Cuối năm 2016, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt ở Berlin. Theo hợp đồng giữa chính phủ Đức và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Iran, bảo tàng này cho phía Đức mượn trưng bày 60 bức họa, một nửa của châu Âu, một nửa của Iran. Ba tháng triển lãm thu hút hàng vạn khách thăm quan, đồng thời hé lộ một trong những bí mật nghệ thuật kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại.
Không chỉ giới chuyên môn sững sờ về một nước vẫn còn trong chế độ quân chủ như Iran có được bộ sưu tập hội họa đồ sộ đến vậy: hơn 1500 tác phẩm của Iran và Âu Mỹ, toàn những kiệt tác lâu lắm công chúng toàn cầu không được nhìn ngắm. Bộ sưu tập được coi là lớn nhất hiện nay bên ngoài châu Âu và Hoa Kỳ. Từ đầu những năm 70 TK XX, nó bền bỉ hình thành và dựng lên choáng ngợp lịch sử hội họa thế giới từ 1880 tới những năm 70 TK XX đầy sôi động. Tới cuộc cách mạng Hồi giáo Iran, 1979, nó bỗng dưng biến mất. Ấy là vì, sau khi giành được chính quyền, giáo chủ R.Khomeyni, lãnh tụ tối cao của cách mạng, lớn tiếng lên án sự tiêm nhiễm lối sống độc hại của phương Tây, khẳng định chỉ chính quyền Hồi giáo Iran mới đủ sức hóa giải cho nhân dân những độc hại, suy đồi đạo đức và tình dục từ phương Tây ập vào. Chính quyền mới của ông nghiêm cấm phim ảnh, âm nhạc, hội họa và phần lớn sách của thế giới văn minh… Trị giá của bộ sưu tập khoảng 3 tỷ USD. Không ít tranh tượng trong bộ sưu tập đáng giá hàng triệu, chục triệu, vài ba trăm triệu đô la Mỹ. Bộ sưu tập bao gồm chủ yếu tác phẩm của chủ nghĩa ấn tượng, nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật Hoa Kỳ sau Đại chiến II. Danh sách tác giả trong bộ sưu tập gồm: Munch, Degas, Van Gogh, Piassarro, Renoir, Gauguin, ToulouseLauterec, Kadinsky, Braque, Picasso, Miro, Magritte, Marc Chagall, Soulage, Francis Bacon, Richard Hamilton, Henry Moore… của lục địa già; Warhol, Lichtenstein, Rosenqist, Vasarely, Jackson Pollock, Rothko, Jasper Johns… của tân thế giới.
Cuộc triển lãm có một không hai gợi nhiều tò mò. Một số nhà báo, sinh viên và nhà nghiên cứu không chỉ của Đức đã tìm tới Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Iran và phát hiện nhiều điều lý thú. Đầu tiên là chính Bảo tàng, một ốc đảo của thanh bình và nương náu, ở trung tâm thành phố Téhéran ngột ngạt với 16 triệu dân, vô số xe cộ đi lại như mắc cửi, hàng trăm công trường xây dựng kín hở ồn ào. Bảo tàng được khánh thành năm 1977. Hiện nay, các hành lang của Bảo tàng thật vắng vẻ. Ở đó có bức tranh tường 2,5/3m Nền đất đỏ của thổ dân, sáng tác 1950, của Jackson Pollock. Không ít chuyên gia đánh giá nó là kiệt tác hội họa của Mỹ. Năm 2010, nó được định giá 250 triệu USD, bởi Christie’s, một trong hai hãng đấu giá uy tín nhất toàn cầu. Thấp hơn là hai tranh tường của Rothko, trị giá 100 triệu và 200 triệu USD. Như phần lớn dinh thự cổ châu Âu, nó có một khoảng sân trời ở giữa. Từ 1980, phần bên trên sân, vốn để trống, đã được bịt kín. Giờ đây, khách thăm quan được thấy thấp thoáng trên cao ở sân trong này trong ánh đèn chiếu di động những bức vẽ khổng lồ các giáo chủ Khomeyni và Khamenei, linh hồn của cách mạng Hồi giáo đã thay đổi số phận một dân tộc và tác động tới nhiều dân tộc bên ngoài. Từ cái sân hóa thành bí mật tối đen này, khách theo một lối đi rộng bằng phẳng hình vòng cung thoai thoải thấp dần, đến trước hai cửa nhỏ đóng kín. Cửa trái là cửa phòng dành cho người trông coi bộ sưu tập. Cửa phải có biển nhỏ ghi phần trưng bày bộ sưu tập. Cửa này mở rồi, khách còn phải qua một cửa sắt khác, dày 15 phân, khóa số. Phía sau cửa khóa số là một phòng rộng dài, hình hộp, tường bằng bê tông cốt thép. Phần chính bộ sưu tập được bảo quản ở phòng này. Các bức tranh được gắn vào những tấm pa nô cao lớn. Những tấm pa nô xếp thành hàng dài trên các đường ray, để có thể di chuyển dễ dàng.
