Nghệ thuật là sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù do con người tạo ra và gắn bó với cuộc sống của chúng ta từ lâu đời. Quan niệm, nhận thức về nghệ thuật ở mỗi thời đại, dân tộc, quốc gia… cũng có những đặc điểm riêng và sự biến đổi nhất định. Cùng với sự phát triển của loài người, nghệ thuật ngày một phong phú, đa dạng. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy còn xuất hiện thêm nhiều loại hình nghệ thuật mới mà trước kia chưa thấy các tài liệu đề cập đến.
1. Một số quan niệm và khái niệm về nghệ thuật
Trong tác phẩm Thi pháp, Aristotle (384-322 trước CN) cho rằng: “Nghệ thuật là một hành vi bắt chước (có bản dịch là “Nghệ thuật là sự mô phỏng”). Bản chất con người là hay bắt chước, bắt chước khéo léo tạo ra sự thích thú, tạo ra tài năng và do đó tạo ra nghệ thuật”. Tuy nhiên Aristotle không coi sự bắt chước của nghệ thuật là sự sao chép, mà người nghệ sĩ thường thêm vào hay bớt đi một số yếu tố để làm cho tác phẩm khác đi… (1).
Theo Immanuel Kant (1724 -1804): “…bất kể một vật thể nào, dù có sở hữu sự mô phỏng hay không, nếu như nó mang những đặc trưng nào đó, về đường nét, màu sắc, lối kiểu đan dệt, bố cục, gây ra được cho người thưởng ngoạn một xúc động về mặt thẩm mỹ, thúc đẩy một trò chơi tương tác tự do giữa các chức năng nhận thức, là trí tuệ, tri giác và sự tưởng tượng của họ, vật thể ấy đã sở hữu một tính chất quan trọng nhất, đó là cái đẹp, là nghệ thuật” (2).
Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), trong bài viết Nghệ thuật là gì cho rằng: “Nghệ thuật là một hoạt động của con người mà thực chất là người nghệ sỹ thông qua một số ký hiệu bên ngoài có ý thức truyền cho những người khác bị nhiễm những tình cảm này, cùng thể nghiệm chúng…” (3).
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: “Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ví dụ: nghệ thuật tạo hình. Xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học...; hay, nghệ thuật là phương pháp, phương thức giàu tính sáng tạo, ví dụ: nghệ thuật lãnh đạo...” (4).
Theo Từ điển tiếng Việt của Đức Thành, Hải Yến: “Nghệ thuật là công việc làm có đường lối, phương pháp, để tỏ ý thức, tình cảm hay ý tưởng của mình trên ba chỗ nhắm: chân, thiện, mỹ. Người ta đã thống nhất ý chí về nghệ thuật và sắp xếp chúng theo thứ tự: âm nhạc, vũ điệu, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, ca kịch, điện ảnh” (5).
Qua đó cho thấy, quan điểm, khái niệm nghệ thuật của các tác giả ở mỗi thời đại, quốc gia cũng có những khác biệt nhất định. Ở thời đại của Aristotle, họ coi tất cả những hoạt động như vẽ tranh, làm tượng, biểu diễn âm nhạc, vũ điệu… chỉ khi có tính bắt chước, hay nói cách khác là mô phỏng mới được coi là nghệ thuật. Ở những khái niệm khác, các tác giả đã nhìn nhận nghệ thuật gắn với cái đẹp, nghệ sĩ, tính thẩm mỹ, hình thái ý thức xã hội đặc biệt, kỹ năng, kỹ thuật, trí tưởng tượng, sự sáng tạo đột phá của con người… Theo chúng tôi, những khác biệt nêu trên là điều bình thường, bởi sự nhận thức của con người ở những hoàn cảnh sống, giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ không thể hoàn toàn tương đồng.
Đồng thời, quan niệm, khái niệm, định nghĩa về nghệ thuật cũng có thể được thay đổi, điều chỉnh theo yêu cầu, quy định, quan điểm thẩm mỹ của mỗi quốc gia, dân tộc và thực tiễn đời sống của con người trong mỗi thời đại…
2. Các loại hình nghệ thuật
Qua nghiên cứu cho thấy, các loại hình nghệ thuật cũng được con người ở mỗi thời đại, quốc gia, dân tộc nhìn nhận theo những góc độ khác nhau. Dó đó, số lượng và thứ tự của các loại hình nghệ thuật được đề cập trong các tài liệu cũng có sự khác biệt.
