Người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và là tộc người có dân số đứng thứ hai tại Việt Nam với 1.626.392 người (1). Họ sinh sống tập trung ở các tỉnh thuộc Đông Bắc và một phần Tây Bắc Việt Nam, trong đó tại tỉnh Cao Bằng có 207.805 người, chiếm 25,2% tổng số người Tày tại Việt Nam. Ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, người Tày tự nhận là cư dân tại chỗ với 6.296 người (2), trong đó có 4 xã và 2 thị trấn chung đường biên giới với Trung Quốc, là phạm vi của nghiên cứu này. Họ cộng cư cùng với người Nùng và có mối quan hệ gần gũi với người Choang ở bên kia biên giới Trung Quốc.
Kể từ những năm 90 TK XX, sau khi hai nước Việt - Trung bình thường hóa quan hệ, việc giao thương và giao lưu giữa các tộc người vùng biên giới huyện Phục Hòa đã nhanh chóng phát triển, đặc biệt hơn khi khu vực này có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (2002). Hiện nay, người Tày tại đây thu nhập chính từ nông nghiệp, chủ yếu trồng mía. Thu nhập từ mía có thể từ vài trục triệu tới vài trăm triệu/hộ, tùy theo diện tích canh tác. Đây thường được xem là khoản tích lũy và sẽ được sử dụng khi gia đình có việc đại sự như xây nhà, cưới xin… Nguồn thu nhập khác là tiền lương công chức, kinh doanh buôn bán hoặc làm thuê… Sự năng động về kinh tế và đa dạng nguồn thu nhập giúp kinh tế của người Tày ở huyện Phục Hòa tương đối ổn định và có sự thay đổi lớn so với nhiều năm trước đây. Điều này tác động đến sự biến chuyển trong văn hóa người Tày, trong đó có biến đổi về hôn nhân, gia đình.
Quan niệm kết hôn
Người Tày xem trọng hôn nhân gia đình, họ quan niệm “trai phải lấy vợ, gái phải lấy chồng”. Nếu không, sẽ không làm tròn chữ hiếu, khiến cho bố mẹ, gia đình phải hổ thẹn với họ hàng, làng xóm... Quan niệm này thực sự là áp lực với những gia đình có con gái lớn mà chưa lấy chồng. Một ẩn ý sâu xa còn bởi, người con gái không lấy chồng có thể là trở ngại đến việc xây dựng hạnh phúc của các anh chị em khác hoặc thậm chí là trách nhiệm mà các thành viên, đặc biệt bố mẹ và anh em trai phải gánh vác, chu cấp bảo đảm nơi ở cho họ và nguồn sống. Những năm 1990, sức ép đó đã thôi thúc nhiều cô gái lớn tuổi chưa chồng ở vùng biên giới Phục Hòa bằng nhiều hình thức khác nhau đã tìm chồng ở bên kia biên giới Trung Quốc, nơi có số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới.
Từ sau năm 2000, đặc biệt những năm gần đây, bởi nhận thức được những rủi ro khi lấy chồng Trung Quốc như: khó khăn xin đăng ký kết hôn, bị làng xóm dị nghị, hôn nhân không được thừa nhận ở cả Việt Nam và Trung Quốc..., số lượng con gái vùng biên lấy chồng Trung Quốc giảm nhanh, năm 2015 chỉ còn 1-2 trường hợp.
Trở lại với sức ép từ hôn nhân, hiện nay, một số cô gái lớn tuổi chưa chồng, nhờ có khả năng độc lập về kinh tế đã chọn cách thuê một ngôi nhà nhỏ riêng để ở, không ở cùng gia đình để ít bị nhắc nhở về việc lập gia đình. Tuy nhiên, nhìn chung, cộng đồng, gia đình đã bớt khắt khe, có góc nhìn thông cảm hơn với những người lấy chồng muộn hoặc không chồng.
