Nâng cao hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người khuyết tật – Bài 4: Nỗ lực sáng tạo các giá trị văn hóa cho cộng đồng

Không chỉ giới hạn khả năng của mình trong việc hưởng thụ những sản phẩm văn hóa, người khuyết tật còn bứt phá khỏi những giới hạn về thể chất của bản thân, sáng tạo những sản phẩm văn hóa cho cộng đồng.

Xây đắp giá trị nhân văn từ sản phẩm văn hóa

Hướng tới những tác phẩm phục vụ đông đảo công chúng, và cũng là để cộng đồng có cái nhìn thiện cảm về nhóm đối tượng yếu thế, đó là hành trình mà nhiều nghệ sĩ khuyết tật cũng như biên kịch Nguyễn Thị Thanh Thanh (Hà Nội) đang theo đuổi. Từ năm 2015-2017, do ngồi trên xe lăn, gặp hạn chế trong việc di chuyển xa, chị Thanh bắt đầu học biên kịch từ các tài liệu, video trên mạng xã hội. Trên hành trình làm nghề, không ít lần chị gửi kịch bản tới các đơn vị sản xuất và nhận về lời từ chối, vì không phù hợp với tiêu chí của họ. Song sau mỗi lần bị khước từ, chị Thanh không thoái chí, mà tự đúc rút cho bản thân những kinh nghiệm qua lời góp ý, nhận xét từ phía đơn vị sản xuất.

Tinh thần dám vượt qua những thất bại đã đưa biên kịch Thanh Thanh đến với nhiều thể loại như phim ngắn, nhạc kịch, truyện… Gần đây, chị mới hoàn thành kịch bản cho 2 chương trình phim ngắn trên sóng VTV3 đề cập đến chủ đề về người yếu thế trong xã hội. Trong đó, một bộ phim nói về cuộc sống người cao tuổi và một bộ phim kể về hành trình vượt qua bệnh tật của một bệnh nhân ở tuổi 35. Dự kiến cuối năm nay sẽ công diễn vở nhạc kịch Ước mơ của em do chị biên soạn. Kịch bản vở diễn này đã giành được giải đặc biệt trong Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam năm 2024, do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức. Ước mơ của em lấy bối cảnh về đất nước sau chiến tranh, đã dần phục hồi và phát triển. Tác phẩm là hành trình vươn lên của nhân vật Nhất Linh - cô bé khuyết tật do chất độc màu da cam, được Nhà nước tạo điều kiện học tập, phát triển bản thân. Biên kịch cũng cho biết, Nhất Linh được lấy một phần cảm hứng từ chính bản thân chị. Qua nhân vật này, biên kịch Thanh Thanh muốn truyền đi thông điệp về hình ảnh thanh thiếu niên Việt Nam trong thời đại mới, luôn nỗ lực vươn lên không ngừng, bất chấp mọi khó khăn về hoàn cảnh.

Biên kịch Thanh Thanh nhận giải đặc biệt trong Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam năm 2024 - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ

Những chương trình, dự án nhân văn

Nhằm sát cánh cùng người khuyết tật chinh phục ước mơ, nhiều chương trình bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghệ thuật đã được triển khai. Giúp người khiếm thính có thể chạm tay vào kịch bản, máy quay là động lực thôi thúc nhà làm phim Đỗ Thu Hiền cùng các cộng sự đã thành lập dự án Nghe bằng mắt (Hà Nội) vào năm 2015. Tại đây, các học viên được học đầy đủ về kỹ thuật, quy trình sản xuất các thể loại phim truyện, phim tài liệu… Nhờ đó, nhiều bạn trẻ khiếm thính đã có thể lên ý tưởng và sản xuất những bộ phim một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, để truyền đạt kiến thức tới các học viên, bản thân chị Đỗ Thu Hiền và các cộng sự đã học và đều sử dụng thuần thục ngôn ngữ ký hiệu. Trưởng thành từ dự án, nhiều học viên đã đồng hành cùng các nhà làm phim sáng lập dự án, cho ra mắt nhiều dự án phim đáng chú ý. Nổi bật nhất là bộ phim ngắn Ăn ốc nói... bò, kể về ước mong được thấu hiểu từ chính gia đình cho tới xã hội của một cô gái khiếm thính. Tác phẩm này đã lọt top 9 phim xuất sắc nhất trong cuộc thi phim ngắn Việt Nam của tôi do Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam của Netflix tổ chức năm 2022.

