Ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội tới giới trẻ Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Các nội dung phản văn hóa trên môi trường mạng xã hội nói chung thường là các nội dung được lan truyền và chia sẻ mang tính tiêu cực, gây tranh cãi hoặc lệch chuẩn giá trị văn hóa thông thường. Vì vậy, giới trẻ cần phải trang bị kỹ năng phân biệt thông tin để có khả năng đánh giá đúng đắn và chọn lọc thông tin hợp lý. Đồng thời, cần xây dựng một cộng đồng mạng tích cực, nơi mà sự chia sẻ thông tin chính xác và đáng tin cậy được đặt lên hàng đầu. Việc lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin chính xác và trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội là một bước quan trọng trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy.

Từ khóa: mạng xã hội, giá trị văn hóa, thế hệ trẻ.

Abstract: Countercultural content in the social network environment in general is often the content that is spread and shared in a negative, controversial or deviant manner from common cultural values. Young people need to be equipped with information discrimination skills to be able to properly evaluate and select information reasonably. At the same time, it is necessary to build an active online community where accurate and reliable information sharing is a priority. Spreading the message about the importance of sharing accurate information and responsible use of social media is an important step in building a safe and reliable cyberspace.

Keywords: social networks, cultural value, young people.

1. Tổng quan về mạng xã hội

Khái niệm mạng xã hội

Có thể hiểu mạng xã hội là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu. Ngoài ra, mạng xã hội có sự ảnh hưởng rất lớn đến cách con người tương tác và “tiêu thụ” các nội dung trực tuyến.

Mạng xã hội có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính, điện thoại... Một số mạng xã hội đang được phổ biến rộng rãi hiện nay tại Việt Nam như: Facebook, YouTube, Instagram… Trong đó, Facebook là nền tảng có lượng người tham gia đông đảo nhất tại Việt Nam hiện nay. Nền tảng này chứa vô số các dạng thông tin đa dạng khác nhau được người dùng tiếp cận. Quy mô và sức ảnh hưởng của Facebook ngày càng lớn, nó gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức và an toàn thông tin đối với nội dung chia sẻ trên nền tàng này.

Người dùng mạng xã hội/ cư dân mạng

Cư dân mạng hay người dùng mạng xã hội (tên tiếng Anh: netizen) là một thuật ngữ có nguồn gốc bằng từ ghép của các từ tiếng tiếng Anh là Internetcitizen (công dân). Cư dân mạng được định nghĩa là một thực thể hay cá nhân tích cực tham gia vào cộng đồng mạng (online) và người dùng (user), thành viên của những mạng xã hội, thông qua các hình thức như giao lưu trực tuyến, trao đổi trực tuyến, trò chuyện trực tuyến, liên lạc trực tuyến và các hình thức khác của mạng xã hội. Thuật ngữ này cũng có thể bao hàm sự quan tâm trong việc cải thiện internet, đặc biệt là liên quan đến việc truy cập mạng và tự do ngôn luận.

Người dùng mạng xã hội có thể tương tác thông qua các cách như bình luận, lượt thích, chia sẻ, tin nhắn và tham gia vào các nhóm, trò chuyện, hoặc cộng đồng trực tuyến khác nhau. Cư dân mạng của nền tảng này trên thế giới vô cùng đa dạng về văn hóa, quốc gia, độ tuổi và quan điểm. Người dùng mạng xã hội thường được tự do thể hiện cá tính và ý kiến cá nhân. Điều này tạo ra sự đa dạng về tư duy, lối sống, quan điểm về chính trị, xã hội của họ. Tuy nhiên, cộng đồng mạng cũng cần phải có sự ý thức tự giác khi phải đối mặt với các dạng thông tin sai lệch, nội dung phản văn hóa và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nội dung trên mạng xã hội

Nội dung tích cực: thường là những thông tin, hình ảnh, video hoặc bài viết mang tính xây dựng, lạc quan và khích lệ. Đây có thể là những thông điệp động viên, hỗ trợ, tin tức vui, cảm xúc tích cực, hoặc nội dung về thành tựu, sự kiện tích cực… đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường trực tuyến tích cực và đáng tin cậy. Những thông tin tốt, tích cực như thành tích cá nhân, hoạt động thiện nguyện, thông điệp khích lệ, và kinh nghiệm sống cùng những nội dung chính thống được đăng tải rộng rãi trên báo chí, internet, mạng xã hội thời gian qua không chỉ định hướng dư luận xã hội mà còn “lấn át”, “giải độc” các thông tin xấu, thông tin tiêu cực, phản bác các thông tin xuyên tác, các quan điểm sai trái, thù địch. Những nội dung này thường có tác động lớn đến tinh thần và tâm trạng của người đọc, giúp tạo ra một môi trường trực tuyến tích cực hơn.

