Ví, giặm được hình thành, phát triển trong lao động và đời sống của người dân Nghệ - Tĩnh, đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Những ca từ, giai điệu mộc mạc, dân dã được thể hiện trong ngữ âm, xứ Nghệ đã làm nên chất riêng của dân ca ví, giặm thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.
1. Đôi nét về dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh
Trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, ví và giặm là hai thể hát dân ca độc đáo của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với những nét riêng không thể lẫn với dân ca của bất cứ vùng miền nào. Ra đời cách đây hàng trăm năm, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, nên từng làn điệu, câu hát đều tương ứng với mỗi ngành nghề. Đây là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, được cộng đồng xứ Nghệ sáng tạo ra, ca từ có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống. Nhiều bài hát mang tính giáo dục sâu sắc: kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, trung thực, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Dân ca ví, giặm được thực hành rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), có 260 làng, trong đó 168 làng ở tỉnh Nghệ An và 92 làng ở tỉnh Hà Tĩnh có người thực hành dân ca ví, giặm.
Ví, giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Các kỹ năng hát đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy chủ yếu được trao truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu, trực tiếp từ các nghệ nhân, đảm bảo thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ - Tĩnh. Ví, giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát ví), 5 chữ (hát giặm), cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Hát giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn xen kẽ cùng nhau.
2. Đặc điểm của dân ca ví, giặm
Không gian hình thành văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, vùng đất Nghệ - Tĩnh đã nhiều lần đổi tên, đến thời nhà Nguyễn, trở lại tên gọi trấn Nghệ An. Đến thời vua Minh Mệnh, năm 1831, trấn Nghệ An được chia thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ năm 1976-1991, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập thành một tỉnh là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.
Trong công trình nghiên cứu của mình, GS Ngô Đức Thịnh đã chỉ ra những yếu tố cấu thành văn hóa vùng gồm: hoàn cảnh tự nhiên, nguồn gốc dân cư, điều kiện lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa. Như vậy, không gian đặc định của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ có lẽ phải tính đến những cơ duyên lịch sử đã tác động đến vùng đất này để tạo nên một cái nôi văn hóa mà từ đó con người và văn hóa xứ Nghệ được hình thành và phát triển. Chính tính chất biên viễn và những mối quan hệ qua lại khá phức tạp giữa ngoại vi với trung tâm, giữa người Việt và các dân tộc thiểu số trước đây với người Chăm chính là những nhân tố tác động mạnh mẽ để hình thành nên những đặc điểm về tính cách của con người và đặc trưng văn hóa của vùng đất này.
Có thể nói, tính cách của người xứ Nghệ được hình thành bởi thế ứng xử của con người trong môi trường chính trị, lịch sử, xã hội của vùng đất này. Đã có nhiều nhận xét và ý kiến trái chiều nhau về tính cách của con người nơi đây, bởi có nhiều nhân tố hợp thành và tương tác với nhau trong nguồn gốc cư dân. Tính cách người xứ Nghệ mang nhiều nét đa dạng và cả nhiều đối cực, do đó, khó có thể nhận xét một chiều. Đặc điểm nổi trội trong tính cách con người nơi đây là tính cộng đồng cao. Họ sử dụng một phương ngữ hết sức đặc biệt, một thứ phương ngữ đã biến họ thành một cộng đồng có bản sắc độc đáo, nó đi vào dân ca ví, giặm, làm nên một thế giới nghệ thuật đậm chất nhân văn.
Nguồn gốc tên gọi “ví, giặm Nghệ - Tĩnh”
Tên gọi là một yếu tố ngôn ngữ được sử dụng có ý thức để cho đối tượng có một cái tên nhất định và thể hiện văn hóa - tư tưởng của người đặt tên. Với những đối tượng mang tính tập thể, là sản phẩm của cả một cộng đồng thì tên gọi lại càng cần phải có lý do, ý nghĩa phù hợp với tri nhận của cộng đồng. Ở một góc độ nào đó, tên gọi thể hiện một cách cô đúc nhất, khái quát nhất những đặc điểm cơ bản của đối tượng. Qua tên gọi, người ta có thể hình dung được phần nào về đối tượng được gọi tên. Về tên gọi ví, giặm: ví và giặm là hai thể hát của dân ca xứ Nghệ, bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Người dân nơi đây vẫn thường gọi là hát ví và hát giặm.
Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn tồn tại hai cách gọi về ví, giặm và dân ca nói chung là dân ca xứ Nghệ, ví giặm xứ Nghệ, dân ca Nghệ - Tĩnh, dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh. Vì sao có những cách gọi này, có lẽ là do về mặt địa giới, Hà Tĩnh và Nghệ An chỉ ngăn cách nhau bởi con sông Lam. Phía Nam sông Lam là Hà Tĩnh, phía Bắc sông Lam là Nghệ An. Mặc dù thuộc hai đơn vị hành chính, song về đặc điểm địa hình, khí hậu cả hai tỉnh đều có những điểm giống nhau. Về thổ âm, thổ ngữ và các phong tục, nếp sống của cư dân hai tỉnh cũng tương đồng. Có thể nói, tuy hai mà là một. Với việc gắn liền tên gọi địa danh các vùng, xứ Nghệ trở thành một danh từ, đơn vị để chỉ riêng một vùng văn hóa được kết tụ các giá trị về vật chất và tinh thần, về tự nhiên và xã hội, về phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, về địa lý, dân cư… Dù trải qua nhiều thay đổi về tên gọi, cách gọi và sự chia cắt về mặt hành chính, song những giá trị văn hóa truyền thống không hề mất đi, mà ngược lại còn tồn tại và in đậm trong tâm thức của mỗi người, trở thành một nét văn hóa riêng có của vùng miền. Cũng bởi vậy mà tên gọi xứ Nghệ với dân ca xứ Nghệ, ví, giặm xứ Nghệ được hình thành và in sâu trong các thế hệ người dân, có tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa xứ Nghệ và trở thành một định danh gắn bó với cộng đồng hai tỉnh dù đã có sự chia tách về địa giới và tổ chức hành chính. Tuy nhiên, dù thế nào, vùng văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn là một thể thống nhất không thể tách rời.
Sự hình thành và phát triển của văn hóa ví, giặm
Cũng như nhiều loại hình văn hóa dân gian khác, ví, giặm xứ Nghệ được hình thành và phát triển trong môi trường văn hóa nông nghiệp lúa nước. Không gian văn hóa của ví, giặm trải dài, phủ rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ miền núi đến đồng bằng ven biển và hai bên bờ sông Lam. Ra khỏi vùng đất xứ Nghệ, chia tách khỏi người xứ Nghệ, ví, giặm khó tồn tại, phát triển. Đây là một nét rất riêng, cho thấy bên cạnh khung cảnh thiên nhiên, tâm hồn điệu sống, sinh hoạt văn hóa của cư dân xứ Nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển của loại hình này. Nói cách khác, sinh quyển của ví, giặm được tạo nên từ tâm hồn, nhịp sống của đất và người xứ Nghệ. Mất những yếu tố đó, nó không có cơ sở để tồn tại, phát triển.
Ví, giặm là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến ở xứ Nghệ - Ảnh: Hồng Hân
Ví, giặm trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến ở xứ Nghệ từ TK XVIII. Đến nay, nó đã có một lịch sử tồn tại và phát triển hơn hai thế kỷ. Đó là khoảng thời gian chưa dài, song cũng đủ để định hình, thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người. Phương thức diễn xướng của ví, giặm vừa có hát lẻ, vừa có hát cuộc. Dù hát trên sông, trên đồng ruộng, trên bến dưới thuyền hay bên khung cửi sau lũy tre làng... thì không gian diễn xướng vẫn là không gian làng quê, gắn với ba yếu tố cơ bản là nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Ca từ của ví, giặm mộc mạc, dân dã, gần với ngôn ngữ đời sống được “Nghệ hóa”, “dân gian hóa” từ vốn ngôn ngữ có sẵn, tạo nên một hệ thống ca từ phong phú, đặc sắc vào loại bậc nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam.
