Đền phố Cát với tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh - Ảnh: baothanhhoa.vn
1. Khái quát về vị trí, cảnh quan của đền Phố Cát
Phố Cát (thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất lưu nhiều dấu ấn quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Trong mô tả về cấu trúc địa hình của tỉnh Thanh Hóa, học giả Charles Robequain đã nhắc đến địa danh Phố Cát một cách ngắn gọn, song, đã khẳng định dạng địa hình phức tạp bao quanh và vị thế của nó. Vào thời Lê, vùng đất Phố Cát được quan tâm, được xây lũy, đặt trạm để canh giữ. Với vị trí đặc biệt của ngã ba đường: một hướng đi Ninh Bình đến tận kinh đô (còn gọi là đường lai kinh); một hướng rẽ Tây Nam đi về Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh; hướng Đông rẽ về Vĩnh Lộc, Hà Trung… Phố Cát đã trở thành vùng đất chiến lược quan trọng. Các vương triều phong kiến đã mở đường qua Phố Cát để phục vụ cho mục đích quân sự: cuộc bình Chiêm của Vua Lê Đại Hành, Vua Lê Thánh Tông đều đi qua Phố Cát. Trên phương diện lịch sử, địa lý, “Phố Cát là nơi phân ranh giới giữa Thanh Hóa nội và Thanh Hóa ngoại đời Lê, giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình thời Nguyễn” (1). Vào thời kỳ xảy ra cuộc chiến Nam - Bắc triều, đường Thượng Đạo chạy qua Phố Cát - Thạch Thành, từ TK XVI trở về trước là con đường giao thông huyết mạch, thuận lợi cho buôn bán nên dân cư khá đông đúc, nhộn nhịp. Đây cũng là một trong những vùng đắc địa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp được xây dựng nhiều công trình kiến trúc, nổi bật nhất trong đó là đền Phố Cát.
Đền Phố Cát trước đây thuộc xã Phố Cát, tổng Hòa Luật, huyện Thạch Thành; sau là xã Thành Vân và nay là thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ vào văn bia: Bia trùng tu đền thiêng Phố Cát thì đền được xây dựng vào đời Vua Cảnh Hưng (cuối triều Lê) gắn với huyền tích công chúa Liễu Hạnh mang theo hai thị tòng Quế Nương và Thị Nương giáng hạ tại đây: “Khoảng năm Cảnh Hưng, Chúa Tiên đặc biệt giáng linh ở đó. Địa phương sợ hãi oai linh tần đài, cầu hiển thánh” (2); công chúa Liễu Hạnh đã ngầm báo cho dân làng lập đền thờ nàng gọi là đền Phố Cát. Đền Phố Cát ra đời đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong vùng và lan tỏa ra nhiều tỉnh lân cận.
Đền Phố Cát nằm ở lưng chừng núi, thoáng đãng, với thế đất đẹp. Gần đền có một dòng suối nhỏ, quanh co uốn lượn tạo nên phong cảnh hữu tình, đến trước cửa đền, dòng suối tụ thành một cái hồ nhỏ. Ở suối có rất nhiều cá, cứ vào mùa hội đền người dân lại bắt gặp từng đàn cá tung tăng bơi lội “những con cá này rất linh thiêng và không ai dám mạo hiểm bắt chúng. Tất cả những người muốn phá vỡ quy tắc này đều bị bệnh tật hoặc thậm chí tử vong” (3). Tại đây, Tổng đốc Thanh Hóa đã cho xây một cái tháp vọng ngư hình lục lăng để dành riêng cho vua nhà Nguyễn ngồi thưởng lãm ngắm cá. Vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, trong lần về yết bái tổ tiên ở Gia Miêu đã lên đây ngắm cá. Chính suối cá ấy đã góp phần tạo nên sự linh thiêng cho đền Phố Cát. Sự kỳ bí của đàn cá thần được phản ánh trong Thanh Hóa kỷ thắng (Vương Duy Trinh); trong Thanh Hoa pittoresque (Thanh Hóa tươi đẹp) của H. Le Breton, bài viết của Công xứ Lagrèze và qua du ký của Nhị Lang với Trên đường quan lộ cũ: với đàn cá thần đền phố Cát; tác giả H.K.T trong Từ Phủ Dày đến Sùng Sơn, Phố Cát - Vân Cát thánh mẫu: Một vị nữ thần tối linh được hàng triệu người Việt Nam sùng bái đăng trên Báo Trung Bắc tân văn (năm 1940)… Tất cả đều khẳng định đây là giống cá lạ và thiêng…
Bên cạnh đó, Phố Cát là nơi quần cư của tộc người Mường di cư từ Hòa Bình vào và tộc người Việt (Kinh) từ miền xuôi di cư lên sinh sống, đã tạo nên sự cộng sinh văn hóa, là nét đẹp giao thoa văn hóa của tộc người Việt và Mường trên vùng đất này.