Nội dung tiêu cực: thường là những thông tin không chính xác, gây hoang mang cho đa số người dùng; nội dung phản văn hóa, xúc phạm hoặc không tôn trọng giá trị xã hội và văn hóa, gây chia rẽ và xung đột trong cộng đồng. Ngoài ra, những tin tức gây rối loạn hoặc hình ảnh, video không phù hợp cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, cảm xúc của người tiếp cận thông tin. Nó có thể tạo ra môi trường trực tuyến không tích cực, khiến cho người dùng cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc bất an. Trong đó, trào lưu thách đố những hành vi nguy hiểm đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của người tham gia...

2. Ảnh hưởng của những nội dung phản văn hóa trên mạng xã hội đối với giới trẻ

Các loại trào lưu phản văn hóa trên mạng xã hội tại Việt Nam

Trào lưu phản văn hóa trên các mạng xã hội nói chung thường là các xu hướng, hành động hoặc nội dung được lan truyền và chia sẻ mà mang tính tiêu cực, gây tranh cãi hoặc lệch chuẩn giá trị văn hóa thông thường. Các trào lưu này có thể gây ảnh hưởng xấu đến quan điểm, hành vi hoặc giao tiếp của cộng đồng mạng.

Một số trào lưu phản văn hóa có thể liên quan đến việc lan truyền thông điệp bạo lực, kích động, hoặc chủ đề nhạy cảm về tôn giáo, chính trị hoặc vấn đề nóng trong xã hội. Các nội dung này thường tạo ra một không khí căng thẳng, tranh cãi gay gắt và chia rẽ trong cộng đồng thay vì góp phần vào sự hiểu biết, tôn trọng và hòa bình. Những thử thách quái gở nguy hiểm đến tính mạng, clip bạo lực nhuốm màu giang hồ mạng, ngôn từ phản cảm… nhưng lại được chia sẻ rất tích cực đã xâm nhập vào tâm trí, dần dần điều khiển ý thức, hành động, thói quen của giới trẻ. Việc chia sẻ và lan truyền các trào lưu phản văn hóa đó có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường trực tuyến, làm giảm chất lượng thông tin và giao tiếp, đồng thời gây ra sự chia rẽ và xung đột trong cộng đồng mạng. Một số dạng nội dung phản văn hóa tiêu biểu tồn tại trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay:

Những phát ngôn mang tính thù hằn

Các bài viết hoặc bình luận có chứa nội dung mang tính xung đột có thể tạo ra môi trường không an toàn, thậm chí làm mất đi sự đồng thuận và hòa bình trong cộng đồng mạng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chia sẻ thông điệp tích cực, xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh hơn. Sinh viên cần nhận thức và lựa chọn các nội dung tích cực, đồng thời tham gia vào việc tạo ra một không gian mạng xã hội tích cực, nơi mà ý kiến đa dạng được tôn trọng và thông điệp xây dựng được lan tỏa. Một cộng đồng mạng xã hội tích cực không chỉ tạo ra sự giao lưu, hòa bình mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đồng thuận và tinh thần xây dựng từ mọi người. Đó là điều mà giới trẻ cần hướng tới để xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, tích cực và an toàn hơn. Giới trẻ hiện nay cũng đã phần nào ý thức về những “phát ngôn” của bản thân. Bằng chứng là giới trẻ đã có những kênh trên mạng xã hội Facebook và Tiktok để thể hiện quan điểm của mình. Giới trẻ đã quan tâm đến nhiều vấn đề của xã hội và những vấn đề này trở thành luận điểm khi đưa ra một quyết định.

