Hiệp hội nghề nghiệp với việc hỗ trợ các thư viện trường phổ thông ở một số nước

Hiệp hội thư viện được xem là các tổ chức nghề nghiệp, thành lập để tập hợp, chia sẻ và hỗ trợ những người làm công tác thư viên. Bài viết xem xét vai trò của hiệp hội thư viện các nước Ấn Độ, châu Phi, Canada và Anh trong việc hỗ trợ các thư viện trường phổ thông, từ đó rút ra những bài học cho các hiệp hội thư viện ở Việt Nam

Thư viện trường phổ thông (TVPT) có những đặc thù riêng so với thư viện đại học, thư viện công cộng ở chỗ hầu hết các TVPT chỉ có 1 người làm thư viện, đối tượng phục vụ có nhiều độ tuổi khác nhau. Do vậy, các hiệp hội nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ, phát triển nghề nghiệp đối với các TVPT. Farmer, L. (2012) đã lý giải tại sao những người làm TVPT cần được đào tạo thường xuyên ngay cả khi đã đi làm bằng cách viện dẫn các phẩm chất và kỹ năng mà Bộ phận Thư viện trường học và Trung tâm tài nguyên của IFLA yêu cầu một người làm thư viện cần có: giao tiếp tích cực với người lớn và trẻ em; hiểu nhu cầu của người sử dụng; khả năng hợp tác với các cá nhân trong và ngoài nhà trường; hiểu biết đa dạng về văn hóa; biết về phương pháp luận giáo dục và giảng dạy; có kiến thức về kỹ năng thông tin và sử dụng thông tin; có kiến thức về các bộ sưu tập và cách truy cập; có kiến thức về văn học, văn hóa của trẻ em. Do vậy, theo Farmer, L. TVPT rất cần sự hỗ trợ của các hiệp hội thư viện trong việc đào tạo người làm thư viện trước và sau khi đi làm (1).

Để nhìn nhận vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp trong việc hỗ trợ TVPT rất cần xem xét tổ chức, hoạt động của các hiệp hội thư viện trên thế giới để rút ra kinh nghiệm đối với các hiệp hội thư viện Việt Nam.

Tại Ấn Độ

Hiệp hội Thư viện Ấn Độ (quy mô toàn quốc) được thành lập năm 1933. Từ năm 1914 đến năm 2007, tại Ấn Độ có 54 hiệp hội thư viện (bao gồm cả quy mô quốc gia lẫn quy mô địa phương) bao gồm các hiệp hội như: hiệp hội thư viện trường học, hiệp hội thư viện trường đại học, hiệp hội thư viện công cộng… Theo Additya Kumar Rai (2017), dù quy mô khác nhau nhưng mục tiêu chung của các Hiệp hội Thư viện đều hướng tới phát triển hiệu quả hoạt động của hệ thống và các dịch vụ thư viện thông qua hợp tác lẫn nhau; xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả; giúp thư viện cung cấp các dịch vụ hiệu quả cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường cũng như toàn xã hội; đưa ra các kỹ thuật cải thiện chất lượng các bộ sưu tập cũng như phổ biến thông tin; thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ giữa các thư viện trong nước cũng như nhân viên làm việc trong các thư viện; hoạt động như một tổ chức để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn bằng các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị… và xuất bản các báo cáo, bản tin, chuyên khảo, thư mục, tạp chí để thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đến thư viện và nghề thư viện; thúc đẩy và phát triển sự nghiệp thư viện; hợp tác với các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước.

Để thực hiện vai trò hỗ trợ của mình đối với các thư viện, các Hiệp hội Thư viện Ấn Độ đã thể hiện vai trò của mình thông qua 4 hoạt động: tổ chức các khóa đào tạo; workshop; hội thảo, hội nghị và xuất bản (2). Về tổ chức các khóa đào tạo: hiệp hội thường phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa học trong thời gian vài ngày, 1-3 tháng hay trong mùa hè, thậm chí cả năm (cấp bằng). Về Workshop và Hội nghị, hội thảo: trong hơn 50 Hiệp hội Thư viện tại Ấn Độ, một số Hiệp hội như: Hiệp hội Thư viện Ấn Độ (ILA) và Hiệp hội Thư viện và Trung tâm Thông tin đặc biệt Ấn Độ (IASLIC) có sự phối hợp với các hiệp hội quốc tế như: Liên đoàn Quốc tế về Thông tin Tài liệu (FID), Liên đoàn Quốc tế các Tổ chức và Hiệp hội Thư viện (IFLA) trong việc tổ chức các hội nghị hội thảo. Cụ thể: Hiệp hội Thư viện Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị IFLA 1992 tại New Delhi với các hoạt động như: dự thảo mô hình thư viện công cộng Bill, đào tạo và thực tập cho người làm thư viện Ấn Độ ở Hiệp hội Thư viện Anh tại Luân Đôn. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong các chủ đề hội thảo: các hiệp hội ở quy mô quốc gia thường tổ chức các hội nghị, hội thảo về xu hướng và công nghệ mới nhất, các hiệp hội ở quy mô nhỏ hơn (cấp tỉnh, hoặc hội trong ngành nhỏ: hội thư viện về y học) thường đánh giá nhu cầu của người sử dụng. Về xuất bản: một số hiệp hội thư viện đã tổ chức xuất bản các bản tin (với định kỳ xuất bản khác nhau) để phổ biến các thông tin/ xu hướng mới trong ngành.

Theo đánh giá của Additya Kumar Rai (2017), các hoạt động của hiệp hội chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy có nhận diện được các vấn nhưng các hiệp hội không đưa ra được các giải pháp để giải quyết vấn đề (3). Cụ thể là, thư viện công cộng ở Ấn Độ vẫn chưa quản lý hoặc quản lý với sự ủy quyền rõ ràng của pháp luật, do vậy, nhiều dịch vụ thư viện bị lãng quên ở một số bang cũng như các dịch vụ này nằm ngoài tầm với của người nghèo ở nông thôn.

Để tăng cường vai trò của các hiệp hội thư viện, Additya Kumar Rai (2017) đề xuất: cần trao đổi giữa các hiệp hội để hiểu rõ những việc cần thực hiện nhằm mục tiêu chung là cải thiện thư viện và nghề thư viện; khuyến khích các chuyên gia thư viện tham gia hiệp hội; các hiệp hội cần có các hoạt động quảng bá dịch vụ thư viện tới người dân, tạo điều kiện nghiên cứu, hợp tác, thúc đẩy sự nghiệp thư viện cũng như cải thiện dịch vụ thư viện.

Tại châu Phi

Tại châu Phi, người dân bị thiếu thốn đủ loại từ lương thực, suy dinh dưỡng, mù chữ, chiến tranh, bất công và nhân quyền. Do đó thông tin rất cần cho lục địa này. Tuy nhiên, thật không may là thông tin ở vị trí thấp nhất trong tầng ưu tiên. Chính phủ cũng như người dân rất thờ ơ với các Hiệp hội thư viện và người làm thư viện vì cho rằng họ không có gì để cung cấp.

Theo Ngozi Blessing Ossai-Ugbah (2013), Hiệp hội và tổ chức nghề là cách tuyệt vời để có kiến thức về ngành, về mạng lưới và tiếp nhận những thông tin ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Việc các thành viên tham gia hiệp hội cũng là một cách để giúp cho lãnh đạo cũng như đồng nghiệp thấy được sự nghiêm túc cũng như cam kết gắn bó với nghề. Ngoài ra, việc tham gia hiệp hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giúp công chúng biết đến nghề nghiệp cũng như có những nguyên tắc hướng dẫn mọi người trong nghề hành xử đúng mực (4).

Hiệp hội thư viện Tanzania được thành lập 1973, sau khi hiệp hội thư viện Đông Phi bị giải thể. Từ đó đến nay, đây vẫn là hiệp hội duy nhất bảo vệ quyền lợi cho những người làm thông tin, thư viện ở Tanzania. Mục tiêu chính của họ: đoàn kết tất cả những người làm việc hoặc quan tâm tới thư viện bằng cách triệu tập các hội nghị và cuộc họp thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến thư viện; khuyến khích quảng bá, thiết lập và cải thiện các dịch vụ thư viện tại Tanzania; thúc đẩy và khuyến khích các nghiên cứu; cải thiện các tiêu chuẩn nghề nghiệp và vị trí của nghề thư viện ở Tanzinia; xem xét tác động của pháp luật đến thư viện cũng như hỗ trợ việc xây dựng pháp luật/ quản lý hoặc mở rộng các dịch vụ ở Tanzania; thu thập và xuất bản (tạp chí, giao dịch, bản tin), thông tin về các lợi ích cho thành viên hiệp hội; tổ chức hội thảo, khóa học ngắn, chương trình film, Short talks, tham gia các hội nghị quốc tế, xuất bản bản tin, thảo luận trực tuyến và phổ biến các thông tin hợp tác được thông qua.

Dựa trên mục tiêu đề ra và những hoạt động của hiệp hội thư viện tại Tanzania, Ngozi Blessing Ossai-Ugbah đã xem xét và đánh giá vai trò của các tổ chức, hiệp hội thư viện trong việc tạo điều kiện tiếp cận thông tin ở châu Phi. Cụ thể: Thư viện đang đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn về chất lượng giữa các dịch vụ miễn phí và có thu phí, việc ứng dụng công nghệ vào thư viện cũng như vấn đề tự do trí tuệ; những hạn chế về kỹ năng của người làm thư viện; hội nghề nghiệp chưa có các hoạt động nhằm bảo vệ nguyên tắc nghề nghiệp cũng như chưa biết cách đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm về các vấn đề mà thư viện sẽ đối mặt trong tương lai: quyền truy cập và quyền sở hữu thông tin, quỹ dành cho in ấn tài liệu, không gian và phương tiện sử dụng máy tính, đào tạo công nghệ thường xuyên cho nhân viên; sự hài lòng của các thành viên ít được dùng làm thước đo đánh giá hiệu quả của hiệp hội; lãnh đạo của hiệp hội chưa thực hiện được vai trò cố vấn, nghiên cứu mà hiện mới chỉ quản lý bằng chính trị; chưa tạo cơ hội cho các thành viên nói lên tiếng nói của mình. Nhiều hoạt động của hiệp hội thường giới hạn ít thành viên; hiệp hội chưa làm được nhiều trong việc tạo điều kiện truy cập thông tin ở châu Phi do thiếu phương tiện công nghệ thông tin, thiếu sự nhất quán trong xuất bản cũng như mất đoàn kết.

Bên cạnh đó, Ngozi Blessing Ossai-Ugbah cũng chỉ ra các hiệp hội thư viện ở Tanzania cũng đang gặp phải thách thức trong việc sử dụng công nghệ thư điện tử, truy cập internet, hội thảo trực tuyến. Đây vừa là cứu tinh vừa là thách thức đối với các hiệp hội. Để tăng cường hơn nữa vai trò của hiệp hội, các đề xuất được đưa ra gồm: cần linh hoạt hơn để thay đổi; cần định hướng theo các nguyên tắc có tầm nhìn rõ ràng, không đơn sắc về chính sách, có sự tham gia của các bên liên quan về thông tin, xây dựng các đối tác quốc tế.

Tại Canada

Năm 2016, trước nguy cơ giải thể của Hiệp hội Thư viện Canada (CLA), các thư viện ở Canada phải đối mặt với một số vấn đề liên quan tới phát triển chuyên môn như: ngừng dự án về đào tạo người làm thư viện trường học, khuyến khích giáo viên thư viện ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn; ngừng tạp chí trực tuyến do CLA xuất bản - vốn được coi là tiếng nói, cũng như là cơ sở hỗ trợ các sáng kiến phát triển thư viện trường học ở Canada. Trước tình hình đó, Liên đoàn các Hiệp hội Thư viện Canada (CFLA) được thành lập với mục tiêu: tăng cường sự ảnh hưởng của thư viện; dự đoán và ứng phó với những thay đổi trong môi trường thông tin bằng các chính sách để nâng cao chất lượng thư viện; nâng cao tầm nhìn, vai trò của thư viện trong đời sống, xã hội của Canada; phát triển một tổ chức bền vững, hỗ trợ hiệu quả hoạt động của thư viện.

Trong 4 năm kể từ khi thành lập đến nay, CFLA đã tiến hành khá nhiều hoạt động trong việc hỗ trợ các thư viện, tạo lập và ban hành các hướng dẫn cụ thể cho từng nội dung/ chủ đề trong thư viện. Các hướng dẫn này được các cơ sở đào tạo cũng như các nhà tuyển dụng sử dụng như các tiêu chuẩn đánh giá năng lực của những người tham gia vào nghề thư viện. Đồng thời, những người công tác trong ngành Thư viện cũng có thể dựa vào các bảng hướng dẫn này để tạo lập kế hoạch học tập, nâng cao trình độ cho bản thân. Làm việc với các tổ chức thành viên để đánh giá những người đủ điều kiện, năng lực chuyên môn, đặc biệt với các trường đào tạo thư viện, thông tin ở Canada. Thông tin về các đợt đánh giá này được công bố trên trang web của CFLA. Hỗ trợ các thư viện trong việc tổ chức các hoạt động của thư viện như tạo lập các poster, đăng tải trên trang web để các thư viện có thể dễ dàng tải xuống, sử dụng. Tổ chức xét và trao giải thưởng hằng năm cho các thư viện. Theo đó, CFLA sẽ tổ chức xét và trao giải thưởng các các thư viện thành viên xuất sắc để vinh danh William Kaye Lamb - Thủ thư quốc gia đầu tiên của Canada. Thành lập các ủy ban phụ trách về chuyên môn như: Ủy ban Tiêu chuẩn về Danh mục và Siêu dữ liệu, Ủy ban Bản quyền, Ủy ban về vấn đề Bản địa, Ủy ban Tự do Trí tuệ… Các ủy ban này có trách nhiệm trong việc tư vấn cho hội đồng quốc gia về các vấn đề, thu thập và tiếp nhận các yêu cầu của các thành viên về các vấn đề cụ thể, tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức… Mục đích của các ủy ban này nhằm đảm bảo sự phát triển về mặt chuyên môn. Thực hiện các cuộc khảo sát ý kiến người sử dụng hằng năm về nhu cầu sử dụng thư viện. Nội dung khảo sát thường xoay quanh các vấn đề: tên những cuốn sách/ tác giả được quan tâm, loại hình tài liệu được quan tâm (sách, DVD…), bộ sưu tập thư viện, nhãn thư viện, vị trí để giá sách, quyền truy cập vào các loại hình tài liệu thư viện, các chương trình thư viện, việc truy cập máy tính và internet trong thư viện và các vấn đề khác. Nội dung khảo sát được tập hợp thành từng mục trong báo cáo, đăng lên trang web để các thư viện có thể tham khảo. Cuộc khảo sát tạo ra một bức tranh toàn cảnh về bản chất và kết quả của những thách thức đối với tự do trí tuệ trong các thư viện Canada được tài trợ công khai. Bằng cách ghi lại và báo cáo những sự cố này, các thư viện Canada thể hiện cam kết của họ về trách nhiệm giải trình công khai và tính minh bạch của thể chế (5).

Tại Anh

Viện Hiến chương Nghề nghiệp Thông tin và Thư viện (CILIP) còn gọi là Hiệp hội Thư viện và Thông tin được thành lập năm 2002 trên cơ sở sáp nhập Hiệp hội Thư viện (thành lập năm 1877) và Viện Khoa học Thông tin (thành lập năm 1958) với khoảng 23.000 thành viên.

Mục tiêu ưu tiên của CILIP gồm: nâng cao tác động bằng cách tăng số lượng thành viên; cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ thành viên; vận động để đảm bảo quyền lợi của thành viên; giúp các thành viên phát triển các kỹ năng để thành công; thúc đẩy các tiêu chuẩn và sự đổi mới trong nghề nghiệp; cung cấp một hiệp hội nghề nghiệp xuất sắc, bền vững và hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu trên, CILIP đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ thành viên. Cụ thể, khi trở thành thành viên của CILIP, hội viên được các lợi ích: phát kiển các kỹ năng và kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa học trực tuyến với thời gian linh hoạt; lập bản đồ kỹ năng của bản thân; cung cấp thông tin chuyên môn; được truy cập vào các bài tóm tắt cũng như bài tạp chí toàn văn về chuyên môn với chi phí ưu đãi; được cấp các chứng chỉ chuyên môn; tham gia kết nối với các nhóm chuyên môn và trong khu vực, có các cơ hội về phát triển kỹ năng cũng như công việc; tham gia miễn phí các sự kiện, hội nghị hội thảo đào tạo và phát triển chuyên môn; cập nhật thông tin thông qua app do Hiệp hội cung cấp; được hỗ trợ trong việc quản lý; quỹ nhân từ của CILIP hỗ trợ thành viên hoặc gia đình của họ khi gặp khó khăn; có học bổng và tài trợ trong việc phát triển chuyên môn (6).

Bên cạnh đó, trang web của CILIP được tổ chức để kết nối giữa các cá nhân (có nhu cầu làm việc trong lĩnh vực thư viện, thông tin) với các tổ chức (có nhu cầu tuyển dụng lao động) và các nhà cung cấp (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho ngành thư viện, thông tin).

Một trong những điểm đặc biệt là từ năm 2005, CILIP giới thiệu khung lý thuyết về văn bằng, cho phép các thành viên của CILIP được phát triển nghề tiếp tục (sau khi đào tạo). Cụ thể, khung lý thuyết của CILIP cung cấp bao gồm 3 mức độ nghề từ thấp đến cao: đã được chứng nhận, đủ tư cách hành nghề và hội viên chuyên môn cao. Theo đó, mỗi cá nhân sau khi dựa vào bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực, sẽ đăng ký với CILIP và được xác định người cố vấn nghề nghiệp phù hợp để phát triển năng lực theo nhu cầu. Mỗi năm một lần, các cá nhân cần được đánh giá lại năng lực của bản thân để đảm bảo cập nhật kiến thức và kỹ năng hành nghề. CILIP ủy nhiệm cho các cá nhân, trao cho họ các chữ sau tên (MCILIP) nếu họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thành viên (7).

Kết luận

Từ việc xem xét kinh nghiệm của các hiệp hội thư viện tại 4 quốc gia trên thế giới (đại diện cho các châu lục), cho thấy mục tiêu chung mà hiệp hội thư viện các nước hướng tới là hỗ trợ cải thiện các hoạt động của thư viện, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thư viện. Các hoạt động do hiệp hội thư viện tổ chức: trong 4 quốc gia trên, có thể nhận thấy hai xu hướng trong việc tổ chức hoạt động của các hiệp hội thư viện. Cụ thể, tại Ấn Độ và châu Phi, các hiệp hội có xu hướng hoạt động tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn; tổ chức các hội nghị, hội thảo, workshow và xuất bản các bản tin, tạp chí. Còn tại Canada và Anh, các hiệp hội lại có xu hướng hỗ trợ sâu về mặt chuyên môn cho các thư viện và thành viên tham gia. Các hiệp hội ở Canada và Anh đã thể hiện được vai trò chuyên môn của mình khi tham gia tạo lập các chương trình đào tạo chuyên môn (được các cơ sở đào tạo và các tổ chức tuyển dụng chấp nhận). Đặc biệt ở Anh, khi hiệp hội đã hỗ trợ được quá trình đào tạo tiếp tục cho từng thành viên, cung cấp sự hỗ trợ về chuyên môn (các chuyên gia hướng dẫn). Như vậy, hiệp hội thư viện đã thể hiện được vị trí của mình trong giới chuyên môn và được giới chuyên môn chấp nhận.

Những kinh nghiệm của hiệp hội các nước sẽ là bài học quý giá với các hiệp hội thư viện Việt Nam trong việc đặt mục tiêu, thiết lập các hoạt động trong việc hỗ trợ hoạt động của các thư viện cũng như xác lập vai trò của mình trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, để những bài học này thực sự có giá trị, cần dựa trên thực trạng hoạt động của các hiệp hội thư viện cũng như nhu cầu của các thành viên hiệp hội (8).

_________________

1. Farmer, L, The roles of professional organizations in school library education (Vai trò của các tổ chức nghề nghiệp trong giáo dục thư viện trường học: nghiên cứu trường hợp trên thế giới), Thư viện trường học thế giới, số 2, 2012, tr.1-11.

2. Biswas, B. & Datta, S, Library Associations in India: Role in LIS education (Các hiệp hội thư viện ở Ấn Độ: vai trò trong đào tạo ngành Khoa học Thông tin Thư viện), Tạp chí Quốc tế về Thư viện và Công nghệ, số 3, 2017, tr.1-8.

3. Additya Kumar Rai, Role of Library Associations in the Betterment of Librarianship in India (Vai trò của Hiệp hội thư viện trong cải thiện nghề thư viện ở Ấn Độ), Làn sóng Thư viện, số 3, 2017, tr.68-73.

4. Ngozi Blessing Ossai-Ugbah, The Role of Professional Library Associations and Institutions in Facilitating Access to Information in Africa (Vai trò của các tổ chức và hiệp hội thư viện trong việc truy cập thông tin tại châu Phi), Tạp chí Học thuật nghiên cứu liên ngành, số 2, 2013.

5. CFLA, cfla-fcab.ca/en/

6. CILIP, cilip.org.uk

7. Ngô Thị Huyền, Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp Thông tin - Thư viện tại Vương quốc Anh, Tạp chí Thông tin - Tư liệu, số 1, 2020.

8. Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-34.

Tác giả: Đoàn Thị Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;