Trong văn hóa Việt Nam xưa, “cây đa, bến/ giếng nước, sân đình” không chỉ là hình ảnh gợi nhớ về làng quê mà còn là hình ảnh không gian công cộng (KGCC) của một làng. Nơi đó, không chỉ là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt đời thường. Sân đình là nơi hội họp và diễn ra những hoạt động văn hóa tinh thần của cả cộng đồng. Ngày nay, dân số ngày càng phát triển, họ cư trú tập trung tại các đô thị, nên nhu cầu sử dụng KGCC ngày càng cao. Từ đó cũng đặt ra các vấn đề như KGCC là gì? Xây dựng và quản lý KGCC như thế nào? Nguyên tắc và tiêu chí nào để xây dựng môi trường văn hóa ở KGCC?
Không gian công cộng
Năm 2013, Hiến chương KGCC (Charter of Public Space) đã chính thức được thông qua, trong đó đưa ra định nghĩa và những nguyên tắc quan trọng liên quan đến việc xây dựng và phát triển KGCC có chất lượng tại các đô thị. Theo Mục 6, Hiến chương, KGCC (public spaces) là: “tất cả các không gian được sở hữu và sử dụng công cộng, được tất cả mọi người tiếp cận và hưởng thụ một cách miễn phí, không vì động cơ lợi nhuận. Mỗi KGCC có các đặc điểm về không gian, lịch sử, môi trường, xã hội và kinh tế riêng”. Các KGCC bao gồm “môi trường mở” (đường phố, quảng trường, công viên) và các không gian có mái che được tạo ra không vì mục đích lợi nhuận và dành cho sự hưởng thụ của tất cả mọi người (bảo tàng, thư viện công). Cả hai loại không gian này đều có một đặc tính rõ rệt, có thể xác định là những “nơi chốn” hay “địa điểm”.
Như vậy, theo định nghĩa và cách tiếp cận mà Hiến chương đưa ra, các loại hình KGCC ở đô thị bao gồm: đường phố (đại lộ, vỉa hè, quảng trường, đường đi bộ, đường dành cho xe đạp…); không gian mở (công viên, vườn hoa, sân chơi, bãi biển công cộng, bờ sông…); cơ sở văn hóa (thư viện công, trung tâm cộng đồng, chợ, cơ sở thể thao công…).
Ở Việt Nam, nội hàm của khái niệm “nơi công cộng” cùng nhiều tiêu chí phân loại nơi/ điểm/ KGCC khác nhau như: là địa điểm phục vụ cho mọi người trong xã hội (1), là không gian chung của mọi người… Các văn bản pháp luật như Luật Hình sự Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (2012), Nghị định 103/2009/NĐ-CP, xác định “nơi công cộng” là những địa điểm kín hoặc mở. Ở đó, các hoạt động chung của xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên, cụ thể: đường phố (vỉa hè, lòng đường, khi tham gia giao thông); các điểm sinh hoạt công cộng ngoài trời (vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên); các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng (bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa...); các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa...); các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; các điểm dịch vụ công cộng (nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay, bệnh viện); các điểm giải trí, du lịch (khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch, bãi biển...).
Nói một cách đơn giản, KGCC có nhiều dạng, từ góc phố bình dân cho đến khu tập thể dân cư lớn. Ở quy mô lớn hơn, KGCC chính thức từ lâu đã có một vai trò quan trọng như là trung tâm định cư của mọi loại hình và là tâm điểm cho cuộc sống, hoạt động và sự kiện công cộng. Ở quy mô nhỏ hơn, đó có thể chỉ đơn giản là một nơi nào đó để nghỉ ngơi, đi chơi hoặc vui chơi trong khi tạo ra một khoảng dừng hình ảnh trong dòng chảy của các con phố qua các khu vực đô thị. Chúng bao gồm mọi thứ, từ quảng trường truyền thống đến không gian đô thị ngẫu nhiên, đến một loạt các loại không gian mới.
