Những thập niên gần đây, xã hội dân sự (XHDS) trên toàn cầu cũng như ở Campuchia có sự gia tăng đáng kể phạm vi và năng lực. Phần lớn sự đánh giá của XHDS bắt nguồn từ các tổ chức XHDS (CSO), có đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội, kinh tế, dân chủ. Bài viết hệ thống lại nguồn cơ sở dữ liệu hiện có của Ủy ban Hợp tác Campuchia (CCC), cung cấp thông tin cơ bản về sự phát triển XHDS ở đất nước này.
Tiền đề hình thành XHDS ở Campuchia
Tiền đề xã hội
Từ xa xưa, trong xã hội nông nghiệp truyền thống Campuchia đã tồn tại sự cố kết và những mối liên kết chặt chẽ theo chiều ngang của cư dân làng xã. Người dân hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong các công việc trồng cấy, gặt hái, làm nhà, chuẩn bị lễ hội... Đặc biệt, Phật giáo là quốc giáo của Campuchia, nên ngôi chùa trở thành trung tâm của đời sống xã hội. Theo truyền thống, tập tục, giáo huấn của đức phật, đa số cộng đồng dân cư Campuchia hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, gắn kết trong đời sống lao động. Người dân trong làng tập hợp thành các nhóm, tự giúp đỡ lẫn nhau, có sự kết nối với nhà chùa.
Nhà chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm xã hội, văn hóa có liên quan mật thiết đến chính trị và các hoạt động xã hội. Theo đó, các hoạt động dân sự liên quan đến nhà chùa sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức của Phật giáo. Có thể nói, nhà chùa được đánh giá cao hơn nhà nước trong việc tham dự vào các nhu cầu của cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong cộng đồng dân cư hình thành tự phát một nhóm người có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công việc cụ thể như cùng nhau bàn bạc về một vấn đề chung, cùng điều hành, chia sẻ công việc. Với một quá trình kéo dài như vậy, xã hội Campuchia đã có một bước chuyển từ xã hội cộng đồng tính sang một xã hội hiệp hội tính. Đây là những tiền đề xã hội bước đầu cho việc hình thành một XHDS đích thực sau này.
Tiền đề chính trị
Hiệp định hòa bình Pari năm 1991 đánh dấu sự ra đời của XHDS Campuchia, tuy nhiên nó đã bắt đầu trước đó khoảng 10 năm. Từ tháng 1- 1979, sau khi lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Campuchia phát triển theo đường lối xã hội chủ nghĩa, thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Cuối thập niên 80 TK XX, trước những thay đổi của tình hình khu vực và quốc tế, chính phủ Campuchia đã có những thay đổi trong đường lối đối nội, đối ngoại, thực hiện khoán hộ, cho phép các thành phần kinh tế tư nhân tồn tại. Cuối năm 1989, chính phủ cam kết chấm dứt can thiệp vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, ban hành luật thừa kế, quyền sở hữu tư nhân, luật đầu tư nước ngoài. Những thay đổi quan trọng trên đã tạo ra sự cởi mở về tư tưởng, đồng thời tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Đến đầu những năm 90 TK XX xuất hiện những điều kiện trực tiếp cho việc hình thành và phát triển XHDS ở Campuchia. Năm 1991, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và sự nỗ lực của các bên, Hiệp định hòa bình Campuchia được ký kết, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, ổn định, phát triển, tạo điều kiện cho sự xuất hiện một XHDS đúng nghĩa. Theo Hiệp định, chính quyền lâm thời của Liên hiệp quốc ở Campuchia (UNTAC) chính thức thành lập ngày 19 - 2 - 1992, có nhiệm vụ tăng cường XHDS ở Campuchia như một phần của tiến trình hòa bình, cùng với chương trình nghị sự toàn cầu vào thời điểm đó. Tăng cường XHDS là sự bảo đảm cần thiết nhất để chống lại sự đàn áp bởi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary trong quá khứ.
