Hải Phòng là địa phương có nhiều di tích thờ Ngô Quyền, theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tính đến năm 2019 có 17 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp thành phố và một số di tích chưa được xếp hạng. Các di tích thờ tự Ngô Quyền tại Hải Phòng phong phú và đa dạng như: đền, từ, miếu, đình, chùa. Trong số loại hình di tích trên, hệ thống đình là phổ biến nhất, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Ngô Quyền đối với đời sống văn hóa của người dân Hải Phòng. Các di tích thờ tự Ngô Quyền tại Hải Phòng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là không gian lưu giữ và tái hiện những di sản văn hóa của dân tộc. Cùng với sự phát triển và biến đổi nhiều mặt của xã hội nên việc trùng tu, bảo tồn và tôn tạo những giá trị quần thể các di tích trên là vấn đề cần thiết, quan trọng hiện nay.
1. Khái quát về Ngô Quyền
Ngô Quyền sinh năm 897, mất năm 944, người làng Đường Lâm, nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây - Hà Nội. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Theo thần tích còn ghi chép lại, tại đền Gia Viên (quận Hồng Bàng - Hải Phòng), ông tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân đã từng chiêu mộ hơn 100 người để theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp chống quân Lương. Cha của Ngô Quyền là Ngô Mân làm Châu mục châu Đường Lâm và mẹ là bà họ Phạm, người cùng châu.
Ngay từ nhỏ, Ngô Quyền đã tỏ ra là một người trí dũng song toàn. Lúc nhỏ, ông sống ở quê cùng với cha mẹ và được cha truyền dạy các thuật bắn cung, sử dụng gươm giáo, giảng dạy về binh pháp. Tuy nhiên, do cha mẹ mất sớm nên Ngô Quyền đã sớm có cuộc sống tự lập. Khi lớn lên Ngô Quyền đã tiếp bước ý chí của cha ông, đứng ra tập hợp lực lượng giành và giữ quyền tự chủ của đất nước. Chính vì vậy, ông nhanh chóng trở thành người có thế lực ở vùng Đường Lâm. Vào thời điểm này, họ Khúc đã giành được quyền tự chủ và thi hành nhiều cải cách nhằm tăng cường quyền lực cho nhà nước, song quyền hành thực tế ở các địa phương vẫn nằm trong tay các hào trưởng. Năm 923, Ngô Quyền đã nhận lời mời về làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, đồng thời được gả con gái, giao cho chỉ huy 3.000 quân ngày đêm luyện tập võ nghệ, xây dựng lực lượng. Năm 931, Dương Đình Nghệ cử Ngô Quyền làm tướng tiên phong cùng ông tiến ra đến Giao Châu đánh đuổi quân Nam Hán, đồng thời phòng thủ thành Đại La. Cuối cùng Dương Đình Nghệ lên nắm quyền, Ngô Quyền được giao cho trấn giữ vùng Châu Ái. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Nhưng vị tân Tiết độ ѕứ lại không có chỗ dựa chính trị vững chắc, hành động tranh giành quуền lực của ông bị phản đối bởi nhiều thế lực địa phương và thậm chí nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Nam Hán. Ngô Quуền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn rồi chuẩn bị quуết chiến tới quân Nam Hán. Thắng lợi của Ngô Quуền trên ѕông Bạch Đằng vào năm 938 đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu хâm lược Tĩnh Hải quân của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc thời kỳ Bắc thuộc của Việt Nam. Để tưởng nhớ đến chiến công của ông, người dân Hải Phòng đã xây dựng nhiều di tích thờ tự với quy mô và tính chất khác nhau.
2. Hệ thống di tích thờ tự Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Các di tích thờ Ngô Quyền tại Hải Phòng phổ biến nhất là hệ thống các đình, ngoài ra ông còn được thờ ở một số đền, miếu, từ và phối thờ tự trong một số ngôi chùa.
Hiện nay, trong hệ thống di tích thờ tự Ngô Quyền trên Hải Phòng có 17 di tích quốc gia, 14 di tích cấp thành phố và 6 di tích chưa xếp hạng. Qua thống kê cho thấy, số lượng các di tích thờ tự Ngô Quyền phân bố không đồng đều tại các quận, huyện, cụ thể: chiếm số lượng thờ tự nhiều nhất là quận Hải An có 23/37 di tích, chiếm 62,16%; thứ hai là quận Ngô Quyền 7/37 di tích, chiếm 18,95%; thứ 3 là quận Lê Chân 4/37 di tích, chiếm 10,8%; cuối cùng huyện Thủy Nguyên 1/37 di tích, chiếm 2,7%. Số lượng di tích thờ tự Ngô Quyền tập trung ở các quận, huyện khác nhau cho thấy ảnh hưởng của tín ngưỡng này đến đời sống văn hóa của từng địa phương, sự lan tỏa, tác động của tín ngưỡng có sự khác nhau trong cùng không gian văn hóa. Ngoài ra, các di tích thờ Ngô Quyền phần lớn đã được xếp hạng, trong đó số di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 45,9%; số di tích xếp hạng cấp thành phố chiếm 37,8%; số di tích chưa được xếp hạng chiếm 16,2%. Số liệu thống kê còn cho thấy, những di tích thờ Ngô Quyền tại Hải Phòng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự đánh giá, nhìn nhận về giá trị lịch sử, văn hóa tại các di tích thờ tự ông hiện nay.