Xây dựng môi trường văn hóa ở KGCC
Trong khuôn khổ và định hướng bao trùm do Liên hợp quốc xác lập, các KGCC là một thành tố quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Mặt khác, mỗi KGCC, từ một góc phố cho tới một trung tâm thương mại, với các đặc trưng riêng của mình cũng chính là một môi trường mà ở đó các hoạt động của con người diễn ra. Chính vì vậy, để đảm bảo môi trường văn hóa (MTVH) của đô thị nói chung, việc kiến tạo MTVH gắn với từng KGCC cũng đóng vai trò quan trọng.
Hiến chương về KGCC còn đề xuất, các KGCC cần được coi là một loại hàng hóa công (public good) với đặc tính căn bản là có thể được tiếp cận bởi tất cả mọi người. Hiến chương cũng đã xác định các nguyên tắc dành cho việc xây dựng, quản lý, vận hành và hưởng thụ KGCC tại các đô thị. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia tích cực và quan hệ đối tác giữa các thành phần xã hội khác nhau, bao gồm nhà quản lý, cư dân, tổ chức xã hội dân sự… trong toàn bộ các chu trình nêu trên. Sự biến đổi và phát triển của các KGCC luôn gắn bó chặt chẽ với những thay đổi trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị và cần được xem xét trong mối tương quan với môi trường rộng lớn hơn.
KGCC là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu và khám phá những đam mê chung; nơi họ khẳng định quyền được chia sẻ của họ đối với thành phố. Trong một thành phố lấy con người làm trung tâm, KGCC là trung tâm của khái niệm về một môi trường sống và con người.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng của các KGCC đã đặt ra yêu cầu cần phải thiết kế tốt các KGCC để mang lại những KGCC có chất lượng cao, điều đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường cho địa phương và cộng đồng của họ (2).
Theo Thejas Jagannath, có nhiều yếu tố góp phần vào một KGCC thành công như: khả năng tiếp cận của không gian, sự thoải mái của không gian, tạo sự hòa đồng, gắn kết và hoạt động của người tham gia (3).
Mathew Carmona (4) cho rằng, để có một KGCC thành công cần:
Quy hoạch KGCC
Ở đây, vấn đề mang lại KGCC tốt hơn được nhìn nhận trước hết qua lăng kính của quy hoạch vì các nhà quy hoạch có vai trò quan trọng trong việc tạo ra và định hình KGCC, một vai trò thể hiện theo hai hướng riêng biệt: Thứ nhất, các nhà quy hoạch là người khởi xướng các dự án KGCC, ví dụ, nhận ra nhu cầu và tiềm năng cho các KGCC mới hoặc tái tạo ở các địa điểm cụ thể thông qua sự bảo trợ của các kế hoạch, khuôn khổ và bản tóm tắt dựa trên địa điểm hoặc khu vực chủ động, hoặc khuyến khích chúng trong chính sách. Thứ hai, các nhà quy hoạch là những người bảo vệ cách thức hình thành KGCC thông qua các quy trình quản lý phát triển theo quy định (cấp hoặc từ chối cấp phép thực hiện). Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích công cộng được phục vụ đầy đủ bởi KGCC.
Quy hoạch có thể xem là cửa ngõ để tiến tới sự thành công của một KGCC, nếu không tận dụng tốt để bảo vệ các phẩm chất và lợi ích chính, sẽ không có khả năng quay lại. Do đó, trong mọi trường hợp, các nhà quy hoạch cần phải đủ linh hoạt để hiểu và nắm bắt được bản chất đang phát triển của KGCC, đồng thời lưu ý đến vai trò quan trọng của phạm vi các cơ quan trong khu vực công có tác động đến việc định hình KGCC.
Lập kế hoạch cũng có chức năng điều phối quan trọng giữa các bên nhằm đảm bảo rằng các chính sách và phương pháp tiếp cận hài hòa, các kết quả, bao gồm cả những đổi mới trong thực tế, được tối ưu hóa.
