Tài tử và Đờn ca tài tử

Báo Tuổi trẻ online trong bài Đờn ca tài tử sao lại hóa thành âm nhạc nghiệp dư? (1) có viết: “Mỗi khi về miền Tây, thấy những biển quảng cáo cho âm nhạc tài tử Nam Bộ, tôi lại nhức nhối trong lòng, vì bên dưới bốn chữ đờn ca tài tử là mấy chữ tiếng Anh - southern amateur music, dịch ngược lại sang tiếng Việt là “âm nhạc nghiệp dư miền Nam”; “Không những thế, trên nhiều trang web tiếng Anh về văn hóa và con người Việt Nam, tên của đờn ca tài tử vẫn hay được dịch là amateur music”.

Không riêng tác giả, nhiều người Việt cũng băn khoăn về tổ hợp chuyển ngữ tiếng Anh này, bởi một khái niệm đặc biệt, đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa người Việt như: “đờn ca tài tử” qua lời dịch tiếng Anh lại có thể bị hiểu sai lệch như vậy quả là đáng tiếc. Đây cũng là chủ đề đáng bàn về mặt ngôn ngữ và văn hóa.

Chúng ta thử xem, các nghĩa của từ amateurtài tử đã được giải thích trong các cuốn từ điển tiếng Anh và từ điển tiếng Việt.

Từ điển Anh - Việt (2), giải nghĩa amateur có hai nghĩa: 1. (danh từ) tài tử, người ham chuộng; 2. (định ngữ) có tính chất tài tử, nghiệp dư, không chuyên (Ví dụ: amateur theatricals = sân khấu nghiệp dư, amateur art = nghệ thuật nghiệp dư, an amateur painter = họa sĩ tài tử).

Tự điển Đại Nam quốc âm tự vị (3) tài tử có thống kê 2 tổ hợp cấu trúc: 1) tài tử: kẻ có tài riêng, kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công; 2) bọn tài tử: bọn chuyên nghề cổ nhạc.

Đến thập niên 1930, từ tài tử đã có thêm một nghĩa mới như: amateur. Tự - điển Việt - Nam Phổ thông (4) giải thích tài tử là: “Chỉ người chuyên về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ thuật đó, chứ không phải dùng tài để mưu sinh”.

Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (5) giải nghĩa: amatơ t. [kng] [phong cách, lối làm việc] tùy hứng, tùy thích, không có sự chuyên tâm (Ví dụ: học hành amatơ thế thì đỗ làm sao được, tính rất amatơ). Từ điển này cho amatơ đồng nghĩa với tài tử.

Như vậy, không có sự khác biệt nhiều trong việc giải nghĩa hai từ amateur (tiếng Anh) và tài tử (tiếng Việt).

Trong tiếng Việt, tài tử thực chất là “hoạt động nghệ thuật không chuyên”. Diễn viên tài tử chỉ làm việc “diễn trò cho vui”, mục đích chính là mua vui, không nhằm kiếm tiền và người nghe cũng thưởng thức cho vui (mang tính giải trí) nên không khắt khe trong việc đánh giá (theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp một loại hình nghệ thuật với các quy chuẩn riêng như hát tuồng, hát bội, hát cải lương…). Chúng ta biết ở Hà Nội có “tài tử Ngọc Bảo” hát rất hay, nhưng mang tính ngẫu hứng (thần tượng của ông là tài tử người Ý Tim Ross và coi việc hát như một thú vui tao nhã. NSND, Đạo diễn Trần Ngọc Giàu có nói:Đờn ca tài tử chơi ngẫu hứng, còn cải lương nặng về biểu diễn của diễn viên nhằm thể hiện một nội dung nhất định. Bên cạnh đó, tài tử mang tính phóng túng của cá nhân nhiều hơn sân khấu cải lương. Bởi cải lương biểu diễn có sự chỉ đạo của đạo diễn và sáng tạo trong khuôn phép khuôn khổ, còn đờn ca tài tử có khuôn phép riêng nhưng thể hiện rất rõ khả năng chẻ nhịp nhả chữ của người ca”.

Tuy nhiên, có thể nói, đờn ca tài tử dịch sang tiếng Anh là southern amateur music không sai nhưng không thỏa đáng.

Không thỏa đáng vì có một số từ ngữ đặc biệt mang đặc trưng văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, một đất nước không thể áp dụng cách dịch: word by word (từ bằng từ, một đối một) vì không diễn tả đúng nội hàm ngữ nghĩa của nó. Cũng bởi cách dịch này không có “tính quy chiếu”, tức không thể chỉ đích danh “sở chỉ” (sở chỉ, reference - thực thể trong thế giới hiện thực được chỉ ra bằng một sự diễn đạt ngôn từ). “Đờn ca tài tử” là đặc sản riêng của người miền Nam đất Việt. Nước Anh (hay bất cứ nước nào) đều không có loại hình nghệ thuật độc đáo này. Vì vậy, tốt nhất trong trường hợp này là để nguyên dạng (đờn ca tài tử) và sau đó diễn giải cho người đọc hiểu “nét nghĩa ngôn ngữ và văn hóa” riêng biệt của nó. Cũng như từ áo dài của ta, đem dịch sang tiếng Anh là “long shirt” là hỏng (vì đây chỉ “loại áo dài truyền thống của người Việt, có mẫu mã và quy cách, kích thước riêng”); nước mắm cũng không thể dịch là “fish sauce” (nước sốt cá) vì thực chất đây là một thực phẩm, nước chấm thủy phân, chế biến bằng cách “cho lên men cá tươi và muối một thời gian dài trong một dụng cụ riêng”. Trong các cuốn từ điển giải thích hay từ điển bách khoa (và bách khoa toàn thư) nước ngoài hiện nay, họ vẫn để nguyên dạng các từ, như: áo dài, nem (rán), nước mắm, phở, bún chả... mà không dịch ngang (tương đương) để đưa vào mục từ theo ngôn ngữ của họ. Thiết tưởng, từ đờn ca tài tử cũng cần được ứng xử như vậy mới thỏa đáng về mặt ngôn ngữ và văn hóa.

___________________

1. Linh Đoan, Đờn ca tài tử sao lại hóa thành âm nhạc nghiệp dư?, tuoitre.vn, 26-6-2020.

2. Lê Khả Kế, Từ điển Anh - Việt, Nxb Khoa học xã hội, 1985 và các năm khác.

3. Huỳnh Tịnh Paulus Của, Tự điển Đại Nam quốc âm tự vị, Nxb Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895.

4. Đào Văn Tập, Tự-điển Việt-Nam Phổ thông, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951.

5. Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2020.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

 

;