Thay đổi trong lựa chọn đối tượng kết hôn
Trước khi quyết định kết hôn, đặc biệt là trước đây, người Tày thường quan tâm đến môn đăng hộ đối, đó là hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội của hai bên gia đình có tương đương nhau hay không. Nếu không môn đăng hộ đối mà thuộc về những tầng lớp xã hội khác nhau, kẻ sang, người hèn, kẻ giàu, người nghèo thì đôi trẻ không xứng đôi vừa lứa, dù yêu nhau đến mấy và dẫu cùng nhau hẹn ước cũng không thành gia thất. Ngoài ra, hôn nhân thường do bố mẹ hai bên gia đình sắp đặt, nhiều người thậm trí trước khi kết hôn không biết mặt cô dâu, chú rể. Bởi quan niệm hôn nhân qua mai mối, có người quen, người lớn tìm hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình của cô dâu, chú rể sẽ đảm bảo hạnh phúc đôi trẻ bền vững hơn.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, việc tìm hiểu và quyết định kết hôn thường do đôi bạn trẻ. Họ thường tự tìm hiểu qua việc học chung trường, chung lớp, chơi cùng nhóm bạn và các mối quan hệ khác. Gia đình vẫn mong muốn con được kết hôn với con cái thuộc gia đình gia giáo, có kinh tế ổn định, nhưng quan tâm nhiều hơn đến tính cách, đạo đức và nghề nghiệp, khả năng kinh tế của người định kết hôn. Họ quan niệm, của cải do chính bàn tay mình làm ra ví như nước giếng, múc vơi lại đầy, còn của cải do bố mẹ để lại chỉ như cơn nước lũ tràn qua. Nghề được xem trọng nhất là cán bộ công chức nhà nước bởi có tính ổn định cao, thu nhập đều và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Thứ đến là nghề kinh doanh bởi cho thu nhập tốt, những người làm kinh doanh thường là rất năng động và nhanh nhẹn. Nghề nông nghiệp thường không được đánh giá cao bởi cho thu nhập thấp và vất vả.
Đa dạng đối tượng kết hôn
Sự phát triển kinh tế ở vùng biên giới đã tạo nên sự năng động cho các cá nhân. Họ không còn muốn sống khép kín với những mối quan hệ vốn có trong một bản, tộc người như trước đây mà muốn mở rộng hơn, đa dạng hơn các mối quan hệ. Trước đây, người Tày thường hiếm khi kết hôn với người Nùng và các tộc người khác. Hiện nay, sự phân biệt tộc người vẫn còn, thường được nhắc tới qua những câu chuyện kể về ứng xử trong gia đình, xã hội của người Tày hay người Nùng... Yếu tố tộc người không còn hoặc ít khi là rào cản trong hôn nhân, quan trọng hơn cả là tình cảm của đôi trẻ và các yếu tố xét về kinh tế, nghề nghiệp… của người sẽ kết hôn.
Những người trẻ tuổi sau khi nghỉ học thường muốn đi làm tại các tỉnh, thành phố lớn như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội và miền Nam… Ở đó, họ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và kết hôn với người địa phương hoặc từ nơi khác đến đây làm việc. Số trường hợp kết hôn như vậy tăng nhanh. Tuy nhiên, qua khảo sát lại thiếu tính bền vững bởi gặp khó khăn kinh tế, nơi ở và khác biệt về thói quen ứng xử...
Thanh niên nam nữ người Tày vùng biên giới huyện Phục Hòa hiện nay phần nhiều có suy nghĩ đi làm ăn xa tại các tỉnh miền xuôi để có chút vốn sau đó trở về quê lấy vợ, lấy chồng. Họ muốn lấy người ở làng khác, xã khác, đặc biệt những ai cư trú ở khu vực thị trấn, huyện. Trường hợp lấy chồng Trung Quốc như đã đề cập thường bị xã hội dị nghị.
Tăng tuổi kết hôn
Những người già cho biết, trước đây, tuổi kết hôn của người Tày ở huyện Phục Hòa thường từ 16-18 với nữ và 18-20 với nam. Năm 2015, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nữ là 24,2 và nam là 26,2 (3). Như vậy, tuổi kết hôn của cả nam và nữ tăng lên. Tuy nhiên lại diễn ra sự chênh lệch về độ tuổi kết hôn lần đầu ở một số khu vực: ở xã Triệu Ẩu, xã vùng sâu của huyện Phục Hòa, nam là 28, nữ là 25; xã Mỹ Hưng nam là 27, nữ là 25; ở khu vực trung tâm như thị trấn Tà Lùng thì nam là 26, nữ là 24; thị trấn Hòa Thuận nam là 26, nữ là 24.
Như vậy, trước đây tuổi kết hôn ở các bản, xã thường thấp hơn so với khu vực trung tâm huyện thì nay lại cao hơn. Điều này phản ánh thực trạng thiếu việc làm tại các xã xa trung tâm thị trấn huyện nên họ thường phải đi làm ăn xa, lo tìm việc làm trước khi ổn định cuộc sống hôn nhân. Tại các trung tâm huyện, thành phần kinh tế đa dạng hơn, dễ kiếm việc làm hơn nên có điều kiện ổn định hôn nhân sớm hơn.
