Rất nhiều dân tộc trên thế giới coi ánh sáng là cội nguồn của nhận thức cũng như nghệ thuật. Loài người từ cổ xưa đã nhận biết thế giới xung quanh bằng tư duy hình ảnh cùng những cảm quan riêng biệt lạ kỳ. Họ tự do phóng con mắt nhìn ra thế giới, cảm nhận nó bằng sự trong sáng, hồn nhiên và tái hiện lên vách hang động những hình ảnh tươi mới của thiên nhiên đang trong cuộc đấu tranh sinh tồn thời nguyên thủy. Bởi vậy, trong mỹ thuật, cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác, ánh sáng luôn là một yếu tố cốt lõi tạo nên những ám ảnh thị giác đối với công chúng. Đồng thời, trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ vẫn luôn tìm cách phản ánh thật sâu sắc phẩm chất của ánh sáng thiên nhiên bằng ánh sáng của trí tuệ, tâm linh con người.
Các chất liệu hội họa tuy không có tính năng phát quang nhưng mỗi bức tranh được vẽ ra đều đem lại cảm giác về sự hiện diện của ánh sáng. Hiệu quả này có mặt trên đủ loại tranh và trong tất cả các hình thức diễn đạt: thuần nét, thuần mảng, duy sắc, diễn khối, tả chân... không kể là hiện thực, ước lệ hay trừu tượng.
Nói vậy không có gì là khiên cưỡng bởi nền tranh vốn là một mặt phẳng trống trơn không bộc lộ điều gì, chỉ sau khi có sự gia công của họa sĩ, cái hư không mới trở thành cái hiện hữu. Để thực hiện điều ấy, họa sĩ dùng các phương tiện hội họa để chia cắt, khoanh vùng, phân bố bề mặt của nền tranh thành những hình mảng tách biệt nhưng vẫn gắn bó với nhau trong một trật tự nào đó theo quan niệm riêng của mỗi người. Vẽ như thế nào tùy ý, chỉ cần tạo được sự tách biệt giữa các hình mảng là đủ. Khi mọi thứ đã tách biệt thì toàn bộ được xem như đang phô bày trước ánh sáng, giống như ngoài không gian thực, phải có ánh sáng ta mới nhận ra sự phân biệt các sự vật trong thế giới hữu hình.
Từ đây, có thể nói rằng cơ sở khoa học của hội họa là sự thể hiện ánh sáng trên mặt phẳng. Còn thể hiện như thế nào thì lại thuộc về cá nhân mỗi họa sĩ và quan điểm của họ về ánh sáng trong tranh. Người ta không thể quên vầng hào quang chói lọi trong bức Chúa Giáng sinh của Correge, ánh lửa hừng hực trong bức Thần Vulcain đến thăm xưởng rèn của Velasquez, những không gian tranh tối tranh sáng trong tranh Rembrandt, những ngọn nến lung linh của Georges de Latour. Người ta cũng luôn nhớ đến Vermer với ánh dương quang trong trẻo, đến Corot với bóng nắng ban trưa, Millet với ánh chiều tà, Henri Rousseau với những đêm rừng huyền ảo. Như vậy, cảnh tượng trong tranh dù thuộc ban ngày hay ban đêm, ở trong nhà hay ngoài trời, được chân tả, gợi tả hay ước lệ hóa… đều phải nhờ đến vai trò của ánh sáng. Ngay cả trẻ em cũng ý thức được điều ấy nên khi vẽ, hầu như em nào cũng đưa vào tranh mình một mặt trời để biểu diễn sự có mặt của ánh sáng một cách hồn nhiên.
Ánh sáng trong tranh là hiệu quả tạo nên sự tách biệt giữa các thành phần trong một bố cục mặt phẳng, không nhất thiết phải được thể hiện bằng những tương phản sáng tối. Trong ký họa Đi học đêm của Tô Ngọc Vân, cảnh trời tối được thể diện chỉ qua một nền giấy trắng. Trong bức Thôn Vĩnh Mốc của Huỳnh Văn Thuận, cảnh ban ngày lại là một nền vóc đen. Bức Ngày chủ nhật của Nguyễn Tiến Chung được in khắc bằng nét đen, kết hợp với các mảng màu phẳng nhưng vẫn khiến người xem nhận thấy có ánh nắng tràn qua của sổ. Những trường hợp tương tự có rất nhiều trong cổ họa Trung Hoa và tranh khắc gỗ Nhật Bản. Ngày nay, hội họa hiện đại còn đưa lên tranh nhiều cách biểu hiện mới lạ dưới ánh sáng của quang học điện tử. Tuy nhiên, dù áp dụng phương thức nào cũng không ngoài mục đích làm cho các hình ảnh tách biệt nhau trong một chỉnh thể hài hòa.