Trong quần thể thắng cảnh, di tích của huyện Thạch Thành, đền Phố Cát nổi bật hơn cả vì gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh - vừa là con người trần thế, vừa là tiên, vừa là thánh, là Phật có quyền năng vô lượng, luôn ra tay khuyến thiện, trừ ác, cứu độ cho cuộc sống của muôn dân. Vì vậy, bà được phụng thờ ở nhiều nơi, được suy tôn Thánh Mẫu và trở thành thần chủ của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở nước ta.
2. Vị thế của đền Phố Cát trong tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh
Đền phố Cát không chỉ được ghi lại trong lịch sử và thư tịch của Việt Nam: bi ký, sắc phong, thần tích… mà thú vị hơn, ngôi đền này còn nhận được sự quan tâm của các học giả nước ngoài khi họ nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Phố Cát và công chúa Liễu Hạnh xuất hiện sớm nhất trong công trình Thanh Hoa pittoresque (Thanh Hóa tươi đẹp) của H. Le Breton, xuất bản năm 1922 bằng tiếng Pháp. Le Breton đã gọi đền Phố Cát là chùa Cá thần thờ Liễu Hạnh công chúa mà người Việt Nam gọi là “Đức Thánh Mẫu” bởi người ta kiêng nói tên bà, coi đây là tội phạm thượng (4). Ông khái quát vị trí địa lý của Phố Cát và lai lịch của Liễu Hạnh, về sự kiện đốt đền Phố Cát, cùng cơn thịnh nộ của Liễu Hạnh khiến triều đình phải sắc phong công nhận đền Phố Cát và Liễu Hạnh.
Tỉ mỉ hơn, trong công trình Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam xuất bản bằng tiếng Pháp Technique et panthéon dé Médiums Vietnamiens vào năm 1959 của mình, nhà nghiên cứu Maurice Durand (được mệnh danh là nhà Việt Nam học của Pháp) đã giới thiệu: ở Phố Cát, trên đường từ Hà Nội vào Thanh Hóa có rất nhiều đền phủ nằm cách nhau khá xa và đều thờ Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng giáng trần, một trong ba vị tiên thuộc Đạo giáo (5). Đền Phố Cát ra đời đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong vùng và lan tỏa ra nhiều tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, Durand còn có một phần phụ lục Truyện về tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh ở Phố Cát. Ở phần này, ông đã khảo tả lại những nghi lễ trong những ngày đầu tháng 3 âm lịch, tức là ngày lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bằng sự quan sát cẩn thận, tinh tế, khách quan của mình, học giả cho thấy những nét độc đáo trong nghi lễ rước kiệu ở ngày thứ ba: Không có tăng lữ nào tham gia nghi lễ này, nhưng tất cả các thôn làng xung quanh và vô số khách hành hương đến từ khắp miền Bắc của An Nam đều tham dự. Đoàn đánh cồng chiêng đi trước, theo sau là nhóm đánh trống rồi đến nhóm cầm linh vật và biểu tượng. Buổi sáng, đoàn rước rời đền, nơi lưu giữ linh vật của Thánh Mẫu, và trở về vào buổi tối (6). Quan sát của Durand cho thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây không có sự tham gia của tầng lớp quý tộc, quan lại, thượng lưu mà chỉ có nhân dân lao động trong vùng và rất nhiều vùng khác trong cả nước về tham dự.
