Thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đã đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đương đầu với không ít những khó khăn, thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một trong những phương thức quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

1. Thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam

Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị văn hóa được xây dựng trong quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp, thẩm thấu vào trong nhận thức và tác động đến tư tưởng, tình cảm, chi phối hành vi và thói quen của các thành viên trong doanh nghiệp. Theo Jaques (1952): “Văn hóa của một doanh nghiệp là cách tư duy và hành động hằng ngày của các thành viên. Đó là điều mà các thành viên phải học và ít nhiều phải tuân theo để được chấp nhận vào doanh nghiệp đó. Văn hóa theo nghĩa này bao gồm một loạt các hành vi ứng xử, các phương thức sản xuất, kỹ năng và kiến thức kỹ thuật, quan điểm về kỷ luật, các thông lệ và thói quen quản lý, các mục tiêu của những người liên quan, cách trả lương, quan điểm về các công việc khác nhau, niềm tin vào tính dân chủ trong các buổi thảo luận và những quy ước, những điều cấm kỵ” (1). Theo Denison (1990): “Văn hóa doanh nghiệp chỉ những giá trị, tín ngưỡng và nguyên tắc bên trong tạo thành nền tảng của hệ thống quản lý doanh nghiệp, cũng như một loạt các thủ tục quản lý, hành vi ứng xử minh chứng và củng cố cho những nguyên tắc cơ bản này” (2). Nhà nghiên cứu E.N.Schein cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh (3). Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa doanh nghiệp bao gồm một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên trong một tổ chức cùng thống nhất và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến nhận thức và hành động của từng thành viên (4). Đây là những giá trị riêng biệt tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt được thành công trước các đối thủ cạnh tranh khác. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp và tạo nên bản sắc kinh doanh riêng của doanh nghiệp” (5).

Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và phát triển sẽ có sức lan tỏa đến từng thành viên trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong công việc, phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ đơn vị và tinh thần trách nhiệm trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp, phát triển doanh thu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần thu hút nhân tài và giữ được nhân tài tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp, góp phần tạo nên nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nghị quyết Trung ương 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số     33-NQ/TW ngày 9-6-2014) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh” (6).

Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và tạo nên thương hiệu riêng, tạo được lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại trong quá trình phát triển. Trên thế giới, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn như: Amazon, Microsoft, Apple, Canon… có thể tồn tại và phát triển lớn mạnh trong nhiều thập niên và khi gặp khủng hoảng kinh tế thì những doanh nghiệp này vẫn có thể đứng dậy, vươn lên phát triển… bởi họ đã xây dựng được những giá trị văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, những thương hiệu trở thành nền tảng của doanh nghiệp và là biểu tượng của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng chiến lược và mục tiêu kinh doanh, những nguyên tắc và quy định của doanh nghiệp được hình thành và nghiêm túc thực hiện, xây dựng được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp tạo nên bản sắc riêng và thích ứng với môi trường kinh doanh của thế giới, môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng. “Theo kết quả khảo sát của Blue - C, tiến hành khảo sát 113 doanh nghiệp Việt Nam, có khoảng 66,36% lãnh đạo nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng hoặc rất quan trọng. Tuy nhiên, có 56,64% doanh nghiệp không có ngân sách dành riêng cho văn hóa, hoặc có nhưng rất hạn chế. Khoảng 23,01% doanh nghiệp là có ngân sách phục vụ riêng cho văn hóa doanh nghiệp. Đa số (90%) doanh nghiệp đã thiết lập các yếu tố nền tảng của văn hóa doanh nghiệp, như: tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa doanh nghiệp được chú trọng thể hiện qua các ý tưởng, các khái niệm đơn giản, áp dụng các hình thức truyền thông để giúp nhân viên nhận biết văn hóa doanh nghiệp. Trang phục nhân viên, logo, slogan, quy tắc ứng xử… đã được chú trọng triển khai” (7). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên những cam kết về giá trị, các nguyên tắc phát triển bền vững và đem lại thành công cho doanh nghiệp như: Tập đoàn FPT, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam… Tại những doanh nghiệp này, các hoạt động xã hội được đề cao như: hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, các cam kết, triết lý kinh doanh được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên… Đồng thời, hành vi cá nhân tại nơi làm việc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và nghiêm túc thực hiện, diện mạo doanh nghiệp được quan tâm xây dựng và trang trí đẹp mắt gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo nên tâm lý thoải mái với khách hàng và đối tác… Sự thể hiện đó đã góp phần làm nên đặc trưng cho doanh nghiệp, tạo ra sự thành công cho các thương hiệu của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp ở Việt Nam xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính hình thức, mới chỉ tập trung vào các hoạt động giải trí và truyền thông, quảng bá… Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh như: chưa quan tâm đến xây dựng kiến trúc và diện mạo doanh nghiệp, chưa có quan niệm đúng đắn về cạnh tranh và hợp tác trong kinh doanh, phong cách làm việc chưa chuyên nghiệp, quản lý nhân sự còn yếu, chưa có chiến lược lâu dài trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, chưa tạo nên sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp, chưa xây dựng được hệ thống các giá trị, triết lý hành động và phương pháp thực hiện để tạo nên phong cách của doanh nghiệp...

