Trong khuôn khổ Lễ hội Khèn Mông lần thứ X tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, 19 xã, thị trấn đã tham dự chương trình Thi trình diễn – diễu hành đường phố. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc giới thiệu những nét đẹp truyền thống, những sản vật quý báu, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch đặc sắc của từng địa phương trên mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn.
Hình ảnh Cổng chào của thị trấn Đồng Văn tại buổi trình diễn
Tại buổi trình diễn, đoàn diễu hành đến từ thị trấn Đồng Văn đã giới thiệu đến đông đảo du khách hình ảnh Cổng chào. Đây là công trình nổi bật đầu tiên tạo dấu ấn cho du khách khi đặt chân đến với trung tâm thị trấn Đồng Văn, cổng chào như một lời quảng bá, giới thiệu về phong cách kiến trúc nghệ thuật truyền thống độc đáo của vùng cao nguyên đá. Gửi gắm trong đó những tâm huyết, khát vọng vươn lên, thể hiện bản sắc phong thái kiến trúc và sự phồn vinh của khu vực, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch theo định hướng “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn giá trị văn hóa”.
Bên cạnh đó, thị trấn Đồng Văn còn mang hình ảnh bờ rào đá giới thiệu trong buổi trình diễn. Bờ rào đá có ý nghĩa quan trọng với đời sống đồng bào nơi cao nguyên đá Đồng Văn, nó chính là “bức tường thành vững chắc”, là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Bờ rào đá khu vực đầu thị trấn Đồng Văn gắn liền với cổng chào có tổng chiều dài gần 2km là công trình xếp đá dài nhất trong khu vực.
Xã Hố Quáng Phìn mang tới lễ hội mô hình Cây Khèn của đồng bào Mông
Tiếp nối là xã Hố Quáng Phìn đã mang tới trình diễn trong lễ hội mô hình Cây Khèn của đồng bào Mông. Xã Hố Quáng Phìn nằm ở phía Nam của huyện Đồng Văn, có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 96,18%, còn lại là các dân tộc khác.
Khèn Mông là một nhạc cụ quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Mông. Cây Khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc. Cây Khèn Mông được các nghệ nhân chế tác ngay tại làng nghề của thôn Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn, là nơi có trên 150 năm truyền thống làm nghề chế tác khèn.
Hình ảnh Khung xoắn sợi lanh được các đồng bào dân tộc xã Sà Phìn giới thiệu với du khách
Còn xã Sà Phìn mang đến hình ảnh Khung xoắn sợi lanh trong buổi trình diễn. Khung xoắn sợi lanh được tạo ra từ 100% thân cây gỗ và được làm thủ công từ đôi bàn tay của người đàn ông Mông. Khung xoắn gồm 3 phần chính: Bánh quay, trục xoắn và khung đỡ. Người thợ vừa dùng tay giữ sợi lanh, vừa quay trục bằng đôi chân để tạo lực xoắn. Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều tay để sợi không bị đứt hoặc quá lỏng.
Khung xoắn sợi giúp biến những sợi lanh thô, còn ướt và mềm, thành những sợi chỉ bền chắc, đủ điều kiện để dệt thành vải. Dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng bản làng, nhưng người dân Sà Phìn vẫn cố gìn giữ nghề truyền thống, giữ nếp sống và tiếng nói của mình.
Đến với phần thi trình diễn diễu hành đường phố năm 2025, xã Lũng Táo mang đến mô hình những nét hoa văn truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Người Mông trắng đã sinh sống và gắn bó với mảnh đất cao nguyên biên cương, vừa sinh sống và bảo vệ biên cương như cột mốc sống. Sự kiên cường đó đã được người Mông trắng thể hiện trên những họa tiết hoa văn trong trang phục. Đó là những mảng hình cơ bản chắc khỏe tượng trưng cho núi đá trùng điệp với những màu sắc xanh đỏ vàng… thể hiện sự khát vọng vui tươi hiền hòa, ăn sâu, bám trụ trên những mảnh đất cao nguyên hùng vĩ.
Qua những bàn tay khéo léo trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm, kết hợp cùng kỹ thuật tạo hoa văn trên vải, thêu ghép vải, vẽ sáp ong với đủ sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ mất hơn 30 công đoạn mới tạo nên bộ trang phục dân tộc Mông đặc sắc, rực rỡ.
Mô hình quả lê của thị trấn Phố Bảng
Bên cạnh trình diễn những nét văn hóa đặc sắc, đồng bào các dân tộc huyện Đồng Văn cũng mang đến nhiều đặc sản của địa phương để giới thiệu tới du khách tại lễ hội. Đó là, thị trấn Phố Bảng với mô hình quả lê xanh. Cây lê được xem như loài cây xóa nghèo trên mảnh đất Phố Bảng nói riêng và huyện Đồng Văn nói chung. Dưới sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương, cây lê được trồng và chăm sóc bài bản từ đó cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Trước vẻ đẹp quyến rũ của hoa lê, nhiều du khách đã tìm đến các vườn trồng lê để tham quan chụp ảnh, nhờ đó các dịch vụ khác cũng được phát triển. Điều đó, giúp cho người dân tăng thêm thu nhập nâng cao giá trị cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội cho quê hương.
Hay xã Sủng Là nằm giữa lòng Cao nguyên đá Đồng Văn đã trình diễn mô hình cây hoa đào. Xã Sủng Là có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Đặc biệt vào mùa xuân là dịp muôn hoa đua nở, nổi bật là hoa đào, hoa mận, hoa lê, hoa tam giác mạch… Cây hoa đào là biểu tượng đặc trưng của mùa xuân vùng cao. Không chỉ là loài cây tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên, hoa đào còn mang đậm giá trị văn hóa tinh thần đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là người Mông.
Với người dân địa phương, cây đào không chỉ mang lại vẻ đẹp mùa xuân, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, sức sống và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là loài hoa thu hút du khách đến thưởng lãm và chụp ảnh mỗi độ Tết đến Xuân về.
Dân tộc Lô Lô xã Sủng Là đã trình diễn mô hình cây hoa đào tại lễ hội
Xã Sủng Trái mang đến lễ hội mô hình biểu tượng "Thùng ong" – một hình ảnh mộc mạc nhưng giàu giá trị văn hóa và gắn liền mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Mông.
Từ lâu, người dân Sủng Trái đã khéo léo tận dụng những khúc gỗ mục tự nhiên, hình tròn, để tạo nên thùng nuôi ong lấy mật. Gỗ làm thùng ong phải đảm bảo: nhẹ, dễ di chuyển, không nứt nẻ; có khả năng thoát ẩm tốt, kín đáo, tránh được gió, ánh sáng và sự khắc nghiệt thời tiết – đủ mát về hè, đủ ấm về đông.
Mật ong từ lâu đã là nguyên liệu quý trong ẩm thực truyền thống của người Mông. Không chỉ để ăn, mật ong còn dùng làm thuốc, làm quà tặng, trao đổi hàng hóa – và đặc biệt là nguồn thu nhập quan trọng, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của đồng bào nơi đây...
Màn trình diễn- diễu hành đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến Đồng Văn dịp này, là kinh nghiệm tốt để Ban tổ chức phát huy trong các ngày hội tiếp theo.
THÁI AN - Ảnh: TUẤN MINH