42 năm, sau khi ra mắt tác phẩm “Totto-chan bên cửa sổ”, tác giả Kuroyanagi Tetsuko (lúc này đã 90 tuổi) giới thiệu tới độc giả cuốn hậu truyện mang tên “Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo”. Cuốn sách vừa được Nxb Hội Nhà Văn và Nhã Nam cho ra mắt độc giả Việt Nam qua phần chuyển ngữ của dịch giả Trương Thùy Lan.
Totto-chan bên cửa sổ là cuốn sách thiếu nhi được yêu mến trên khắp thế giới, là sách gối đầu giường của trẻ em nhiều thế hệ, của các bậc phụ huynh, nhà giáo dục và bất kỳ ai quan tâm đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Tác giả Kuroyanagi Tetsuko sinh năm 1933 tại Tokyo, là nhà văn, diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng và là nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và xã hội. Với sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, bà đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, sự sáng tạo và tinh thần vượt lên mọi nghịch cảnh. Totto-chan bên cửa sổ (Nxb Kodansha), phát hành năm 1981 đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại với 8 triệu bản trong nước Nhật và 25 triệu bản trên toàn thế giới.
Tác giả Kuroyanagi Tetsuko
Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo đánh dấu sự trở lại của một trong những nhân vật văn học thiếu nhi được yêu thích nhất thế giới. Ở Việt Nam, tác phẩm vừa ra mắt đã khẳng định giá trị và sức hút của mình khi bán hết 3000 cuốn và được tái bản chỉ sau 3 ngày chính thức phát hành, tạo nên một hiện tượng xuất bản hiếm có. Lượng đơn đặt hàng tăng đột biến khi sách chưa chính thức lên kệ và được tái bản ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Điều này chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của tác phẩm không chỉ đến từ sự yêu mến dành cho Totto-chan và tác giả Kuroyanagi Tetsuko, mà còn bởi khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, bởi những giá trị tích cực mà cuốn sách mang lại cho độc giả mọi lứa tuổi.
Là một sự bổ sung tròn trịa, tiếp nối câu chuyện bỏ ngỏ ở phần trước, Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo vừa chạm tới những đề tài nặng nề hơn, mang đến câu chuyện về hành trình trưởng thành của cô bé từng làm rung động hàng triệu trái tim. Nếu Totto-chan bên cửa sổ tập trung vào hình ảnh một nền giáo dục lý tưởng tại ngôi trường Tomoe - nơi Totto-chan được sống đúng với bản chất hiếu động, ngây thơ của mình, thì phần tiếp theo này lại là hành trình trưởng thành đầy thử thách của Totto-chan trước những thay đổi lớn lao của thời cuộc, nơi chiến tranh nổ ra, cái chết hiện diện, và Tomoe chỉ còn là ký ức.
Cuốn sách chia làm 4 phần và được kể theo trình tự thời gian. Phần mở đầu có tên “Vừa rét, vừa buồn ngủ, vừa đói”, kể lại những câu chuyện trước trận không kích vào Tokyo, nơi cuộc chiến đã hiện diện ngày một rõ ràng và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của gia đình Totto-chan. Phần tiếp theo: “Totto sơ tán” diễn ra sau trận oanh tạc Tokyo, kể về thời gian Totto-chan cùng gia đình phải sơ tán lên vùng Aomori, nơi cô bé lần đầu đối mặt với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Phần thứ ba: “Vẹn tròn sứ mệnh đơm bông” và phần cuối cùng: “Totto trở thành diễn viên” bắt đầu trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi Nhật Bản chuyển mình vào giai đoạn tái thiết, các gia đình đoàn tụ, cho tới khi Totto-chan dần trưởng thành, tìm ra con đường sự nghiệp của mình giữa những trăn trở của bất kỳ người lớn nào.
Bìa sách "Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo"
Vẫn với những bức hình minh họa đáng yêu, sống động của họa sĩ Iwasaki Chihiro, cuốn sách còn có những bức ảnh quý giá chụp Totto-chan từ nhỏ tới lớn, giúp độc giả dễ dàng dõi theo từng câu chuyện. Những năm tháng cuối cùng tuổi thơ phải trải qua trong chiến tranh được tác giả Kuroyanagi kể lại như một ký ức buồn vui đan xen – không hề bi kịch hóa, nhưng cũng không giấu nổi sự khắc nghiệt. Dù vẫn giữ được thói quen quan sát từ tính tò mò đặc trưng, nhưng giọng kể của cô bé dần trưởng thành hơn, từng trải hơn.
Điểm nhấn nổi bật của tác phẩm là sự tiếp nối tinh thần giáo dục tôn trọng cá tính và khuyến khích sự sáng tạo – những giá trị đã làm nên sức sống lâu bền của Totto-chan bên cửa sổ. Sau Tomoe, Totto-chan không tìm thấy một ngôi trường mới tương tự, nhưng cô tìm thấy sân khấu, đài phát thanh, và cuối cùng là truyền hình. Nhờ những năm tháng được tin tưởng và khơi gợi trí tò mò ở Tomoe, cô có nền tảng để bước vào thế giới nghệ thuật với tất cả đam mê và bản lĩnh.
Totto-chan vẫn giữ vững niềm tin vào bản thân, vẫn luôn tò mò tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, dám ước mơ và hành động vì những điều tốt đẹp, qua đó mở rộng thông điệp của phần một: giáo dục không dừng lại trong lớp học mà tiếp tục sống trong từng lựa chọn của một con người trưởng thành. Như Totto-chan từng thừa nhận, nếu không có thầy Kobayashi, có lẽ cô sẽ không bao giờ dám tin rằng mình có điều gì đó đáng để lắng nghe.
Bên cạnh đó, Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo cũng là bức tranh sinh động về xã hội Nhật Bản trong giai đoạn chuyển mình, từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt đến thời kỳ tái thiết đầy hy vọng. Qua lăng kính của Totto-chan, độc giả sẽ cảm nhận được những đổi thay của đất nước, con người, cũng như những giá trị truyền thống và hiện đại đan xen, tạo nên một bối cảnh lịch sử – xã hội phong phú, đa chiều.
Sự thành công bước đầu của Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm, đón nhận nồng nhiệt của độc giả tới những tác phẩm giàu giá trị giáo dục và nhân văn.
NGÔ HỒNG VÂN