Các hành vi này có thể diễn ra thông qua việc bình luận tiêu cực, chia sẻ thông tin xuyên tạc hoặc lăng mạ đối tượng nào đó... Trào lưu ngược đãi không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tinh thần của những người bị nhắm đến, mà còn tạo ra một môi trường trực tuyến đầy căng thẳng và không an toàn. Đặc biệt, đối với giới trẻ, trào lưu này có thể tạo ra áp lực tinh thần, ảnh hưởng đến sự tập trung trong học tập và gây xao nhãng, mất tập trung. Để đối phó với trào lưu ngược đãi, cần thiết phải tăng cường giáo dục và tạo ra một môi trường mạng xã hội tích cực.

Việc xây dựng lòng tự trọng, tôn trọng và sự đồng cảm là rất quan trọng. Sinh viên cần nhận ra vai trò của họ trong việc lan tỏa thông điệp tích cực, tạo ra môi trường hỗ trợ lẫn nhau và từ chối tham gia vào các hành vi tiêu cực, đảm bảo một không gian mạng xã hội an toàn và tích cực cho mọi người.

Nội dung chia sẻ thông tin sai lệch

Việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải.

Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin chính xác mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực đến tâm lý và quan điểm của người sử dụng. Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên mạng xã hội đã tạo ra một môi trường không kiểm soát, khiến cho thông tin sai lệch có thể lan truyền rộng rãi trước khi được kiểm chứng.

Đối với giới trẻ, việc tiếp nhận thông tin không chính xác có thể gây hiểu lầm, làm mất đi quan điểm đúng đắn và thậm chí là ảnh hưởng đến quyết định của họ. Ngoài ra, trào lưu chia sẻ thông tin sai lệch có thể tạo ra sự lo lắng, căng thẳng trong cộng đồng mạng. Các tin đồn, thông tin không chính xác về sức khỏe, giáo dục, hay các sự kiện xã hội có thể gây ra sự hoang mang và mất tin cậy đối với nguồn thông tin.

Để giải quyết vấn đề này, các trường học cần có sự tăng cường giáo dục về việc xác thực thông tin trước khi chia sẻ, khuyến khích người dùng kiểm tra nguồn gốc và tính xác thực của thông tin trước khi tin tưởng và lan truyền.

Giới trẻ cần phải trang bị kỹ năng phân biệt thông tin để có khả năng đánh giá đúng đắn và chọn lọc thông tin hợp lý. Đồng thời, cần xây dựng một cộng đồng mạng tích cực, nơi mà sự chia sẻ thông tin chính xác và đáng tin cậy được đặt lên hàng đầu. Việc lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin chính xác và trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội là một bước quan trọng trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy.

Nội dung thách đố hành vi nguy hiểm

Các nội dung thách đố hành vi nguy hiểm cũng là hiện tượng đáng quan ngại đối với sinh viên. Hiện tượng này thường bao gồm việc tạo ra các thách thức có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và an toàn của người tham gia. Các thách thức này thường bao gồm việc thực hiện các hành vi nguy hiểm như tự làm tổn thương bản thân, thách thức liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện, hoặc thậm chí đưa ra những hành động nguy hiểm đến tính mạng con người như tự tử... Giới trẻ là nhóm người đang tìm kiếm sự chú ý, thử thách để được công nhận bản thân nên thường dễ bị cuốn vào những trò chơi này mà không nhận ra rằng chúng có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của họ.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tăng cường giáo dục đi đôi với răn đe để tạo ra một cộng đồng sinh viên có ý thức rõ ràng về nguy cơ của các trò chơi thách đố này. Sinh viên cần được khuyến khích và thông tin kịp thời, đầy đủ về việc từ chối tham gia vào các trò chơi có tính rủi ro, cũng như biết cách phản ứng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hoặc các tổ chức hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, nhà trường và chính cộng đồng sinh viên cần phải xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn để hỗ trợ, chia sẻ thông tin về những hiện tượng này. Việc tạo ra một cộng đồng mạng tích cực và nhất quán có thể giúp ngăn chặn việc lan truyền các trò chơi nguy hiểm và bảo vệ an toàn, sức khỏe của sinh viên.

