Để triển khai một thư viện số hoạt động 24/24 và có nguồn tài nguyên phong phú đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn. Làm cách nào để có một thư viện số mà đầu tư với chi phí thấp nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất là bài toán mà tất cả các trường đại học, cao đẳng đang quan tâm. Công nghệ điện toán đám mây là giải pháp tốt nhất giải quyết bài toán trên. Bài viết giới thiệu về công nghệ điện toán đám mây với những ưu điểm nổi bật nhất của nó trong việc xây dựng thư viện số tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.
Điện toán đám mây cung cấp các công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng internet - Nguồn ảnh: internet
Được thế giới coi là công nghệ tiên phong trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0, điện toán đám mây bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam. Chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công cần hiểu và nhìn nhận đúng vai trò công nghệ cốt lõi này, cũng như có những chính sách phù hợp mang tính thúc đẩy ở cấp độ quốc gia.
Điện toán đám mây là gì?
Điện toán đám mây (Cloud computing) có thể hiểu một cách đơn giản là các phần mềm và các dịch vụ sẽ nằm tại các máy chủ trên Internet (đám mây) thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Chi phí cho một máy tính lớn khá đắt nên các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các trường đại học, cao đẳng không phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm, đội ngũ IT mà chỉ cần tập trung vào chuyên môn bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ. Người dùng có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào trong đám mây (cloud) tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu thông qua hệ thống internet. Trải qua nhiều cải tiến và phát triển, điện toán đám mây giờ đây đã trở thành công cụ đắc lực cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Một số ví dụ của ứng dụng điện toán đám mây là: dịch vụ thư điện tử (email) của google mail, các ứng dụng văn phòng google docs, giải pháp thư viện số DLib của Công ty tài liệu trực tuyến Việt Nam (VDOC).
Lợi ích của Điện toán đám mây
Lý do mà một số chính phủ trên thế giới đang khuyến khích các cơ quan của họ áp dụng đám mây và tạo ra sự thay đổi là tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải tiến và gia tăng sự linh hoạt trong triển khai các dịch vụ (dịch vụ công, dịch vụ tài nguyên số).
Đại dịch COVID-19 là minh chứng cho thấy các cơ quan nhà nước cần có cơ sở hạ tầng, năng lực và biện pháp kiểm soát hiện đại để vượt qua sự gián đoạn do bùng phát dịch bệnh toàn cầu. Điện toán đám mây là một trong những giải pháp thay đổi cách thức xây dựng và quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp. Điện toán đám mây là phương tiện hiệu quả để xây dựng các cơ sở dữ liệu quy mô lớn, tổng hợp dữ liệu số của các thư viện, giúp cán bộ thư viện phục vụ bạn đọc từ xa có hiệu quả hơn.
Về chi phí, Điện toán đám mây là việc phân phối tài nguyên công nghệ thông tin theo nhu cầu qua internet với chính sách thanh toán theo từng lần sử dụng.
Một số đặc điểm nổi bật của Điện toán đám mây
Hiện nay có 4 mô hình đám mây thường được các cơ quan và doanh nghiệp sử dụng trong việc lưu trữ dữ liệu: Điện toán đám mây riêng tư với cơ sở hạ tầng được cung cấp dành riêng cho các cơ quan sử dụng; Đám mây cộng đồng với cơ sở hạ tầng với cơ sở hạ tầng được cung cấp phục vụ cho những cơ quan có nhiệm vụ liên quan và yêu cầu bảo mật cao; Đám mây công cộng được cung cấp mở rộng cho công chúng (giải pháp Thư viện số Dlib của VDOC là đám mây cộng đồng lưu chung cơ sở dữ liệu của các thư viện trường, thuộc loại thứ ba này); Đám mây lai với cơ sở hạ tầng được kết hợp giữa đám mây riêng tư với đám mây cộng đồng hoặc đám mây công cộng.