Từ đầu tháng 1 - 1979, ai cũng tưởng bộ sưu tập biến mất. Thực chất, nó được giữ gìn ở phòng kiên cố này. Sau bấy nhiêu năm tháng, hiện nay, nó vẫn nguyên vẹn, bất chấp biến đổi của thời tiết và xã hội. Nó chỉ chịu hai tổn thương. Thứ nhất, một bức tranh bị hại. Đó là chân dung nữ hoàng Iran đương thời Farah Diba, do họa sỹ Hoa Kỳ Andy Warhol vẽ năm 1977. Bức tranh bị ai đó dùng lưỡi dao cạo rạch nhiều nhát, chủ yếu trên mặt nữ hoàng. Thứ hai, một kiệt tác của Willem de Kooning, bức khỏa thân Người đàn bà III, vẽ năm 1952, buộc phải đem đổi về Sách các vua, tập thơ đồ sộ kèm những tranh cực nhỏ, báu vật của Ba Tư cổ, do nhà thơ lẫy lừng Ferdosi sáng tác đã bốn thế kỷ. Sách các vua được chủ nhân, hậu duệ một ông trùm thủy tinh và gốm sứ của Mỹ ngỏ ý bán lại cho Iran từ trước cách mạng 1979, với giá 28 triệu USD. Song vua Iran, Mohammad Reza Pahlavi (1919-1980), không chấp thuận. Đầu những năm 1990, cuộc thương thảo lại tiếp tục. Phía Iran không muốn mua tập thơ mà muốn đổi bằng tác phẩm hội họa. Phía Mỹ đòi năm kiệt tác. Đến 1994, sau hơn ba năm trao đổi kín đáo ròng rã, Iran lấy về được Sách các vua và mất chỉ một bức họa. Bức tranh của Willem de Kooning, rời khỏi Iran một thời gian, được bán đi với giá 20 triệu USD. Năm 2006, nó được bán lại cho một nhà sưu tập Hoa Kỳ với giá 137,5 triệu USD. Xin mở một ngoặc đơn rằng mấy chục năm qua, nhiều người trên thế giới muốn mua lại các tranh tượng trong bộ sưu tập độc nhất vô nhị. Giá mua được đưa ra là khủng. Chẳng hạn, mới đây, một tổ chức nghệ thuật Monaco xin trả 103 triệu USD cho bộ tranh 3 bức Hai người nằm trên giường với khán giả (1968) của Franci Bacon. Song các giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Iran chối từ. Tuy nhiên, nhu cầu kinh phí bảo quản bộ sưu tập là bức thiết. Họ phải tìm từ những nguồn có thể, ví như các cuộc triển lãm ở nước ngoài hiện nay.
Công đầu trong việc giữ nguyên vẹn bộ sưu tập thuộc về hai người, giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Iran Mehdi Kowsar, và nhân viên bảo vệ Bảo tàng, một người bình thường và một giáo sư kiến trúc. Khi cách mạng Hồi giáo thắng lợi, ông đã giữ không một tác phẩm nào của bộ sưu tập bị cướp đi. Để tránh rủi ro cho vợ con và bản thân, giáo sư Mehdi Kowsar đưa gia đình chạy trốn sang Italia. Ông để lại nhà mình bản thống kê, hy vọng nó sẽ được sử dụng để ngăn chặn nguy cơ ăn cắp bộ sưu tập. Năm nay đã bảy chín tuổi, ông không mong được trở về tổ quốc, nhưng tin rằng bộ sưu tập sẽ còn lại mãi. Và còn lại mãi tấm chân tình đầy dũng khí của Firouz Shabazi Moghadam, người bảo vệ phòng kiên cố. Ông vào làm lái xe cho Bảo tàng hai tuần trước khi Bảo tàng hoạt động, cuối năm 1977. Hơn một năm sau, Cách mạng nổ ra, Bảo tàng được một ủy ban cách mạng 20 người giám sát chặt chẽ. Ông nhận nhiệm vụ dán kín tường và nền phòng bằng các loại bạt không thấm nước, đồng thời lặng lẽ chuyển từng két tác phẩm nghệ thuật thế giới phân tán nhiều nơi tại Téhéran về phòng này. Từ khi giám đốc cũ Mehdi Kowsar bỏ trốn, ông được giám đốc mới cử trông nom phòng kiên cố, tức trực tiếp bảo vệ bộ sưu tập phi thường. Những ngày tháng miệt mài tự nghiên cứu đã khơi dậy trong ông niềm yêu thích nghệ thuật. Tình yêu ấy giúp ông giới thiệu thuyết phục các tranh tượng của bộ sưu tập cho những ủy viên Cách mạng theo rõi Bảo tàng. Những năm tiếp theo, ông suốt ngày đêm, túc trực tại phòng kiên cố. Thời gian ấy, các phòng của Bảo tàng mở cửa cho việc tuyên truyền về Cách mạng Iran và chiến tranh Iran - Irak trong những năm 1980. Để chứng minh tính chính nghĩa của Cách mạng và sự đồi bại đáng bị hủy bỏ của Tây phương, không ít lần, người ta muốn mượn các tranh tượng trong bộ sưu tập đem trưng bày để minh họa. Ông khéo léo thoái thác phải lẽ. Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn xin quay lại với công việc cũ và mỗi lần có ai nhắc lại chuyện trên, ông không sao cầm được nước mắt.