Phân tích cách các nội dung phản ánh văn hóa ảnh hưởng đến giới trẻ

Từ điều tra khảo sát, có thể thấy rằng những nội dung tiêu cực, phản văn hóa trên Facebook đã ảnh hưởng đến giới trẻ bằng nhiều cách thức khác nhau và ở bất kỳ khía cạnh nào liên quan.

Ảnh hưởng tâm lý: Đối diện với thông điệp tiêu cực, xúc phạm, hoặc lạm dụng ngôn ngữ, giới trẻ có thể trải qua tâm trạng căng thẳng, sự bất an, hoặc thậm chí làm mất niềm tin vào xã hội và người xung quanh.

Ảnh hưởng đến quan điểm: Sự tiếp xúc với nội dung phản văn hóa có thể thay đổi quan điểm và giá trị của thế hệ trẻ. Các thông điệp phản đối, phân biệt hoặc xúc phạm có thể làm mất đi niềm tin vào xã hội công bằng, đa dạng và tạo cơ hội cho tất cả mọi người.

Ảnh hưởng đến hành vi: Nội dung phản văn hóa có thể thúc đẩy hành vi tiêu cực hoặc không lành mạnh. Giới trẻ có thể bị ảnh hưởng đến hành vi tham gia vào các cuộc tranh cãi, sử dụng ngôn ngữ không thích hợp, hoặc thậm chí là hành động quấy rối đến người khác.

Ảnh hưởng đến hiệu suất học tập: Cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc mất niềm tin có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của giới trẻ trong việc học tập. Họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, dẫn đến giảm hiệu suất học tập và khả năng thể hiện bản thân

3. Giải pháp

Những nội dung phản văn hóa trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… đã ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến giới trẻ. Sự lan truyền của các trào lưu mang tính tiêu cực, gây tranh cãi và phản đối giá trị văn hóa thông thường đã tạo ra tác động mạnh mẽ đến quan điểm, tư duy và cảm nhận của sinh viên về thế giới xung quanh. Tình hình này đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường học tập và sự phát triển cá nhân của giới trẻ. Tác giả đề xuất một số giải pháp để giúp sinh viên ứng phó và vượt qua ảnh hưởng của những nội dung phản văn hóa:

Thực hiện chương trình giáo dục và nhận thức

Để giải quyết vấn đề ảnh hưởng của nội dung phản văn hóa trên Facebook đối với giới trẻ, việc mở các chương trình giáo dục và nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kiến thức và tư duy tích cực. Đây không chỉ là cơ hội để cung cấp thông tin mà còn tạo ra môi trường học tập đa chiều, thúc đẩy sự thảo luận và phản biện xây dựng, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực từ sinh viên trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin từ mạng xã hội.

Tổ chức các khóa học chuyên đề: Tổ chức các khóa học ngắn hạn hoặc chuyên đề với các buổi giảng, thảo luận và bài thực hành tập trung vào việc nhận diện, đánh giá thông tin và xây dựng kiến thức sâu về vấn đề nội dung phản văn hóa trên Facebook.

Workshop về kỹ năng phân tích thông tin: Tổ chức các workshop tập trung vào việc phân tích, đánh giá và xác minh thông tin trên mạng xã hội. Sinh viên có cơ hội thực hành và áp dụng các kỹ năng này thông qua các bài tập thực tế và trường hợp điển hình.

Xây dựng nội dung giáo dục: Xây dựng tài liệu giáo trình, bài giảng hoặc video với mục tiêu cung cấp kiến thức nền và các bài học cụ thể về việc nhận biết và đối phó với nội dung phản văn hóa trên Facebook.

Các hoạt động nhóm và dự án nghiên cứu: Khuyến khích sinh viên tham gia vào các nhóm nghiên cứu hoặc dự án có liên quan đến việc nghiên cứu về tác động của mạng xã hội và nội dung phản văn hóa. Đây cũng là cơ hội để họ áp dụng kiến thức và phát triển kỹ năng một cách thực tế.

Tạo ra cuộc thi và thử thách: Tổ chức các cuộc thi viết, thi ảnh, hoặc thử thách sáng tạo với chủ đề liên quan đến việc đối phó với nội dung phản văn hóa trên Facebook, từ đó tạo động lực và kích thích sự sáng tạo từ phía sinh viên.