Như đã trình bày ở trên, Aristotle coi “Nghệ thuật là một hành vi bắt chước/ mô phỏng…” và các hoạt động phải có sự bắt chước/ mô phỏng mới là nghệ thuật. Nên trong tác phẩm Thi Pháp, ông chỉ đề cập đến 6 loại hình nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu trên là: thi ca, kịch, điêu khắc, hội họa, vũ đạo, âm nhạc (6).
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức - Max Dessoir (1867-1947), vào thời kỳ “Hậu Aristotle” người ta đã chia 6 loại hình nghệ thuật thành 2 nhóm: nhóm nghệ thuật tĩnh có kiến trúc, điêu khắc và hội họa; nhóm nghệ thuật động có âm nhạc, thơ và múa (7).
Trong cuốn Manifeste des Sept Arts (Tuyên ngôn của bảy nghệ thuật), tác giả người Pháp (gốc Ý) - Ricciotto Canudo (1879-1923) cho rằng, có 2 loại hình nghệ thuật chính là: kiến trúc và âm nhạc. Nghệ thuật kiến trúc lại có 2 loại hình nghệ thuật phụ trợ là: điêu khắc và hội họa, tạo thành một nhóm. Nghệ thuật âm nhạc cũng có 2 loại hình nghệ thuật phụ trợ là: thơ và múa, tạo thành một nhóm. Loại hình nghệ thuật thứ 7 là: điện ảnh, ông gọi là “nghệ thuật tổng hợp” và trong điện ảnh có thể hiện cả ngôn ngữ của 6 loại hình nghệ thuật trên… (8).
Tác giả Đỗ Văn Khang, trong cuốn Nghệ thuật học đã trình bày khái quát 8 loại hình nghệ thuật theo thứ tự là: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, kịch, điện ảnh, văn học; trong đó, văn học là loại hình nghệ thuật khó định nghĩa nhất và “bảy nghệ thuật gộp chung lại, còn văn học được sánh vai với cả 7 nghệ thuật đó” (9). Ông cũng đồng tình với việc có thể coi văn học là một lĩnh vực riêng.
Trong cuốn Văn học dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh, các tác giả Nguyễn Mạnh Lân, Trần Duy Hinh, Trần Trung Nhân đã trình bày về 6 loại hình nghệ thuật và sắp xếp theo thứ tự: văn học, múa, âm nhạc, hội họa, kiến trúc và sân khấu (10).
Tác giả Cao Thụy trong cuốn Điện ảnh - Nghệ thuật thứ bảy đã trình bày 7 loại hình nghệ thuật: văn học, kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu, múa, âm nhạc, điện ảnh. Trong đó, điện ảnh được coi là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, là sự kết hợp ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật nêu trên. Nghệ thuật tạo hình bao gồm: điêu khắc, hội họa, đồ họa, trang trí mỹ nghệ (11).
Bên cạnh các tài liệu là sách đã được xuất bản trong thời gian qua, hiện nay trên mạng internet, nhiều trang thông tin điện tử (đã được các đơn vị chức năng cấp phép) cũng đăng các bài viết về nghệ thuật nói chung.
Trang thông tin điện tử toplist.vn đã trình bày khái lược và xếp 10 loại hình nghệ thuật theo thứ tự: hội họa, âm nhạc, văn chương, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, đồ họa; trong đó, hội họa là loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất ngay từ những thời kỳ đầu của loài người; nhiếp ảnh và đồ họa là hai loại hình nghệ thuật “phi chính thức”, chưa được công nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu… (12).
Qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy nghệ thuật biểu diễn xiếc đã hiện diện và gắn bó với cuộc sống của con người từ lâu đời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động biểu diễn mang tính xiếc đã có ở La Mã từ khoảng những năm 80 sau CN. Hoạt động biểu diễn xiếc có tính bài bản, chuyên nghiệp được hình thành và phát triển từ khoảng cuối TK XVIII, một trong những người đi đầu ở châu Âu là Philip Astley (người Anh). Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có các rạp xiếc, đoàn xiếc chuyên nghiệp, tiêu biểu như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mông Cổ, Anh, Đức, Hungary, Pháp, Rumani, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển… Ở Việt Nam, hoạt động biểu diễn mang tính xiếc được cho là xuất hiện từ TK X, đến những năm đầu TK XX đã có các gánh xiếc hoạt động bài bản, chuyên nghiệp (13). Trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật đã coi Xiếc là một trong những “loại hình nghệ thuật biểu diễn” (Khoản 2, Điều 2).
