là những vở được kết cấu và viết theo lối khác, trong đó lời thoại bằng văn xuôi như kịch nói, thỉnh thoảng có hát dân ca hoặc một vài làn điệu chèo cổ. Một số vở tiêu biểu như: Vườn cam của Lương Tá (Ninh Bình), Chị Thắm - Anh Hồng của Xuân Hinh (Hà Tây)..., những vở chèo này ra đời từ đội ngũ tác giả mới được hình thành. Phần đông trong số này xuất thân từ các đội tuyên truyền, văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp, họ ít nhiều đã tiếp thu phương pháp nghệ thuật của kịch phương Tây. Lực lượng này một mặt kế thừa việc dùng dân ca đưa vào chèo (theo cách làm của chèo cải lương) trên cơ sở kịch bản theo kịch nói. Tuy nhiên, những người làm chèo đã sớm nhận ra đây không phải là một hướng đi đúng cho sự phát triển của chèo. Tiếp theo cuộc cách tân này là cuộc cách tân theo hướng kịch chèo. Kịch chèo là các vở được viết theo lối kịch nói, tuân thủ những nguyên tắc của Aristotle. So với kịch dân ca, kịch chèo đã gần chèo cổ hơn, lời thoại đã thay bằng những câu văn vần, làn điệu dân ca đã bị hạn chế, làn điệu chèo cổ được sử dụng triệt để. Kịch chèo đã bắt đầu vận dụng lối diễn ước lệ, cách điệu, kết hợp với lối diễn “chân thực cảm” theo thể hệ Stanislavski. Về phương pháp thể loại, căn bản vẫn gần với kịch nói phương Tây. Vì vậy, các động tác hát, múa, diễn thường không ăn nhập với nhau bởi các vở kịch chèo không còn cấu trúc tự sự như chèo cổ mà cấu trúc theo xung đột kịch. Kịch chèo có mặt trong kịch mục của hầu khắp các đoàn chèo chuyên nghiệp, suốt từ những năm 1960 và kéo dài cho mãi tới cuối TK XX. Tiêu biểu cho những vở kịch chèo là: Con trâu hai nhà của Trần Bảng (Đoàn Chèo Trung ương), Sợi tơ vàng của Việt Dung (Đoàn Chèo Hà Nội), Người con gái sông Lam của Trung Phong (Đoàn Chèo Nghệ An), Chiếc khăn Hồng của Mai Bình (Đoàn Chèo Thanh Hóa), Người con gái sông Cấm của Tất Quang (Đoàn Chèo Hải Phòng)… Tuy đạt được những thành quả nghệ thuật nhất định nhưng kịch chèo cũng bộc lộ nhiều hạn chế, có nguy cơ làm mất đi cấu trúc, hình thức chèo cổ.
Cảnh trong vở Quan Âm Thị Kính - Nhà hát Chèo Việt Nam
Vào những năm 60 của TK XX, một số nhà hoạt động trong ngành Chèo có quan điểm cho rằng nhạc không lời và làn điệu là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị nghệ thuật mang bản sắc chèo. Với quan niệm cho rằng chèo là một hình thức opera dân tộc và chèo hiện đại là opera hiện đại có âm hưởng chèo, từ đó, họ đưa ra hướng cách tân chèo, phải bắt đầu từ cách tân âm nhạc. Họ chủ trương đưa nhạc không lời, nhạc nền vào phối hợp để diễn tả hành động kịch và đổi mới làn điệu chèo bằng cách viết ca khúc mới có âm hưởng chèo nhưng cấu trúc theo nguyên tắc của ca khúc âm nhạc, có hòa thanh phối khí, có hát bè như opera. Chủ trương này đã làm xuất hiện kịch chèo của opera. Một số vở kịch chèo opera tiêu biểu như: Người mẹ cầm súng, Người chị (Đoàn Chèo Trung ương), âm nhạc do nhạc sĩ Hoàng Kiều và tập thể lớp nhạc công do ông chủ nghiệm sáng tác; Lá thư từ tuyến đầu (Đoàn Chèo Hải Phòng) nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, Câu thơ thêu dở (Đoàn Chèo Hà Nam) nhạc của Bùi Đình Thảo… Kịch chèo opera chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi cách làm này không phù hợp với chèo. Nó tỏ ra bất cập hơn đối với cả kịch chèo bởi cấu trúc vở diễn vẫn theo lối kịch, đồng thời lại bỏ hát chèo (làn điệu cổ)… thay vào đó bằng 100% ca khúc mới theo lối opera.