Những chương trình này có thể được thiết kế linh hoạt và tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu cụ thể của sinh viên và tạo ra một môi trường học tập tích cực và cảm hứng. Đồng thời, những chương trình này khuyến khích sinh viên trở thành người sáng tạo và tác động tích cực đến môi trường trực tuyến.

Xây dựng nội dung tích cực trên không gian mạng xã hội

Sống trong thế giới mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, giới trẻ ngày nay không chỉ là những người tiêu thụ thông tin trên những nền tảng đó, mà còn là những người tạo ra và lan truyền nội dung. Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là nơi kết nối, chia sẻ thông tin mà còn là một bức tranh phong phú của những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc.

Với niềm tin rằng giới trẻ không chỉ là những người sử dụng mạng xã hội mà còn có khả năng tác động tích cực đến nó thì cá nhân mỗi người cần có ý thức xây dựng nội dung tích cực, văn hóa hơn nữa. Chúng ta hướng đến một mạng xã hội không chỉ là nơi chia sẻ thông tin mà còn là môi trường nuôi dưỡng ý thức văn hóa, tạo ra những trải nghiệm tích cực và khích lệ sự tương tác xây dựng từ mọi thành viên. Việc này không chỉ là việc tạo ra một môi trường trực tuyến tích cực mà còn góp phần xây dựng một xã hội trực tuyến vững mạnh và đồng thuận hơn.

Dưới đây là một vài gợi ý cho xu hướng xây dựng nội dung tích cực trên mạng xã hội Facebook cho sinh viên:

Chia sẻ câu chuyện khích lệ: Giới trẻ có thể chia sẻ những câu chuyện tích cực, trải nghiệm thành công, hoặc những hành động thiện nguyện của mình. Những chia sẻ này không chỉ lan tỏa sự lạc quan mà còn tạo động lực cho người khác.

Xây dựng cộng đồng: Tạo ra các nhóm trên mạng xã hội với chủ đề quan tâm như sáng tạo, nghệ thuật, tình nguyện, hoặc sức khỏe tinh thần. Kêu gọi sự tham gia và chia sẻ kiến thức, trải nghiệm với nhau.

Livestream/ Talkshow online: Tổ chức các buổi trò chuyện trực tiếp (livestream) với các chủ đề học thuật, tâm lý, sức khỏe, hoặc văn hóa để tạo cơ hội giao lưu và học hỏi từ nhau.

Kiểm duyệt và giám sát nội dung

Bên cạnh những đề xuất được đề cập ở trên, việc kiểm duyệt và giám sát nội dung trên không gian mạng xã hội Facebook cũng là một giải pháp tất yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường mạng cho sinh viên.

Có quy định và chính sách rõ ràng: Tạo ra các quy định cụ thể về việc đăng tải nội dung, quyền và trách nhiệm của sinh viên trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, thiết lập các chính sách rõ ràng về việc kiểm duyệt và xử lý nội dung không phù hợp.

Hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ: Sử dụng công nghệ để tự động kiểm tra nội dung dựa trên các tiêu chí nhất định, từ việc ngăn chặn nội dung độc hại đến việc nhận diện thông điệp tích cực và khuyến khích.

Quản lý và hỗ trợ: Tạo ra một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo để kiểm duyệt nội dung, xử lý các trường hợp cụ thể và hỗ trợ sinh viên khi cần thiết.

Đối thoại và phản hồi: Tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào quá trình kiểm duyệt, đề xuất ý kiến và cung cấp phản hồi để cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung.

Từ việc áp dụng các biện pháp trên, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường mạng xã hội an toàn, tích cực, khuyến khích sự tham gia tích cực và xây dựng nguồn thông tin chất lượng cho giới trẻ trong quá trình học tập và giao tiếp trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Thu Phương, Văn hóa sử dụng mạng xã hội của giới trẻ hiện nay, dangcongsan.vn, 17-5-2023.

2. Võ Văn Quản, Luật pháp và ngôn luận - Kỳ 3: Trường hợp phát ngôn thù hận, luatkhoa.com, 20-8-2020.

3. Phạm Ngọc Hưng, Chế tài đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, congan.hanam.gov.vn, 15-7-2022.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 10-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 23-3-2025; Ngày duyệt đăng: 1-4-2025.

PHAN NHẬT ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;