Sau gần 10 năm thành lập, dự án Nghe bằng mắt được tái khởi động vào tháng 10-2024 với tên gọi mới: Nghe bằng mắt, Nói bằng phim. Đây là dự án sử dụng nghệ thuật điện ảnh như một cầu nối giữa cộng đồng người điếc và “người nghe”, nhằm lan tỏa các câu chuyện cá nhân của người điếc thông qua ngôn ngữ hình thể. Trong lần trở lại này, dự án Nghe bằng mắt kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, và nhận được sự bảo trợ từ Viện Goethe Hà Nội. Để thực hiện chương trình, cùng với những giáo viên người Việt Nam, nhà làm phim Đỗ Thu Hiền đã mời được nghệ sĩ người Brazil gốc Nhật Bản Mauricio Osaki và 2 nghệ sĩ khiếm thính đến từ Mỹ Louise Stern và MJ Kiego tham gia dự án. Sau khoảng 6 tháng thực hành, lễ tổng kết và ra mắt phim của dự án Nghe bằng mắt, Nói bằng phim vào 25-3 vừa qua tại rạp chiếu phim Lotte Thăng Long đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Hứa hẹn trong tương lai, các học viên của dự án Nghe bằng mắt sẽ tạo được nhiều sản phẩm gây tiếng vang hơn nữa với giới chuyên môn và được công chúng đón nhận rộng rãi.

Không chỉ là nơi bồi dưỡng tài năng nghệ thuật, các lớp học nhân ái như vậy còn là nơi ươm mầm những tấm lòng hảo tâm. Với lớp Âm thanh hội họa của họa sĩ Võ Văn Y, 25% lợi nhuận một bức tranh sẽ dùng vào mục đích thiện nguyện, 25% góp kinh phí duy trì lớp, và mỗi học viên nhận về 50% còn lại. Trong khoảng thời gian đất nước, nhất là TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, lớp cũng thể hiện nghĩa cử cao đẹp, thầy và trò đã đóng góp hơn 100 bức tranh cho buổi đấu giá tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM trong khuôn khổ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do Báo Thanh Niên tổ chức vào tháng 8-2021. Thành công thu về được 725 triệu đồng, lớp trích ra 50% cho hoạt động có ý nghĩa này. 

 Các học viên khiếm thính trải nghiệm với thiết bị làm phim tại lớp học Nghe bằng mắt”- Ảnh: TPD

Bên cạnh những dự án đào tạo của khu vực tư nhân, các cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng cũng luôn dang rộng vòng tay yêu thương với các sinh viên khuyết tật có năng khiếu, nghị lực sống. Tiêu biểu phải kể đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. NSND, TS Đỗ Quốc Hưng -Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, nhà trường thu hút không ít sinh viên khuyết tật theo học tại các khoa. Trong đó, khoa Nhạc cụ truyền thống được nhiều em quan tâm và theo học nhiều nhất, tiếp đến là khoa Thanh nhạc.

“Để cơ hội của mỗi em trong việc tiếp thu kiến thức, bài giảng là không chênh lệch, trong quá trình học tập, nhà trường cùng các thầy cô luôn sát sao với các em. Đồng thời, giáo trình cũng được thiết kế để phù hợp với khả năng tiếp cận của các dạng tật khác nhau. Từ ngôi trường này, nhiều sinh viên khuyết tật đã trở thành những nghệ sĩ có chuyên môn vững vàng và tâm huyết với nghề. Đây cũng là một trong những lực lượng giàu tiềm năng cho sự nghiệp phát triển của công nghiệp văn hóa” – NSND, TS Quốc Hưng cho biết.