Đầu những năm 80 lại xuất hiện một hướng kịch cách tân chèo, có người gọi là chèo cải tiến. Đây là những vở kịch nói, được hát bằng những ca khúc mới viết theo cấu trúc tân nhạc. Hình thức chèo cách tân này về sau được gọi là kịch hát mới, phát triển ở nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp. Một số vở tiêu biểu như: Nàng Sita (Đoàn Chèo Hà Nội), Một tình yêu sẽ đến, Bông hồng kiêu hãnh (Đoàn Chèo Hà Sơn Bình), Hoàng hậu Ba Tư (Nhà hát Chèo Việt Nam). Về thể loại, đây không phải là những vở chèo chất chủng mà dung nạp trong nhiều thủ pháp của nhiều thể loại (kịch, chèo, tuồng, cải lương).
NSND Trần Bảng
Thế rồi sóng gió cũng qua đi khi các nhà làm chèo nhìn lại những chặng đường tồn tại và phát triển của nghệ thuật chèo những năm đầu của TK XX và trước đó. Các bậc trưởng lão tên tuổi đã có những đóng góp cho nền nghệ thuật chèo đầu thế kỷ. Nhiều tác gia, đạo diễn tiêu biểu của sân khấu cách mạng, trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến đạo diễn chèo Trần Bảng - người Giám đốc đầu tiên sau khi Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc. Chúng tôi, những người theo đuổi nghiệp chèo là những thế hệ con, cháu hay nói đúng hơn là thế hệ học trò nhỏ của cụ, luôn gọi GS, NSND Trần Bảng với cái danh: đạo diễn chèo, vì thày nói: “Nên gọi tôi là đạo diễn chèo thôi”. Ông là một nhà nghiên cứu sân khấu truyền thống mẫu mực, cộng với những hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật sân khấu chèo, am hiểu vể sân khấu phương Tây, phương Đông bởi sự tìm tòi, học hỏi và được thừa hưởng cái nôi văn hóa gia đình. Ông là con trai nhà văn Trần Tiêu, là cháu gọi nhà văn Khải Hưng bằng bác ruột. Ngay từ nhỏ, ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, nên có một nền tảng kiến thức vững vàng để chuyên sâu đi theo con đường mà ông đã chọn. Đạo diễn Trần Bảng luôn tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của một Nhà hát Chèo truyền thống, nghiên cứu, định hướng, đưa ra những nguyên tắc cơ bản của chèo, đặc trưng một thể loại sân khấu riêng biệt; luôn gắn bó với sự phát triển của Nhà hát Chèo Việt Nam từ khi mới thành lập cho đến nay.
Theo đạo diễn chèo Trần Bảng, học tập người sắp trò xưa, người đạo diễn chèo ngày nay phải trau dồi nghề diễn chèo, đạt tới trình độ nếu chưa thông thạo bằng các nghệ nhân thì chí ít cũng có đủ những hiểu biết cơ bản để vạch đường chỉ lối, và kiểu cách, hướng dẫn các chuyên viên múa, hát theo ý đồ làm việc của mình với diễn viên. Người sắp trò xưa đều là những nghệ sĩ lão luyện trong nghề biểu diễn. Nhưng tình trạng đạo diễn ngày hôm nay lại trái ngược, người biểu diễn đã mất hẳn quyền làm chủ sàn diễn. Bao nhiêu lời chỉ bảo của đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ, biên đạo múa, nhiều khi mâu thuẫn với nhau, áp đặt lên họ, biến họ thành một con rối rất thụ động, cứng nhắc. Bản năng sáng tạo bị tù hãm. Trí tuệ sáng tạo bị khô cằn. Thói quen lười nhác, thiếu sáng tạo làm trì trệ hoạt động, làm suy giảm lòng yêu nghề của họ, không còn nghệ thuật sân khấu chứ chưa nói đến những hình tượng nghệ thuật ngang tầm với những hình tượng hay, đẹp của chèo cổ. Sự mất quyền sáng tạo còn xảy ra với những nhạc công chèo, những bản tổng phổ, bản nhạc của các nhạc sĩ không còn để ra một khe hở cho nhạc công ngẫu hứng trổ những ngón đàn truyền thống bay lượn thăng hoa như: nhị một Xuân Thịnh, tiêu Trần Vinh, thập lục Trần Đại…
Từ phương pháp tiếp thu những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, đạo diễn Trần Bảng nhận định: Để tiếp thu truyền thống, chèo cổ, hãy giải phóng lực lượng biểu diễn, trả lại cho họ vị trí làm chủ sàn diễn. Người đạo diễn chèo ngày nay có trách nhiệm trước hết là giải quyết vấn đề lớn này, cần sửa đổi lề lối làm việc, khai thác triệt để khả năng sáng tạo kể cả ngẫu hứng của các nghệ sĩ biểu diễn trong các buổi tập.