Biến đổi trong cưới xin
Đám cưới của người Tày gồm 4 bước chính: xin lục mỉnh, lễ dạm hỏi (xam lùa), lễ ăn hỏi (mai, kin hap hay khat cằm), lễ cưới (kin lẩu).
Người Tày trước đây rất tin vào số mệnh của con người được mặc định bởi ngày sinh, tháng đẻ. Bởi vậy, trước khi quyết định cưới xin, gia đình người con trai phải nhờ người xin lá số tử vi của cô con gái (xin lục mỉnh) mang về so với lá số tử vi của con trai mình. Sau đó, nhà trai sẽ tìm thày tướng số hoặc thày tử vi xem giúp số mệnh của con trai và cô gái có hợp nhau hay không với niềm tin rằng nếu số mệnh hợp đôi vợ chồng trẻ sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Nếu thày tướng số phán rằng đôi trẻ không hợp mệnh, việc kết hôn xem như từ bỏ. Một số gia đình do rất quý mến, mong muốn cô gái đó trở thành con dâu, họ lấy giấy bản gói 2 tờ lá số lại rồi đem vùi trong bồ thóc 3 đêm và đến đêm thứ tư thì lót xuống chiếc gối của chủ nhà. Bồ thóc được quan niệm là nơi no đủ và sẽ hóa giải vận xấu của đôi trẻ. Hiện nay, nhiều gia đình sau khi xin lục mỉnh về không đi xem tướng số mà cất luôn vào trong bồ thóc.
Hôn nhân của người Tày thường được các nhà nghiên cứu nhận định rằng mang tính chất mua bán khá rõ nét và trong cuộc mua bán thứ “hàng hóa” đặc biệt này, nhà trai đóng vai trò của kẻ mua, còn nhà gái chính là người bán (4). Sau khi hai bên đã quyết định tiến tới hôn nhân, đại diện họ nhà trai và họ nhà gái sẽ cùng nhau trao đổi, bàn bạc, thương thảo để thống nhất với nhau về số tiền cũng như lượng thịt, rượu, gạo, bánh trái mà nhà trai phải mang sang nhà gái. Trong đó, không thể thiếu một khoản tiền mặt được gọi là “tiền đầu” với ý nghĩa là số tiền để mua con gái. Xuất phát từ vấn đề trên, nhiều người cho rằng thách cưới càng nhiều thì con gái họ càng được nâng giá trị.
Tuy nhiên, số tiền trước đây có thể chỉ là một vài đồng bạc. Khoảng 5 năm về trước, số “tiền đầu” mà nhà trai phải lo cho nhà gái khoảng 10 triệu đồng. Những năm gần đây, khi giá cả tăng, đồng tiền mất giá và quan trọng hơn, đời sống kinh tế của các tộc người ở vùng biên giới huyện Phục Hòa được nâng lên rõ rệt, số “tiền đầu” vì thế tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, mức tiền bình quân của hầu hết trường hợp nhà trai mang sang nhà gái khoảng 40 triệu đồng. Một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có con gái xinh đẹp, công việc ổn định..., muốn khẳng định rằng con gái họ có giá đã nâng mức “tiền đầu” lên, có thể tới 100 triệu.
Tiền trở thành thước đo cho giá trị của người kết hôn, gia đình và thậm trí là dòng họ. Tư duy đó khiến hầu hết các gia đình cảm thấy không hài lòng hoặc nếu có vẻ hài lòng thì cũng chỉ là giả bộ nếu số “tiền đầu” được nhà trai đưa sang thấp hơn cả mức bình quân chung.
Sau thời điểm nhà trai và nhà gái thống nhất về khoản “tiền đầu” thường là lúc nhiều người tò mò muốn biết khoản tiền đó là bao nhiêu. “Tiền đầu” thường là câu chuyện được bàn tán nhiều. Người ta nhìn vào đó để so sánh, để bình phẩm. Sự bình phẩm dù có ngấm ngầm, một cách lặng lẽ nhưng cũng có thể khiến cho gia chủ cảm thấy không được thoải mái. Sự bình phẩm đã tạo nên làn sóng ganh đua giữa các gia đình sắp có con gái lấy chồng. Ngược lại, trở thành nỗi lo lắng của những chàng trai sắp cưới vợ.