Không bao giờ hé môi về bà, ông tự nguyện hiến trọn đời mình cho sự nghiệp khai sáng của nữ hoàng Iran, Farah Diba, người khởi xướng bộ sưu tập giàu ý nghĩa nhất cho dân tộc mình. Sinh năm 1938 ở Téhéran, bà từng học Đại học Kiến trúc ở Paris. Từ một cuộc gặp mặt ở đại sứ quán Iran tại Pháp với Shah (vua của các vua) Iran Mohammad Reza Pahlavi (1919-1980), bà thành hôn với ông năm 1959 lúc 21 tuổi. Mohammad Reza Pahlavi là một con người phức tạp. Ông kế vị vua cha năm 1941, nhưng không muốn chính thức tự nhận là minh chủ khi đất nước còn nghèo, một bộ phận không nhỏ dân cư còn mù chữ. Ông từng kết hôn ba lần. Lần đầu chỉ có con gái. Lần hai, hoàng hậu vô sinh. Do đó, phu nhân thứ ba, Farah Diba, người cho ông bốn người con, trong đó có hai hoàng tử, được ông trọng vọng. Bà thông minh, sắc sảo, nhanh nhẹn, nên được ông tin cậy. Từ đầu những năm 1960, Iran phát hiện được dầu mỏ và nhờ các công ty Âu Mỹ khai thác, nhờ vậy kinh tế đất nước phát triển. Năm 1967, Reza Pahlavi đăng quang và phong tặng Farah Diba là nữ hoàng. Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Sự lộng quyền, lạm quyền làm mưa làm gió. Nữ hoàng chỉ thuyết phục được chồng làm cuộc Cách mạng trắng: hiện đại hóa đất nước, cải cách ruộng đất, xóa mù chữ, tổ chấp nhận phổ thông đầu phiếu, từ bỏ những truyền thống tôn giáo lạc hậu… Dĩ nhiên, đây là cuộc cách mạng nửa vời. Thể chế quân chủ vẫn dung dưỡng tham nhũng và bạo quyền. Những người phản đối và đa phần dân chúng kêu ca thể chế đó bị đàn áp khốc liệt. Năm 1971, Vua tổ chức kỷ niệm 2500 chế độ quân chủ cực kỳ xa hoa lãng phí, với chi phí 300 triệu USD và 25.000 quan khách quốc tế tham dự. Lực lượng chống đối, đặc biệt là dòng Hồi giáo chiit của giáo chủ Khomeiny gay gắt lên án.
Bạo lực ngày thêm đẫm máu của Reza Pahlavi chỉ như lửa đổ thêm dầu. Cuộc quật khởi nhằm đưa lên ngôi đạo Hồi dòng chiit của giáo chủ Khomeiny đã nhen nhóm từ cuối những năm 1940. Sau những lên án được lòng dân, Khomeiny lánh sang châu Âu, mạnh mẽ chỉ huy cuộc đối đầu với chế độ quân chủ. Năm 1978, cuộc nổi dậy bùng lên trên cả nước. Đồng minh thân cận là Hoa Kỳ lại có thay đổi quan trọng: tổng thống Jimmy Carter lấy nhân quyền là hạt nhân của chính sách đối ngoại. Chủ nhà trắng yêu cầu vua Iran nới rộng tự do cho nhân dân. Đầu năm 1979, biết không trụ nổi, vua, nữ hoàng và gia đình phải bỏ chạy ra ngoại quốc. Reza Pahlavi và Farah Diba bị tòa án cách mạng Iran tuyên tử hình vắng mặt. Gia đình vua vẫn bị ám ảnh nặng nề bới sự sụp đổ của chế độ quân chủ. Sự sụp đổ này đẩy nhanh cái chết vì ung thư của Reza Pahlavi năm 1980.