Thế mà lâu nay, có tác giả và nhạc sĩ thường coi tác phẩm của mình như bất di bất dịch, họ buộc nhà hát phải thực hiện theo đúng từng câu, từng chữ. Họ thường ít hiểu biết về nghề biểu diễn, ít khi tới phòng tập, mà có tới cũng chỉ để kiểm tra xem tác phẩm có được thực hiện đúng theo ý định của mình không? Sáng tác theo kiểu “úp nơm”. Do đó, đạo diễn Trần Bảng nhận định: Để tư duy một vở chèo, trước hết là “tư duy thơ, tư duy ước lệ, hình tượng trò diễn, tích trò, sắp trò, cơ sở kỹ thuật của trò diễn”. Điều ai cũng thấy là trò chơi nào cũng có phương tiện riêng, có luật lệ, có phép tắc chơi riêng của nó. Nghề chơi ở từng chủng loại sân khấu cũng tư duy kịch tương tự như vậy. Kịch nói đòi hỏi một tư duy cho riêng nó gọi là nói. Chèo đòi hỏi một tư duy cho riêng nó gọi là tư duy chèo. Tư duy kịch nói khác biệt với tư duy chèo. Dùng tư duy kịch nói để làm chèo thì nghịch lý chẳng khác gì chuyện đưa một kiện tướng cờ vua đấu với kiện tướng cờ tướng. Từ người sắp trò của nghệ thuật chèo truyền thống, rồi trở thành một đạo diễn chèo đích thực, đạo diễn Trần Bảng đã nghiên cứu, đưa ra phương pháp luận có tính khách quan, khoa học, được giới nghề và các nhà khoa học ghi nhận. Cuốn sách Trần Bảng - Đạo diễn chèo được Nxb Sân khấu phát hành năm 2006, đã nói lên sự tâm huyết của một tác gia xuất sắc suốt đời gắn bó với nghệ thuật chèo.
Theo dòng chảy nghệ thuật, để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn có những định hướng rõ rệt trên cơ sở khoa học trong suốt 70 năm từ khi thành lập đến nay. Những tích diễn, lời hát, khúc nhạc truyền thống luôn được các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau bảo tồn và gìn giữ, trở nên mẫu mực. Đó là, những tích diễn như: Kim Nham, Từ Thức, Tôn Mạnh - Tôn Trọng, Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Chu Mãi Thần, Lưu Bình - Dương lễ, Súy Vân, Nàng Thiệt Thê, Vân Dại… cùng nhiều gương mặt nghệ sĩ với những vai diễn để đời đã khẳng định một hướng đi đúng đắn cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của chèo.
Tư duy của người chỉ đạo nghệ thuật sẽ hướng những vở diễn theo phong cách riêng của từng nhà hát. Qua các thời kỳ lãnh đạo từ GS, NSND Trần Bảng, NGND nhạc sĩ Hoàng Kiều, GS Hà Văn Cầu, NSND Chu Văn Thức, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, nhạc sĩ Vũ Đình Quân… và đến hôm nay, Giám đốc, đạo diễn, TS, NSND Thanh Ngoan luôn kiên định với phong cách nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam, bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của chèo truyền thống.
Văn học nghệ thuật phương Đông với chức năng tải đạo, từ tư duy ấy hướng sự miêu tả vào nhiệm vụ nói lên bằng hình tượng nghệ thuật, chính là cái “ý”, cái “thần”. Phương pháp miêu tả ấy là phương pháp ước lệ. Cho nên, còn có thể gọi tư duy hướng nội của chèo là tư duy ước lệ trong xử lý không gian, thời gian hoàn cảnh của trò diễn… Hình tượng trò diễn là hình tượng biểu trưng cho ý chủ đề của trò diễn. Khi chuyển được sang hình thái hình tượng trò diễn rồi, thì chủ đề tư tưởng không còn ở trạng thái tĩnh, thụ động như hạt nhân trong trái quả, mà khát vọng, thăng hoa, chứa đầy năng lượng, bung ra muôn ngàn hình sắc rực rỡ.
