Tranh dân gian Đông Hồ tiếp cận từ góc độ vùng văn hóa

Tranh dân gian Đông Hồ được coi là một trong những sản phẩm văn hóa tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, không chỉ có vai trò là vật phẩm trang trí ngôi nhà vào dịp Tết cổ truyền, mà còn thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tính cách và khí chất, cùng những ước vọng của con người Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài, tranh Tết dân gian Đông Hồ dường như bị rơi vào quên lãng, nhưng bằng nỗ lực của Chính phủ, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và học giả, đến năm 2013, tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào Danh mục Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó đến nay, tranh Đông Hồ lại được thổi một luồng gió mới, làm sống dậy những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Với sự quan tâm đặc biệt của các học giả, tranh Đông Hồ được nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau như: lịch sử hình thành, tính mỹ thuật, phong tục, nội hàm văn hóa và các giá trị văn hóa, thực trạng và giải pháp để tranh Đông Hồ được hồi sinh.

1. Vùng văn hóa

Đầu TK XX tại Mỹ, khái niệm “vùng văn hóa” (culture area) được đề cập đầu tiên trong các bài viết về dân tộc học của Otis Tuyton Mason, sau đó nhà nhân học Clark David Wissler đã phát triển khái niệm này để có thể sử dụng là công cụ phân tích, so sánh liên văn hóa và là cơ sở cho việc xây dựng lý thuyết (1). Tại Pháp, các nhà địa lý văn hóa chủ yếu tập trung vào nghiên cứu lĩnh vực địa lý văn hóa xã hội và địa lý lịch sử. Nhà nghiên cứu Paul Vidal de la Blache (1845-1918) người Pháp với những nghiên cứu về mối liên hệ giữa con người và môi trường sống của họ, đã đặt trọng tâm vào các nền văn hóa dân gian và cuộc sống bình dân trong bối cảnh lịch sử bấy giờ ở các nước châu Âu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi con người không chỉ liên quan đến môi trường vật chất - các vùng đất, mà là cả môi trường văn hóa của họ nữa, đó chính là genre de vie - lối sống hoặc văn hóa địa phương. Lối sống bao gồm các truyền thống, các thể chế, ngôn ngữ, tập quán, đồ ăn… của một dân tộc, khiến cho bản sắc vùng gắn liền với các đặc trưng của con người, cũng như các đặc trưng vật chất của nó.

Tại Việt Nam, nhà văn hóa học Trần Ngọc Thêm dựa trên các đặc trưng về địa lý, không gian văn hóa, cộng đồng dân tộc… đã phân chia Việt Nam thành 6 vùng văn hóa (2): Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Trường Sơn - Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Nam Bộ. Với quan niệm về vùng văn hóa, nhà nghiên cứu Huỳnh Công Lập cho rằng: “Vùng văn hóa là một không gian văn hóa được tạo thành bởi các đơn vị địa lý - dân cư địa phương kế nhau; ở đó có một tập hợp các cơ cấu và đặc trưng văn hóa được hình thành trên cơ sở sự tương đồng về quan hệ nguồn gốc và lịch sử. Đó là một hệ thống các dạng thức văn hóa mang đậm sắc thái tâm lý cộng đồng, thể hiện trong sinh hoạt, trong ngôn ngữ, trong thái độ đối với di sản các giá trị tinh thần, trong sự cảm thụ và phương thức nghệ thuật, trong phong thái ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường” (3). Đặc biệt với sự tổng hợp các quan niệm và kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã tiến hành phân tích và đưa ra kết quả nghiên cứu của mình thông qua cuốn sách Vùng văn hóa và phân vùng văn hóa. Ông cho rằng: “Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển - kinh tế xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác” (4). Dựa trên quan niệm này kết hợp với những tiêu chí tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, tộc người, giao lưu văn hóa, đặc trưng vùng để phân định các vùng văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra quan điểm về khái niệm vùng thể loại văn hóa là một không gian địa lý xác định, mà ở đó từng thể loại văn hóa (truyền thuyết, sử thi, dân ca, âm nhạc, sân khấu, ẩm thực, kiến trúc…) thể hiện tính tương đồng, thống nhất của mình thông qua nội dung, kết cấu, các sắc thái biểu hiện, phương thức lưu truyền (5)... với những quan niệm vùng văn hóa và tiêu chí như vậy, tác giả đã đưa ra sự phân định về phân vùng văn hóa ở Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong đó bao gồm 23 tiểu vùng văn hóa nhỏ.

Có thể nói, dựa vào các quan điểm lý thuyết về vùng văn hóa trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho chúng ta cơ sở để phân định và so sánh sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng địa lý khác nhau, đồng thời cũng là công cụ cơ bản để nghiên cứu tranh dân gian Đông Hồ Việt Nam, một trong những hiện tượng văn hóa tiêu biểu mang tính vùng văn hóa Việt Nam.

2. Vùng văn hóa và tranh dân gian Đông Hồ

Trên góc độ nghiên cứu, vùng văn hóa có các yếu tố cơ bản để hình thành bao gồm: tự nhiên - khí hậu - cư dân - tộc người, sản xuất kinh tế, đời sống vật chất, truyền thống lịch sử - xã hội. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa đặc trưng, hay nói cách khác là những dấu hiệu mang sắc thái riêng biệt của khu vực văn hóa. Các dấu hiệu văn hóa này bao gồm: lối sống, phong tục tập quán; nghệ thuật, sự giao lưu văn hóa giữa nội và ngoại vùng...

Dưới cái nhìn tổng quan về sự hình thành vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tiểu vùng văn hóa nói riêng. Chúng ta không thể không nhắc đến tranh dân gian Đông Hồ, một trong những dấu hiệu văn hóa biểu hiện sắc thái đặc biệt mang tính vùng, nó đã góp phần hình thành nên tiểu vùng văn hóa Kinh Bắc nói riêng và vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Về vị trí địa lý của tranh dân gian Đông Hồ, được ra đời tại thôn Đông Khê (6) hay dân gian ta vẫn gọi là làng Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây làng Hồ nằm bên dòng sông Đuống (sông Thiên Đức), đồng thời cũng nằm ở điểm nút ngã tư giữa các vùng lân cận, nên làng Hồ có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc giao thương đường thủy, bộ tạo điều kiện cho việc phát triển làng nghề thủ công.

Dưới góc độ lịch sử vùng Kinh Bắc nói chung và huyện Thuận Thành nói riêng là vùng đất cổ có truyền thống văn hóa lâu đời, đồng thời cũng là trung tâm cư trú của người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ (7). Nơi đây đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử từ thời kỳ Bắc thuộc, rồi đến thời kỳ nước Việt ta tự chủ, cho đến ngày nay các lớp văn hóa đã được khắc họa lại thông qua một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, đó chính là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ.

Chữ trên tranh

Hầu như trong tất cả các tranh Đông Hồ, ta thường nhìn thấy các thể loại chữ Hán, chữ Nôm sau này là chữ Quốc ngữ. Đây có thể là những chủ đề của tranh, hay những câu thơ đề lên bức tranh, nó không chỉ làm cho bố cục của tranh thêm chặt chẽ sinh động, mà xét ở góc độ truyền thông thị giác thì chữ trên tranh còn có tác dụng tạo cho bức tranh có được cú pháp hoàn thiện của thông điệp muốn truyền tải (8). Đó là những đánh giá đơn thuần về mặt mỹ thuật và chức năng truyền thông của chữ trên tranh. Nhưng dưới góc độ di sản văn hóa, các thể loại chữ này là minh chứng cho tiến trình giao thoa tiếp biến văn hóa và trí tuệ của con người Việt Nam.

Thông qua việc đưa chữ lên tranh dân gian Đông Hồ, không chỉ có tính mỹ thuật và chức năng làm rõ những thông điệp truyền tải, mà nó còn bao hàm các giá trị văn hóa - lịch sử to lớn.

Tín ngưỡng dân gian

Tín ngưỡng dân gian là một thành tố quan trọng để hình thành nền văn hóa của người Việt, nó được sản sinh dựa trên điều kiện môi trường tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc thờ cúng thiên nhiên đã sớm trở thành tập tục lâu đời và quan trọng trong đời sống tôn giáo. Hơn nữa, kết hợp với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Đạo giáo, Nho giáo từ phương Bắc, Phật giáo Ấn Độ khi được du nhập vào Việt Nam được cải biên, dung nhập với tập tục và tư tưởng bản địa đã hình thành nên tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Để phản ánh tính đa nguyên trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, thông qua đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí tuệ và sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân Đông Hồ, đã được phản ánh tương đối đầy đủ.

Tính đặc trưng của tín ngưỡng bản địa là tính phồn thực xuất phát từ rất sớm trong sử Việt. Với sự quan trọng trong phương thức sản xuất nông nghiệp, các tộc người Việt tôn thờ biểu tượng về âm - dương, sự dung hòa giữa trời, đất và sự nảy nở sinh sôi của vạn vật miêu tả về tính phồn thực này, các nghệ nhân Đông Hồ sử dụng hình ảnh các con vật, mà trong đó các biểu tượng có khi trực tiếp là “thái cực”, hay quan niệm dân gian Gà biểu tượng cho Dương - Vịt biểu tượng cho Âm. Ví như: “Đàn lợn âm dương”; “Lợn ăn cây dáy”, “Vinh hoa - Phú quý”… ngoài những ý nghĩa chúc tụng một năm mới no đủ, vinh hoa phú quý, còn bao hàm cả triết lý về vũ trụ quan về sự cân bằng giữa hai thái cực. Hay trong các bức tranh “Mục đồng chăn trâu”, “Mục đồng thổi sáo”, “Nghỉ ngơi”, “Nông sự khai cơ” chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh con Trâu. Các biểu tượng về con vật này thể hiện cho tính phồn thực của tín ngưỡng dân gian người Việt.

Bên cạnh đó, trong hai bức tranh “Thổ Công - Thổ Địa”, cho thấy quan niệm dân gian Việt Nam tin rằng “đất có thổ công, sông có hà bá”, thể hiện cho tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người Việt.

Đối với tín ngưỡng thờ nhân thần, các bức tranh về các vị nhân thần dưới góc độ nghiên cứu tranh dân gian, có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa vào thể loại tranh lịch sử. Nhưng xét ở một khía cạnh tín ngưỡng, các nhân vật lịch sử này đều được dân gian quan niệm đó là nhân thần, thánh. Ví dụ như: Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…     

Góp phần vào quá trình hình thành tín ngưỡng dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, không thể không nói đến sự giao lưu và tiếp biến văn hóa. Đầu tiên, phải kể đến sự pha trộn Đạo giáo và Nho giáo được dung hợp với tín ngưỡng bản địa. Có rất nhiều tranh mang đậm sắc thái của Đạo giáo miêu tả về niềm tin tính thiêng, như bức tranh môn thần (tranh in hình các vị thần được dán ở cửa để xua đuổi tà ma, đem lại sự bình an cho ngôi nhà) “Vũ Đinh, Thiên Ất”, xuất phát từ truyền thuyết về hai vị danh tướng thời dưới thời Đường Thái Tông là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức. Hai vị tướng này trấn giữ cửa cung mỗi đêm thì tà ma không đến quấy nhiễu nữa, vua được ngủ ngon. Từ đó dân gian tôn làm môn thần (thần giữ cửa), nhưng khi được truyền bá sang Việt Nam, được ông cha ta Việt hóa từ hình ảnh lẫn tên gọi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Hay các bức: “Tử vi trấn trạch”, “Huyền đàn trấn môn”… Tử Vi là một trong bốn vị tôn thần, chúa tể của trời đất… có chức năng ban phúc, cộng với đồ hình bát quái và thần Hổ đồ án này được dân gian cho rằng linh phù trấn trạch, một trong những linh phù phổ biến vùng Bắc Bộ. Người Việt tin rằng khi treo hình này lên đem lại gia cảnh yên ổn và được ban phúc.

Ngoài ra, tranh ngũ hổ của Đông Hồ, cũng thể hiện về sự ảnh hưởng của triết học Trung Hoa đối với tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Quan niệm dân gian cho rằng mỗi vị thần Hổ đại diện cho một hành trong ngũ hành tương sinh, tương khắc…

Về Phật giáo, các bức như Quan Âm, Phật Tổ… cũng thể hiện cho tín ngưỡng Phật giáo xuất hiện trong đời sống xã hội.