3. Giá trị của các di tích thờ tự Ngô Quyền
Giá trị lịch sử
Các di tích thờ tự Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều gắn với các sự kiện lịch sử chiến thắng của ông chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, vì vậy, nó mang nhiều giá trị lịch sử khác nhau. Ví như di tích miếu - chùa Hạ Đoạn là nơi Ngô Quyền dùng để đóng quân, do đó trong ngày lễ hội có tái hiện lại tục múa roi, đánh kiếm nhằm diễn tả khí thế xung trận của quân ta trong trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử. Tại di tích chùa Vẽ, tương truyền là nơi Ngô Quyền dùng làm nơi vẽ bản đồ tác chiến trên sông Bạch Đằng. Tại tòa giải vũ phía bên trái trong di tích từ Lương Xâm còn lưu giữ 3 chiếc cọc. Theo kết quả giám định của Bảo tàng Hải Phòng năm 2008, 3 chiếc cọc này là hiện vật gắn với trận chiến trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền… Như vậy, thông qua các di vật, các bản thần tích, lời kể của những bậc tiền bối, những nghi lễ, trò diễn được tái hiện trong lễ hội tại các di tích thờ Ngô Quyền mà những bài học lịch sử về đấu tranh và bảo vệ chủ quyền dân tộc được lưu truyền cho đến thế hệ mai sau một cách sinh động và đầy tính nhân văn.
Các di tích thờ tự Ngô Quyền tại Hải Phòng còn là minh chứng cho sự phát triển về tục thờ, tín ngưỡng thờ tự các vị anh hùng dân tộc. Nghiên cứu về các di tích thờ tự Ngô Quyền tại Hải Phòng không chỉ là những bài học lịch sử gắn với những năm đầu TK X, mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Giá trị văn hóa
Giá trị kiến trúc - trang trí mỹ thuật: Qua khảo sát thực tế về hệ thống các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc biệt là hệ thống các di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, di tích cấp thành phố, phần lớn những di tích này được xây dựng mang phong cách kiến trúc TK XVII, XVIII, XIX như: di tích miếu - chùa Trung Hành, di tích đình Hàng Kênh, di tích đình Hạ Lũng, di tích đình Đông Khê, di tích miếu - chùa Xâm Bồ…
Các di tích thể hiện sự đa dạng trong kết cấu kiến trúc, nhưng có sự trùng lặp ở từng nhóm như: kết cấu kiến trúc chữ công tập trung ở di tích đình Hàng Kênh, đình Dư Hàng, đình Hạ Lũng; kết cấu kiến trúc nội công ngoại quốc: di tích từ Lương Xâm, miếu Trung Hành; kết cấu kiến trúc hình chữ đinh: đình Lương Xâm, đình Xâm Bồ, đình Phụng Pháp, đình Đông Khê; kết cấu kiến trúc hình chữ nhị: đình Lũng Bắc, miếu Xâm Bồ… Như vậy, căn cứ vào từng loại hình di tích như miếu, từ, đình, đền mà ở mỗi di tích thờ tự Ngô Quyền có kết cấu kiến trúc khác nhau. Sự phong phú về kết cấu kiến trúc cho thấy được quy mô không gian thờ tự, ý thức mỹ cảm của cư dân gắn với di tích. Bên cạnh đó, các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn Hải Phòng chủ yếu được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống như: việc chọn hướng, chủ yếu là hướng Đông Nam và Tây; vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, kết hợp mái ngói với các đầu đao cong vút, bên trong là hệ thống cột, kèo, xà, các cửa võng chủ yếu làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng cùng với đó là hệ thống các bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của nhân vật phụng thờ. Các mảng trang trí trong và ngoài di tích chủ yếu là cây cỏ, hoa lá, con vật mang tính tượng trưng, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến hình tượng rồng. Ví như trong di tích đình Hàng Kênh, con rồng được chạm khắc chủ yếu mang phong cách thời Hậu Lê, đầu to, bờm lớn, có nhiều đao mác tua ra thể hiện ước vọng cho mưa thuận, gió hòa. Hình tượng rồng được chạm khắc tại đây có nhiều môtip khác nhau như hình tượng lưỡng long chầu mặt trời ở bờ nóc, trên các cửa võng, trên khám thờ, rồng ngậm ngọc ở các bức đầu dư, rồng ổ, cá chép hóa rồng. Rồng được chạm khắc theo lối chạm thủng, chạm lộng, chạm kênh bong. Hình tượng rồng là chủ đề trang trí chủ yếu ở các di tích thờ Ngô Quyền tại Hải Phòng nhằm biểu trưng sức mạnh quyền uy của bậc đế vương.