Tích diễn được gọi là cốt truyện giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong nghệ thuật sân khấu, được đạo diễn Trần Bảng quan tâm hàng đầu, dù thuộc thể loại kịch Drame hay sân khấu tự sự. Tích là cái “tâm” của trò diễn. Nghệ thuật kịch hát truyền thống Việt Nam có câu: “Có tích mới dịch nên trò” đã trở thành tục ngữ.
Người đạo diễn chèo phải nắm vững những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, mô hình nhân vật như: Sinh, Đào, Lão, Mụ, Hề… Cấu trúc nhân vật, làn điệu bên trong giữ nguyên. Dáng vẻ mô hình nhân vật và làn điệu bên ngoài biến đổi cho phù hợp với tác phẩm, hoàn cảnh của vở diễn, mang hơi thở thời đại. Bởi nghiên cứu một cách khoa học về phương pháp đạo diễn chèo đã làm nên tên tuổi của GS, NSND, đạo diễn chèo Trần Bảng. Theo dòng chảy lịch sử của sân khấu dân tộc, qua những bước thăng trầm với nghề đạo diễn, những cái được và chưa được, những sai lầm cần rút ra trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật đã để lại cho ông nhiều thành quả nghệ thuật đáng được ghi nhận, một phương pháp của nghệ thuật đạo diễn chèo. Với những vở chèo truyền thống, hiện đại tiêu biểu, những công trình nghiên cứu, sưu tầm và dàn dựng, ông đã đóng góp cho kho tàng nghệ thuật chèo truyền thống và hiện đại những tác phẩm để đời. Bạn nghề và trong giới sân khấu luôn tôn vinh, gọi ông với cái danh “Cụ Trùm Chèo”.
Những tác phẩm mà đạo diễn chèo Trần Bảng đã chỉnh lý, dàn dựng gồm: Chị Trầm (1953), Con trâu hai nhà (lần 1-1956), Quan Âm Thị Kính (lần 1-1957), Lọ nước thần (lần 1-1959), Đường đi đôi ngả (1959), Lọ nước thần (lần 2-1960), Súy Vân (1961), Máu chúng ta đã chảy (1962), Cô giải phóng (1964), Quan Âm Thị Kính (lần 2-1968), Lọ nước thần (lần 3-1971), Tình rừng (1972), Sông Trà Khúc (1974), Cô gái và anh đô vật (1976), Truyện tình năm 80 (1981), Quan Âm Thị Kính 9 (lần 3-1985), Tô Hiến Thành (1986), Đôi ngọc truyền kỳ (1989), Từ Thức (1990), Tống Trân Cúc Hoa (1994), Trinh Nguyên (1996), Nàng Thiệt Thê (2001). Ngoài việc đạo diễn, GS, NSND Trần Bảng còn nghiên cứu khoa học, viết nhiều cuốn sách về lý luận sân khấu và giảng dạy các lớp đạo diễn, diễn viên, cao học, NCS của các trường ĐH, các trường sân khấu ở trong nước.
Nhìn lại quá trình 70 năm Nhà hát Chèo Việt Nam, từ đạo diễn Trần Bảng đến nay, qua cách làm của nhiều đạo diễn, mỗi người đều có những đóng góp riêng cho sự phát triển của Nhà hát. Chúng ta có thể khẳng định rằng: phong cách của Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn luôn giữ được hồn cốt cơ bản của nghệ thuật chèo, tiên kế hậu thừa theo dòng chảy sân khấu.
Trong xu thế đất nước đang trên đà phát triển hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, nhiều thể loại sân khấu mới du nhập vào nước ta, nghề đạo diễn cũng được đào tạo, với nhiều lớp trong và ngoài nước. Học tập tiếp thu những tinh hoa, vốn quý của nhân loại là việc làm cần thiết nhưng cốt cách nghệ thuật của một Nhà hát truyền thống luôn phải có tính định hướng rõ rệt, tiếp nhận có sàng lọc phải mang tính khách quan. Những bài học của nhiều nhà làm chèo TK XX đến nay đã giúp chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm. Hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam một chặng đường nghệ thuật, để nghệ thuật chèo luôn giữ được chất tinh hoa của nó thì phương pháp đạo diễn của GS, NSND, đạo diễn Chèo Trần Bảng là những bài học quý giá đối với những thế hệ đạo diễn hôm nay và mai sau.
TS, NSƯT LÊ TUẤN CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021