Raymond Carver (1938 - 1988) là một nhà thơ và là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của Mỹ và có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học thế kỉ XX. Tác giả được ghi nhận là người góp phần tạo dựng phong cách tối giản (minimalism) và hiện thực “gãy khúc” (fragmented realism) - đặc trưng bởi sự tiết chế ngôn ngữ, cấu trúc truyện phi tuyến tính và việc tập trung khắc họa những lát cắt đời thường của con người hiện đại trong trạng thái khủng hoảng tinh thần hoặc rạn vỡ các mối quan hệ. Một số tác phẩm tiêu biểu của Raymond Carver What We Talk About When We Talk About Love (Mình nói gì khi nói về chuyện tình) hay Cathedral (Thánh đường)…
Tác phẩm của Raymond Carver thể hiện khả năng nắm bắt khoảnh khắc hiện sinh qua các chi tiết vụn vặt, những con người vô danh, nhỏ bé trong đời sống thường nhật, từ đó khơi gợi chiều sâu cảm xúc và sự suy tư triết học về bản thể, sự kết nối và sự mất mát. Di sản văn chương của Carver được đánh giá là đã tái định hình thể loại truyện ngắn Mỹ hiện đại, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nhà văn về sau trong việc tiếp cận hiện thực với giọng điệu trung tính nhưng lại đầy sức nặng nội tâm bên trong. Phong cách viết của Carver phản ánh một thế giới nơi ngôn ngữ bị bào mòn đến mức tối giản, nó đã trở thành công cụ vừa bất lực vừa ám ảnh trong việc biểu đạt những khủng hoảng hiện sinh. Ẩn sau những câu chuyện ngắn gọn và đời thường là một thứ “thẩm mỹ của im lặng”, nơi sự vắng mặt, trì hoãn hay thiếu kết luận trở thành cách Carver diễn giải tính chất phi lý và trống rỗng của đời sống hiện đại theo tinh thần hậu hiện sinh (post-existential).
Raymond Carver tái tạo lại đời sống Mỹ trong hình hài của mảnh đất mất trắng đô thị hiện đại, những toà nhà cao tầng và vùng trung tâm xa xỉ. Không gian trong tác phẩm thu phóng trong những khu ổ chuột, những bãi rác bỏ lại, những căn nhà lụp xụp, những con đường vắng và bóng tối đứng sau ánh sáng hào quang của thành phố hiện đại. Có thể nói, Raymond Carver xê dịch tầm nhìn ra khỏi vùng trung tâm đời sống để nhìn về những con người yếu thế, những kẻ thường trực chỉ lang thang ở trong đêm, trong mùi rượu, căn nhà ẩm mốc và những biển chỉ dẫn họ chẳng biết rõ địa chỉ của mình là gì. Raymond Carver xây dựng không gian tương đối tối giản và nhiều khi xoá mờ hoàn toàn không gian. Những địa điểm liên tục chồng chéo, đứt đoạn, mất danh tính và nhiều khi không tìm được điểm dừng. Tuy nhiên sự phủ trắng dấu tích của không gian không vì thế khiến tác phẩm của Raymond Carver trở nên rộng rãi, ngược lại điều này khiến thế giới của ông trở nên cá nhân hoá và không tìm được điểm tự không gian xã hội. Nhiều khi đó chỉ là sự hiện diện của chiếc cầu thang cũ, trong đôi giày mòn gót, trong những chiếc cửa sổ mờ và rèm cửa ố vàng,…Khu vực tác giả lựa chọn thường cá nhân hoá với đời sống của riêng nhân vật, đó không phải sự phóng túng và vượt tầm nhìn của tự do mà nhiều khi lại chật chội, tù túng trong một sự vật cơ bản và cũ kĩ vô cùng.