Giá trị văn hóa tâm linh: Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã đưa Ngô Quyền trở thành vị thần tối thượng trong lòng dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, khi ông qua đời, tại nhiều địa phương ở Hải Phòng đã cho xây dựng nhiều di tích thờ tự. Tại các đền thờ, Ngô Quyền trở thành vị thần của cả vùng rộng lớn. Tại các đình, Ngô Quyền trở thành vị phúc thần bảo vệ cuộc sống người dân ở địa phương. Ngoài ra, Ngô Quyền còn là vị thần gần gũi với người dân khi được thờ tự tại các miếu và trong các chùa. Tại các di tích thờ tự Ngô Quyền hằng năm diễn ra nhiều hoạt động nghi lễ nhằm tưởng nhớ ngày sinh, ngày hóa của ông, đặc biệt là tổ chức lễ hội với các nghi lễ, trò diễn tái hiện việc huấn luyện, tài cầm quân, sự chỉ đạo tác chiến của ông trong trận chiến trên sông Bạch Đằng. Tại các di tích phụng thờ Ngô Quyền trên địa bàn Hải Phòng, trong hệ thống thần điện ông được đặt ở vị trí trung tâm.
Tín ngưỡng thờ Ngô Quyền là hình thái tín ngưỡng phổ biến tại Hải Phòng, đồng thời hình thức thờ tự trên mang tính quy chuẩn, quy mô bởi được xác lập thông qua sắc phong của triều đình phong kiến. Bên cạnh đó, với người dân Hải Phòng, Ngô Quyền trở thành vị phúc thần luôn gần gũi, bảo vệ, che chở cho cuộc sống người dân, do đó những nghi thức thờ tự ông vẫn được duy trì và gìn giữ cho đến ngày nay. Các lễ hội diễn ra tại di tích thờ Ngô Quyền luôn nhận được sự quan tâm, thành kính của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, họ quy ước, lễ hội tổ chức tại từ Lương Xâm được diễn ra ngày 16 tháng Giêng âm lịch là lễ hội đầu tiên, còn các làng khác sang ngày 17 tháng Giêng mới được tiến hành. Trình tự lễ hội được diễn ra như trên bởi họ quan niệm từ Lương Xâm là đền Cả, là trung tâm thờ tự Ngô Quyền, do đó việc thực hành nghi lễ được diễn ra một cách quy củ và trật tự. Tại các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn Hải Phòng, lễ hội diễn ra chủ yếu gắn với ngày hóa của ông, ngoại trừ có 4 địa phương như: An Trì, Thượng Đoạn, Đoạn Xá và Cát Khê. Ngoài ra, nghi lễ thờ ông còn được diễn ra vào ngày sinh 12-3 (âm lịch), vào ngày chiến thắng trận chiến trên sông Bạch Đằng chống quân Nam Hán 14-8 (âm lịch).
Ngoài việc thờ tự Ngô Quyền gắn với những ngày lễ chính, người dân địa phương còn thực hiện các nghi lễ thờ tự riêng gắn với nhu cầu, mong muốn của họ. Vào ngày sóc, vọng trong tháng, người dân thường biện lễ nhỏ dâng lên thần, hay khi gia đình có việc lớn như dựng vợ, gả chồng cho con, họ không quên sắm sửa lễ vật mang ra đình để thỉnh cầu cho đôi trai gái hạnh phúc vẹn toàn. Như vậy, việc thờ phụng Ngô Quyền không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây mà còn thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của cộng đồng để đạt đến sự cân bằng đời sống tâm linh, qua đó giúp con người thêm lạc quan, vững tin trong cuộc sống thực tại.
4. Vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa các di tích thờ tự Ngô Quyền tại Hải Phòng
Hầu hết di tích thờ tự Ngô Quyền trên địa bàn Hải Phòng đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố, chính vì vậy mà hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích và những sinh hoạt văn hóa gắn với di tích càng được chú trọng và quan tâm.