Bứt xa ra khỏi những cảm xúc sâu đậm rất đỗi quen thuộc thường nảy sinh trong tâm hồn các họa sĩ thời trước, những tác giả của hội họa đương đại lại đưa tư duy đầy mới mẻ, sáng tạo của mình vào những hình thức nghệ thuật thể hiện ánh sáng khác như op art, video art hay light art...
Với các họa sĩ op art, tiêu chí của họ là tạo ra các ảo giác về ánh sáng bằng cách hiện tượng quang họa. Chúng ta có thể hiểu rằng, họ tìm ra những khả năng gây tác động thị giác qua những biểu hiện quang học thuần túy mà không cần tác phẩm phải nói lên một nội dung cụ thể nào. Nếu đem so sánh việc vẽ ánh sáng của các họa sĩ ấn tượng như Monet, Seurat với các họa sĩ op art thì những chấm màu hay những nét bút màu nguyên vẹn luôn tạo ra các sắc thái ánh sáng phong phú trong khi op art lại thiên về biểu diễn ánh sáng bằng những khác lạ của hình thức và kỹ thuật thể hiện.
Vasalery (họa sĩ người Pháp) với tác phẩm Vega (1957) có thể được xem là tiêu biểu cho trường phái này. Những nét, đốm, gạch, ô vuông hay kẻ caro đen trắng dường như có mối liên hệ nào đó với các biểu hiện ánh sáng của Seurat nhưng được sử dụng triệt để hơn. Chỉ riêng hệ thống kỷ hà với ô vuông, những điểm tròn đan xen và cách đều nhau cho người ta một cảm giác rung rinh, lồi lõm của mặt phẳng. Vasalery còn có những khảo nghiệm về ánh sáng rất đáng chú ý như ông vẽ những nét đen trên nền là những tấm kính chồng lên nhau và gây hiệu quả thị giác trong mắt người xem. Khi thay đổi vị trí quan sát, nó tạo ra sự lấp lánh, biến ảo phong phú hơn nhiều so với một tác phẩm vẽ.
Được sự hỗ trợ đắc lực của khoa học, điện và điện tử, ánh sáng ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong nghệ thuật đương đại. Video art, với những cung bậc sáng tối, đậm nhạt, màu sắc cùng nhiều động thái hình ảnh khác nhau được tổng hợp từ một loạt các màn hình, cho người xem một ấn tượng quang học đậm đặc mỹ cảm. Light art với những chùm màu ánh sáng sống động, liên tục thay đổi, gợi ra các biến sắc linh hoạt, kỳ ảo bất ngờ, gây cảm giác thật mà lại không thật, khác xa với thứ ánh sáng thật mà lại gần với trí tưởng tượng thuần túy của con người. Nhờ đó, một tác phẩm light art có thể chạm tới thế giới nội tâm và ký ức sâu sắc, riêng tư của từng người xem…
Cuối thập niên 60 của TK XX, công nghệ điện tử đã cực kỳ phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Các nghệ sĩ không vẽ bằng bút, tạc nặn bằng tay nhưng vẫn tạo ra những công trình thị giác bằng ánh sáng, lạ mắt, thay đổi và luôn tăng cường tác động cảm thụ tâm lý người xem. Nghệ thuật tạo hình ánh sáng ra đời từ đây. Otto Piene (1928) thuộc nhóm O (Zero) của Đức đã dựng hẳn một màn múa ballet bằng ánh sáng. Howard Jone (1922) dùng những mảnh kim loại gia công tỷ mỷ, nhờ vào nghệ thuật rọi sáng mà tạo được cảm giác kỳ ảo chuyển động giữa chiều sâu không gian. Larry Bell (1939) không dùng môtơ hoặc đèn mà chỉ đơn giản trưng bày những khối đặc biệt trong suốt tự thân, gây cảm giác chuyển màu liên tục ánh lên các sắc quang phổ rực rỡ do ánh sáng chiếu vào và do tác động giao thoa giữa thủy tinh và những lớp màng đặc biệt phủ lên trên…
Đến nay đã có nhiều ý kiến cho rằng: nghệ thuật đương đại đề ra những tiêu chí kỹ thuật quá nhiều đến mức lãng quên cả phần tư tưởng, nội dung xã hội… nhưng thực chất, những tác phẩm đó chứa đầy suy cảm về một thời đại của cơ khí, máy móc, điện tử. Sự kết hợp thay đổi của các thứ ánh sáng, những hình ảnh, âm thanh, chuyển động phụ trợ đã nói lên cuộc sống xô bồ thực dụng, những trạng thái tình cảm và cả những bức bách nội tâm trong sự gò bó của không gian ngày càng chật hẹp, xa lánh thiên nhiên.
