Dòng ca khúc cách mạng Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò của mình đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng dân tộc ở TK XX. Bên cạnh một số loại thể khác, ca khúc trữ tình có thể ví như những bông hoa nhiều hương sắc, điểm tô cho dòng ca khúc cách mạng thêm phần rực rỡ. Ca khúc trữ tình thực sự là một bản thể mang tính thẩm mỹ.
Trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng có tính nhất quán về nhiệm vụ, các loại hình nghệ thuật phải phản ánh những sự việc, con người tiêu biểu để tạo ra sức mạnh tinh thần, phục vụ cho công cuộc đấu tranh và giải phóng dân tộc. Mọi sự bi lụy, mềm yếu cũng như cái tôi đơn lẻ, những năm tháng này chưa có “đất” để phát triển. Trước tình hình thực tiễn đó, đòi hỏi các nhạc sĩ phải tính toán để sao cho tác phẩm của họ vừa mang được cái thẩm mỹ chung của dân tộc, thời đại và vừa có dấu ấn riêng của cá nhân. Loại thể ca khúc trữ tình ra đời với nhiều dạng khác nhau, làm cho dòng ca khúc cách mạng bớt đi phần khô cứng, tăng thêm tính phẩm mỹ lành mạnh, điều đó cho thấy khả năng thích ứng của các nhạc sĩ trước những hoàn cảnh/ bối cảnh cụ thể.
Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình, âm nhạc mềm mại hơn thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Đối với, ca khúc trữ tình, cái “tôi” được đề cập, tuy nhiên không phải là cái tôi đơn lẻ, mà phải được hòa trong cái “ta”. Dù giới thuyết như vậy chưa ổn, nhưng có thể tạm chấp nhận để có cơ sở tách bạch các loại thể khác.
Ra đời sau so với các loại thể khác, trước năm 1945, một mặt do hoàn cảnh lịch sử, mặt khác các nhạc sĩ chưa già dặn về bút pháp cũng như cách tiếp cận đối tượng để sáng tác. Sau năm 1945, tác giả của ca khúc trữ tình đã tìm được hướng đi, rồi hòa vào cùng dòng chảy của các loại thể khác. Ca khúc trữ tình có nhiều dạng: trần thuật, chính luận, dân gian, tình ca và trữ tình nghệ thuật.
Dạng trữ tình trần thuật
Ca khúc trần thuật: “đó là sự giãi bày, kể lại những sự việc, những câu chuyện, những con người trong cuộc sống hiện hữu thông qua nhân vật “tôi”, “em”, “chúng ta”, hoặc một người khác trong cuộc” (1). Ngay dạng này, nó cũng thể hiện sự đa dạng, phong phú bằng nhiều nhánh khác nhau:
Nhánh đề tài về quê hương đất nước, các tác giả hay trần thuật theo môtíp: làng quê yên bình - giặc đến cướp bóc, đốt phá - nhân dân vùng lên kháng chiến - thắng lợi, nhân dân lại vui vẻ như xưa. Thời kháng chiến chống Pháp, nhiều bài thuộc môtíp này đã xuất hiện và để lại những dấu ấn mang tính thời gian cho âm nhạc cách mạng: Làng tôi, Ngày mùa (Văn Cao), Làng tôi (Hồ Bắc), Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Đường lên Tây Bắc, Mùa gặt (Văn An), Nhớ về quê em (Tân Huyền), Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Lên ngàn (Hoàng Việt)... Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dạng ca khúc trần thuật vẫn nối được dòng với thời kỳ trước, vẫn là những câu chuyện được thuật lại có đầu, có cuối, nhưng chất dân gian được in đậm hơn và bút pháp sáng tác trở nên già dặn hơn. Giai đoạn này, nhánh đề tài về quê hương đất nước không chỉ bó hẹp trong một vài địa danh của vùng Tây Bắc, mà mở rộng ra các vùng, miền khác; tính chất âm nhạc tuy dàn trải, nhưng có xu hướng đi vào chiều sâu nội tâm. Có thể điểm qua một số bài như: Quê tôi (Lưu Cầu); Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận); Trên đường ta đi (Bửu Huyền); Từ trên đỉnh núi, Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung); Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung); Vàm cỏ Đông (Trương Quang Lục - Hoài Vũ); Rặng trâm bầu, Qua bến Đò Quan (Thái Cơ)...
