• Văn hóa > Cổ truyền

Bảo tồn văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn (Nghiên cứu ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)

Tóm tắt: Là một trong số các dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam nhưng dân tộc Pà Thẻn lại sở hữu một kho tàng văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Cư trú theo nhóm riêng lẻ, xen cư cùng các dân tộc khác, văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn ở xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) hiện nay đang chịu tác động mạnh mẽ từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhiều giá trị truyền thống của cộng đồng đang đứng trước nguy cơ mai một nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Pà Thẻn là nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa quốc gia. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể, đầu tư phù hợp và huy động sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn văn hóa Pà Thẻn gắn với phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian dân tộc Raglai ở Khánh Hòa gắn với phát triển du lịch

Tóm tắt: Diễn xướng dân gian là thành tố quan trọng và đặc sắc của kho tàng văn hóa phi vật thể của người Raglai ở Khánh Hòa, được cộng đồng sáng tạo nhằm đáp ứng các nhu cầu về giải trí, nghệ thuật, giáo dục và tâm linh trong đời sống thường ngày; phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và trình độ phát triển tộc người trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Diễn xướng dân gian có vai trò to lớn, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển hướng đến những giá trị nhân văn. Ngày nay, loại hình văn hóa dân gian này còn được khai thác để xây dựng thành những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Bảo tồn nghi lễ mo của dân tộc Mường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu và giới thiệu về Mo Mường - một di sản văn hóa quan trọng của cộng đồng người Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Mo Mường không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng mà còn là kho tàng tri thức lịch sử, xã hội, văn hóa và nghệ thuật dân gian của dân tộc Mường. Mo Mường gắn liền với nhiều nghi lễ trong đời sống, đặc biệt là tang lễ, nơi thày mo thực hiện các bài mo để dẫn hồn người chết về Mường Chạ Đống (thế giới tổ tiên). Ngoài ra, mo còn được thực hành trong các nghi lễ cầu phúc, trừ tà, làm vía, giải hạn và các nghi lễ cộng đồng khác. Mo Mường không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn phản ánh triết lý nhân sinh, giáo dục đạo đức, thể hiện sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng thế giới siêu nhiên. Hiện nay, Mo Mường vẫn được người Mường ở huyện Nho Quan thực hành và bảo tồn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Vai trò của Tết mồng 3 tháng 3 trong xã hội người Tày, Nùng, Choang ở vùng biên giới Việt - Trung

Tóm tắt: Tết mồng 3 tháng 3 là một sự kiện văn hóa quan trọng của một số cộng đồng tộc người cư trú ở hai bờ biên giới Việt - Trung như Tày, Nùng (Lạng Sơn) và Choang (Quảng Tây). Tết mồng 3 tháng 3 phản ánh nguồn gốc lịch sử và nhiều khía cạnh quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng sở tại. Bài viết này tập trung khám phá vai trò của Tết mồng 3 tháng 3 trong đời sống đương đại của các cộng đồng Tày, Nùng và Choang vùng biên giới Việt - Trung. Bên cạnh việc chỉ ra những giá trị và vai trò của Tết mồng 3 tháng 3 đối với cộng đồng, bài viết còn đề cập các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Lễ nghi tín ngưỡng trong ứng xử với môi trường tự nhiên của người Mạ ở Vườn Quốc gia Cát Tiên - Việt Nam

Cư dân Mạ sinh sống lâu đời ở vùng rừng núi Nam Tây Nguyên và phía Bắc Đông Nam Bộ; trong đó có địa bàn Vườn Quốc gia Cát Tiên. Với tín ngưỡng đa thần, người Mạ thờ nhiều thần linh và thực hành những lễ nghi liên quan đến rừng, núi và nguồn nước. Lễ nghi của người Mạ mang yếu tố tâm linh, cầu an, cầu mùa và thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Bên cạnh luật tục, người Mạ truyền lưu những giá trị văn hóa qua lễ nghi nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên trong cộng đồng. Có nhiều yếu tố xã hội tác động, những lễ nghi tín ngưỡng một thời bị mai một, nay được phục hồi trong công tác bảo tồn di sản văn hóa tộc người. Những nét đẹp trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên qua lễ nghi truyền thống của người Mạ góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên tự nhiên đa dạng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Hát gọi vía trong đời sống văn hóa của người Thái (Thanh Hóa)

Tóm tắt: Hát gọi vía được hình thành, phát triển và giữ gìn trong đời sống văn hóa dân gian của người Thái, phản ánh khá sinh động về hiện thực xã hội, lễ tục, con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hát gọi vía trong tục làm vía là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tộc người Thái Thanh Hóa. Bài viết phân tích làm rõ những giá trị của hát gọi vía trong đời sống văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa nói riêng và cộng đồng người Thái ở Việt Nam nói chung. Điều đó có ý nghĩa thiết thực vào việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của tộc người, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thày Tào và những phương tiện được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Tóm tắt: Thày tào là người thực hiện các nghi lễ thờ cúng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Họ đóng vai trò trung gian giữa con người với thần linh và tổ tiên, giúp cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu… Trong các nghi lễ, thày tào sử dụng nhiều phương tiện đặc trưng như sách cúng, cây thanh táo, bộ thanh la, trống, tranh thờ, bùa chú và trang phục truyền thống. Mỗi vật dụng mang ý nghĩa riêng, giúp tăng tính linh thiêng và hiệu quả của nghi thức. Những phương tiện này không chỉ hỗ trợ thày tào hành lễ mà còn phản ánh tín ngưỡng bản địa sâu sắc. Các nghi lễ này góp phần duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày. Việc nghiên cứu về thày tào và các phương tiện nghi lễ giúp hiểu rõ hơn về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại

Bàn thờ gia tiên trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng ở Cao Bằng

Tóm tắt: Thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nét văn hóa đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, góp phần tạo thêm giá trị nhân văn của dân tộc ta với đức tính thủy chung, nhớ về cội nguồn, giữ gìn nếp sống hiếu đạo trong đời sống hiện nay. Việc lựa chọn đồ thờ, bài trí trên bàn thờ gia tiên rất quan trọng đối với đồng bào, thể hiện sự tôn kính và tri ân của gia đình, gia tộc đối với các bậc tiền bối. Vị trí và cách bài trí bàn thờ trong gia đình người Tày, Nùng cho biết nhân sinh quan của họ trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

Cấu trúc lưỡng hợp trong lễ hội của người Chăm (Nghiên cứu trường hợp lễ Rija Nagar - lễ hội đầu năm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận)

Tóm tắt: Bài viết tập trung vào việc phân tích cấu trúc lưỡng hợp trong lễ hội Rija Nagar đầu năm của người Chăm tại thôn Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận. Lễ hội này, dù có những điểm tương đồng với các vùng Chăm khác nhưng lại chứa đựng nhiều nét đặc sắc và khác biệt, đặc biệt trong các nghi thức và biểu tượng. Bài viết làm nổi bật nghi thức múa phồn thực thể hiện khát vọng về sự sinh sôi, nảy nở. Tác giả cũng chỉ ra nhiều biểu tượng lưỡng hợp khác trong lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa, vừa thể hiện tư duy nhị nguyên sâu sắc của người Chăm, vừa là sự kết hợp hài hòa giữa các phạm trù đối lập trong văn hóa của dân tộc Chăm. Lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa không chỉ là một nghi lễ đơn thuần mà còn là một tổng thể văn hóa phức tạp, chứa đựng nhiều lớp nghĩa sâu sắc về sự sinh sôi, giao hòa giữa âm - dương, đực - cái, cũng như giữa các cấu trúc mang tính cặp đôi trong xã hội và văn hóa Chăm.

Nghề làm gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận): Từ tiềm năng đến định hướng phát triển kinh tế di sản

Tóm tắt: Nghề làm gốm Bàu Trúc, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, không chỉ là biểu tượng văn hóa của người Chăm ở Ninh Thuận mà còn là tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế di sản. Bài viết này phân tích tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế di sản từ nghề gốm Bàu Trúc, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn địa phương. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển bài bản, kết nối các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng chủ thể và tạo dựng không gian di sản để phát huy giá trị văn hóa. Kinh tế di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo dựng bản sắc địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm quốc tế cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương, tránh rập khuôn máy móc.

Làng khoa bảng Nguyệt Viên (Thanh Hóa)

Tóm tắt: Làng Nguyệt Viên, phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa - một huyện có truyền thống hiếu học, văn hiến. Cả huyện có nhiều người văn nho đỗ đạt, trong đó Nguyệt Viên nằm trong danh sách dẫn đầu và nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh. Trải qua các triều đại Lê, Mạc, Nguyễn đến tận khoa thi cuối cùng năm 1919, mạch nối khoa bảng ở Nguyệt Viên không bị đứt đoạn, đây là điều khác biệt so với các làng khác. Những người đỗ đạt này đều ghi dấu tên tuổi của mình trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trở thành những công thần tích cực phò vua, giúp nước. Bài viết phân tích những giá trị truyền thống của làng khoa bảng Nguyệt Viên cần được phát huy trong cuộc sống hiện nay.

Tín ngưỡng thờ thần qua sắc phong ở Tuyên Quang

Tóm tắt: Di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ thời Lê sơ, Trần, Nguyễn được khắc trên bia, khánh, chuông, hoành phi, câu đối cùng với thư tịch sách về địa lý, lịch sử, văn học, văn hóa, tín ngưỡng không chỉ là kho tàng văn hóa quý giá, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện sự sáng tạo và bản sắc riêng của người dân nơi đây. Những tài liệu này đa dạng và phong phú hiện đang lưu giữ ở thư viện trong nước và các đình, chùa, bảo tàng, các di tích lịch sử... của Tuyên Quang. Đây là bức tranh phản ánh sinh động về văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của các dân tộc tại Tuyên Quang được gìn giữ qua bao thế hệ, gắn liền với lịch sử dân tộc, dân làng, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Bài viết thống kê số liệu sắc phong tại Tuyên Quang, từ đó nêu lên đặc điểm và giá trị của những tư liệu này trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương.