Là người tiếp cận rất nhiều và am hiểu sâu rộng về văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình luôn tâm huyết với việc lưu truyền cho thế hệ trẻ người Chăm biết được giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc mình, mà tự hào và ý thức trong việc bảo tồn, phát huy.
Hành trình đến với văn hóa Chăm
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lâm Tấn Bình sinh ra và lớn lên ở Phan Hiệp - xã thuần Chăm của huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Từ nhỏ, ông đã được nghe cha là Lâm Nài - thầy giáo, người nghiên cứu, soạn thảo chữ Chăm truyền thống dạy cho học sinh tiểu học ở các xã thuần Chăm- nói và kể nhiều về văn hóa, lễ nghi, tập tục truyền thống của người Chăm vào mỗi lúc nhàn rỗi, những dịp diễn ra lễ hội. Loại hình hát ngâm Ariya (thơ ca) cũng được cha sớm truyền dạy cho ông vào các buổi tối tại nhà cùng với con em người Chăm ở địa phương. Niềm đam mê văn hóa Chăm dần thấm sâu vào trong tiềm thức, rồi hình thành rõ nét và thể hiện thành năng khiếu khi ông khoảng 16, 17 tuổi. Đặc biệt là mỗi lần ông nghe tiếng trống Ginăng, trống Baranâng, tiếng kèn Saranai, tiếng chiêng hòa âm vang lên trong những dịp Lễ Rija (Lễ múa) tại địa phương như: Lễ hội đạp lửa đầu năm (Rija Nâgar), Lễ múa Ban đêm (Rija Dayep), Lễ múa lớn (Rija Praong)…
NNƯT Lâm Tấn Bình- Ảnh: Thái Tuyên
Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng đầu những năm đất nước mới giải phóng, đến năm 1990, Lâm Tấn Bình về công tác ở Trung tâm Văn hóa Thể thao và là Trưởng đoàn Nghệ thuật không chuyên Chăm (nay là Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm) của huyện Bắc Bình. Năm 2006, ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Biển Xanh, kiêm Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Bình Thuận. Từ năm 2010 đến 2016, ông là Giám đốc Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận.
Sau này, NNƯT Lâm Tấn Bình vẫn nói, ông đến với đam mê văn hóa Chăm như một cơ duyên mà Pô (Thần thánh) mang lại. Chính vì đam mê đó, ở tuổi đôi mươi ông đã cố gắng theo học kỹ thuật đánh trống Ginăng từ cố nghệ nhân Đào Bổ và cố NNƯT, sư cả Cửu Lạc ở cùng xã Phan Hiệp. Hai nghệ nhân là những người nắm giữ thành thạo 72 điệu trống Ginăng phục vụ cho cả hệ thống Lễ hội Rija mà người Chăm còn lưu giữ hiện nay. Để học thổi kèn Saranai, ông đi tìm cố nghệ nhân Trượng Tốn ở Ninh Thuận, người nắm giữ 9 điệu kèn Saranai hòa âm cho trống Ginăng phục vụ lễ hội. May mắn, ông đã được những nghệ nhân giỏi của cả Bình Thuận và Ninh Thuận truyền dạy các kỹ thuật trống và kèn truyền thống của người Chăm mà hiện nay ít có nghệ nhân còn nắm giữ.
Người “truyền lửa” văn hóa Chăm
Trải qua nhiều cương vị công tác ở các đơn vị khác nhau, cùng sự am hiểu sâu rộng nghệ thuật trình diễn dân gian Chăm, cộng với những kiến thức chuyên môn từ khóa học Biên đạo múa ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội... NNƯT Lâm Tấn Bình đã sáng tác, dàn dựng và biên đạo nhiều tác phẩm múa Chăm, hòa tấu nhạc cụ Chăm, lễ hội sân khấu hóa về tín ngưỡng dân gian Chăm… tham gia, gặt hái được nhiều giải thưởng cao từ các kỳ liên hoan, hội diễn cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Đặc biệt ông rất tâm huyết với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm. Từ năm 1991, ông bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Chăm, tham gia nhiều dự án, đề tài khoa học cấp tỉnh về văn hóa Chăm như: Sưu tầm bảo tồn và phát huy giá trị truyện cổ dân gian Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Lễ nghi của người Chăm Bàni trên địa bàn Bình Thuận; Sưu tầm, bảo tồn và phát huy loại hình thơ ca Ariya của người Chăm… Cuốn sách Di tích và lễ hội người Chăm Bình Thuận do ông chủ biên là kho tư liệu quý giá, góp phần lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng Chăm đến bạn bè trong nước và quốc tế.
NNƯT Lâm Tấn Bình tham gia truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm - Ảnh: Thái Tuyên
Trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm, để thu hút khách du lịch, ông đã khai thác, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể Chăm như tổ chức Liên hoan Tiếng hát dân ca Chăm, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc, thi hòa âm trống Ginăng và kèn Saranai, thi ẩm thực và viết chữ Chăm vào các ngày lễ, Tết của dân tộc Chăm. Hiện, các hoạt động này ở Trung tâm vẫn duy trì và phát triển để phục vụ khách du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chăm.
Luôn đau đáu về việc lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, để thế hệ trẻ người Chăm biết được những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc mà tự hào và ý thức trong việc bảo tồn, phát huy, ngay từ năm 1995, NNƯT Lâm Tấn Bình còn miệt mài mở các lớp truyền dạy trống Ginăng, kèn Saranai, chữ Chăm, hát ngâm Ariya, hát ngâm Hari Raglai... cho hàng trăm học viên là các nghệ nhân trẻ, các diễn viên của Nhà hát Biển Xanh, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm, thanh thiếu niên người Chăm ở các xã Phan Hiệp, Phan Hòa, Hàm Trí... Ông còn sáng tạo cách ký xướng âm trống Ginăng và hệ thống hóa kèn Saranai theo nốt nhạc hiện đại, giúp học viên dễ tiếp thu, rút ngắn thời gian học.
Sau khi nghỉ hưu (năm 2016), Lâm Tấn Bình vẫn tiếp tục hành trình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, ông tiếp tục làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận, Thư ký Ban Phong tục Bàlamôn giáo huyện Bắc Bình, Phó Chủ nhiệm CLB UNESCO sưu tầm và bảo tồn cổ vật Bình Thuận, thành viên Ban Biên soạn Lịch Chăm tín ngưỡng dùng chung cho tín đồ hai đạo Bàlamôn và Bàni… Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT về cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trong năm 2023 và 2024, ông tham gia truyền dạy loại hình hát ngâm Ariya và nhạc cụ truyền thống Chăm cho các lớp học do Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Sắp bước qua tuổi thất thập, niềm đam mê và tâm huyết với văn hóa Chăm của NNƯT Lâm Tấn Bình vẫn trọn vẹn như thuở nào. Với những đóng góp trong hơn nửa thế kỷ cho công tác lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm, hiện ông đã được Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt đủ điều kiện để trình Bộ VHTTDL trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
XUÂN HƯỚNG - THÁI TUYÊN