Truyện ngắn Khi tôi gọi từ và Truyện ngắn Thánh đường
Raymond Carver viết về những con người thất lạc chân dung khỏi sự tồn tại hữu hình của thế giới. Đó là những con người tự động dịch chuyển bản thể ra khỏi mẫu số chung để đi về những góc tối âm thầm của cá nhân. Họ hiện diện trong chiếc ghế sofa, trong những cuộc gọi nhỡ tình cờ, ở những quán bạc khuất sau ánh đèn đô thị, ngồi lặng lẽ trong cửa sau siêu thị, ở trong điếu thuốc lá cháy dở và những chai rượu rẻ tiền… Nhân vật có xu hướng thoả hiệp và mất khả năng kháng cự với những trái khoáy và nghịch lý của đời sống thực tại. Con người trong sáng tác của Raymond Carver luôn hiện diện tròn vai con người xã hội ở nơi làm việc, ở trường học, ở trong khu tập thể chật chội, ở những quảng trường vắng vẻ ít người qua lại… Raymond Carver luôn ám ảnh bởi những khoảng trống của tâm trí, tác phẩm của ông thường trực là những con người mải miết trên đường đua marathon nhưng không bao giờ thấy được đích đến. Nhưng khi con người ấy được trả về căn phòng riêng của đời sống riêng tư một mình, họ lại xoay vần trong sự nổi loạn của lý trí và những xúc cảm tinh thần đứt phanh kiểm soát. Nhân vật của Raymond Carver ẩn náu những chấn thương tinh thần trong men rượu nóng, những chiếc xe ô tô cũ kĩ phóng trên những con đường vắng, trong hơi ấm đàn bà và những cuộc tình ngắn hạn… Có thể nói, con người trong phẩm của Raymond Carver được vận hành rải đều trong những chiếc hộp cá nhân - nơi mà họ tự nguyện sống song song cùng những cơn kịch phát của nỗi đau tinh thần.
Raymond Carver không viết về đêm trường Trung cổ hay ngày tận thế trải dài trên mảnh đất Mỹ. Ông viết về những con người tan vỡ nhưng tại điểm đau lòng đó lại là sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa những con người xa lạ với nhau. Có thể nói tác giả dẫn người đọc vào mê cung của chuỗi không gian đứt đoạn và mờ bóng hoàn toàn chân tích nguyên gốc của con người. Nhưng đồng thời chính mê cung đó người đọc lại tìm được dấu chân con người qua những cuộc gọi nhỡ. Đó là những cuộc gọi tình cờ của người xa lạ, những va chạm kẻ khác thông qua số gọi nhầm, những đêm trắng bắt gặp cuộc trò chuyện lạ lùng của một ai đó trong đời. Có thể nói, con người được hiện diện thông qua sự tình cờ tưởng chừng vô lý nhưng lại đầy đẹp đẽ của đời sống lạ lùng mang lại. Con người di rời ra khỏi chiếc hộp của riêng mình thông qua những sự cố ngẫu nhiên, những chuyện kì dị không thể đoán trước như một cuộc gọi nhỡ từ kẻ xa lạ bỗng dưng phút chốc đã trở thành người tình, hay một người mù bước chân vào nhà và kể cho họ nghe những chuyện kì dị mà đôi mắt mù nhìn thấy hoặc người thợ làm bánh sẽ chẳng bao giờ trò chuyện với khách hàng của mình nếu ngày hôm ấy họ không mất đi người con trai…Raymond Carver đặt nhân vật vào trong tình thế trái khoáy của việc làm người, nhưng tình huống đó lại trổ ra cánh cửa cho ta thấy sự rung động đầy thành thực và phản ứng kì dị của con người. Nhân vật trong nhiều khoảnh khắc của đời sống có thể diễn tròn vai con người xã hội, nhưng khi đời sống cá nhân bắt gặp một con người cá nhân khác thông qua sự gặp gỡ tình cờ, khi ấy dấu chân tính người được phóng chiếu rõ ràng hơn bao giờ hết.
Không gian và nhân vật của Raymond tuy có sự rời rạc, nhiều khi đứt gãy khỏi nhau nhưng lại gặp gỡ nhau ở điểm chung đều chủ đích về sự đơn lẻ và mất kết nối khỏi không gian công. Phận người gắn chặt trong chiếc bàn con, trong một chiều chật chội và một ngày buồn dài đằng đẵng,…họ bám víu vào trong những sự vật tồn tại trong đời sống như một điểm tựa sau cùng trong cuộc đời riêng mình. Con người của Raymond Carver luôn cần không gian để tồn tại nhưng sự tồn tại đó lại cỏn con và nhỏ bé đến vô hình hoá khỏi đời sống xã hội. Đó là những con người “trật khớp” khỏi bộ máy vận hành chung, họ lẻ bóng trong chính sự rộng rãi và kì vĩ của không gian Mỹ. Họ trú ẩn trong gác xép, ngôi nhà cũ, rượu rẻ tiền, những cuộc gọi nhỡ,…họ đứng một vị thế khiêm nhường và yếu thế trong dáng hình vạm vỡ của đất nước hiện đại. Raymond Carver không thuần chủ đích khai phá toàn bộ không gian xã hội, nhưng có lẽ đời sống với những mảnh đời rơi tự do cùng những mảnh vỡ của mình khiến tác giả nắm bắt trọn tinh thần của con người hậu hiện đại.
QUỲNH ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025