Có thể thấy, ví, giặm thực sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo tồn các giá trị văn hóa làng quê xứ Nghệ. Nếu văn hóa, văn học dân gian là sự thể hiện khát vọng và ý thức dân chủ thì ví, giặm xứ Nghệ là điển hình cho tính dân chủ ấy. Ở đó không có luật lệ nghiêm ngặt, không phân biệt trên dưới, sang hèn và không có những điều cấm kỵ. Sự phóng túng trong tư tưởng được thể hiện ở ngôn từ, sự bình đẳng, gần gũi trong hình thức xưng hô. Có thể nói, đó là một phương thức giao tiếp độc đáo, đặc sắc ở các làng quê xứ Nghệ truyền thống. Nhờ đó, nhiều giá trị tinh thần được lưu giữ và phát triển.
Dân ca ví, giặm là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Nghệ
Ví, giặm là thể loại dân ca mang đậm bản sắc xứ Nghệ cả về điệu hát, ca từ, nội dung và không gian, thời gian thể hiện. Đó là sản phẩm tinh thần, phản ánh trung thực những khía cạnh độc đáo của cuộc sống con người nơi đây. Người xứ Nghệ vốn có năng khiếu sáng tác, ứng khẩu, kết hợp với chất giọng lạ nhưng đậm đà, man mác đến da diết, chính là chủ thể sáng tạo và trao truyền ví, giặm. Loại hình dân ca này chủ yếu diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng với quy mô và không gian đa dạng, gắn kết với sinh hoạt cộng đồng, chính điều đó đã tạo nên những đường nét cơ bản, những chiều kích chủ yếu trong nguồn gốc ra đời, chủ nhân sáng tác, sáng tạo và môi trường tồn tại, phát triển của nó.
Trang phục biểu diễn dân ca ví, giặm
Trang phục là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, thể hiện trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân, dân tộc và thời đại. Dân ca ví, giặm đã lưu giữ một phần lớn linh hồn, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cũng như lối sống của người dân, không chỉ qua ca từ, làn điệu mà còn thể hiện rõ nét qua trang phục. Nó tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại rất hài hòa với môi trường, thiên nhiên, mang vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn của tâm hồn người dân xứ Nghệ như: kiểu cách thường đơn giản, thực dụng, đa dùng; màu sắc nghiêng về trầm ấm hoặc trung tính. Chất liệu thường mộc mạc và lấy “ăn chắc, mặc bền” làm chính.
Phụ nữ xưa trình diễn ví, giặm thường mặc áo dài tứ thân, bên trong mặc áo yếm, áo cánh, váy dài, thắt dải lưng, bao tượng; đầu vấn tóc độn khăn hình bầu dục; chân đi guốc, dép hay hài cỏ. Áo tứ thân, phần lưng gồm 2 mảnh ghép lại, phía trước có 2 thân tách rời nhau. Áo này thường làm bằng lụa, vải phin và có các màu nâu thẫm, nâu non, xanh cốm và vạt buông xuống. Tuy đơn giản hơn nhưng nó vẫn không làm giảm đi nét đẹp yêu kiều, duyên dáng của phụ nữ xứ Nghệ. Về sau, người ta đã sáng tạo ra chiếc áo dài ngũ thân dành cho cả nam và nữ. Áo này có kiểu giống áo tứ thân, mỗi thân trước và sau đều có hai tà khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm và khép kín nhờ 5 chiếc khuy tròn bằng vải hoặc đồng. Như vậy, áo ngũ thân không những tôn vinh giá trị cao quý của con người trong mối tương quan với gia đình và xã hội mà còn thể hiện đạo làm người, gói ghém nhân sinh quan của dân tộc. Bởi vậy, tùy từng đối tượng, tầng lớp mà người ta may kiểu áo nào cho phù hợp và nhìn vào trang phục ta cũng có thể biết nghệ nhân là của vùng nào.
