Nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa – nghệ thuật. Bất kỳ tài năng nào, dù cho có khiếm khuyết về thể chất, cũng có quyền được cống hiến, nhằm thúc đẩy bước tiến vững vàng của toàn dân. Bởi “Văn hóa là của tất cả mọi người, và chỉ khi của tất cả mọi người, nó mới thật sự là văn hóa”, đó chính là điều mà PGS, TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) đã nhấn mạnh.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn
Phóng viên: Thưa PGS, TS Bùi Hoài Sơn, từ xa xưa, trên những con phố, khu chợ ở khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện không ít gánh hát xẩm với tiếng đàn, nhịp phách, giọng hát của người khiếm thị. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước phát triển, đời sống văn hóa- xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, người khuyết tật ngày càng tự tin hơn, chủ động hơn trên hành trình thể hiện bản ngã nghệ thuật của mình. Ông nhìn nhận như thế nào về việc người khuyết tật ở nước ta luôn hòa mình, cống hiến trên các phương diện của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Kỷ nguyên phát triển của công nghiệp văn hóa hiện nay cho phép mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà sáng tạo, người kể chuyện, nghệ sĩ hay nhà sản xuất nội dung. Người khuyết tật không thể và không nên nằm ngoài cuộc chơi ấy. Chính những khác biệt về thể chất và trải nghiệm sống ấy tạo nên một kho tàng góc nhìn độc đáo, sâu sắc, làm giàu thêm cho sự đa dạng văn hóa của quốc gia.
Giữa dòng chảy sôi động của đời sống văn hóa – nghệ thuật, tôi rất vui mừng và xúc động khi thấy có những dự án, hoạt động hướng đến người khuyết tật đầy tính sáng tạo và nhân văn. Những hoạt động ấy không chỉ mang đến niềm vui, mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận, sáng tạo văn hóa – một quyền cơ bản của con người, cho rất nhiều người khuyết tật. Tuy nhiên, những hoạt động, sáng kiến đó vẫn còn đơn lẻ, thường gặp rào cản về nguồn lực, cơ chế hỗ trợ, cũng như thiếu nền tảng chính sách bền vững để nuôi dưỡng và mở rộng. Tựa như những đốm sáng quý giá trong đêm, những hoạt động ấy nếu thiếu đi bàn tay che chở của chính sách và sự cộng hưởng của toàn xã hội, dễ có nguy cơ dần tắt lịm. Bên cạnh đó, các tài năng khuyết tật dù đã có, nhưng chưa có nhiều cơ hội được đứng trên sân khấu lớn, tham gia vào các sản phẩm văn hóa – nghệ thuật như bao nghệ sĩ khác. Và càng ít có khả năng tiếp cận các nền tảng, nguồn lực hay môi trường thuận lợi để phát triển ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thương mại. Đã đến lúc mở cánh lớn cho người khuyết tật bước vào và tạo dựng dấu ấn riêng trong nền công nghiệp văn hóa quốc gia.
Phóng viên: Trong lĩnh vực thể thao, đã có nhiều vận động viên khuyết tật giành được những tấm huy chương danh giá tại các đấu trường quốc tế. Để gặt hái được thành tích như vậy, thể thao cho người khuyết tật được phát triển từ các phong trào nền tảng ở cấp cơ sở, câu lạc bộ, từ đó, chọn ra tài năng ưu tú cho các đội tuyển. Tuy nhiên, văn hóa - nghệ thuật cho người khuyết tật có bước tiến khiêm tốn hơn so với thể thao. Vậy theo ông, cần những chính sách, cơ chế, biện pháp như thế nào, nhằm thúc đẩy, khuyến khích người khuyết tật kiến tạo dấu ấn riêng trong dòng chảy công nghiệp văn hóa?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Không thể nhìn nhận đơn giản, chính sách phát triển tài năng khuyết tật là chính sách nhân đạo. Hơn thế nữa, đây là sự đầu tư cho những tiềm năng văn hóa chưa được khai phá. Theo đó, Nhà nước và ngành Văn hóa cần tăng cường thiết kế các chương trình phát hiện, bồi dưỡng và hỗ trợ tài năng sáng tạo là người khuyết tật. Chương trình bao gồm các nội dung từ bồi dưỡng chuyên môn văn hóa, kỹ năng ứng dụng công nghệ, đến hỗ trợ khởi nghiệp từ văn hóa. Đồng thời, các quỹ hỗ trợ sáng tạo, các vườn ươm công nghiệp văn hóa cấp quốc gia và địa phương hiện đang được triển khai, cần bổ sung gói hỗ trợ chuyên biệt cho người khuyết tật. Nhằm lan tỏa cảm hứng dấn thân, chinh phục đam mê, việc xây dựng mạng lưới kết nối giữa các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sản xuất nội dung khuyết tật là việc làm hết sức cần thiết. Đó vừa là sự tôn vinh, lan tỏa những tấm gương tiêu biểu trong phát triển công nghiệp văn hóa, vừa tạo điều kiện cho những người khuyết tật có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.
Cùng với công tác đào tạo tài năng, trang bị nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, người khuyết tật cũng cần có thị trường cởi mở để họ được phát huy năng lực sáng tạo. Khi đó, hệ thống nhà hát công lập, các lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật lớn của Nhà nước cần xác lập chỉ tiêu dành cho họ một số sản phẩm để họ thể hệ tài năng. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật cần có cơ chế đặt hàng công từ những đơn vị ngoài công lập để sản xuất chương trình, sự kiện văn hóa hòa nhập. Tôi cho rằng, sự phát triển thực sự của một nền công nghiệp văn hóa không chỉ dựa vào số lượng sản phẩm, mà còn thể hiện qua giá trị, chất lượng và khả năng bao trùm của sản phẩm.
