Âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc cho múa nói riêng vẫn đang trên con đường tìm tòi và phát triển. Việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc vào trong các tác phẩm múa có thể coi là một biện pháp đúng đắn, bởi tất cả tác phẩm múa Việt Nam đều có yếu tố dân tộc thông qua nội dung, hình tượng, động tác và cảm xúc... Với tài năng sáng tạo của các nhạc sĩ, những chất liệu từ dân ca, dân vũ, dân nhạc cũng như âm nhạc sân khấu truyền thống được khai thác trong những sáng tác âm nhạc cho múa Việt Nam thể hiện những màu sắc và cung bậc khác nhau, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Việt Nam là đất nước có 54 dân tộc cùng sinh sống, sự đa dạng trong loại hình âm nhạc dân gian, trong đó các làn điệu dân ca của các dân tộc ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Nhà nghiên cứu Tú Ngọc đã có một cách nhìn về dân ca: “Dân ca là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian. Sinh hoạt ấy gắn với những môi trường nhất định, đồng thời mang tính đặc thù về thẩm mỹ” (1). Đây cũng chính là cơ sở để tìm hiểu nhiều hơn về chất liệu âm nhạc dân gian qua dân ca Việt Nam. Âm nhạc dân gian Việt Nam bao gồm các loại hình như: dân ca (bài hát dân ca), dân nhạc (bài nhạc dân gian cho nhạc cụ diễn tấu) và dân vũ (điệu múa dân gian), trong đó, dân ca chiếm đa số.
Khi nhận định về dân ca Việt Nam trong cuốn Cấu trúc dân ca người Việt, tác giả Bùi Huyền Nga đã viết: “Dân ca là một loại hình nghệ thuật nằm trong tổng thể của nền văn hóa dân gian vì thế từ khi sinh ra nó đã mang trong mình sự tổng hợp của nhiều yếu tố: phong tục tập quán, tín ngưỡng, phương thức lao động sản xuất, thơ ca và âm nhạc” (2).
Dân ca Việt Nam là một trong những thể loại âm nhạc cổ truyền, được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng phương thức truyền khẩu. Mỗi người diễn xướng lại, góp phần sáng tạo của mình vào làn điệu trong quá trình biểu diễn. Do vậy, tác giả của dân ca gồm nhiều người ở nhiều thế hệ. Một bài dân ca thường tồn tại với một khung và cơ bản được gọi là lòng bản và nhiều bản có những thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung thêm gọi là dị bản.
Việt Nam vốn dĩ là quốc gia đa sắc tộc, có nền văn hóa lâu đời, do vậy dân ca Việt Nam bao gồm nhiều vùng miền với các thể loại phong phú. Trong nhạc cho múa ở Việt Nam, chúng ta bắt gặp những tác phẩm lấy chất liệu âm nhạc của người Mông, người Thái ở vùng cao Tây Bắc, chất liệu dân ca quan họ Bắc Ninh hoặc những làn điệu chèo là sự tinh túy của người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chất liệu của các điệu hò ở miền Trung, chất liệu âm nhạc vùng Tây Nguyên, chất liệu âm nhạc của người Nam Bộ…
Xây dựng chủ đề dựa trên nét giai điệu dân ca
Dạng này có thể gọi là cải biên dân ca hoặc phát triển giai điệu dân ca. Tác phẩm này không giống như dạng chuyển thể, bởi ở đó có khi chỉ còn nhận ra một vài nét cơ bản của giai điệu, âm hình nổi bật của bài dân ca trong tác phẩm. Với phương pháp này, nhạc sĩ sẽ phát huy được khả năng sáng tạo thông qua việc kết hợp giữa chất liệu âm nhạc dân gian với sự thể hiện của các nhạc cụ phương Tây hoặc nhạc cụ dân tộc. Qua đó làm nổi bật nội dung, hình tượng và tính chất của những điệu múa mang đặc trưng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Có thể thấy số lượng tác phẩm viết theo phương thức này khá nhiều.
Có thể lấy ví dụ tác phẩm Những cánh hoa xuân (thể loại múa tập thể, nhạc sĩ Doãn Tiến). Phần âm nhạc được sáng tác cho dàn nhạc dân tộc thể hiện. Ở phần hai Allegretto, tác giả sử dụng âm sắc của đàn tính, giai điệu chủ đề được xây dựng từ chất liệu bài Con đường về Thái - hát then Bắc Kạn, dân ca dân tộc Tày:
Những cánh hoa xuân (trích nhịp 37- 42)
Điệu múa Bật quạt (âm nhạc Nguyễn Văn Thương), được xây dựng dựa trên nét giai điệu của bài Bóng em dân ca Chăm. Tuy nhiên, tác giả đã cải biên với nét giai điệu không có những nốt hoa mỹ, nhịp điệu chậm rãi.