Từ những nội dung đã trình bày ở trên cho thấy, một số loại hình nghệ thuật đã được tất cả các tác giả nhắc tới từ thời đại của Aristotle (384-322 trước CN) đến thời đại hiện nay là: văn học, kịch, điêu khắc, hội họa, múa, âm nhạc. Nghệ thuật kiến trúc được nhắc đến ở sau thời của Aristotle. Nghệ thuật xiếc được cho là có từ lâu đời và hoạt động bài bản từ khoảng cuối TK XVIII. Nghệ thuật điện ảnh ra đời từ cuối TK XIX và được coi là “nghệ thuật thứ 7” vào năm 1923. Nhiếp ảnh, đồ họa, thời trang tạm gọi là các loại hình nghệ thuật “phi chính thức”, chưa được nhiều nhà nghiên cứu công nhận. Sự thống kê của chúng tôi chỉ mang tính “tương đối”, nhưng qua đó cũng thấy được những khác biệt trong cách nhìn nhận về các loại hình nghệ thuật của các tác giả không cùng sống trong một không gian, thời gian…
Trong bài viết này, chúng tôi không mong muốn bàn về vấn đề thời điểm xuất hiện của mỗi loại hình nghệ thuật. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, để xác định được chính xác thời gian ra đời của các loại hình nghệ thuật là rất khó bởi chưa thấy tài liệu lịch sử nào ghi lại một cách cụ thể... Việc công nhận các loại hình nghệ thuật cũng chỉ mang tính “tương đối” bởi điều này rất có thể là do ý kiến chủ quan của một tác giả, hay do sự tác động của các yếu tố khách quan khác như: Hệ tư tưởng, chế độ, thể chế chính trị, quy định của đất nước; quan niệm, nhận thức của con người đương thời…
Như vậy, nếu sơ bộ thống kê dựa trên các tài liệu mà chúng tôi đã đề cập ở trên thì sẽ có 12 loại hình nghệ thuật, bao gồm cả các loại hình nghệ thuật tạm gọi là “phi chính thức”, đó là: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh, đồ họa, xiếc, thời trang. Thứ tự của các loại hình nghệ thuật trong phần thống kê này có kế thừa tài liệu của một số tác giả, nhưng không mang ý nghĩa về sự ra đời trước hay sau… Từ quan niệm của mình về nghệ thuật, chúng tôi cho rằng, ở 12 loại hình nghệ thuật đã nêu đều có các yếu tố mang tính nhận thức đặc biệt, sự sáng tạo, thể hiện của con người về cái đẹp trong cuộc sống và thế giới tự nhiên… Hiện nay, tất cả các loại hình nghệ thuật trên đều đang hiện diện trong đời sống xã hội và mang lại nhiều giá trị cho con người trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
3. Kết luận
Trong cuộc sống của con người, nghệ thuật là một lĩnh vực phong phú, đa dạng về thể loại, phương thức thể hiện. Quan niệm, khái niệm, sự nhìn nhận các loại hình nghệ thuật của con người ở mỗi xã hội cũng có những tương đồng, khác biệt và biến đổi nhất định. Những biến đổi trong nhận thức của con người về nghệ thuật có thể do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Từ đó đã làm cho “bức tranh” nghệ thuật thế giới ngày càng thêm nhiều sắc màu.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu của một số tác giả và thực tiễn đời sống con người trong xã hội đương đại, chúng tôi thống kê được 12 loại hình nghệ thuật là: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh, đồ họa, xiếc, thời trang. Các loại hình nghệ thuật này đã và đang đồng hành với cuộc sống của con người trên toàn thế giới. Bên cạnh các loại hình nghệ thuật kể trên, chúng tôi nhận thấy, trong thời đại ngày nay còn có sự hiện diện nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa. Điều này đã cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội loài người rất có thể sẽ có thêm nhiều “loại hình nghệ thuật mới” được ra đời. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình bày ở những bài viết tiếp theo.
__________________
1, 3, 9. Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 9, 12, 178.
2, 6. Khái niệm nghệ thuật, tiasang.com.vn, 4-6-2009.
4. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.676.
5. Đức Thành, Hải Yến, Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2011, tr.844.
7, 8. Nghệ thuật thứ 7 - Nguồn gốc và tên gọi, chungta.com, 19-2-2009.
10. Nguyễn Mạnh Lân, Trần Duy Hinh, Trần Trung Nhân, Văn học dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh, Nxb Văn học, 2002, tr.20.
11. Cao Thụy, Điện ảnh - Nghệ thuật thứ bảy, Nxb Trẻ, 2004, tr.45.
12, 13. toplist.vn, Top 10 loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại.
TS NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023