Ngoài hai loại áo trên, trang phục phổ biến của nghệ nhân còn có áo ngắn ngũ thân và áo cánh. Hai loại áo này được sử dụng rộng rãi vì nó đơn giản, gọn gàng, tiện cho sinh hoạt và làm việc. Chất liệu thường bằng vải mộc, diềm bâu, phin, lụa. Nghệ nhân nam mặc áo ngắn ngũ thân với quần ống rộng, đũng sâu, buộc dải lưng ngoài áo, thắt nút để múi so le ở dưới hông phía bên phải, đầu chít khăn mỏ rìu, đi chân đất hoặc dép cỏ. Nghệ nhân nữ thì mặc áo cánh với váy hoặc quần dài, bên trong mặc yếm, vừa lao động vừa hát. Kiểu trang phục đặc biệt không thể không nhắc đến đối với nghệ nhân chính là chiếc áo yếm. Áo yếm thường được các bà, các cô dùng để mặc bên trong, kết hợp với áo cánh hoặc áo dài.
Phương ngữ với đặc trưng của dân ca xứ Nghệ
Nhắc đến văn hóa xứ Nghệ không thể không nhắc đến dân ca và ngược lại, khi nói đến dân ca xứ Nghệ là đang nói đến một biểu hiện đặc trưng của văn hóa truyền thống nơi đây. Một trong những yếu tố quan trọng khi nói đến đặc trưng dân ca của một vùng đó là ngôn ngữ. Cùng với nhạc, lời ca làm nên giá trị, đặc trưng của dân ca xứ Nghệ, trong đó, nhân tố tạo nên dấu ấn, sắc thái riêng đó là tiếng Nghệ với giọng nói, từ ngữ địa phương.
Hình thức, nội dung của ví và giặm có phần khác nhau, nhưng đó đều là thơ, những câu hát dân ca độc đáo nhất. Những từ ngữ được sử dụng trong hát giặm rất mộc mạc, chân chất như trong đời sống hằng ngày. Phần nhạc ít mượt mà và lời lẽ cũng ít trau chuốt so với hát ví, bởi nó là bài hát gồm nhiều lời hát, nặng tính tự sự, phản ánh cuộc sống thường ngày với những câu chuyện, những biến cố, bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng riêng của người xứ Nghệ.
Sự biến đổi của hàng loạt âm chính trong tiếng Nghệ - Tĩnh so với tiếng Bắc Bộ có tính hệ thống, đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong phát âm, tạo nên đặc trưng giọng Nghệ, tiếng Nghệ và đó cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng vùng miền trong ví, giặm, làm cho dân ca vùng này không trộn lẫn với các vùng khác. Đối với người Nghệ - Tĩnh, âm thanh, giọng nói ấy đã thấm sâu vào máu thịt, cho nên, nghe dân ca ví, giặm là nghe thấy sự gần gũi, tha thiết, thân thương như tiếng lòng mình. Bởi vậy, ngôn ngữ của dân ca Nghệ - Tĩnh hồn nhiên, tự nhiên, rất gần với khẩu ngữ, không mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Ngoài đặc điểm dùng từ theo thói quen thì cái riêng của dân ca Nghệ - Tĩnh có lẽ ở sự lựa chọn dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện.
3. Giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh
Giá trị nhân văn truyền thống
Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều thống nhất rằng, dân ca ví, giặm cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nguồn gốc từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, do vậy đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau cho thấy, đến TK XVII - XVIII, hát ví, giặm đã rất phát triển, trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến trong cộng đồng cư dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ TK XIX đến giữa TK XX, dân ca ví, giặm được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng Văn Bá… Do vậy, từ một hình thức văn nghệ dân gian của người lao động, cùng với sự đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng… theo dòng thời gian, loại hình dân ca này đã ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn hóa hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca ví, giặm được cải biên thành những bài vè, đối ca, hoạt ca, trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần của bộ đội, dân quân và nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể được thực hành bởi cá nhân hoặc tập thể, từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng… Do vậy, nó dễ được tiếp nhận và phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng.