Ưu điểm nổi bật của công nghệ điện toán đám mây
Chi phí đầu tư, duy trì thấp
Với việc sử dụng công nghệ Điện toán đám mây, các trường đại học, cao đẳng không phải đầu tư chi phí ban đầu như là đầu tư máy chủ, các thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, các phần mềm, đầu tư một nguồn điện ổn định, một hệ thống làm mát server, đường truyền băng thông lớn, không cần các chuyên gia để cài đặt, vận hành và bảo trì hệ thống. Một ví dụ nổi bật là sử dụng dịch vụ thư điện tử của google, các trường đại học, cao đẳng không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, công việc duy nhất là đóng một khoản tiền nhỏ rồi sử dụng. Một ví dụ điển hình khác là ứng dụng văn phòng google docs cung cấp bộ ứng dụng office mà không cần phải đầu tư mua phần mềm. Tương tự như vậy là giải pháp thư viện số eLib của Tailieu.vn, sử dụng giải pháp thư viện số eLib các trường đại học, cao đẳng không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí vận hành cũng như chi phí duy trì và quản trị.
Tính hiệu quả cao
Trước hết, chúng ta nói về việc triển khai thư viện số trong trường hợp không dùng công nghệ Điện toán đám mây. Việc triển khai thư viện số riêng lẻ là nhiều công việc phức tạp đòi hỏi đội ngũ IT có trình độ cao và khi có sự cố xảy ra sẽ tốn rất nhiều thời gian để xử lý… Mặt khác, việc nâng cấp phần mềm là việc làm thường xuyên và rất nguy hiểm vì có thể làm sụp cả một hệ thống.
Sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho giải pháp thư viện số, tất cả tài nguyên như phần cứng, phần mềm và đội ngũ IT tập trung vào một Data Center, điều này sẽ làm cho việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Khi có sự cố xảy ra hay cần nâng cấp, các trường đại học, cao đẳng không phải bận tâm vì đã có các chuyên gia lành nghề đảm trách.
Các trường đại học, cao đẳng dùng thư điện tử của google mail hay các ứng dụng văn phòng của google docs sẽ được triển khai một cách nhanh chóng, không cần nâng cấp hệ thống nhưng hầu như không gặp bất cứ sự cố nào trong quá trình sử dụng.
Điện toán đám mây giải quyết được bài toán chi phí thấp mà hiệu quả cao. Các ứng dụng và hạ tầng được chia sẻ nên giảm chi phí rất nhiều. Cơ sở hạ tầng tập trung nên giảm chi phí quản trị. Việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây mang lại hiệu quả cao do các chuyên gia chuyên nghiệp và các chế độ đãi ngộ đối với họ.
Điện toán đám mây cho giải pháp thư viện số có đặc điểm vô cùng nổi trội so với các ứng dụng khác, đó là ngoài việc chia sẻ cơ sở hạ tầng và ứng dụng, giải pháp này còn chia sẻ tài liệu giữa các trường đại học, cao đẳng. Có thể khẳng định rằng, đây là một giải pháp tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất trong việc triển khai thư viện số cho các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Điện toán đám mây giải quyết bài toán “chi phí thấp mà hiệu quả cao” như thế nào?
Trước đây, khi chưa có công nghệ Điện toán đám mây, các trường đại học, cao đẳng đầu tư thiết bị và vận hành riêng lẻ, điều này dẫn đến các tình trạng sau:
Không có tính đàn hồi và khả năng mở rộng: đầu tư lớn nhưng không sử dụng hết công suất dẫn đến lãng phí hoặc đầu tư vừa đủ tại thời điểm ban đầu, nhưng khi lượng sinh viên phát triển thì không thể mở rộng. Ví dụ: trong việc sử dụng thư điện tử, tại thời điểm đầu tư có thể cung cấp được 10.000 hộp thư nhưng khi số lượng sinh viên phát triển 100.000 thì không thể mở rộng.
Lãng phí chi phí: đầu tư lớn nhưng không sử dụng hết công suất. Lãng phí một lượng rất lớn tài nguyên tính toán. Công suất tính toán không được sử dụng mà không có cách nào chuyển sang cho trường có thể tình nguyện trả khi được sử dụng.
Với Điện toán đám mây, thay vì vận hành riêng lẻ, các trường đại học, cao đẳng được tập trung tại một Data Center và dùng chung một tài nguyên được chia sẻ. Người dùng chỉ cần kết nối đến datacenter. Chính sự tập trung và chia sẻ này đã giúp cho điện toán đám mây có các đặc tính sau:
Tính mềm dẻo và khả năng mở rộng (Elasticity and scalability): Điện toán đám mây cung cấp cho các trường đại học, cao đẳng khả năng mở rộng và giảm tài nguyên theo yêu cầu dịch vụ cụ thể của mình. Các trường có thể cần một số lượng lớn tài nguyên máy chủ trong một thời gian nào đó, sau đó các trường có thể giảm các tài nguyên máy chủ sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình như sử dụng giải pháp thư viện số.