Một số gia đình phải đi vay mượn tiền để lo khoản “tiền đầu” cho con trai cưới vợ. Tuy nhiên, theo những người ở huyện Phục Hòa thì khoản tiền tương đối lớn này trong những năm gần đây không phải là quá khó với hầu hết các gia đình trong huyện. Các gia đình luôn có một khoản tiền tiết kiệm nhờ bán mía vào dịp cuối năm. Khi có con trai sắp lấy vợ, họ sẽ tích cóp khoản tiền này, không tiêu dùng vào việc khác và chỉ để lo cho đám cưới của con. Nếu thiếu, họ có thể dễ dàng hỏi vay mượn của anh em họ hàng.
Ở chiều ngược lại, trong trường hợp con gái lấy chồng là người Kinh ở các tỉnh đồng bằng, hoặc thành phố Cao Bằng, họ lại dễ dàng chấp nhận nhận khoản “tiền đầu” theo phong tục của người Kinh, với số tiền mang tính chất tượng trưng và thường khoảng 3-5 triệu đồng. Họ lý giải rằng phong tục của người Kinh là vậy. Trong quan niệm của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, người Kinh được nhận xét là khôn khéo, biết làm ăn nên hy vọng sẽ có cuộc sống tương lai tốt hơn.
Đồ lễ cưới trước đây thường do gia đình hoặc nhờ anh em họ hàng tự chuẩn bị. Hiện nay, những thứ này thường được đặt qua những người chuyên làm hoặc bán đồ cưới. Bánh dầy, một thứ không thể thiếu trong đồ lễ nhà trai mang sang nhà gái để nhà gái trao cho anh em họ hàng, người thân. Đây là phong tục bắt buộc và không đổi, để rồi sau này khi sinh con đầu lòng, họ sẽ nhận được quà là con gà hay trứng... từ những người đã từng nhận bánh dầy của họ. Hiện nay, để giản tiện công đoạn này, nhiều nhà trai đã đưa tiền trực tiếp và nhờ nhà gái đi thuê hoặc làm bánh giúp. Yếu tố thương mại hóa dường như được bộc lộ rõ nét ở việc quy đổi đồ lễ ra thành tiền hiện đang trở nên phổ biến. Người Tày cảm nhận rằng đây là phương cách thuận tiện, đỡ mất thời gian của cả hai bên.
Trước nay, đám cưới với người Tày là dịp để anh em họ hàng, làng bản, bạn kết tồng... được vui vẻ trong không khí hạnh phúc mừng duyên mới. Họ quan niệm càng có đông người đến dự đám cưới thì đám cưới càng thêm vui. Quan niệm đó đến nay không đổi nhưng họ băn khoăn nhiều hơn khi tính đến ai sẽ đến dự đám cưới. Họ tính như vậy bởi có những người bận việc mà không đến được và cả liên quan đến giá trị từ khoản tiền mừng cưới. Nếu bận không đến được thì cỗ sẽ bị dư thừa. Sự tính toán đó trái ngược hoàn toàn với những đám cưới trước đây khi tổ chức thường mời bạn bè một cách nhiệt tình và ít có sự tính toán. Khánh mời được mở rộng hơn, ngoài anh em bà con trong bản, họ hàng thì còn có những người ở xã khác, địa phương khác mà gia chủ quen biết qua công việc...
Đám cưới trước đây thường tự nấu cỗ, khoảng 10 năm trở lại đây, dù là bản xa hay gần đều thuê người nấu cỗ hoặc tổ chức ăn uống tại nhà hàng. Lý do bởi, e ngại người được nhờ sẽ mất thời gian. Thời gian đó được tính toán, quy đổi thành tiền công thực tế của ngày lao động. Nếu làm giúp cho đám cưới, người được nhờ sẽ mất đi thu nhập của một ngày lao động. Ngược lại, gia chủ sẽ phải tiếp đón, mời những người được nhờ ăn uống vài bữa thay vì chỉ một bữa. Khi những người này về, gia chủ phải có quà có thể là thịt, bánh kẹo đưa cho họ. Giá trị quy đổi giữa nhờ và không nhờ, đi thuê người nấu cho kết quả tương đương nhau. Bởi vậy, họ chọn giải pháp thuê người nấu để tiết kiệm thời gian lo cho những việc lớn hơn.
Sự tính toán sẽ gây ngạc nhiên bởi nơi đây là vùng miền núi, khu vực giáp biên giới nhưng đã nhanh chóng đô thị hóa. Sự linh hoạt đó có lẽ hơn cư dân ở một số vùng quê ngay ở trung tâm Bắc Bộ. Ngược lại, nó cũng phản ánh mức độ liên kết cộng đồng đang suy giảm nhanh.