Cho dù ánh sáng thực hay ảo, chiếu sáng hay liên tưởng về sự chiếu sáng thì ánh sáng vẫn hoàn toàn có khả năng biểu đạt mạnh mẽ không chỉ thiên nhiên, cuộc sống sinh động bên ngoài mà còn thể hiện cuộc sống nội tâm con người với vô vàn sự thay đổi sắc thái về cả không gian lẫn thời gian.
Những tác phẩm say mê tràn trề ánh sáng cho ta thấy được không chỉ thiên nhiên, ánh sáng thực mới là cảm hứng nghệ thuật mà chính những thể nghiệm, những thành công của tác phẩm với ánh sáng nhân tạo lại luôn là nguồn cảm hứng nghệ thuật mạnh mẽ đôi khi còn hơn cả thực tế. Điểm hấp dẫn khác biệt của các tác phẩm không chỉ là do kỹ thuật khác nhau mà còn chủ yếu là do những quan niệm khác nhau của họa sĩ về chức năng của ánh sáng. Chức năng này có thể là mô tả, hay trái lại là biểu hiện cảm xúc, hoặc giả thuần túy là giá trị thẩm mỹ tùy theo định kiến riêng của họa sĩ muốn diễn đạt tư duy của mình về thế giới xung quanh. Cái lạc thú mà các tác phẩm nghệ thuật mang lại chính là ở chỗ nó làm cho thị kiến của chúng ta trở nên sáng sủa hơn, thuần khiết hơn qua cái nhìn của nghệ sĩ. Những nghệ sĩ của các thời kỳ nghệ thuật đã mời chúng ta chia sẻ nhận thức của mình và khám phá một lý luận mới, một ý thức mỹ học mới hay một tầm vóc khác của cái tinh yếu là ánh sáng đang tồn tại trong đời sống hàng ngày. Những hy sinh lao động của nghệ sĩ sẽ luôn làm cho các tác phẩm nghệ thuật vươn lên trong sự khe khắt, sàng lọc của xã hội, khiến cho nó có một đời sống mà cả thời gian và cái chết cũng không động chạm tới được.
Ý thức được những đúc kết như vậy, người nghệ sĩ càng nên hiểu lao động nghệ thuật là một giá trị không ngụy tạo, không vay mượn được, càng không thể mua được trong sự nghiệp sáng tác. Những tấm gương tiêu biểu sáng chói trong lĩnh vực này tồn tại cho đến nay chính là nhờ sự hiểu biết cũng như một vốn văn hóa thẩm mỹ, trí tuệ được tích lũy, một tinh thần hy sinh cho nghệ thuật hết mình thật đáng trân trọng. Không thể thiếu sự có mặt của ánh sáng trong các tác phẩm, người nghệ sĩ đã và sẽ luôn đặt cho nó một vị trí xứng đáng tùy theo từng trải nghiệm suy tưởng của mỗi người. Các nghệ sĩ sẽ còn tiếp tục trình bày cho chúng ta thấy được những cảm quan mới mẻ, phong phú của họ về thế giới mà chúng ta đang sinh tồn và phát triển.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011
Tác giả : Nguyễn Thị Lan Hương