Công sứ Thanh Hóa là A. Lagrèze đã công bố bài Documents concernant le temple Dên-Song, au Thanh-Hoa (Các tài liệu liên quan đến đền Sòng, Thanh Hóa) trên Tạp chí BAVH (Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ), số 1 năm 1941 sau sự kiện tìm thấy ngọc phả bằng đồng ghi chép lại thân thế, lai lịch của Vân Hương Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh) tại đền Sòng vào năm 1939. Mặc dù công trình chủ yếu cung cấp thông tin về Mẫu Liễu Hạnh ở quê hương bản quán là trấn Sơn Nam và đền Sòng - nơi hiển thánh, song, đã khẳng định Phố Cát là một trong những địa danh công chúa Liễu Hạnh đã giáng trần, linh ứng ban phúc, giáng họa nên nhân dân đã lập đền thờ. Công xứ A. Lagrèze đã mô tả cung đường đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa sẽ qua các đền in dấu ấn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh: vị trí án ngữ cửa ngõ Thanh Hóa đầu tiên là đền Rồng, thứ hai là đền Sòng, cách đó một cây số, nằm về hướng đi vào Thanh Hóa và ngay đường phụ cận quan lộ. Đền thứ ba là đền Chín Giếng, cách đền Sòng một cây số về phía Đông; đền phố Cát thuộc huyện Thạch Thành, cách đền Sòng khoảng 17 cây số về phía Tây và khẳng định cùng với đền Sòng, đền Phố Cát là một trong những ngôi đền linh thiêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Đây được coi là nhóm tài liệu sớm về địa danh Phố Cát cụ thể hơn là về đền Phố Cát - nơi thờ tự Thánh Mẫu Liễu Hạnh trên đất Thanh Hóa qua nghiên cứu của các học giả nước ngoài ở đầu TK XX. Họ đều có thời gian dài sinh sống ở Việt Nam, có thời gian thực tế điền dã khi nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu.
TK XXI, một cách tiếp cận mới mẻ trong không gian liên quốc gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu qua Spirits without Borders: Vietnamese Spirit Mediums in a Transnational Age (Tinh thần không biên giới: Phương tiện tinh thần Việt Nam trong thời đại liên quốc gia) của Karen Fjelstad và Nguyễn Thị Hiền. Nhóm tác giả đã có một phần đề cập đến tứ bất tử của Việt Nam, khái quát ngắn gọn về lai lịch nhân vật Mẫu Liễu về sự giáng sinh và các cơ sở thờ tự bà ở Phố Cát, Sòng Sơn, Phủ Dày. Đây là công trình có sự kết hợp của nhà nghiên cứu Việt Nam (Nguyễn Thị Hiền) và Hoa Kỳ (Karen Fjelstad) về hầu đồng trong không gian liên quốc gia giữa Việt Nam và vịnh San Francisco của Hoa Kỳ. Hai tác giả đã điểm lại lịch sử về Thánh Mẫu Liễu Hạnh và gắn với đền Phố Cát. Điều này đã thêm một lần nữa chứng minh rằng ngôi đền này có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu.