Còn đối với Farah Diba từ khi bước vào hoàng gia, bà dốc sức cho các hoạt động từ thiện và văn hóa. Lạ thay, hình như bà linh cảm được bi kịch hiện tại, nên bên cạnh nhiều việc khác, bà chú tâm xây dựng bộ sưu tập. Điểm nổi bật trong bộ sưu tập là khẳng định và ca ngợi quyền sống của phụ nữ qua các kiệt tác khỏa thân và tranh hút hồn về tình yêu, đàn bà. Thể chế hiện tại của Iran dựa vào luật charia của Hồi giáo. Theo đó, phụ nữ chỉ có quyền làm nô lệ, bất cứ biểu hiện nào đòi tự do và bình đẳng đều bị trừng trị khốc liệt… Để sưu tập các tác phẩm, nữ hoàng Farah Diba đã bí mật nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhân vật trong và ngoài Iran. Cùng với cháu ruột họ, Kamran Diba, bà còn được cố vấn và hỗ trợ hiệu quả của nữ chuyên gia hàng đầu Donna Stein, người Mỹ. Donna Stein tới Téhéran năm 1975, giữ kín mục đích làm việc, trong hai năm, âm thầm mua về cho Farah Diba nhiều bức tranh quái kiệt. Hồi hộp không kém là sự hợp tác của David Nash, phụ trách mảng nghệ thuật ấn tượng chủ nghĩa và hiện đại của hãng đấu giá Sotheby’s sừng sỏ. Được mời tới Téhéran, ông phải lặng lẽ chờ một tuần mới gặp được nữ hoàng. Tất cả các gợi ý của ông đều được chấp nhận. Chẳng hạn mua toàn bộ di sản của Josef Rosensaft, người sống sót từ họa diệt chủng do thái man rợ. Trong đó, bức Tĩnh vật theo kiểu tranh khắc Nhật Bản, 1889, của Paul Gauguin, được mua với giá kỷ lục thời ấy 1,4 triệu USD.
Không đợi tới hôm nay, khi bộ sưu tập hé lộ, Farah Diba mới được thế giới ngưỡng mộ. Từ lâu, nhiều quốc gia đã tôn vinh bà như một phụ nữ mẫu mực, con người đúng nghĩa, lãnh tụ tinh thần không thể thiếu của cõi đời. Bà không thích nổi trội, thường kín tiếng đến khó hiểu. Bi kịch của đời bà âu cũng là bi kịch chung của nhân loại. Từ năm 2003, bộ hồi ký của bà, Một mối tình bất tử: Đời tôi với Shah, khiến bà được biết đến như một trái tim nhân hậu, khối óc nhân bản và vị trí văn minh của bà trên đời sống văn hóa toàn cầu được khẳng định dứt khoát. Vô số chuyến đi tình thương của bà trên tổ quốc, gặp gỡ, chia sẻ và hỗ trợ hàng vạn dân thường khốn khổ, cho thấy bà đã không tha hóa hay tự thỏa mãn trong vũ trụ siêu quyền lực của chồng. Chồng bà ví như tự cảm hóa được đức độ của vợ, tình thế Iran hẳn đã đổi khác, thế giới hiện giờ có thể không đáng lo ngại đến thế. Nếu những người như bà được giao quyền điều hành quốc gia, thế giới sẽ đỡ bao tổn thương mất mát và hàng triệu dân thường đã không bị mất cuộc đời. Sự thật lại luôn luôn nghiệt ngã: dân lao động, vốn nhân từ và lương thiện, không dễ gì nhìn thấy được và có quyền bầu chọn những người mà họ cần như bà. Ngược lại, họ thường bị tung hỏa mù, để chọn nhầm hay đi theo những kẻ bòn rút mồ hôi xương máu của dân. Nữ hoàng Farah Diba, hiện vẫn sống lưu vong, chủ yếu ở New York và Paris, ngoan cường vượt lên đau thương liên tiếp, là niềm an ủi, cổ vũ lớn lao và nghĩa tình đối với những người nặng lòng với công bằng, yên vui và hạnh phúc của nhân dân lao động.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : LẠI QUỲNH QUYÊN