Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023 - ảnh: Tuấn Minh
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm ưu tiên, phát triển toàn diện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ những chủ trương đó, Bộ VHTTDL đã cụ thể hóa và triển khai ban hành các văn bản mang tính pháp quy, các thông tư, đề án, dự án và ký kết các chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng.
Chú trọng triển khai những định hướng quan trọng của Bộ Chính trị tại Kết luận 65-KL/TW ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kết luận 76-KL/TW ngày 4-6-2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 11-2021; Vận dụng sáng tạo tinh thần, nội dung tại Hội nghị kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước; củng cố niềm tin ngày càng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, khơi dậy truyền thống yêu nước trong cộng đồng các dân tộc, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, qua đó đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15-2-2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11- 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ VHTTDL được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với 19 nhiệm vụ trọng tâm.
2. Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian vừa qua
Khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa... qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thông qua việc định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; Giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc như tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao...; Giao lưu Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia... Qua đó, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa trước đây và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ VHTTDL triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay đã có hơn 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ VHTTDL hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 40 làng, bản, buôn truyền thống của 30 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có công trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Công trình kiến trúc truyền thống và lễ hội truyền thống của các dân tộc thường xuyên được phục dựng, tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc...
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa bằng những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như tập huấn về công tác kiểm kê, bảo tồn văn hóa phi vật thể của các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai tổ chức xây dựng và phát triển mô hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang. Thông qua đó đã khích lệ được phong trào văn hóa văn nghệ, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống có sức lan tỏa và bước đầu đã có hiệu quả trong việc khai thác, xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.
Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực ban hành nhiều chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện và có cách làm có hiệu quả khác nhau phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc theo từng giai đoạn. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại Nhà Văn hóa - khu thể thao thôn, làng, bản đã trở thành phong trào rộng khắp; bằng nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt, sáng tạo kết hợp vừa xây mới, vừa khôi phục tận dụng sử dụng những thiết chế có sẵn như đình làng, chùa, hội trường UBND, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà gươl, nhà dài, nhà rông ở vùng đồng bào dân tộc... là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trao truyền và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng tới nhân dân và khách du lịch. Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như: mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc...
Xây dựng, phát triển mô hình/hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến lưu trú vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng (homestay) gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Do nguồn kinh phí thực hiện chính sách chủ yếu từ các địa phương và cộng đồng nên các địa phương tự chủ động bố trí, phân bổ nguồn lực, lồng ghép nguồn lực thực hiện. Bộ tham gia hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện về nguồn nhân lực để các dự án của nước ngoài triển khai hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Như vậy có thể thấy, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, các cấp, ngành đã quan tâm và ban hành nhiều chính sách nhằm ưu tiên phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy mà những năm qua, vùng DTTS nước ta đã có nhiều chuyển biến và đổi mới rõ nét về cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và văn hóa xã hội, trình độ học vấn và dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, trật tự an ninh xã hội, bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc… Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngành Văn hóa ở các cấp đã thực hiện nhiều chương trình công tác, bám sát yêu cầu của nhiệm vụ chính trị nhằm xây dựng phát triển đời sống văn hóa, từng bước cải thiện, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, nghệ thuật; tăng cường đầu tư để bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Việc tăng cường kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số trong những năm qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số.
3. Những khó khăn, bất cập
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số mặc dù đã đạt được rất nhiều kết quả nhưng trên thực tế công tác này vẫn còn những khó khăn, bất cập. Điều kiện kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chưa thường xuyên và sâu rộng.
Một số chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được phê duyệt, nhưng không có kinh phí riêng nên triển khai khó khăn, phải lồng ghép vào ngân sách sự nghiệp hằng năm của đơn vị hoặc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số gần như không có; đồng thời còn thiếu các văn bản hướng dẫn, áp dụng để triển khai áp dụng mức kinh phí hỗ trợ trong các nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng dân tộc thiểu số rất hạn hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa lại thiếu, yếu nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số thì ngày càng ít dần. Chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức.
Khảo sát thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, thể thao, du lịch chưa thực sự được coi trọng và đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những dự án, đề án còn tách rời, biệt lập giữa văn hóa và phát triển kinh tế và giữa các ngành với nhau. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch ở vùng dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá do thiếu tính đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tuy được đề cao nhưng còn thiếu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
Hơn thế, một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bản thân kinh phí dành cho công tác văn hóa, thể thao, du lịch nhìn chung còn thấp. Đặc biệt, các tỉnh miền núi do nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn hết sức khó khăn, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng dân tộc thiểu số.
4. Những đề xuất đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên cả nước. Tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 65-KL/TW.
Hai là, tập trung tham mưu các giải pháp và nguồn lực cần thiết để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15-2-2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị các địa phương sử dụng nguồn vốn Trung ương từ Chương trình để triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đúng mục tiêu của các dự án, tiểu dự án; đồng thời bố trí đúng, đủ nguồn kinh phí đối ứng triển khai các dự án theo quy định của Chương trình.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu về công tác dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, các chương trình, đề án, dự án về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chế độ chính sách, các cơ chế đầu tư, các định mức hỗ trợ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cần được các ngành quan tâm, phối hợp với ngành VHTTDL để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước.
Bốn là, hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Khuyến khích đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số;
Năm là, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao; có cơ chế chính sách đặc thù cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa phi vật thể tại cộng đồng các dân tộc;
Sáu là, nghiên cứu ban hành các chính sách cụ thể, thống nhất giữa các địa phương đối với nhà đầu tư cũng như cộng đồng dân cư trong việc quản lý, phát triển các loại hình du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho đồng bào được chia sẻ lợi ích, hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, du lịch.
Ths. NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VHTTDL
-----------------------
Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 –Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)