Các nghiên cứu trên đã thể hiện vị thế của Mẫu Liễu Hạnh không chỉ trong tâm thức dân gian mà còn có sự ảnh hưởng đến các học giả nước ngoài trong quá khứ và hiện tại. Vì lẽ đó, các di tích thờ tự bà cũng là mối quan tâm của học giới, nhất là những địa danh ở quê hương bản quán, địa danh giáng trần, hiển thánh linh thiêng, đánh dấu những bước quan trọng trong cuộc sống trần tục và linh thiêng của mẫu. Có thể nói, Phố Cát là một trong địa danh quan trọng khi Mẫu Liễu đã trải qua và thấu hiểu trầm luân của cuộc sống trần gian để phán quyết, giúp đỡ hay trừng phạt những kẻ phàm trần…
Bên cạnh đó, các tư liệu này đã mô tả cung đường đến đền Phố Cát, cảnh quan, tín ngưỡng ở đền Phố Cát qua cái nhìn của người đương thời (đầu TK XX). Từ đó, các công trình khẳng định được vị thế linh thiêng của đền Phố Cát - chốn ngự trị của thánh thần, cõi đi về các con công, đệ tử và những tác động trong tâm thức dân gian cũng như trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Kết luận
Trong hệ thống đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh trên địa bàn Thanh Hóa, cùng đền Sòng, đền Phố Cát được coi là điểm linh thiêng, bởi sự xuất hiện đặc biệt và vai trò quan trọng của nó trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù không phải là quê hương bản quán, song địa danh Phố Cát với huyền tích giáng linh của công chúa Liễu Hạnh đã nối dài và thiêng hóa chuỗi truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các học giả nước ngoài đã đề cập đến đền Phố Cát gắn với thiên nhiên kỳ bí và với những hành động của Liễu Hạnh, với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu trong tâm thức dân gian. Sự xuất hiện của đền Phố Cát trong thư tịch cổ, trong tâm thức dân gian và các tài liệu của học giả nước ngoài đã góp phần tạo vị thế của đền Phố Cát. Đền phố Cát - đền Sòng trở thành trung tâm lớn thứ hai trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu và lan tỏa nhiều địa phương khác nhau trong và ngoài tỉnh.
____________________
1, 2. Hồ sơ khảo sát và lý lịch di tích thắng cảnh Phố Cát; tr.11, 6.
3. Antoine Lagrèze, Documents concernant le temple Dên-Song, au Thanh-Hoa (Các tài liệu liên quan đến đền Sòng, Thanh Hóa), Tạp chí BAVH, số 1-1941.
4. H. Le Breton. Thanh Hoa pittoresque (Thanh Hóa tươi đẹp), Nxb Thanh Hóa, 2022, tr.105.
5, 6. Maurice Durand. Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2019, tr.89.
Tài liệu tham khảo
1. Karen Fjelstad và Nguyễn Thị Hiền, Spirits without Borders: Vietnamese Spirit Mediums in a Transnational Age (Tinh thần không biên giới: Phương tiện tinh thần Việt Nam trong thời đại xuyên quốc gia), First published in 2011 by Palgrave Macmillan, in the United States-a didvision of St. Martin’s Press LLC, 175 Fifth Avennue, New York, NY 10010.
2. Hồ sơ khảo sát và lý lịch di tích thắng cảnh phố Cát, (Tài liệu do Phòng Văn hóa huyện Thạch Thành cung cấp).
3. Nhị Lang, Trên đường quan lộ cũ: với đàn cá thần ở suối Đền phố Cát, Báo Công luận, Sài Gòn, số 7.318, 6-1-1937.
4. H. Le Breton, Nguyễn Xuân Dương dịch, Le Province de Thanh Hoa, (Lịch sử, địa lý tỉnh Thanh Hóa), tài liệu đánh máy 136 trang, lưu tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa).
5. Phạm Quỳnh Phương, Mẫu Liễu Hạnh với di tích đền Sòng, Phố Cát (Công trình cấp Viện), Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa, ký hiệu KH.231, 2003.
6. H.K.T, 1940, Từ Phủ Giầy đến Sùng Sơn, Phố Cát - Vân Cát Thánh mẫu: Một vị nữ thần tối linh được hàng triệu người Việt Nam sùng bái, Báo Trung Bắc tân văn, số 8, 21-4-1940, tr.4-8, 32.
7. Vương Duy Trinh, Thanh Hóa kỷ thắng, Nxb Thanh Hóa, 2021.
Ths NGUYỄN THỊ QUẾ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024