Triển lãm nghệ thuật đặc biệt “Thầy-Trò: Giai điệu của hành trình”

Ngày 23-7, tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Zurab Tsereteli thuộc Khu Bảo tàng và Triển lãm của Học viện Nghệ thuật Nga, đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm nghệ thuật đặc biệt mang tên “Thầy-Trò: Giai điệu của hành trình”. Sự kiện được tổ chức nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga.

Tham dự buổi lễ có: Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn; Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi.

Về phía Liên bang Nga có: Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Andrey Malyshev;  Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko; Vụ trưởng Vụ Thông tin-Báo chí, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova; Giám đốc Học viện Nghệ thuật Nga Vasily Tsereteli.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu khai mạc Triển lãm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh những kết quả vượt bậc của chặng đường 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, trong đó có những đóng góp tích cực của nền tảng từ hợp tác văn hóa sâu sắc, cũng như những nhịp cầu hữu nghị bền bỉ trong giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và Nga.

Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, triển lãm “Người Thầy – Học trò: Giai điệu của hành trình” cho thấy sự bền chặt, những nỗ lực không ngừng nghỉ từ quá khứ đến hiện tại và nhân dân hai nước đang tiếp tục xây đắp cho tương lai. Dẫn câu ngạn ngữ Nga “Thầy giáo là người cha thứ hai của mỗi con người”, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình khẳng định, các mối quan hệ, tình cảm thầy trò Việt - Nga đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên sự gắn bó, tình cảm thủy chung giữa Việt Nam và Nga.

Cảm ơn Bộ Văn hóa Nga, Học viện Nghệ thuật Nga, những người thầy và người bạn Nga, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho rằng, sáng kiến tổ chức triển lãm thể hiện sự hòa quyện giữa các giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt Nam và Nga, là đạo nghĩa Thầy – Trò giữa các giá trị nghệ thuật với những đặc trưng riêng của mỗi nền văn hóa, cũng như sự tiếp thu – sáng tạo của trò Việt Nam được học thầy giáo Nga.

Phát biểu chào mừng triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Andrey Malyshev nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hợp tác trong đào tạo về lĩnh vực sáng tạo giữa hai nước đã được triển khai rộng rãi từ lâu, để ngày nay đã hình thành nên “con đường” nghệ thuật gắn bó như tên gọi triển lãm “Thầy và Trò”. Triển lãm là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị bền chặt và sự hợp tác giữa hai dân tộc, đồng thời thể hiện sự giao thoa và gần gũi giữa hai nền văn hóa.

Triển lãm “Người Thầy – Học trò: Giai điệu của hành trình” trưng bày khoảng 90 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và nghệ thuật trang trí của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ – từ những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Liên Xô và Nga, đến những học trò Việt Nam đã học tập tại các học viện nghệ thuật Nga từ năm 1962 cho đến nay.

Phu nhân Ngô Phương Ly, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình và các đại biểu tham quan Triển lãm

Một điểm nhấn đặc biệt là triển lãm có trưng bày 5 tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân, thân phụ của Phu nhân Ngô Phương Ly – một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Liên Xô từ những năm 1960. Sau những năm học tập tại Liên Xô, ông Ngô Mạnh Lân đã trở thành họa sĩ hoạt hình lớn, nhà giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh. Nhiều trẻ em Việt Nam đã lớn lên cùng những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của NSND Ngô Mạnh Lân như: Dế mèn phiêu lưu ký (1959), Cái Tết của Mèo con (1970), Con sáo biết nói (1970)…

Xúc động trước tình cảm và sự trân trọng từ phía Nga dành đoàn, dành cho các tác phẩm của các thế hệ nghệ sỹ mỹ thuật Việt Nam nói chung và các tác phẩm của hoạ sỹ Ngô Mạnh Lân nói riêng, Phu nhân Ngô Phương Ly khẳng định, triển lãm là minh chứng của tình cảm hữu nghị giữa Thầy trò Nga – Việt,  phản ánh sinh động tình hữu nghị Việt – Nga, đồng thời cho thấy kết quả tốt đẹp trong hợp tác đào tạo nói chung, đào tạo mỹ thuật giữa hai nước nói riêng.

Phu nhân nhấn mạnh, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp nối dòng chảy này để cùng nhau mạnh mẽ bước vào tương lai của hai đất nước mà những trang sử đẹp đẽ đã gắn kết chúng ta qua nhiều nhiều thế hệ.

Là một người làm và yêu nghệ thuật, Phu nhân Ngô Phương Ly đã dành cả một buổi chiều để thăm từng phòng trưng bày của Học viện, lắng nghe, trao đổi, chia sẻ từng câu chuyện phía sau các tác phẩm tinh hoa của nước Nga. Phu nhân cũng dành những lời cảm ơn chân tình trong những dòng lưu bút tại Học viện.

Các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm

Khán giả yêu nghệ thuật, trân quý tình hữu nghị Việt-Nga có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hòa quyện giữa sự tận tình dìu dắt của người Thầy Nga và sự tiếp thu – sáng tạo của Trò Việt Nam đến hết ngày 28- 9- 2025 tại Học viện Nghệ thuật Nga, Thủ đô Moscow.

NB – ĐT (tổng hợp)

;