Bà Vi Thị Nhọt ở thôn Dọc Đình, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn là một trong số ít người Nùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được các công đoạn làm trang phục theo lối truyền thống. Để góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bà đã tận tình truyền dạy cho lớp trẻ và nhiệt tình tham gia các buổi trình diễn dệt thổ cẩm, quảng bá văn hóa dân tộc do ngành Văn hóa tổ chức.
Bà Vi Thị Nhọt trình diễn công đoạn dệt thổ cẩm tại Hà Nội
Ngôi nhà nhỏ bà Nhọt đang ở cùng con trai nằm nép mình dưới chân núi Bát Xôi, công việc thường ngày của bà là dệt, nhuộm thổ cẩm và may má, thêu thùa. Khi nắng vừa hửng, bà vội đem những tấm vải chàm đang được nhuộm trong chum ra sân phơi, bàn tay nhuốm đầy sắc chàm.
Bà Nhọt khoe: “Trong nhà tôi còn giữ được một bộ khung cửi cổ do các cụ đời trước để lại, nhiều người hỏi mua nhưng gia đình không bán với lý do để làm kỷ niệm. Tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện nốt 10 bộ áo, khăn chàm để kịp giao cho khách”.
Thôn Dọc Đình có 126 hộ, trong đó 99% là dân tộc Nùng. Theo phong tục của đồng bào, trước khi kết hôn, người con gái phải tự tay dệt, may cho mình bộ trang phục mới và thêu những hoa văn ưng ý để mặc trong ngày cưới. Từ khi còn bé, các thiếu nữ đã được bà, mẹ dạy cách dệt, thêu, nhuộm vải. Vải chàm làm từ bông, se thành sợi, dệt thành tấm, sau đó nhộm, cắt may… Theo bà Vi Thị Nhọt, 50 năm trước, lúc mới 15 tuổi, bà đã được mẹ dạy cách se sợi bông, dệt vải và may vá, thêu thùa. Nghề làm trang phục truyền thống của đồng bào có thời gian tưởng chừng mai một, vì đa phần mọi người mua quần áo, vải ở chợ về mặc. Khoảng hai chục năm trở lại đây, nhiều lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được khôi phục, nhu cầu dùng trang phục truyền thống dân tộc của đồng bào tăng mạnh nên công việc của bà cũng được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Trung bình một năm, bà Nhọt có thể làm ra được khoảng 50 chiếc khăn và 25 chiếc áo. Điều đáng nói là, sản phẩm của bà không chỉ bán cho người Nùng trong huyện Lục Ngạn mà còn được nhiều đồng bào từ tỉnh Lạng Sơn đặt hàng. Bộ trang phục nhìn tưởng đơn sơ, mộc mạc nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Sau khi bông đã được cán đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ, sẽ ngâm với ngô nghiền rồi đem phơi khô. Lúc các sợi bông tách nhau ra, cuốn thành những cuộn dai, chắc mới được đưa lên khung cửi dệt thành vải sau đó mang nhuộm màu chàm.
Bà Nhọt cùng với công đoạn may trang phục
Về công đoạn nhuộm chàm, sau Tết bà con gieo hạt chàm, chờ đến tháng 8 thì thu hoạch. Cây chàm được chặt ra từng đoạn nhỏ, cho vào chum sành ngâm một tuần lễ. Khi lá, thân chàm nát nhừ, tạo cho nước ngâm có màu xanh đen thì khuấy đều, vớt xác chàm bỏ đi. Tiếp đó, rắc vôi bột và tro bếp vào nước chàm, khuấy đều, để qua đêm chàm lắng dưới đáy, gạn nước nổi bỏ đi, còn lại nước chàm đặc, đồng bào gọi đây là cao chàm. Vải chàm dùng để may quần áo, khăn đội đầu, túi khoác vai, chăn, đệm… Trên nền vải chàm, người phụ nữ thường trang trí thêm các họa tiết hoa văn trắng, các đường viền đẹp mắt.
Bà Nhọt chia sẻ, vải chàm có hạn chế là thường bị phai màu nên đồng bào thường không sử dụng các chất tẩy rửa bằng hóa chất để giặt giũ mà chỉ dùng nước trắng vò bằng tay và dùng cây đập giập.
Trang phục là một trong những dấu hiệu quan trọng đầu tiên để nhận biết, các dân tộc. Ai đã từng tham dự những chợ phiên, hay các lễ hội vùng cao ở Phong Vân, Sa Lý, Biên Sơn, phong Minh, Tân Sơn, Biển Động… (Lục Ngạn) đều khó thể quên được hình ảnh từng tốp người cùng xuống chợ, ai cũng đeo túi nải, đầu vấn khăn và khoác trên mình bộ trang phục chàm truyền thống. Màu áo ấy không chỉ gần gũi, thân thương mà còn tôn lên vẻ đẹp, bản sắc riêng của con người nơi đây. Không chỉ đi chợ, đi hội, khi đi làm nương rẫy những sắc áo chàm cũng hòa cùng ruộng vườn, nương bãi, tạo nên một bức tranh sinh động. Nhưng nét đẹp văn hoá của áo chàm không chỉ ở bên ngoài, nó ẩn chứa bên trong sự thùy mỵ, nết na, khéo léo của người phụ nữ và bà Vi Thị Nhọt là một trong số ít người Nùng tại địa phương còn bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc này.
Vải chàm sau khi được nhuộn, bà Vi Thị Nhọt đem phơi nắng
Tháng 11 vừa qua, bà Vi Thị Nhọt là một trong số ít nghệ nhân Bắc Giang được mời tham gia trình diễn dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với chủ đề “Về miền di sản tinh hoa và bản sắc”. Hiện nay, bà đã truyền dạy lại nghề làm trang phục dân tộc Nùng cho cháu gái trong họ là chị Lường Thị Sớn (SN 1976) ở thôn Dọc Đình. Với niềm tự hào dân tộc, cộng thêm sự tận tâm của nghệ nhân, theo thời gian, màu chàm sẽ mãi trường tồn, bền đẹp và làm nên bản sắc, sức sống cho bản làng vùng cao.
Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025