Từ sau khi quốc hội thông qua hiến pháp năm 1993 và thành lập chính phủ hoàng gia, XHDS mới thực sự có được điều kiện cần và đủ để ra đời. Việc khẳng định Campuchia là một quốc gia dân chủ, tự do về tư tưởng, đa nguyên về chính trị, thừa nhận, bảo hộ quyền cá nhân, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có quyền tự do lập hội, hiệp hội hay nghiệp đoàn đã tạo điều kiện và kích thích sự ra đời của nhiều tổ chức XHDS. Các nhà lãnh đạo chính phủ vương quốc Campuchia trong 3 nhiệm kỳ đầu luôn ủng hộ các hoạt động của các tổ chức XHDS. Trong cương lĩnh chính trị của chính phủ nhiệm kỳ III (thành lập 16-7-2004), chính phủ Campuchia tiếp tục khẳng định, đánh giá cao vai trò của XHDS, cho rằng, cần tiếp tục củng cố chính sách về hợp tác giữa nhà nước và các tổ chức dân sự nhằm tăng cường quyền dân chủ, tự do, trật tự xã hội, tôn trọng pháp luật. Chính phủ khuyến khích hoạt động của các tổ chức XHDS trong nước và quốc tế nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Tiền đề kinh tế
Từ sau năm 1993, cùng với việc thực hiện dân chủ, tự do, đa nguyên về chính trị, Campuchia đã xây dựng nền kinh tế thị trường, tư nhân hóa về kinh tế. Theo hiến pháp, vương quốc Campuchia sẽ thông qua hệ thống kinh tế thị trường. Tự do hóa nền kinh tế, xét dưới góc độ hình thành XHDS đưa đến hai hệ quả:
Thứ nhất, nhà nước không còn và không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, điều này tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ có điều kiện hoạt động một cách độc lập.
Thứ hai, nhà nước không còn đảm nhiệm chức năng cung cấp hay bao cấp vật chất cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn đầu, khi mới thực hiện quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, một số tổ chức xã hội ra đời, lấp vào chỗ trống do chính phủ để lại nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu đời sống nhân dân. Tính chất quan hệ giữa nhà nước - công dân, nhà nước - tổ chức xã hội cũng thay đổi theo hướng quan hệ đối tác chứ không phải là quan hệ chỉ huy, quan hệ phụ thuộc như trước đây.
Sự phát triển XHDS ở Campuchia
Những năm 90 TK XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các CSO, tiêu biểu nhất là sự mở rộng đáng kể của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Năm 1989, lần đầu tiên tổ chức nhân đạo phi chính phủ quốc tế đã tới Campuchia, thành lập các NGO địa phương ngay sau đó. Tổ chức phi chính phủ nội địa đầu tiên của Campuchia được thành lập vào năm 1991 do các sáng kiến của tổ chức phát triển nước ngoài, đặc biệt là UNTAC. Nhiều tổ chức phi chính phủ nội địa đã được thiết lập trong thời gian UNTAC thực hiện nhiệm vụ (1992 - 1993), phần lớn là hoạt động giáo dục cử tri và thực hiện quyền con người.
Với quy tắc linh hoạt và quy định dễ dàng với nguồn quỹ nước ngoài, Campuchia đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của cộng đồng CSO. Nhiều CSO hỗ trợ, thậm chí thay thế công việc của các cơ quan nhà nước về cung cấp dịch vụ trong phát triển nông thôn, giáo dục, y tế, xã hội. Ngoài ra, một số CSO được tham gia vào việc xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin, vận động chính sách, giám sát và đánh giá các dự án phát triển quy mô lớn. Một số CSO quản lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai. Các tổ chức tại cộng đồng (CBO) cũng đã xuất hiện.
Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO) đóng vai trò quan trọng trong cứu trợ nhân đạo sau khi lật đổ chính quyền Khơme đỏ năm 1979. Trong giai đoạn này, INGO đã tiến hành hướng dẫn, vận động người dân Campuchia trong cuộc tổng tuyển cử. Trong suốt thập niên 80 và đầu thập niên 90 TK XX, INGO hoạt động tại Campuchia chủ yếu tập trung vào các chương trình cung cấp dịch vụ. Sau khi có các nhà tài trợ song phương, đa phương vào năm 1993, INGO chuyển sang phát triển cộng đồng truyền thống. Thời gian đó, số lượng NGO có sự tăng nhanh đáng kể.