Nhánh đề tài về tình đồng đội, tình quân dân, tình người hậu phương và tiền tuyến được thể hiện với nhiều sắc độ khác nhau. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là: Tình vệ quốc (Nguyễn Đức Toàn), Anh và tôi (Lưu Cầu), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Cô gái Vĩnh Hanh (Quốc Hương), Truyện người chiến sĩ (Lưu Hữu Phước)... Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chí trai ra mặt trận, phụ nữ phải đảm đương việc nhà, việc nước thay chồng đắp đập, đào mương. Điều ấy được phản ánh qua: Đường cày đảm đang (An Chung), Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý), Thư ra tiền tuyến (Thái Cơ), Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương), Con gái đồng chiêm (Phạm Tuyên), Trai anh hùng, gái đảm đang (Đỗ Nhuận)... Không còn chân yếu, tay mềm như quan niệm ngày xưa, mà phụ nữ thời chiến tranh chẳng kém giới mày râu, cũng phơi phới tự tin ngay ở những nơi lửa đạn: Cô gái mở đường (Xuân Giao), Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du, Lời Huy Du - Giang Lam), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương)...
Dạng phong cách dân gian
Trước hết, không phải là dạng bài vận dụng chất liệu dân ca và một số thủ pháp dân gian, mà: “Có một đặc trưng bao quát nhất là sự mô phỏng, xuyên suốt đa diện, từ âm điệu, đường nét đặc trưng, thang âm, điệu thức đến cấu trúc, cú pháp và các thủ pháp nghệ thuật khác. Tất nhiên, đặc trưng dân gian có thể đậm nhạt khác nhau ở mỗi tác phẩm, nhưng chúng phải tạo ra một cảm quan nó như dân ca mà không phải dân ca” (2). Trước năm 1945, dạng ca khúc này hầu như không xuất hiện. Lý do, giai đoạn ấy cần một sự hiệu triệu, cứng cỏi hơn là sự mềm mại, chiều sâu. Đến gần cuối những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhạc sĩ đã ý thức được họ là công dân của một nước có chủ quyền và từng ngày, từng giờ trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến. Một nguyên nhân khác, có thể coi đây như cái giá đỡ về mặt tư tưởng cho các nhạc sĩ, đó là chủ trương đi sâu vào thực tế để khai thác các vốn cổ của dân tộc, nhằm nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Báo cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2-1951), Đảng chỉ rõ, muốn nâng cao giá trị nghệ thuật thì phải: “Ra sức phát triển vốn văn nghệ cũ của dân tộc nhất là vốn văn nghệ bình dân... Phát triển vốn văn nghệ cũ có nghĩa là khai thác, hướng dẫn khả năng sáng tác nghệ thuật của quần chúng. Bởi quần chúng là người giữ gìn tất cả gia tài quý báu của nền văn nghệ bình dân xưa. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để nền văn nghệ mới của chúng ta duy trì và phát huy được những bản sắc dân tộc tốt đẹp” (3). Từ đây, các nhạc sĩ đã vững tin hơn để sáng tạo ra nhiều sản phẩm tinh thần mang đậm chất dân ca. Những yếu tố dân ca của vùng châu thổ sông Hồng được chú ý khai thác để đưa vào các tác phẩm: Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi - Huyền Tâm), Lúa mới (Nguyễn Đức Toàn), Lúa vàng (Mạc Hy), Cấy chiêm (Tô Vũ - Quách Vinh)... Từ chất liệu hò sông nước của cư dân đồng bằng Nam bộ, Hoàng Việt đã chưng cất rồi đưa vào Mùa lúa chín, và sau đó là Lên ngàn...
Xét về mặt số lượng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dạng ca khúc này không nhiều, nhưng về chất lượng đã hé nhú những mầm xanh hy vọng để tỏa bóng mát ở thời kỳ tiếp theo. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhánh về đề tài quê hương đất nước chiếm ưu thế tuyệt đối, đặc biệt được nhấn mạnh ở hai mảng là: Nỗi nhớ miền Nam - tiếng lòng của người con xa quê ra miền Bắc tập kết - một chút nhắn gửi trong Anh về miền Bắc (Đắc Nhẫn), một nỗi nhớ đến nao lòng trong Nhớ đàn xe nước, Nhớ về quê mẹ (Vân Đông)... Dẫu có như vậy, nhưng vẫn một lòng son sắt, thủy chung, điều ấy đã được ghi lại trong: Giữ trọn tình quê (Văn Cận), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - Đằng Giao)...; Mảng nói về sự tự hào của người dân miền Bắc, được thể hiện qua những ca khúc viết về địa phương: Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em (Hoàng Vân), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Tiếng hát Sông Lam (Đinh Quang Hợp)...