Chàng trai khiếm thị Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Sáo trúc với số điểm tuyệt đối trong năm nay, là một tấm gương điển hình. Không chỉ đạt thành tích cao trong học tập, Nguyễn Đức Thiện còn tích cực trong những hoạt động xã hội. Năm 2016, cậu cùng thầy giáo mình – nghệ sĩ Trần Bình Minh thành lập ban nhạc Nắng mới. Với khoảng 20 thành viên là người khiếm thị, đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần, ban nhạc Nắng mới lại lan tỏa thông điệp về ý chí phấn đấu ngập tràn không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, Nguyễn Đức Thiện còn là một trong những cá nhân xuất sắc nhận được học bổng Trần Văn Khê năm 2023; vinh dự là một trong 35 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng thời, nhận được Giấy chứng nhận Nghệ sĩ biểu diễn sáo xuất sắc tại Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ khuyết tật hoạt động trong nhóm nhạc Hy vọng do nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm và ca sĩ Xuân Thanh dẫn dắt, đều được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhóm nhạc từng trình diễn trên nhiều sân khấu lớn, sự kiện ngoại giao quan trọng, được các chính khách và bạn bè quốc tế ghi nhận.

“Tuy nhiên, phần lớn các buổi biểu diễn của nhóm nhạc Hy vọng vẫn nằm trong khuôn khổ các chương trình từ thiện hoặc sự kiện về người khuyết tật, thay vì được nhìn nhận như những buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” – Ths Đào Thu Hương (cán bộ Hòa nhập Người khuyết tật, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) bày tỏ.

 Nguyễn Đức Thiện, sinh viên Khoa Nhạc cụ truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Ảnh: Tư liệu

Ước mong có cơ hội phát huy tài năng

Thực tế trên cho thấy, dù các tài năng khuyết tật được đào tạo bài bản, không ngừng học hỏi, mạnh dạn dấn thân, nhưng vẫn thiếu chương trình văn hóa xứng tầm, cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện cho  nhóm đối tượng này tham gia dòng chảy công nghiệp văn hóa. Không riêng Ths Đào Thu Hương, nhiều nghệ sĩ khác cũng luôn trăn trở. Biên kịch Thanh Thanh khao khát những sân chơi, không gian nghệ thuật tương thích với người khuyết tật, đặc biệt là các tài năng trẻ. Để từ đó, mỗi người dám tự tin thể hiện năng lực và vươn tới những giá trị  cao của nghệ thuật. Bản thân chị Thanh rất buồn vì từng phải dừng lại ở vòng chung kết của một cuộc thi sáng tác kịch bản, với lý do ban tổ chức không đủ sức tạo điều kiện cho người đi cùng chị tham gia cuộc thi.

Hay nhà làm phim người khiếm thính Nguyễn Thị Ngọc Anh (giáo viên tại dự án Nghe bằng mắt) luôn băn khoăn bởi những lễ hội, sự kiện văn hóa ở nước ta nói chung và liên hoan phim nói riêng, thiếu vắng hạng mục ưu tiên sự đa dạng và hòa nhập cất lên từ tiếng nói của người khuyết tật. Nếu như người khuyết tật có điều kiện học tập thuận lợi tại các môi trường giáo dục về âm nhạc, thì trên lĩnh vực điện ảnh, chị Ngọc Anh cũng mong sớm có các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho người yếu thế. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, để truyền cảm hứng và định hướng nghề nghiệp cho các tài năng khuyết tật trong nước.

Còn rất nhiều nghệ sĩ tài năng khuyết tật ngoài kia đang hằng ngày cống hiến cho nền văn hóa – nghệ thuật nước nhà. Điều đó khẳng định, văn hóa – nghệ thuật không phân biệt năng lực thể chất hay hoàn cảnh sống. Khi được tạo điều kiện phát huy thế mạnh của bản thân, người khuyết tật hoàn toàn có thể trở thành nghệ sĩ chân chính, mang đến những cung bậc cảm xúc độc đáo, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Sự tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động văn hóa chính là minh chứng cho một xã hội phát triển bền vững, nơi mọi công dân đều có cơ hội đóng góp vào việc dựng xây và củng cố các giá trị văn hóa.

AN NGỌC – NAM DƯƠNG

;