Chưa có con số chính xác của các CSO ở Campuchia, nhưng hiện tại có 3.500 tổ chức NGO đã đăng ký, trong đó khoảng 1.000 tổ chức đang hoạt động, ước tính có 200 NGO quốc tế. Số lượng CSO vượt quá số NGO chính thống, vì còn có rất nhiều loại CBO chưa đăng ký. Theo diễn đàn NGO, các CSO có 5 vai trò quan trọng đối với xã hội Campuchia đó là cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho đối thoại, thúc đẩy nhân quyền, vận động và tư vấn chính sách (1). Chỉ có một vài tổ chức bảo trợ quan trọng tại Campuchia, trong đó CCC là tổ chức thành viên, đại diện cho CSO trong quan hệ với chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ. Diễn đàn NGO là tổ chức điều phối cho 100 CSO làm việc về phát triển, môi trường và vấn đề sinh kế. MediCam là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, còn các ủy ban hoạt động nhân quyền (CHRAC) được biết đến với những hoạt động thúc đẩy, tôn trọng nhân quyền, dân chủ, pháp quyền ở Campuchia.
Năm 2009, một mạng lưới CSO hoạt động về biến đổi khí hậu ra đời, gồm khoảng 45 tổ chức với mục tiêu chính là cải thiện sự phối hợp các nhà tài trợ, XHDS, nhà nghiên cứu, đại diện chính phủ để tạo điều kiện chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực cho các thành viên mạng. Ngoài ra, các nhóm cơ sở không chính thức cũng có mạng lưới riêng. Những mạng lưới này được tổ chức trong Hội nhân dân Campuchia cấp cơ sở (CGPA), gồm 1 nhóm nòng cốt và một số ủy ban. Thành viên của những ủy ban này từ các mạng khác nhau và từ hội viên địa phương. CGPA đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các NGO như NGO Hành động vì môi trường và cộng đồng (AEC), Cộng đồng Trung tâm giáo dục pháp luật (CLEC)…
Có 1.315 tổ chức XHDS (được đề cập đến như các NGO) đã được mở vào năm 2012, trong đó 1.130 tổ chức (85,9%) có kinh phí (2). Cơ quan XHDS thường được hình thành từ lợi ích của người dân địa phương, thường được hỗ trợ bởi các tổ chức NGO, đôi khi có sự tham gia của chính quyền địa phương với tư cách là thành viên hoặc lãnh đạo.
Kể từ giữa thập niên 90 TK XX, số lượng CSO ở Campuchia đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Hiện nay, có 3.492 tổ chức địa phương và quốc tế đăng ký. Sau khi bản dự thảo đầu tiên của Luật Hiệp hội và các tổ chức NGO (Lango) được phát hành trong năm 2010, đã có một số lượng lớn Hiệp hội và NGO đăng ký, tuy nhiên số lượng trong thực tế thấp hơn nhiều. Năm 2011, trong tổng số các tổ chức đăng ký với Bộ Công nghiệp, 54,4% đã được đăng ký như các NGO và 46,3% được đăng ký như các hiệp hội. Một số tổ chức đăng ký như hiệp hội nhưng có chức năng giống NGO và ngược lại (3). Trong tổng số 2.982 tổ chức đăng ký với Bộ Công nghiệp, 904 tổ chức đang hoạt động và 93 tổ chức không hoạt động, 140 tổ chức đã đóng cửa tuy nhiên chỉ có 33 tổ chức có báo cáo chính thức. Bên cạnh đó, kết quả điều tra cho thấy 322 INGO duy trì hoạt động, 17 INGO không chính thức đã đóng cửa, trong đó 34% không liên lạc được.
Các tổ chức XHDS đã có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia trong 30 năm qua, là chất xúc tác không thể thiếu cho sự thay đổi trong cuộc sống của hàng triệu người dân. Các CSO tồn tại bên ngoài chính phủ, gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tham gia tích cực trong mọi khía cạnh xã hội, làm việc trực tiếp với các bộ ngành của chính phủ, địa phương. Có thể nói, CSO đã có đóng góp đáng kể đối với những cải tiến và biến đổi xã hội Campuchia, vận động chính sách toàn diện, công bằng, bảo vệ quyền lợi hướng tới sự đoàn kết xã hội.
______________
1. Reflections on Cambodia Civil society, Kepa in Cambodia.
2. OU Sivhouch and KIM Sedara, 20 year’s strengthening of Cambodia Civil Society: Time for reflection, CDRI - Cambodia’s leading independent development policy research institute, Phnom Penh, 2013, p.5.
3. CSO Contributions to the Development of Cambodia 2011, A Report Commissioned by The Cooperation Committee for Cambodia, 3 - 2012, p.20.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : CAO THỊ MAI HOA