Trước tiên cần có sự quy hoạch rõ ràng, cụ thể về không gian của từng di tích thờ tự Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Bởi lẽ các di tích tọa lạc gắn với không gian kiến trúc nhà ở của người dân, do đó việc xác định khoa học, chính xác không gian thờ tự của di tích với kiến trúc nhà ở của người dân địa phương là vấn đề cần được quan tâm, nhằm tránh gây những mâu thuẫn, tranh chấp, đồng thời góp phần bảo vệ nguyên vẹn quần thể giá trị lịch sử, văn hóa, tính tôn nghiêm, trang trọng của di tích.
Bên cạnh đó, các di tích thờ tự Ngô Quyền hiện nay đều đã được xếp hạng nên vấn đề tu bổ, tôn tạo cần dựa trên quy định, yêu cầu quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Các di tích thờ tự Ngô Quyền phần nhiều được xây dựng trên nền tảng kiến trúc truyền thống như: sử dụng vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, kết hợp mái ngói... với tác động của khí hậu, các kết cấu kiến trúc có những ảnh hưởng nhất định, nhất là hệ thống các cột chịu lực hiện đang bị ruỗng tâm, hệ thống các mái bị ẩm ướt... đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ hệ thống các di vật có trong di tích, ảnh hưởng đến không gian thờ tự và lâu dần dẫn đến sự xuống cấp của di tích. Trước thực trạng trên, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng cần xây dựng chiến lược tổng thể, có sự chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương hằng năm chủ động xây dựng và đề xuất các giải pháp trùng tu, tôn tạo, đảm bảo tính giá trị vốn có của di tích.
Đối với những sinh hoạt văn hóa diễn ra tại di tích, đặc biệt là công tác tổ chức, nội dung các lễ hội dần có sự thay đổi. Hiện nay, tại các di tích thờ Ngô Quyền, chủ yếu còn lưu giữ được nghi thức tế lễ, trong khi đó nhiều trò diễn mô phỏng khí thế xung trận, chiến thắng trên sông Bạch Đằng đã mai một. Cụ thể, thôn Trung Hành, xã Đằng Lâm xưa kia có tục múa roi diễn tả khí thế xung phong của quân ta. Hay như thôn Hạ Đoạn, xã Đông Hải có tục múa kiếm nhằm diễn tả khí thế xung trận giết giặc của Ngô Quyền... Tuy nhiên, cùng với thời gian những trò diễn, nghi thức đó dần đã bị mai một. Thực tế trên làm ảnh hưởng đến công tác gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thế hệ trẻ không cảm nhận được những giá trị lịch sử hào hùng gắn với di tích tại địa phương, đồng thời dẫn đến sự lãng quên, hạn chế về kiến thức trong việc tìm hiểu các tục diễn, trò diễn cổ gắn với lễ hội truyền thống. Từ thực tế trên, chính quyền địa phương cần đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khôi phục lại những nghi lễ, trò diễn cổ gắn với các lễ hội tại di tích.
Cùng với sự tác động của nền kinh tế thị trường, lợi dụng lòng tin của người dân mà một số đối tượng đã làm biến đổi những giá trị văn hóa tâm linh vốn có tại một số di tích, như: truyền bá mê tín dị đoan, mua thần bán thánh, sự lãng phí trong tục đốt vàng mã… tất cả yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Vì vậy, để hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng mang tính chất lành mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ban quản lý di tích cần nâng cao công tác tuyên truyền, giải thích để người dân có hành vi ứng xử đúng chuẩn mực như: sử dụng các loa phát thanh, bảng chỉ dẫn nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn, điều tiết hành vi ứng xử của người dân khi tham quan, tham dự nghi lễ tại di tích.
Cùng với sự biến đổi mọi mặt về đời sống xã hội, các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng chịu nhiều tác động tích cực và tiêu cực. Do đó, để bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể các di tích thờ Ngô Quyền, đồng thời để tạo môi trường giáo dục về tinh thần yêu nước, niềm tự hào và tôn vinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, thiết nghĩ cần có sự chung tay, góp sức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, phòng Văn hóa tại các địa phương có di tích thờ tự Ngô Quyền, ban quản lý di tích và người dân địa phương trong việc đề ra các chính sách, giải pháp nhằm bảo vệ, tôn tạo và trùng tu, góp phần bảo vệ bền vững những giá trị vốn có tại các di tích hiện nay.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Công Bá, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012.
2. Nguyễn Đăng Duy, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Hạnh, Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2019.
4. Trịnh Minh Hiên (chủ biên), Lễ hội truyền thống Hải Phòng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2011.
5. Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng, Địa chí Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1994.
6. Ngô Đăng Lợi, Trịnh Minh Hiên, Hải Phòng Thành hoàng và lễ phẩm, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2000.
7. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Trí Thức, TP.HCM, 2018.
8. Nguyễn Ngọc Thụy, Thủy triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Nghiên cứu lịch sử, số 2, 1982, tr.30-36.
9. Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng, 2019.
BÙI THỊ HỒNG THOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022