Bên cạnh tạo điều kiện cho các tài năng khuyết tật, cũng cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án công nghiệp văn hóa do người khuyết tật khởi xướng. Cụ thể, có thể thiết lập các gói tín dụng sáng tạo, mô hình hợp tác công – tư. Cùng với đó, ban hành cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến văn hóa hướng đến người khuyết tật. Chẳng hạn như miễn, giảm thuế, hỗ trợ chi phí thuê địa điểm,… Điều này giúp các đơn vị tư nhân vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tận dụng tiềm năng của thị trường ngách chưa được khai thác hiệu quả. Nếu được đầu tư bài bản, các chương trình văn hóa dành cho người khuyết tật hoàn toàn có thể trở thành một phân khúc văn hóa – nghệ thuật đặc thù, thậm chí có khả năng xuất khẩu ra quốc tế.
Phát triển công nghiệp văn hóa là hành trình của bất kỳ ai có khả năng đều có quyền tham gia. Chính vì thế, cùng với việc trao cơ hội, cũng cần trao cả niềm tin. Niềm tin ấy giúp mọi tài năng khuyết tật, những người rụt rè thể hiện năng lực. Và niềm tin ấy cần được khơi dậy bằng hành động cụ thể. Khi nhìn nhận về tài năng khuyết tật, hãy chuyển cách nhìn với vai trò là đối tượng cần hỗ trợ, thương cảm từ cộng đồng sang hình ảnh chủ thể sáng tạo, người nghệ sĩ truyền cảm hứng, người đồng kiến tạo tương lai.
Tựu chung lại, không nên chỉ nhìn người khuyết tật là đối tượng được giúp đỡ. Hơn thế nữa, người khuyết tật còn là chủ thể sáng tạo, nghệ sĩ tiềm năng. Và một xã hội văn minh là một xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt trong việc thỏa mãn đời sống tinh thần. Tôi tin rằng, nếu có chính sách đủ bao dung, cơ chế đủ linh hoạt, và niềm tin đủ lớn từ cả Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, thì các sản phẩm văn hóa của người khuyết tật và cho người khuyết tật sẽ không chỉ tiếp tục tồn tại, mà còn tỏa sáng. Và ở đó, chúng ta sẽ thấy được một chân lý giản dị mà sâu sắc: “Văn hóa là của tất cả mọi người, và chỉ khi của tất cả mọi người, nó mới thật sự là văn hóa”.
Hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tạo cơ hội cho những giọng ca khuyết tật và không khuyết tật được đứng chung sân khấu- Ảnh: BTC
***
Đồng quan điểm với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ths Đào Thu Hương (cán bộ Hòa nhập Người khuyết tật, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) cũng cho rằng: “Việc các tài năng khuyết tật được tỏa sáng với những sản phẩm văn hóa do chính mình tạo ra có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đặc biệt với cá nhân, nghệ sĩ được khẳng định tài năng, giá trị của bản thân, sẽ truyền đi cảm hứng, khát vọng vươn lên và thái độ sống tích cực cho cộng đồng. Và với xã hội, đây là cơ hội phá vỡ các định kiến, nhờ đó, người khuyết tật không còn được nhìn qua lăng kính thương cảm, mà được nhìn nhận như người kiến tạo ra giá trị văn hóa đích thực”.
Ngoài ra, Ths Đào Thu Hương đề xuất: “Cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng tiếp cận trong các thiết chế văn hóa như nhà hát, trung tâm văn hóa, phục vụ nhu cầu biểu diễn cũng như thưởng thức nghệ thuật của nghệ sĩ và khán giả là người khuyết tật. Theo đó, các sân khấu nghệ thuật cần có điều chỉnh hợp lý cho nghệ sĩ khuyết tật tham gia. Bởi thông thường một nghệ sĩ khiếm thị sẽ cần thêm quãng thời gian không ngắn để làm quen với sân khấu, chủ động khi di chuyển và biểu diễn. Đồng thời, bố trí lối đi cho xe lăn, phiên dịch ra ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, mô tả hình ảnh diễn ra trên phim, trên sân khấu cho người khiếm thị… Từ đó, khán giả khuyết tật có thể tới thưởng thức các sản phẩm của nghệ sĩ khuyết tật. Việc nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả hoàn cảnh giống mình, cũng là nguồn động lực to lớn với các tài năng ấy.
"Tính bao trùm không chỉ thể hiện trong thiết kế thiết chế văn hóa, mà còn cần được đưa vào trong thiết kế chương trình đào tạo. Các cơ sở đào tạo nên tích hợp kỹ năng thực hành nghệ thuật bao trùm vào chương trình giảng dạy, để mọi giảng viên, nghệ sĩ, người làm văn hóa coi tài năng khuyết tật là bộ phận tất yếu của cộng đồng sáng tạo văn hóa – nghệ thuật. Từ đó, hình thành tư duy sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện phù hợp, để người khuyết tật được phát huy năng lực trong các đoàn nghệ thuật chính quy. Khi đã xem người khuyết tật là những chủ thể sáng tạo văn hóa bình đẳng, những tài năng này cũng cần được tạo cơ hội tham gia các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là các chương trình quảng bá du lịch của quốc gia, địa phương. Bởi điều này thể hiện lòng nhân ái trong văn hóa truyền thống, và phản ánh tinh thần nhân quyền trong xã hội văn minh, hiện đại” - Ths Đào Thu Hương nhấn mạnh.
AN NGỌC - NAM DƯƠNG