KGCC đa dạng (tránh một mô hình phù hợp với tất cả)
Mỗi con người là một thực thể có những sở thích và nhu cầu riêng, không phải tất cả mọi người đều có mong muốn giống nhau. Do đó, không phải mọi KGCC sẽ, hoặc phải, phục vụ công bằng cho mọi người dân hoặc cho mọi trường hợp. Thực tế cho thấy, ở các đô thị, các KGCC có màu sắc khác biệt do các nhóm lợi ích khác nhau tạo ra chúng và phạm vi sử dụng cụ thể mà chúng đáp ứng. Sẽ thật nhàm chán nếu cố gắng thiết kế mỗi không gian đều hấp dẫn tất cả mọi người. Nên tạo ra những không gian đa dạng, ví dụ: một số không gian sôi động và mang tính thương mại, những không gian khác tập trung vào vui chơi (dành cho trẻ em hoặc người lớn), những không gian khác thì nghiêm túc, yên tĩnh và thư giãn…
Sự đa dạng này ghi nhận sự đa dạng về lối sống, sở thích và nhu cầu giữa các nhóm dân cư đô thị và thông qua thiết kế khu vực công cộng của họ, các khu vực đô thị có cơ hội cung cấp một cái gì đó cho mọi người ở những vị trí thích hợp mặc dù không nhất thiết là phải đầy đủ mọi thứ cho tất cả mọi KGCC. KGCC của một đô thị hoặc thành phố có thể được quy hoạch theo ý nghĩa chiến lược, chú ý đảm bảo rằng tất cả các khu vực dân cư đều có KGCC và chúng nằm ở những vị trí an toàn, thuận tiện và hấp dẫn để sử dụng và tránh xung đột, ví dụ, giữa những người sử dụng với lợi ích thương mại cũng như với người dân.
KGCC tự do (đảm bảo quyền và trách nhiệm)
Các cuộc thảo luận về quyền của chúng ta đối với thành phố thường tập trung vào việc ai sở hữu và quản lý KGCC. Các bài viết tranh luận gay gắt nhất tố cáo các quá trình tư nhân hóa là cái chết của KGCC (5). Ngược lại, nghiên cứu thực nghiệm có xu hướng chỉ ra rằng, cuối cùng các quyền và trách nhiệm liên quan đến không gian và mức độ công cộng quan trọng hơn so với việc ai sở hữu và quản lý chúng (6). Trên thực tế, KGCC luôn luôn được sở hữu và quản lý thông qua nhiều cách sắp xếp phức tạp, nhiều không gian không rõ ràng là công cộng hay tư nhân, điều này liên quan đến ai sở hữu và quản lý chúng. Tuy nhiên, trong phần lớn các tài liệu, khái niệm KGCC nghĩa là không gian phải là “tự do” theo ba nghĩa: mở, không bị hạn chế và miễn phí. Có thể cho rằng, bất kể quyền sở hữu là gì, các quyền tự do sử dụng được đảm bảo sẽ được thiết lập tốt nhất thông qua việc quy định rõ ràng các quyền và trách nhiệm cho người dùng cũng như chủ sở hữu tại thời điểm không gian đó được tạo ra hoặc tái tạo. Nếu ngay từ đầu các quyền và trách nhiệm không được quy định rõ ràng thì sau này việc xem xét lại chúng sẽ gặp nhiều khó khăn. Các thành phố có thể xem xét việc thông qua Hiến chương về quyền và trách nhiệm trong KGCC trong việc xây dựng chính sách hoặc pháp lệnh như một kỳ vọng về tiêu chuẩn của các KGCC.