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam

Hiện nay, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam đang được quan tâm để giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thích nghi và hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh và hạnh phúc. Do đó, các doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm, thực trạng của từng doanh nghiệp:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, nhân viên và người lao động về tầm quan trọng, vai trò của văn hóa doanh nghiệp và kiến thức về văn hóa doanh nghiệp đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh

Để xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, cần có sự tham gia của tất cả thành viên trong doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, vận động người lao động trong doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của phát triển văn hóa doanh nghiệp trong từng hoạt động để mọi người tích cực chủ động tham gia hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: thông qua các cuộc họp, hội nghị, tổng kết… thường xuyên có những hình thức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên và người lao động, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực mới được tuyển dụng vào đơn vị. Bên cạnh đó, đa dạng về hình thức và nội dung bài viết trên trang web của doanh nghiệp về tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý kinh doanh và các giá trị văn hóa để mọi người trong doanh nghiệp dễ dàng tiếp nhận và lan tỏa những giá trị văn hóa đó, thẩm thấu vào nhận thức và thay đổi hành vi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi các thành viên trong doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về những giá trị văn hóa doanh nghiệp, về tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý trong kinh doanh sẽ giúp họ tích cực hơn nữa trong xây dựng phát triển văn hóa doanh nghiệp, góp phần duy trì và phát triển môi trường văn hóa trong doanh nghiệp chuyên nghiệp, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.

Hai là, tuyển dụng nhân viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, phát huy năng lực con người và cụ thể hóa tiêu chí văn hóa doanh nghiệp vào quá trình đánh giá hoạt động của doanh nghiệp

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sự thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chính là yếu tố con người. Để doanh nghiệp phát triển vững mạnh cần thiết phải có một đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao, luôn nhiệt huyết và sẵn sàng dấn thân, cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp. Khi mỗi nhân viên trong doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức hòa đồng vào môi trường văn hóa doanh nghiệp sẽ phát huy được hết khả năng của bản thân và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu nhân viên trong doanh nghiệp không có nhiệt huyết, không nêu cao tinh thần trách nhiệm và không có sự hòa đồng, đồng tâm xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp sẽ gây ra rất nhiều tổn thất cho doanh nghiệp. Do đó, công tác tuyển dụng nhân viên có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tuyển dụng nhân viên cần phải gắn với định hướng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng phù hợp với vị trí công việc đang cần mà cần tuyển dụng nhân viên phù hợp với những định hướng giá trị trong doanh nghiệp.

Để phát huy năng lực con người trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phát huy năng lực của nhân viên thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên trong doanh nghiệp như: hội thảo khoa học, diễn đàn chia sẻ tri thức, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, phát huy ý tưởng sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể trong doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đưa các tiêu chí thực hiện xây dựng phát triển văn hóa doanh nghiệp vào đánh giá hoạt động của doanh nghiêp. Đa dạng cách đánh giá nguồn nhân lực dựa vào kết quả và chất lượng công việc. Ghi nhận và có nhiều hình thức khen thưởng phù hợp để phát huy những ý tưởng sáng tạo của nhân viên trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ba là, phát triển môi trường làm việc lành mạnh, cởi mở trong doanh nghiệp và nâng cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp

Khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều mong muốn duy trì và phát huy những thế mạnh, những giá trị nổi bật mang đặc trưng riêng của đơn vị mình. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn phát triển hơn nữa những giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc, thương hiệu riêng của doanh nghiệp để trở thành nền tảng, nguồn lực nội sinh trong sản xuất kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc cởi mở, thân thiện để mọi người có thể tự tin chia sẻ thông tin, những kiến thức thu nhận được trong thực tiễn công tác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khắc phục những hạn chế còn tồn đọng liên quan đến vấn đề giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong đơn vị, sự không thấu hiểu trong việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong doanh nghiệp… Để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, cởi mở và chuyên nghiệp, các doanh nghiệp cần xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về công việc và quy trình thực hiện công việc cho từng vị trí việc làm; xây dựng hình tượng nhà lãnh đạo quản lý cởi mở, thân thiện với nhân viên trong phong cách giao tiếp, văn hóa ứng xử với đồng nghiệp… tạo nên niềm tin, sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các thành viên trong doanh nghiệp; tôn trọng và phát huy sự sáng tạo, những sáng kiến của nhân viên trong xây dựng và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc những cam kết với đối tác và khách hàng như đã công bố về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, giữ chữ tín đối với khách hàng và đối tác, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp của khách hàng, kinh doanh trung thực… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có sự cân đối hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội, tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội như: bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ những đối tượng khó khăn và yếu thế…

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục nỗ lực thực hiện. Những giá trị văn hóa doanh nghiệp không phải là cố định và có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp và sự thay đổi của xã hội. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần thường xuyên đôn đốc việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp, kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của việc thực thi văn hóa doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những giá trị văn hóa tích cực, phù hợp cần tiếp tục được phát huy, đồng thời loại bỏ những giá trị không còn phù hợp và thay thế bằng những giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại và sự phát triển của doanh nghiệp.

______________________

1, 2, 7. Phan Thị Hời, Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công Thương, số 27, tháng 12-2021.

3. E.N. Schein, Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010.

4. Nguyễn Mạnh Quân, Đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2007, tr.52.

5. Dương Thị Liễu, Giáo trình Văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2012, tr.61.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thị Phi Hoài, Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2009.

2. Bùi Xuân Phong, Đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2009.

3. Đào Duy Quát, Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong quá trình hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007.

4. Phạm Văn Quây, Nguyễn Duy Chinh, Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2009.

5. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17-6-2020, Hà Nội, 2020.

6. Lê Doãn Tá, Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng phát triển kinh tế doanh nghiệp thời kỳ 2011-2020 lý luận và thực tiễn Phương Đông, Phương Tây, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

PGS, TS LÊ THỊ BÍCH THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;