Phải thấy rằng, những ca khúc viết theo dạng dân gian là sự tiếp nối văn hóa truyền thống một cách rõ nhất. Ngoài chất liệu thì từ ngôn ngữ, giai điệu đến lời ca, đặc biệt là yếu tố ngữ âm vùng, miền cũng như địa danh của từng địa phương được các nhạc sĩ chú trọng khai thác, làm cho mỗi bài hát có những vẻ đẹp riêng.
Dạng trữ tình chính luận
Nó được phân biệt với các dạng khác ở chỗ: tính chất âm nhạc vẫn là ngâm ngợi nhưng giàu kịch tính, điều ấy kéo theo sự đòi hỏi về nghệ thuật trình diễn mang nhiều yếu tố kỹ thuật. Đề tài phải mang yếu tố chính luận với những cảm xúc cá nhân cụ thể. Nội dung tác phẩm thể hiện qua ca từ phải có sự đan xen giữa màu sắc trữ tình và sử thi. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu trong từng tác phẩm là hơi thở của thời đại. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chỉ thấy xuất hiện một số bài: Hồn Việt Nam (Bùi Công Kỳ), Uất hận (Nguyễn Xuân Khoát và Bồ Tát), Ngày về (Lương Ngọc Trác - Chính Hữu). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những bước phát triển hơn kể cả về mặt số lượng và chất lượng. Chủ đề cơ bản vẫn là Tổ quốc, ngoài ra còn một số tác phẩm có đề cập hình tượng người chiến sĩ, nhưng mang tính khái quát, không đi vào một con người cụ thể. Chủ đề về Tổ quốc có: Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (Hồng Đăng - Nguyễn Liệu), Lời Tổ quốc (Tô Hải), Bài ca gửi đất liền (Lương Ngọc Trác), Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc (Tân Huyền). Chủ đề về hình tượng người chiến sĩ cách mạng có: Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Những người bất tử (Lương Ngọc Trác), Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường), Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc (Thuận Yến)... Nhìn chung, những bài trữ tình chính luận, dù đối tượng phản ánh có khác nhau, nhưng lại có điểm giống nhau đó là: giai điệu âm nhạc chủ yếu sử dụng trên thang 7 âm diatonique với màu sắc điệu tính trưởng, thứ rõ ràng. Ngôn ngữ âm nhạc hào sảng, khúc triết. Mặc dù vậy, nhưng do tính ngâm ngợi, mặt khác để phù hợp với dấu giọng tiếng Việt, nên chúng vẫn mang được những đặc điểm của dân tộc. Bên cạnh đó, là lối cấu trúc không cân phương mà dàn trải theo chiều ngang - cái vốn có trong tư duy của người Việt Nam - càng làm cho ca khúc trữ tình chính luận có những đặc trưng khác biệt so với ca khúc của phương Tây.
Dạng tình ca
Đây là một nhánh nhỏ của dạng ca khúc trữ tình, nhưng có điều đặc biệt, những bài hát thuộc dạng này, nội dung đề cập tới tình yêu đôi lứa. Cho dù tình ca có tiền đề khá vững chắc là dòng ca khúc lãng mạn trữ tình trước đó; mặt khác, trong dân ca đã đề cập nhiều đến lĩnh vực tình yêu; trực tiếp hơn, những bài hát trữ tình đã mở đường cho một xu hướng thể hiện tình cảm. Nhưng điều đó, vẫn chưa hội đủ điều kiện để những bài hát thuộc dạng này ra đời và phát triển với đúng nghĩa của nó. Có những nguyên nhân riêng thuộc về các nhạc sĩ, có những nguyên nhân chung thuộc về lịch sử. Bởi thế sau 1954, mặc dù đất nước vẫn còn chia cắt, nhưng miền Bắc tạm thời có hòa bình, kéo theo những đòi hỏi mới về nhu cầu thưởng thức, lúc đó dạng tình ca mới bắt đầu ra đời. Tất nhiên, sự ra đời của nó không thể rầm rộ và tự nhiên như dạng hành khúc. Vì, lúc này cái ta phải được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Không có cái tôi của tôi, mặc dù cái tôi đó là lành mạnh. Vậy nên, từ ngày đầu tình ca đã có những bước đi khá thận trọng. Điều này, phần nào nói lên được khả năng ứng biến mềm dẻo nằm trong truyền thống văn hóa của dân tộc, mà các nhạc sĩ đã lĩnh hội được. Để sáng tác tình ca, các nhạc sĩ đã đi theo ba hướng:
Hướng thứ nhất: hòa cái tôi bé nhỏ vào trong cái ta hùng tráng. Hoàng Việt đã chọn cách này, và ông là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho tình ca cách mạng Việt Nam. Không chê và cũng không thể phê phán vào đâu được, mặc dù đây là tình cảm riêng tư của vợ chồng ông, nhưng lại chẳng riêng tư chút nào. Đất nước trong thời lửa đạn, nên đó là tình trạng chung của nhiều người. Tài năng của Hoàng Việt là biết đẩy từ cái bình thường trở thành cái cao cả, cao thượng: “Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa. Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao tỏa sáng... ” (4). Sau tám năm, lại xuất hiện một bài hát cũng theo hướng đi này, nhưng không phải là sự cách trở giữa anh Bắc, em Nam, mà là cuộc chia tay để rồi anh Nam, em Bắc. Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý), bức tranh về tình yêu của đôi trai gái miền Bắc vừa dìu dặt, vừa trung chinh, nhưng cao hơn, mối tình lại được đặt trong nhiệm vụ chung của lúc đó là, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Căm thù giặc Mỹ sục sôi, anh ra nơi tiền tuyến em vào dân quân. Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền. Thề quyết đánh tan giặc Mỹ. Nam Bắc nối liền ta sẽ gần nhau” (5).
Hướng thứ hai: là hướng đi có tính mềm dẻo, hợp lý, tránh được sự “phiền toái” cho tác giả. Hướng đi ấy là dựa vào môtíp tình yêu trong dân gian, đặc biệt là việc khai thác đề tài dân dã miền núi phía Bắc. Mở đầu cho hướng đi này, phải nói đến Tiếng sáo gọi người yêu (Nguyễn Đình Tấn), Sao cô em chưa về (Lê Lan), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh, thơ: Cầm Giang)...
Hướng thứ ba: khai thác nội dung đề tài trong thơ đương đại, là cách làm có “độ an toàn” cao. Tuy vậy, một số bài vẫn không thể quảng bá được sâu rộng, vấn đề là tính thời điểm của lịch sử. Dẫu sao, vẫn ghi nhận một số bài: Nhớ (Lê Yên - Thanh Hải), Nhớ (Hoàng Vân - Nguyễn Đình Thi), Tình em (Huy Du - Ngọc Sơn), Chiếc áo xanh (Lương Ngọc Trác - Tố Hữu)...
Dạng ca khúc nghệ thuật
Ca khúc nào cũng có tính nghệ thuật, nhưng không phải ca khúc nào cũng thuộc dạng ca khúc nghệ thuật. Vậy ca khúc nghệ thuật là gì? Nói ngắn gọn, đó là tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc khí. Ca từ có tính hình tượng. Giai điệu phải khai thác được những yếu tố kỹ thuật cũng như yếu tố kỹ xảo cho giọng hát. Phần đệm, nếu tách riêng thì chính bản thân nó như một tác phẩm khí nhạc. Khi nằm trong tổng thể của tác phẩm thanh nhạc, phần đệm phải tôn được vẻ đẹp của giai điệu, lời ca và không phá vỡ tính thống nhất của hình tượng âm nhạc. Với tiêu chí như vậy bằng cách nhìn thoáng đạt hơn, những bài thuộc dạng này có: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di)... Thực ra, ca khúc nghệ thuật là sự chọn lọc những bài hát có giá trị nghệ thuật cao của nhiều dạng khác mà thành.
Nhìn chung, dạng tình ca cũng như ca khúc nghệ thuật chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, nếu so với các dạng khác. Tất nhiên, số lượng nhiều hay ít là do nhận thức, khả năng sáng tạo của các nhạc sĩ và bối cảnh lịch sử chi phối. Nhưng, một điều có thể thấy rằng, sự xuất hiện của dạng ca khúc nghệ thuật, tình ca cũng như loại thể ca khúc trữ tình đã làm cho diện mạo của ca khúc cách mạng Việt Nam trở nên hài hòa hơn.
_________________
1, 2. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000, tr.216, 373.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Một số văn kiện của Đảng, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.77.
4. Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam, tập I, Nxb Văn hóa, 1976, tr.195.
5. Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam, tập II, Nxb Văn hóa, 1985, tr.44.
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021