Thiết kế KGCC
Ngoài những cân nhắc chiến lược liên quan đến việc KGCC phát triển và được quản lý như thế nào, sự cân bằng của các loại không gian trong một khu vực đô thị và cách thức đảm bảo các quyền, trách nhiệm, ở cấp độ chi tiết hơn, các nhà quy hoạch cũng thường là những người bảo vệ cách thức các KGCC mới được tạo ra và các không gian hiện có được tái tạo. Do đó, trong quá trình quản lý, các nhà quy hoạch có cơ hội đặt ra và thực hiện các nguyên tắc rõ ràng cho các loại KGCC mà họ muốn thấy. Mặc dù mọi KGCC sẽ khác nhau nhưng khi thiết kế hầu hết các KGCC cần lưu ý đến một số yếu tố quan trọng, cụ thể: KGCC được phân định rõ ràng như thế nào với không gian riêng tư để chúng cảm thấy và có thể tiếp cận công khai; Cách sử dụng các KGCC xung quanh góp phần tạo ra các địa điểm hấp dẫn cho người dùng; Làm thế nào để các không gian có thể trở nên ý nghĩa hơn thông qua các tiện nghi và tính năng mà chúng lưu trữ; Cơ hội được tận dụng như thế nào để tối đa hóa tiềm năng cho một môi trường xã hội tích cực trong KGCC; Sự cân bằng giữa các phương tiện, người đi bộ và những người sử dụng khác trong KGCC được thiết lập và bảo vệ như thế nào; Các không gian được tạo ra như thế nào để cảm thấy thoải mái thông qua khả năng thúc đẩy việc sử dụng an toàn và thư giãn; KGCC có thể được tạo ra mạnh mẽ như thế nào là kết quả của khả năng thích ứng với các nhu cầu thay đổi theo thời gian trong khi vẫn giữ được sự khác biệt (7).
Nguyên tắc xây dựng MTVH và MTVH nơi công cộng ở Việt Nam hiện nay
Trước hết, cần phải nhận thức khái niệm nguyên tắc, nguyên tắc là “điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo” (8). Trong triết học duy vật biện chứng quan niệm, “nguyên tắc” là “điểm xuất phát, cơ sở, do khái quát những quy luật và thuộc tính cơ bản của hiện thực khách quan mà diễn dịch ra, hướng dẫn hoạt động lý luận và thực tiễn của con người” (9). Trong nhận thức xã hội thông thường, “nguyên tắc” là điều cơ bản được chủ thể hoạt động đặt ra, nhất thiết phải tuân theo khi hành động. Nguyên tắc được đặt ra trong “cơ sở và nguyên tắc xây dựng tiêu chí xây dựng MTVH nơi công cộng”, nhất thiết phải xuất phát từ “chế độ văn hóa xã hội chủ nghĩa” được cụ thể hóa trong “thể chế văn hóa” ở nước ta hiện nay. Nói cách khác là phải xuất phát từ “những quan điểm chỉ đạo cơ bản” của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII tháng 7 năm 1998 của Đảng về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo quan điểm đó chúng tôi cho rằng, nguyên tắc xây dựng các tiêu chí “xây dựng MTVH nơi công cộng” cũng là/ và nguyên tắc xây dựng nền văn hóa Việt Nam và MTVH ở nước ta nói chung. Tất nhiên, nguyên tắc xây dựng tiêu chí MTVH nơi công cộng phải nhấn mạnh tính chất “công cộng” của MTVH ở nơi đó.
Thứ nhất, phải dựa trên quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam (quan điểm chính thống) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc “nhằm phát triển văn hóa và con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đem lại đời sống tốt đẹp và hạnh phúc cho con người”. Đặc biệt các quan điểm về xây dựng MTVH “thật sự trong sạch, lành mạnh” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thứ hai, phải đặt sự vận hành của việc xây dựng MTVH nơi công cộng trong nguyên tắc chung của việc xây dựng các thể chế văn hóa và đời sống văn hóa của nước ta là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là phương thức vận hành của việc xây dựng MTVH nói chung và xây dựng MTVH nơi công cộng nói riêng tại các thiết chế văn hóa công và tư nhân (ở nước ta, các thiết chế văn hóa công lập là chủ yếu).