Bật quạt (trích nhịp 1- 23)
Cũng sử dụng chất liệu bài dân ca Con đường về Thái - hát then Bắc Kạn, nhưng ở tác phẩm nhạc múa Hội then của nhạc sĩ Đôn Truyền, 4 giọng hát nữ thể hiện chủ đề qua phần lời của giai điệu mô tả theo tính chất của điệu múa, tuy nhiên nhạc sĩ đặt lời khác phù hợp với nội dung của điệu múa.
Hội then (trích nhịp 5-9)
Nếu như ở tác phẩm nhạc múa Hội then nhạc sĩ Đôn Truyền sử dụng bốn giọng nữ để làm nhiệm vụ hát giai điệu chủ đề, thì trong tác phẩm Khúc dạo đàn then (thể loại múa tập thể), phần âm nhạc do dàn nhạc đảm nhiệm, nhạc sĩ Đôn Truyền sử dụng nét giai điệu bài Xuân đến - dân ca dân tộc Tày, để xây dựng chủ đề trên âm sắc của sáo ở thang năm âm Rê Bắc (d-e-g-a-b). So với giai điệu bài dân ca Xuân đến thì trong Khúc dạo đàn then, tác giả đã sử dụng nhịp phân đôi 2/4. Giai điệu được diễn tấu ở âm sắc của sáo, đàn nhị và đàn tứ tạo cho màu sắc dân tộc trở nên phong phú hơn, phù hợp với kịch bản múa.
Khúc dạo đàn then (trích nhịp 17- 24)
Trong tác phẩm nhạc múa Hà Nhì, nhịp 61-89, giai điệu chủ đề đã sử dụng chất liệu bài Chề chu ý chề dân ca dân tộc Hà Nhì, với cách làm như vậy nhạc sĩ đã làm cho âm nhạc của tác phẩm được tăng cường tính chất dân tộc, sắc thái dân tộc để tô điểm thêm cho điệu múa mang đậm hơi thở dân tộc Hà Nhì.
Múa Hà Nhì (trích nhịp 61-89)
Bên cạnh đó, còn có tác phẩm nhạc múa sử dụng kết hợp hai loại chất liệu dân ca ở hai vùng dân tộc khác nhau trong một chủ đề âm nhạc, nhằm làm phong phú hơn hiệu quả thể hiện của tác phẩm nhạc múa. Tác phẩm Những cô gái Chăm của nhạc sĩ Trần Quý, tại phần F và phần G (theo đề mục của tác giả) chất liệu dân ca Chăm và dân ca Khmer đã được vận dụng. Ở phần F, chủ đề được phát triển từ làn điệu dân ca Ngôi sao sáng của đồng bào Khmer. Sau đó chuyển sang phần G, tác giả đã khai thác chất liệu từ bài dân ca giao duyên Người tình ơi - Kthơng Gloonglơi. Những bước đi liền bậc kết hợp với bước nhảy và tiết tấu đảo phách đã làm nổi bật những động tác múa nhịp nhàng sinh động của các cô gái Chăm.
Những cô gái Chăm (trích nhịp 127- 144)
Trong khi đó, bài nhạc múa Cánh thư đảo xa (thể loại múa tập thể), nhạc sĩ Doãn Nguyên đã đưa người nghe đến một nét giai điệu mang âm hưởng của Lý mười thương, dân ca Bình Trị Thiên, được diễn tấu bởi đàn tranh, sáo trúc cùng dàn nhạc bán cổ điển (semiclassic). Trước khi chủ đề chính xuất hiện có hai nhịp mở đầu là nét chạy rải của đàn violon trên thang bốn âm (d-g-a-c), sắc thái nhẹ (p), tốc độ chậm. Sau đó, tiết tấu nhanh dần với âm hình móc kép như miêu tả hình ảnh những con sóng biển dồn dập. Tiếng vuốt nhẹ của đàn tranh (thập lục) điểm vào cho nét giai điệu ở chủ đề mang tính chất trữ tình mượt mà với cách tiến hành giai điệu có những bước nhảy quãng 4 quãng 5, âm nhạc mô tả theo kịch bản múa là hình ảnh người con gái có nỗi niềm trăn trở gửi đến người thương ở nơi phương xa.
