Công chiếu phim “Ký ức Nam Xuân”

Tối 7-7, Công ty Cổ phần phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) tổ chức công chiếu ra mắt bộ phim truyện điện ảnh “Ký ức Nam Xuân” (biên kịch: Kim Ửng, đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum). Tác phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.

Đoàn làm phim “Ký ức Nam Xuân” ra mắt tại buổi công chiếu - Ảnh: Xuân Hướng

Đến dự công chiếu ra mắt Ký ức Nam Xuân có đại diện của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, Sở VHTT TP.HCM, Cục Điện ảnh, nhiều nghệ sĩ điện ảnh gạo cội, nhà sản xuất và ê-kíp đoàn phim (gồm biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất) cùng các diễn viên: Minh Luân, Thiên Thư, NSƯT Đức Sơn, Hồng Điểm, Minh Hoàng, Hoàng Hải…

Ký ức Nam Xuân xoay quanh nhân vật chính Hùng Thiện (Minh Luân thủ vai) - một chiến sĩ cảm tử của lực lượng quân giải phóng miền Nam. Tham gia trận đánh của Tết Mậu Thân 1968, Hùng Thiện bị thương nặng và bị quân địch truy sát. May mắn anh được bố con ông Năm Đờn (NSƯT Đức Sơn) - một cơ sở cách mạng trong lòng địch - cứu giúp. Trong thời gian dưỡng thương tại nhà ông Năm Đờn, Hùng Thiện và Mỹ Lệ (Thiên Thư) chớm nở tình yêu từ sự đồng cảm, chung chí hướng. Nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi ông Năm Đờn hy sinh, Hùng Thiện tham gia chiến đấu trở lại và bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Ngỡ người yêu cũng không còn sống, Mỹ Lệ theo mẹ ra nước ngoài sinh sống. Khi cuộc chiến kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường vừa mang thương tật do những đòn tra tấn tàn khốc của địch để lại hậu quả, Hùng Thiện còn mang nỗi oan nghi chiêu hồi khiến tinh thần càng sa sút. Anh quyết định sống khép kín, dồn tâm sức nuôi cậu con trai của đồng đội đã hy sinh khôn lớn trưởng thành. Chỉ đến khi danh dự của người chiến sĩ kiên trung được minh oan, cùng với việc tìm lại hạnh phúc riêng dẫu muộn màng, Hùng Thiện mới thực sự được hồi sinh, cũng nhờ kết nối kỳ diệu của điệu đờn ca tài tử Nam Xuân.

Tại buổi công chiếu bộ phim, đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum cho biết dù là một bộ phim có đề tài về chiến tranh, cách mạng nhưng trong điều kiện sản xuất nhiều khó khăn, ê-kíp chỉ tái hiện một phần nhỏ cuộc chiến. Đó chỉ là những ký ức, lát cắt nhỏ về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Vì vậy trong phim không có những phân cảnh tái hiện các trận đánh lớn, chỉ là những cuộc đối đầu giữa ta và địch ở phạm vi nhỏ, song cũng đủ cho khán giả thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chiến kiên cường của các chiến sĩ cảm tử quân giải phóng miền Nam năm xưa.

Cảnh trong phim "Ký ức Nam Xuân" - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám Công ty Cổ phần phim Giải Phóng cho biết thêm, từ kịch bản văn học ban đầu trong quá trình thực hiện ê-kíp cũng có nhiều phần hư cấu để bộ phim thêm phần hấp dẫn. Xuyên  suốt bộ phim, Ký ức Nam Xuân dùng âm nhạc truyền thống, cụ thể là những bài bản đặc trưng của đờn ca tài tử Nam Bộ - làm sợi dây dẫn dắt và kết nối để bật lên tinh thần yêu nước, tình đồng chí - đồng đội, tình cảm gia đình. Đặc biệt là sự lồng ghép những bản đờn ca tài tử vang lên ngay trong các cảnh khói lửa hay bố ráp, bắt bớ của kẻ địch. Một trong những  chi tiết thú vị trong phim Ký ức Nam Xuân là mỗi khi tiếng đàn của ông Năm Đờn hay ai đó được cất lên còn là một tín hiệu báo bình an, sum họp. “Theo tôi sự lồng ghép này có ý nghĩa rất lớn. Bởi giữa chiến tranh như vậy, tiếng đàn tiếng hát sẽ làm dịu đi và làm cho chúng ta cảm thấy vơi bớt sự khốc liệt của cuộc chiến” - ông Hưng chia sẻ.

Vào vai ông Năm Đờn - một ông thầy vừa dạy đờn ca tài tử nặng lòng với nghệ thuật truyền thống của dân tộc vừa làm cơ sở cách mạng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng trong nhà, NSƯT Đức Sơn cho biết phải hết sức cố gắng, gồng mình lên nhiều cho phim bởi đây là tác phẩm chính luận cách mạng, có yếu tố chiến tranh mà còn cả đờn ca tài tử. Do đó, ông phải đi học đờn, học nhiều để chuẩn bị tốt cho vai diễn.

Nữ diễn viên trẻ Thiên Thư cũng tâm sự khi cô phải trải qua thời gian thử vai dài, ba bốn lần mới được chọn hóa thân nhân vật Mỹ Lệ, con gái của ông Năm Đờn. Khi đọc kịch bản, cô thấy rất yêu thích vai diễn này vì được tiếp cận điệu Nam Xuân trong đờn ca tài tử.

Một cảnh trong phim "Ký ức Nam Xuân" - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đảm nhận vai nam chính Hùng Thiện, diễn viên Minh Luân cho biết vai diễn lần này khiến anh gặp rất nhiều khó khăn. Chưa từng trải qua những năm tháng chiến tranh, để hiểu về giai đoạn lịch sử đó anh đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu lịch sử, từ đó thêm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ, người dân thời đó. Dù phải hóa thân vào nhân vật ở hai giai đoạn khác nhau nhưng anh thấy hài lòng với phần thể hiện của mình. Có những cảnh khi Hùng Thiện bị quân địch truy sát, lại bị vết thương khá nặng, buộc phải nhảy xuống sông lặn trốn, Minh Luân phải dầm mình trong nước lạnh lúc đêm tối suốt nhiều giờ đồng hồ để ghi hình. Dù phải hóa thân vào nhân vật ở hai giai đoạn khác nhau nhưng Minh Luân thấy hài lòng với phần diễn xuất của mình.

Với sự nỗ lực cao nhất của ê-kíp làm phim, Ký ức Nam Xuân là một bộ phim điện ảnh mang đến nhiều chiều sâu cảm xúc, hấp dẫn và cuốn hút từ câu chuyện, các cảnh quay, âm nhạc, diễn xuất tròn vai của dàn diễn viên... Sau suất công chiếu ra mắt đầu tiên tại TP.HCM, được biết vào đầu tháng 8 phim Ký ức Nam Xuân sẽ được chiếu phục vụ khán giả tại tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2025) và Quốc khánh 2-9. Nhà sản xuất cũng đang chờ kế hoạch cụ thể từ Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) để phim có thể phát hành rộng rãi đến khán giả trên toàn quốc.

XUÂN HƯỚNG

;