Thứ ba, phải căn cứ vào tiềm lực kinh tế của đất nước, của các cộng đồng và nhu cầu của con người để xây dựng MTVH nói chung và MTVH nơi công cộng nói riêng. Đặt công tác xây dựng MTVH nơi công cộng trong chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo - văn hóa ở nước ta hiện nay. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến trình độ khoa học và công nghệ mà các cơ quan văn hóa hay các chủ đầu tư có thể đáp ứng được, đặc biệt là trình độ quản lý và vận hành các hoạt động, dịch vụ văn hóa có tính công nghệ tại các không gian văn hóa công cộng.
Thứ tư, phải tiếp cận, tiếp thu các thành tựu văn hóa - văn minh của các nước tiên tiến trên thế giới, trong thời đại hiện nay vào xây dựng MTVH nói chung và MTVH nơi công cộng nói riêng. Trong đó cần có sự kết nối, giao lưu, trao đổi, hợp tác giữa các thiết chế văn hóa Việt Nam với các thiết chế văn hóa của các nước để làm phong phú thêm các yếu tố của MTVH nơi công cộng và các phương thức, kỹ năng tổ chức xây dựng MTVH nơi công cộng của nước ta.
Thứ năm, thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng MTVH nơi công cộng do công lập và dân lập hiện nay. Trong đó, cụ thể là sự kết hợp giữa cơ quan nhà nước chủ quản và các công ty tư nhân với các chủ thể hay đối tượng sáng tạo và thụ hưởng (công chúng tham gia trong MTVH nơi công cộng) cùng với các tổ chức xã hội và cá nhân có trách nhiệm ngoài không gian MTVH nơi công cộng. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa các chủ thể đầu tư, chủ thể khai thác và chủ thể quản lý các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa trong MTVH nơi công cộng.
Đây là các nguyên tắc chung (cơ bản hay cơ sở chung) của việc xây dựng MTVH nói chung và MTVH nơi công cộng nói riêng, cơ sở để xác định các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí “xây dựng MTVH nơi công cộng”. Dựa vào các nguyên tắc trên (nguyên tắc chung, nguyên tắc cơ bản), có thể nêu ra một số nguyên tắc cụ thể xây dựng MTVH nơi công cộng sau đây: Thứ nhất, các nguyên tắc xây dựng MTVH nơi công cộng phải bảo đảm theo định hướng “thật sự trong sạch, lành mạnh” như Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương và phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và nền văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Chú ý đến quyền hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, tính đa dạng văn hóa, tính phong phú, cá thể hóa của công chúng trong MTVH nơi công cộng (MTVH nơi công cộng nghĩa từ số nhiều là mọi nơi công cộng). Thứ hai, các nguyên tắc xây dựng MTVH nơi công cộng phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại MTVH nơi công cộng trong đời sống văn hóa cộng đồng (chẳng hạn MTVH giao thông, công viên, quảng trường…; MTVH trung tâm thương mại, nhà hàng…; MTVH khu vui chơi, giải trí, du lịch…). Cần tránh áp đặt các khuôn mẫu chung chung, không thực tế, khó áp dụng khi thực hiện xây dựng MTVH nơi công cộng có các chức năng khác nhau, tránh một sự “đồng phục” về dịch vụ tại các không gian văn hóa khác nhau. Thứ ba, các nguyên tắc xây dựng MTVH nơi công cộng ở nước ta hiện nay cần chú ý đến đặc trưng văn hóa, kinh tế, xã hội của các vùng miền (đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi), dân tộc, tôn giáo… Chú ý dựa trên tinh thần tiến bộ nhân văn, nâng cao phẩm chất tốt đẹp của con người và chống lại các ảnh hưởng tiêu cực, phản văn hóa xâm nhập vào MTVH nói chung và tại MTVH nơi công cộng nói