Đến Mường Phăng, thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều đoàn khách phương xa đã tấp nập về với Mường Phăng thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến với di tích gắn với trận chiến lịch sử, những người lính năm xưa, các cựu chiến binh hay các thế hệ trẻ hôm nay mang trong lòng nhiều cảm xúc, trong đó là sự thành kính và tấm lòng biết ơn.

Cách thành phố Điện Biên khoảng 40km, khu di tích Mường Phăng - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già. Nơi đây, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã “đóng chốt” 105 ngày (từ 31-1 đến 15-5-1954), phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đến với Mường Phăng, dưới tán rừng cổ thụ mát rượi, vượt qua trạm gác đơn sơ, chúng tôi lần lượt tham quan nơi làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Tổng Tham mưu phó QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái; cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh; Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy.

Cũng như những nhà lán đơn sơ, giản dị khác, ngôi lán của Đại tướng với những vật dụng đơn sơ như chiếc bàn tre, ghế, là nơi Đại tướng nghiên cứu tình hình chiến sự trên tấm bản đồ trải rộng nhằm tìm ra phương án quyết định để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bên cạnh nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đường hầm xuyên qua lòng núi, khi có máy bay hoặc chiến sự, Đại tướng sẽ xuống hầm để làm việc. Hầm xuyên núi là công trình đồ sộ nhất ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, được xây dựng trong gần 1 tháng. Đường hầm này thông sang nơi làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái. Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng một chiếc lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Đây là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập.

Một trong những di tích còn lại cho đến bây giờ là khu bếp Hoàng Cầm. Qua nhiều lần trùng tu, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đã tôn tạo một số ngôi lán và hầm làm việc với chất liệu bền vững hơn nhằm tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt đơn sơ, giản dị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch trong khu rừng Mường Phăng…


 

Đến với khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng trong dịp này, TS Hoàng Mạnh Hùng – cán bộ giảng dạy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Tôi sinh năm 1956, bắt đầu đến với Điện Biên vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đó đến nay, mỗi năm chúng tôi lại đến với Điện Biên và Mường Phăng vào những ngày tháng 5 lịch sử nhằm tri ân các thế hệ cha, ông, đặc biệt là đối với vị tướng tài ba – Võ Nguyên Giáp. Nhiều lần đến với nơi đây, nhưng mỗi lần trong tôi lại có những cảm xúc mới lạ. Một trong những lý do mà tôi đến với vùng đất lịch sử này là niềm tự hào khi cha tôi cũng từng là chiến sĩ điện biên, làm việc tại Cục 2 (Cục An ninh quân đội), ông cũng là một trong những người trực tiếp công tác và hoạt động tại Bộ Chỉ huy Mường Phăng.

Được biết, năm nay tại Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bạn trẻ đến từ TP.HCM, Nguyễn An Hoàng (sinh năm 2001) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em đến với Mường Phăng để thăm khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Em cảm thấy rất xúc động khi được chứng kiến, nghe về những chiến công của quân đội ta, đặc biệt là về sự tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với chuyến đi này, em hiểu sâu hơn về những khó khăn, gian khổ, thách thức của quân đội ta khi một lòng quyết chiến với quân địch. Qua đó, em cảm thấy tự hào và thêm yêu Tổ quốc, cố gắng nỗ lực học tập để góp phần nhỏ bé vào dựng xây đất nước".

Cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khu bếp Hoàng Cầm

Trong dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cô giáo trường mầm non xã Nà Nhạn đã đưa các bé đến thăm quan khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh các em bé với đôi mắt sáng, trong bộ quân trang, nghiêm chỉnh xếp hàng đến với khu di tích đã khiến nhiều du khách xúc động và thích thú. Đi bộ với đoạn đường trong rừng khá xa, nhưng mỗi khi được hỏi có mệt không, thì câu trả lời non nớt của các em sẽ là “không mệt ạ”.

Cô giáo Vũ Kim Oanh, công tác tại Trường Mầm non xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, một trong những giáo viên cùng các em đến với khu di tích cho biết: "Trường đã tổ chức cho 60 trẻ lớp 4 tuổi và 5 tuổi tham gia trải nghiệm tại Khu di tích Mường Phăng để các bé biết về ý nghĩa ngày 7-5, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến với nơi đây, các con sẽ được trải nghiệm về lịch sử, được đi trên con đường mà Bộ Chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chú bộ đội đã từng chiến đấu và đi qua. Đến với buổi trải nghiệm, các con cảm thấy rất hứng khởi, vì còn nhỏ nên cũng phải có sự trợ giúp của các bà và bố, mẹ”.

Du khách đến với Mường Phăng thăm di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Hình ảnh các bé trong trang phục bộ đội đã thu hút nhiều ánh mắt của các đoàn du khách đến với Mường Phăng, nói về hoạt động trải nghiệm ý nghĩa này, TS Hoàng Mạnh Hùng – cán bộ giảng dạy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Vinh cho rằng đây là một việc làm rất có ý nghĩa. “Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong thời bình, có cuộc sống đầy đủ, sung sướng, có nhiều bạn dễ quên đi không khí hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà cha ông ta đã chiến đấu để có được hòa bình, có được Mường Phăng thanh bình đáng sống. Với việc bằng nhiều cách, từ nhà trường đến xã hội, tạo ra những hoạt động, sinh hoạt để các cháu có dịp sống lại không khí oai hùng nhưng cũng rất là thấm đượm tình cảm yêu hòa bình, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc là điều rất nên làm, ý nghĩa và cần lan tỏa rộng rãi” - TS Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;