Cánh thư đảo xa (trích nhịp 1- 9)
Ở một góc độ khác, tác phẩm Bức tranh làng Hồ (thể loại múa tập thể, nhạc sĩ Trọng Tĩnh), phần âm nhạc được diễn tấu bởi đàn bầu và dàn nhạc dân tộc là trường hợp sử dụng kết hợp chất liệu dân ca của hai dân tộc. Đây là tác phẩm phác họa bức tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột. Trong đoạn mở đầu, có thể nghe rõ giai điệu của bài Đố ai - Bỏ Bộ, thể loại hát dậm ở Hà Nam.
Bức tranh làng Hồ (trích nhịp 6 - 10)
Điểm khác biệt trong bài này là cách tiến hành giai điệu khoan thai, chậm hơn so với bài dân ca gốc. Sau khi đoạn nhạc mở đầu kết thúc, xuất hiện giai điệu của chủ đề chính được phát triển từ nét giai điệu của bài Lưu thủy Kim Tiền, dân ca Thừa Thiên Huế trên âm sắc đàn bầu, trong không gian âm nhạc tĩnh lặng, lúc này chỉ xuất hiện nét chủ đề và bộ gõ để mô phỏng theo tính chất của điệu múa.
Bức tranh làng Hồ (trích nhịp 33 - 40)
Với cách làm như vậy ta còn thấy ở nhiều tác phẩm khác như: Mái tóc, Đoàn kết là sức mạnh (Trần Quý); Giã gạo (Nhật Lai); Bắt trạch (Đỗ Hồng Quân)…
Sử dụng các yếu tố mang âm hưởng dân ca
Phương pháp sử dụng âm hưởng của dân ca để sáng tác những tác phẩm nhạc cho múa là một trong những lựa chọn của một số nhạc sĩ Việt Nam. Âm hưởng dân ca gợi đến có thể qua âm điệu, có thể chỉ bằng các quãng đặc trưng, điệu thức, cũng có khi bằng một nhóm tiết tấu điển hình của một bài dân ca nào đó.
Sử dụng các quãng đặc trưng trong dân ca
Trong bản Hoa sen dâng Bác (thể loại múa tập thể), phần âm nhạc sáng tác cho dàn nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, ngay ở 5 nhịp mở đầu, giai điệu chính là bè của dàn dây mang âm hưởng quãng 6, một quãng đặc trưng trong Ví dặm (dân ca Nghệ An). Sau đó, chủ đề trên âm sắc của cây đàn bầu, giai điệu có những nốt luyến láy với cách tiến hành bước nhảy quãng 7 đi xuống. Nhìn tổng thể trong cách xây dựng chủ đề ở tác phẩm, nhạc sĩ khi sáng tác không phát triển từ một nét giai điệu nào của bài Ví dặm. Tuy nhiên, do nhạc sĩ biết cách vận dụng các quãng đặc trưng trong Ví dặm (với các quãng 2 trưởng, 3 thứ, 3 trưởng, 4 đúng, 5 đúng, 6 trưởng, 6 thứ, 7 thứ), vì thế khi âm nhạc vang lên, âm hưởng của bài Ví dặm hiện lên rất rõ nét.
Hoa sen dâng Bác (trích nhịp 1-5)
Trong bản nhạc múa Vũ điệu Hương Giang nhạc sĩ Đỗ Bảo đã sử dụng một số yếu tố mang âm hưởng làn điệu Lý tình tang dân ca Thừa Thiên Huế. Với lối kết cấu giai điệu đi lên đi xuống trong đó có sự liên kết của quãng 2, quãng 3, quãng 4, cùng âm hình tiết tấu có đảo phách nghịch phách là những nhân tố điển hình giúp người nghe nhận ra âm hưởng của điệu Lý tình tang.
Vũ điệu Hương Giang (trích nhịp 1-11)
Trong tác phẩm nhạc múa của nhạc sĩ Doãn Tiến ở tác phẩm Bầu trời lời ru, chủ đề được xây dựng trên thang năm âm Đô Bắc (c-d-f-g-a-c). Với những nét giai điệu uốn lượn, tiết tấu có nghịch phách do đàn 36 dây đảm nhiệm ở phần đệm, chủ đề âm nhạc của tác phẩm này do đàn bầu diễn tấu đã vang lên âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh. Kết hợp với điệu múa mềm mại uyển chuyển đi kèm cùng đạo cụ là những chiếc quạt với nhiều màu sắc sặc sỡ trong phần múa của dân tộc Kinh.
Bầu trời lời ru (trích nhịp 1-9)
Còn âm hưởng của dân ca Mông đã được hiển hiện lên trong tác phẩm nhạc múa Tình khúc biên thùy (thể loại múa tập thể). Phần âm nhạc viết cho sáo Mông và giọng nữ cùng dàn nhạc semiclassique của nhạc sĩ Doãn Nguyên. Sau phần mở đầu 12 nhịp, giai điệu chủ đề được diễn tấu ở sáo Mông dựa trên âm hưởng của bài Nhớ em yêu dân ca Mông. Tác giả sử dụng cách tiếp nối giai điệu những bước nhảy quãng 4, quãng 8 điển hình trong bài dân ca Nhớ em yêu trên thang năm âm Đô Vũ (c-es-f-g-bes). Chủ đề là giọng nữ cùng họa lại nét giai điệu, lúc lên cao, lúc xuống thấp kết hợp với điệu múa khèn gợi đến hình ảnh của vùng núi cao xa xôi, trùng điệp nhưng đậm chất thi vị trữ tình.
Tình khúc biên thùy (trích nhịp 13-19)
Thang âm, điệu thức trong dân ca
Thang âm, điệu thức là một yếu tố thành phần quan trọng để cấu thành tác phẩm âm nhạc, thông qua đó, chúng ta có thể nhận biết được những nét đặc thù của các dân tộc khác nhau trong các tác phẩm đó. Nhạc sĩ Tô Vũ nhận định rằng: “Âm nhạc truyền thống người Việt dùng thang âm ngũ cung thất thanh bằng năm điệu bảy âm nhưng trong thực tế dân ca người Việt ta lại thấy hệ thang điệu năm âm mới phổ biến” (3). Trong cuốn Tìm hiểu dân ca người Việt, tác giả Phạm Phúc Minh nhận định: “Trong dân ca Việt Nam có rất nhiều kiểu gam - điệu thức, nhưng phổ biến nhất vẫn là năm cung (ngũ cung)” (4).
Những khái niệm trên đã phần nào đúc kết một vài đặc điểm về thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian Việt Nam. Thực tế cho thấy, thang năm âm là một trong những thang âm có trong âm nhạc dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới và nó đã được nhiều nhạc sĩ ở TK XX khai thác để trở thành phong cách mới lạ trong tác phẩm của mình. Âm nhạc TK XX được biết đến qua phong cách sáng tác của nhạc sĩ Debussy và Ravel. Cả hai nhạc sĩ này đã vận dụng thang năm âm vào trong tác phẩm mang đến cho người nghe những sắc màu của âm nhạc phương Đông... Điều đó đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng, ngoài cách cấu tạo của thang năm âm thì cách vận dụng chúng để xây dựng những tuyến giai điệu, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra phong cách, điểm nhấn những màu sắc âm thanh trong tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung và âm nhạc cho múa nói riêng. Khi thang âm đó vang lên, người nghe có thể liên tưởng đến sắc thái đặc trưng của vùng miền, chẳng hạn như: thang âm của người Tây Nguyên, hoặc thang năm âm của điệu Oán là đặc trưng trong âm nhạc tài tử cải lương Nam Bộ... Như vậy, sự đa dạng của thang năm âm có trong âm nhạc dân gian Việt Nam cũng là một thuận lợi giành cho các nhạc sĩ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khi sáng tác âm nhạc cho múa.
Trong khai thác chất liệu dân ca trong các tác phẩm nhạc múa, có thể nhận thấy, đa phần là cách sử dụng nét giai điệu của bài dân ca, tập trung ở một số dân tộc như: Tày, Dao, Cống Khao, Hà Nhì, Chăm, Khmer và dân ca Bình Trị Thiên… Ngoài ra còn sử dụng các yếu tố mang âm hưởng dân ca như quãng 6 trưởng, 6 thứ, 5 đúng, 3 thứ, 3 trưởng, 2 trưởng đặc trưng trong dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, quãng ba và quãng bốn trong điệu Lý tình tang (Thừa Thiên Huế), âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh…
___________________
1. Dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001, tr.8.
2. Bùi Huyền Nga, Cấu trúc dân ca người Việt, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012, tr.79.
3. Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 1, 1973, tr.62.
4. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.98.
Tài liệu tham khảo
1. Dân ca Việt Nam - Những làn điệu dân ca phổ biến, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2006.
BÙI PHƯƠNG HẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023