riêng của nước ta. Kết hợp các tiêu chí xây dựng MTVH nơi công cộng với các tiêu chí xây dựng MTVH tại các thiết chế chính trị, xã hội, văn hóa khác. Thứ tư, các nguyên tắc xây dựng MTVH nơi công cộng phải chú ý tới mục tiêu kinh tế: Thu hút được nhiều nguồn lực của các chủ thể đầu tư xây dựng hay cung cấp dịch vụ và dần dần từng bước tự chủ, hạch toán kinh doanh, tách khỏi “bầu sữa bao cấp” và Nhà nước. Đặc biệt chú ý tới việc thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế sáng tạo - văn hóa (công nghiệp văn hóa) ở nước ta, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Kết hợp hài hòa giữa mục đích phúc lợi xã hội với mục tiêu kinh tế trong nền công nghiệp văn hóa đang đặt ra ở nước ta hiện nay. Thứ năm, các nguyên tắc xây dựng MTVH nơi công cộng phải được cụ thể hóa đối với mỗi thành tố và đối với các loại quan hệ chủ/ khách thể trong MTVH nơi công cộng có chức năng khác nhau. Chú ý tính đặc thù của mỗi yếu tố trong MTVH nơi công cộng khác nhau, liên quan đến việc đầu tư tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, không gian và con người… Song, nguyên tắc hướng đến các giá trị xã hội và nhân văn hay gọi chung là các giá trị văn hóa là nguyên tắc cơ bản và đặc thù của xây dựng MTVH (xin nhấn mạnh MTVH là môi trường đặc thù) không hoàn toàn giống môi trường chính trị, môi trường kinh tế, môi trường giáo dục… nhưng MTVH lại có quan hệ mật thiết với các loại môi trường đó và ít nhiều mang đến tổng hợp và tích hợp các giá trị của chúng.
Tóm lại, trên đây là một số nguyên tắc xây dựng MTVH nói chung và xây dựng MTVH nơi công cộng nói riêng. Thiết nghĩ “nguyên tắc” cũng là vấn đề lý luận được rút ra từ thực tiễn, nhưng cần được cụ thể hóa trong thực tiễn - thực hành công tác xây dựng MTVH nơi công cộng mới có thể khẳng định tính đúng đắn của chúng (10).
________________________
1, 8. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 1995, tr.201, 1086.
2. CABE 2004a, Is the Grass Greener...? Learning from International Innovations in Urban Green Space Management (Cỏ xanh hơn...? Học hỏi từ những đổi mới quốc tế trong quản lý không gian xanh đô thị), CABE Publication, Ủy ban Kiến trúc và Môi trường Xây dựng, London.
3. Thejas Jagannath, The Importance of Public Spaces (Tầm quan trọng của không gian công cộng), medium.com, 15-4-2016.
4. Carmona, M, Principles for public space design, planning to do better (Nguyên tắc thiết kế không gian công cộng, lập kế hoạch để làm tốt hơn), tập 24, Urban design International, 2019, tr.47-59.
5. Mitchell, D., The End of Public Space? People’s Park, Definitions of the Public Democracy (Sự kết thúc của không gian công cộng? Công viên nhân dân, các định nghĩa về dân chủ công cộng), Annals of the Association of American Geographers, 85 (1), 1995, tr.108-133.
6. Carmona, M., C. de Magalhaes and L. Hammond, Public Space (Không gian công cộng), London: The Management Dimension, 2008, tr.80.
7. Carmona và Wunderlich, Capital Spaces: The Multiple Complex Public Spaces of a Global City (Không gian Thủ đô: Nhiều không gian công cộng phức hợp của một thành phố toàn cầu), London, Routledge, 2012.
9. Hữu Ngọc, Từ điển Triết học giản yếu, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987, tr.321.
10. Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng” thuộc Chương trình “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, 2021-2022.
TS VŨ TÚ QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022