Chi phí trả theo sử dụng (Pay-per-use): Các trường đại học, cao đẳng chỉ phải trả chi phí khi sử dụng. Ví dụ: trong việc dùng thư điện tử, nếu trường chỉ cần 5.000 tài khoản hộp thư điện tử thì chỉ chi phí 5.000 tài khoản. Nếu sau đó cần tăng thêm 10.000 hoặc tăng lên 100.000 tùy theo sự thay đổi số lượng sinh viên thì sẽ tốn chi phí theo số lượng tăng lên.
Đáp ứng theo yêu cầu (On demand): Các trường đại học, cao đẳng chỉ sử dụng dịch vụ đám mây khi cần chúng, thời gian các trường đại học, cao đẳng không sử dụng tài nguyên này sẽ dành cho người khác. Điều này trái ngược với việc các trường đại học, cao đẳng đầu tư một cơ sở hạ tầng nhưng đôi khi không dùng chúng. Với Điện toán đám mây, không có nguồn tài nguyên dành riêng chờ đợi để sử dụng. Một ví dụ điển hình là giải pháp thư viện số DLib của VDOC, với việc tập trung tài nguyên các trường đại học, cao đẳng tại một DataCenter, khi sinh viên một số trường này không sử dụng thì tài nguyên này sẽ được dành cho sinh viên các trường khác.
Ứng dụng công nghệ Điện toán đám mây triển khai thư viện số trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam
Công ty TNHH Tài liệu trực tuyến VINA đã triển khai giải pháp công nghệ Điện toán đám mây cung cấp dịch vụ thư viện số DLib cho các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và giải pháp này đã được trên 100 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc sử dụng.
Nhờ ứng dụng công nghệ Điện toán đám mây, giải pháp thư viện số DLib cung cấp cho các trường thư viện số mà không phải đầu tư ban đầu từ phát triển trang web, đầu tư server và phần mềm đến thuê hosting hằng tháng cũng như chi phí quản trị vận hành thư viện số.
Ưu điểm nổi bật của giải pháp thư viện số DLib là tài nguyên phong phú. Do được “tập trung và chia sẻ” nên giải pháp này liên kết thư viện các trường đại học lại với nhau để tạo thành một nguồn tài nguyên liên kết dùng chung cho các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, giải pháp DLib cũng tích hợp nguồn tài nguyên khổng lồ từ thư viện cộng đồng Tailieu.vn.
Kết luận
Nhận biết và hiểu được vai trò và tầm quan trọng của Điện toán đám mây trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam đã có những sự chuẩn bị cần thiết để khuyến khích việc sử dụng đám mây không những trong hoạt động của các doanh nghiệp mà còn trong các hoạt động của các cơ quan khu vực công. Những bước đi này cho thấy, Việt Nam hiện đang cố gắng thúc đẩy việc làm chủ công nghệ Điện toán đám mây, khuyến khích các công ty công nghệ cung ứng dịch vụ Điện toán đám mây và tạo ra những đám mây “Made in Vietnam”. Nhìn chung, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 và một thế giới hậu COVID-19, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh dựa trên dữ liệu lớn vô cùng cần thiết. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các thư viện đang nắm giữ, việc lưu trữ trên đám mây sẽ trở thành xu hướng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm an toàn dữ liệu.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Nguyễn Quang Đông, Điện toán đám mây và chính sách về điện toán đám mây trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin truyền thông, tháng 1-2021, tr.119-123.
3. Hứa Văn Thành, Nguyễn Công Hà, Ngô Thị Hồng, Giải pháp thư viện số Dlib cho thư viện các trường đại học, cao đẳng, Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ VII-2015.
4. Dutt, Mahipal, Cloud Computing And Its Application In Libraries (Điện toán đám mây và ứng dụng của nó trong thư viện), tập 6, Tạp chí Quốc tế về Thư viện và Quản trị, ISSN 2231-1300, số 1 (2015), tr.19-31.
5. M.K, Ali Akbar, Cloud computer in Libarries (Máy tính đám mây trong thư viện), Thư viện Triết học và Thực hành (Tạp chí điện tử), 19-6-2019.
NGUYỄN QUỲNH TRƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023