Phản ánh đời sống sinh hoạt

Các bức tranh dân gian Đông Hồ thường tái hiện lại không gian văn hóa lễ hội, mô tả cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, như trò chơi dân gian trong hội làng: đánh đu, đấu vật, hát quan họ, hứng dừa... Đôi khi lại dùng các hình ảnh để đề cập đến những mặt trái đang tồn tại trong xã hội như: đám cưới chuột, đánh ghen, thầy đồ Cóc, nhảy đầm… những hình ảnh này cho thấy sự thuần phác, mộc mạc của tính cách người Việt.

Dựa trên hiện thực xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thông qua quá trình thu hút văn hóa ở vùng ngoại vi, các nghệ nhân Đông Hồ đã phác họa lại không gian văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, sống động, đồng thời chứa đựng những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa người Việt.

Nhìn chung, những yếu tố được thể hiện trên tranh dân gian Đông Hồ đã phác họa lại không gian văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nội hàm văn hóa chứa đựng không chỉ các giá trị văn hóa, mà còn bao gồm giá trị lịch sử to lớn.

3. Một vài suy nghĩ thúc đẩy phát triển nghề tranh dân gian Đông Hồ

Với lịch sử hàng trăm năm, vào năm 2013 tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến năm 2020 đã hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới.

Cho tới nay, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước, đã và đang thực hiện nhiều dự án với mục đích bước đầu hồi phục và đưa tranh Đông Hồ tiếp cận với đời sống hiện đại. Điển hình, đó là việc đưa các bức tranh gà, lợn, cá chép, cậu bé ôm gà... lên các sản phẩm tiêu dùng hiện đại như như lịch để bàn, túi vải, tranh treo tường, sổ ghi chép, áo dài… Hay phát triển du lịch tạo nguồn thu nhập cho làng nghề, cùng các nghệ nhân. Tuy nhiên thực trạng dường như vẫn chưa mấy lạc quan, từ những tiếp cận tranh Đông Hồ dưới góc độ vùng văn hóa, tác giả cho rằng: tranh dân gian Đông Hồ ở trong một xã hội truyền thống, hình ảnh cũng như nội hàm văn hóa của nó có sự gắn kết mật thiết với con người và các cộng đồng cư dân sinh sống trên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng trải qua tác động của những biến đổi lịch sử - xã hội, vô tình đã tạo ra sự đứt gãy mối liên hệ giữa con người hiện đại với dòng tranh dân gian truyền thống này.

Để phục hồi nghề tranh dân gian Đông Hồ, ngoài các dự án đang được triển khai cần phải có chiến lược truyền thông hiệu quả hơn, nhằm mục đích truyền bá những giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Đưa di sản văn hóa phi vật thể tranh dân gian Đông Hồ vào giáo dục cho các cấp học từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm và quảng bá di sản tại các đơn vị trường học.

Giao lưu tranh Tết với các nước trên thế giới, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao, đồng thời tạo ra quyền lực mềm trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam trên lĩnh vực quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những cơ hội để tạo nguồn tiêu thụ đầu ra cho tranh dân gian Đông Hồ, tăng nguồn thu nhập cho các gia đình nghệ nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển nghề làm tranh.

______________________

1. Wissler Clark, The American Indian: An Introduction to the Anthropology of the New World (Người Mỹ da đỏ: Giới thiệu về Nhân loại học của Thế giới Mới), Nxb Douglas C. McMurtrie, New York, 1917.

2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam - Định vị văn hóa, Nxb Giáo dục, 1999, tr.20-34.

3. Huỳnh Công Bá, Đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng - tiểu vùng ở Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2019, tr.19-20.

4, 5. Ngô Đức Thịnh, Vùng văn hóa và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM, 2004, tr.64, 292.

6. Thôn Đông Khê trong lịch sử có các tên gọi: làng Đông Mại (tên nôm còn gọi là: làng Mái); làng Đông Hồ (theo nghĩa Hán có nghĩa: Hồ ở phía Đông) tên dân gian thường gọi là làng Hồ.

7. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Song Hồ, Lịch sử truyền thống cách mạng xã Song Hồ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.11.

8. Nguyễn Thu Giang, Truyền thông thị giác dưới sự quy chiếu của lý thuyết đóng khung, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 6 (57), 2011, tr.57.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh, Lê Bích, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, 2019.

2. Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và Văn hóa Tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2001.

3. Nguyễn Đức Lữ chủ biên, Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2007.

4. Từ Thị Loan, Di sản văn hóa phi vật thể tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Lao động, 2016.

Ths VŨ MINH ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;