Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Bài 1- Sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng và xã hội

Năm 2023 vừa tròn 20 năm Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ra đời. Là thành viên, Việt Nam đã thực hiện tốt Công ước, được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Những thành công đó đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn khẳng định giá trị quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác ngoại giao văn hóa. Đối ngoại và phát triển văn hóa là cơ hội để Việt Nam giao lưu, hợp tác, hội nhập với các quốc gia trên thế giới. Qua đó nâng cao vị thế, uy tín và sức mạnh mềm của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm phát triển đất nước bền vững.

Di sản Ca trù được NSND Thanh Hoài trình diễn

Cùng với các đường hướng, thực thi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, ngày 19-10-1987, Việt Nam đã tham gia Công ước 1972 của  UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là dấu mốc quan trọng trong bước tiến về nhận thức lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tiếp nối, ngày 5-9-2005, Việt Nam tiếp tục tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Là thành viên của Công ước 2003, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Năm nay, vừa tròn 20 năm Công ước 2003 ra đời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Sự kiện này khẳng định cam kết của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với UNESCO và Công ước 2003, đồng thời cũng có nhiều đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới.

 

- Việt Nam là thành viên tích cực trong việc cam kết của Công ước kể từ khi phê chuẩn vào năm 2005;

- 12 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên, việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ;

- Sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp;

- Việt Nam cũng tự hào Là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban Liên chính phủ đồng ý đưa 1 di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp;

- Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên tổ chức Kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

 

Cùng với việc gia nhập trở thành thành viên Công ước của UNESCO, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam cũng ra đời với bộ luật đầu tiên được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29-6-2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18-6-2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các nghệ nhân trình diễn di sản Không gian cồng chiêng Tây Nguyên

Sau 18 năm là thành viên tích cực của Công ước 2003, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban Liên chính phủ ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là các di sản: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca Trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Điều đó cho thấy, việc thực thi Công ước 2003 ở Việt Nam được áp dụng linh hoạt, thực chất cả về lý luận và thực tiễn, đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể, di sản Hát Xoan, ngày 24-11-2011 được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến 8-12-2017, đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban liên chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, để chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sở dĩ, để có được điều đó, là có sự định hướng, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong công tác bảo vệ, khôi phục và bảo tồn di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Các làn điệu của di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh do các liền chị, liền anh trình diễn

Cụ thể, sau khi di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào các danh sách, thực hiện cam kết, Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo đến các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, cũng như có chính sách cụ thể nhằm phục hồi và mở rộng số lượng các phường Xoan, các câu lạc bộ Hát Xoan. Bên cạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, việc quan tâm có những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã được quan tâm đúng mức. Đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy cho các bạn trẻ cũng như học sinh trên địa bàn và tham gia học tập, trình diễn Hát Xoan. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Hát Xoan đã được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, khá đông nghệ nhân Hát Xoan đã trở lại trình diễn và tham gia truyền dạy. Hát Xoan được phục hồi và lan tỏa, không chỉ nghệ nhân mà người dân sau khi được các nghệ nhân truyền dạy cũng đã thành lập các câu lạc bộ để hướng dẫn những người yêu Hát Xoan luyện tập và thực hành trình diễn tự nguyện, thường xuyên. Bên cạnh đó, với việc phục hồi không gian cho thực hành diễn xướng Hát Xoan, đã góp phần làm cho nghệ nhân, người dân, thế hệ trẻ trân trọng, tin tưởng, yêu thích, chung tay bảo tồn di sản quý báu mà cha ông để lại.

Hát Xoan Phú Thọ được phục hồi, “sống” trở lại trong cộng đồng và người dân đã trở thành chủ thể của di sản văn hóa, điều đó phù hợp với các nội dung của Công ước 2003. Sự khôi phục và lan tỏa đó đã khiến Hát Xoan Phú Thọ được Ủy ban liên chính phủ của UNESCO quyết định rút di sản Hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Và gần đây nhất, ngày 29-11-2022, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây cũng là nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nghề làm gốm của người Chăm tồn tại từ khoảng cuối TK XII đến nay, được trao truyền giữa mẹ và con gái trong gia đình thông qua thực hành. Các sản phẩm được sáng tạo nên từ đôi bàn tay của những người phụ nữ, nên mang nét nghệ thuật đặc trưng. Nghề làm gốm không chỉ tạo việc làm cho người phụ nữ Chăm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, mà còn là cơ hội để họ giao lưu trong lao động sản xuất và nâng cao vai trò trong xã hội. Nghề truyền thống đã trải qua nhiều thăng trầm của thời gian,  nhưng sự độc đáo trong quy trình sản xuất vẫn giữ được hồn cốt, nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Khi UNESCO công bố ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đã khiến cho người dân tỉnh Ninh Thuận hết sức vui mừng. Người dân, nghệ nhân của vùng đất có di sản thấy tự hào, qua đó càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, gìn giữ những giá trị của nghệ thuật làm gốm. Bên cạnh đó, những người quản lý văn hóa tại địa phương đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp, chính sách đối với các gia đình làm nghề, đồng thời thành lập Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Gốm Chăm Bàu Trúc. Hợp tác xã đi vào hoạt động, nghề làm gốm sẽ được bảo tồn, đồng thời góp phần phát triển nghề truyền thống, qua đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Di sản Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Với việc khôi phục, bảo tồn Hát Xoan, Nghề làm gốm của người Chăm, cùng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác đã góp phần đưa di sản văn hóa lan tỏa đến với đông đảo người dân trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Qua đó, khẳng định giá trị của di sản, tạo nên thương hiệu cho mỗi địa phương, góp phần xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

 

* Trưởng Đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart: Việt Nam vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO

Di sản hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên toàn thế giới. Di sản văn hóa phi vật thể có tầm quan trọng cả về mặt xã hội lẫn kinh tế vì nó thúc đẩy sự gắn kết xã hội và giúp mỗi chúng ta cảm nhận được mình là một phần của xã hội. Việt Nam là quốc gia thành viên đã phê chuẩn công ước chưa đầy hai năm sau đó và hiện đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh… Việt Nam vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong bối cảnh phức tạp của cộng đồng quốc tế hiện nay. Việt Nam đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO và Việt Nam cũng cho thấy có thể chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa.

* PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Việc ghi danh không chỉ tạo ra thương hiệu đối với di sản mà còn đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa rất lớn đối với di sản văn hóa Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay chúng ta đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong hai danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Điều này cho thấy, so với các nước trên thế giới, chúng ta có một nền văn hóa đa dạng và phong phú với rất nhiều dân tộc anh em, được kết tinh từ hàng ngàn năm lịch sử, chính kho tàng di sản văn hóa vô giá đó đã được thế giới ghi danh. Việc ghi danh không chỉ tạo ra thương hiệu đối với di sản mà còn đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

* Trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể thì có một di sản văn hóa phi vật thể liên quốc gia, đó là Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với việc ghi danh di sản này, Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế, mà còn có những đóng góp trên phạm vi thế giới. Điều đó chứng tỏ vị trí, chỗ đứng của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.

 

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

;