Bởi có điều kiện kinh tế, các đám cưới hiện nay thường được tổ chức với quy mô lớn hơn trước đây, theo nhận xét của hầu hết mọi người. Họ thuê người dựng rạp cưới, làm cổng cưới, trang hoàng nhà cửa cầu kỳ hơn. Nhiều đám cưới thuê người đến ca hát, chơi nhạc góp vui. Hình ảnh đám cưới biểu hiện sự suy giảm của giá trị truyền thống, ngược lại đang tiếp thu nhanh chóng văn hóa của người Kinh ở các tỉnh đồng bằng, thành phố.
Qua đám cưới có thể thấy chiều tác động văn hóa không phải đến từ bên kia biên giới, nơi có tộc người Choang gần gũi về văn hóa và có sự phát triển kinh tế tốt hơn. Người Tày, Nùng ở vùng biên giới huyện Phục Hòa đang thay đổi văn hóa nhanh bởi những học hỏi từ văn hóa của người Kinh ở đồng bằng. Câu nói thường được nghe từ họ rằng chúng tôi hiện tổ chức đám cưới gần giống với người Kinh.
Trước đây, trong đám cưới, cô dâu mặc trang phục truyền thống của người Tày nhưng đã thực sự hiếm gặp trong những năm gần đây. Một số người chỉ mặc trang phục này khi chụp ảnh cưới bởi sự hoài niệm. Họ thích mặc những bộ váy cưới lộng lẫy, nhiều chi tiết, trông trang trọng được thuê ở các cửa hàng chuyên trang điểm và cho thuê đồ cưới. Phương tiện đi lại đón dâu phổ biến là đi xe máy, một số gia đình dùng xe ô tô.
Ly hôn
Theo tác giả La Công Ý (5) và thực tế nghiên cứu, trước đây chuyện ly dị ở người Tày là hiếm có và thường bị cộng đồng chê bai, đàm tiếu, nhất là với con gái. Chẳng hạn, “con gái quay về sống với mẹ đẻ không già, không xấu thì cũng ngu dốt, kém cỏi”. Hai bên gia đình sẽ hoàn cho nhau những khoản tiền và vật chất nhất định. Hiện nay, theo quan sát, phụ nữ vùng biên giới Phục Hòa rất năng động, họ tham gia vào nhiều công việc để có thu nhập như, vừa làm công chức vừa kết hợp buôn bán, vừa làm nông nghiệp vừa đi làm thuê ở cửa khẩu hoặc bên kia biên giới Trung Quốc… Họ có thu nhập tốt, vì vậy có tiếng nói hơn trong gia đình, cũng như sẵn sàng chấp nhận ly hôn nếu bị chồng đối xử ngược đãi. Cộng đồng và người thân cũng cảm thông, ít dị nghị hơn với những người ly dị.
Kết luận
Hôn nhân người Tày vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng còn giữ được những giá trị và đặc trưng của hôn nhân truyền thống, nhưng yếu tố vùng biên, nơi có sự vận động và giao thương kinh tế, văn hóa sôi động hơn các khu vực nội tỉnh đã đẩy nhanh hơn những biến đổi trong hôn nhân truyền thống, đặc biệt ở mở rộng đối tượng lựa chọn kết hôn, cách thức tổ chức đám cưới….
Những biến đổi trong hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa phản ánh sự vận động của phát triển kinh tế, xã hội đặc thù vùng biên giới nhưng nằm trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Hôn nhân đang theo xu hướng mở, tạo sự đa dạng trong lựa chọn đối tượng kết hôn và hình thức cưới xin, nhưng vẫn giữ được những giá trị căn bản bản sắc tộc người (6).
_______________
1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: kết quả toàn bộ, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2010.
2. Theo thống kê dân số của UBND huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng năm 2015.
3. Theo thống kê của phòng Tư pháp huyện Phục Hòa năm 2015.
4, 5. La Công Ý, Đến với người Tày và văn hóa Tày, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 250, 249.
6. Xin xem thêm các tài liệu tham khảo: Hoàng Hoa Toàn, Nguồn gốc lịch sử tộc người Tày - Nùng ở Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1998; Đỗ Thúy Bình, Thực trạng hôn nhân ở các dân tộc miền núi phía Bắc, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1991; Hoàng Tuấn Nam, Bế Thanh Tuyền, Việc dựng vợ gả chồng của người Tày ở Cao Bằng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
Tác giả: Lê Anh Hòa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018