Dân ca ví, giặm là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống người dân, là bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ. Người dân xứ Nghệ hát ví, hát giặm ở mọi lúc, mọi nơi, khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... Như một cách tự nhiên nhất, hát ví, giặm trở thành phương tiện nghệ thuật phổ biến để người dân giãi bày tâm tư, tình cảm; để trai gái thể hiện tình yêu đôi lứa; cộng đồng thể hiện sự gần gũi, gắn kết; con người thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm còn thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu đạt tối đa về tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương mà chưa có loại dân ca nào ở Việt Nam lại mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ như vậy.
Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể có nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc. Nội dung bao quát từ mô tả cuộc sống sản xuất sinh hoạt đến phản ánh lịch sử phong tục, tập quán lễ nghi, ca ngợi tình yêu quê hương và đặc biệt là phản ánh tình yêu nam nữ. Những nội dung này được thể hiện một cách vô cùng sâu lắng, thiết tha bởi con người luôn phải kiên cường đấu tranh với tự nhiên đầy khắc nghiệt. Các bài dân ca ví, giặm đều mang tính giáo dục sâu sắc, góp phần giáo huấn con người trên mọi phương diện đạo đức, luân lý, lối sống, đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, ca ngợi tình yêu chung thủy, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng trung thực, cao thượng, nhân ái… Do vậy, nó là một công cụ hữu hiệu góp phần giữ gìn, trao truyền những thuần phong mỹ tục, lối ứng xử tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống. Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, dân ca ví, giặm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người Nghệ - Tĩnh trong việc tạo dựng những đặc trưng văn hóa của một vùng đất nổi tiếng là hiếu học và khoa bảng.
Bên cạnh đó, đây còn là loại hình diễn xướng dân gian có nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của địa phương. Dân ca ví, giặm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi có lối hát vừa mang tính ngẫu hứng linh hoạt, uyển chuyển, vừa có tính lề lối quy cách bài bản, thể hiện rất rõ những đặc tính của địa phương. Về thể thức trình diễn, ví, giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Về âm điệu, làn điệu, tiết tấu, hát ví là thể hát tự do, ngâm vịnh dựa theo các thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, đồng thời phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát, về cơ bản chúng có chung một làn điệu. Có khác chăng là khi buồn thì hát giọng trầm; khi vui hát giọng cao, phấn khởi; khi giận hờn thì hát giọng gấp gáp, bực tức... Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại, thường có nhịp là 3/4 và 6/8. Lời hát giặm chủ yếu dựa theo thể thơ 5 chữ (thơ ngũ ngôn hoặc vè). Một bài giặm thường có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4. Hai lối hát ví và giặm luôn được hát xen kẽ cùng nhau. Mỗi người có thể hát ví với âm điệu tự do, hoặc hát giặm có phách mạnh, phách nhẹ hoặc hát cả hai. Mỗi điệu hát là một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều toát lên hồn vía, cốt cách của con người xứ Nghệ.
Giá trị đối với phát triển du lịch
Di sản văn hóa nói chung luôn là nội dung thu hút và hấp dẫn khách du lịch. Du lịch tìm hiểu di sản văn hóa có thể phát huy, biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động du lịch, di sản văn hóa được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới. Việc kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch đưa dân ca ví, giặm vào trong chương trình hoạt động du lịch là một hướng đi có tính khả thi và cần thiết hiện nay. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy được giá trị di sản, vừa đạt được mục đích kinh tế, phát triển du lịch. Sau khi dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích và đưa loại hình dân ca này vào phát triển du lịch. Nổi bật nhất là việc giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn để thành lập các câu lạc bộ dân ca ở các đơn vị khách sạn, nhà hàng. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức biểu diễn nhiều chương trình phục vụ du khách thập phương.
4. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, nhu cầu cảm thụ về văn hóa tinh thần của người dân ngày một cao. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là vấn đề cần được các ngành, các cấp quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện. Bởi với đặc trưng về không gian và phương ngữ, dân ca ví, giặm vượt ra khỏi ranh giới xứ Nghệ sẽ khó tồn tại và phát triển. Với tình yêu quê hương, đất nước chứa đựng trong từng ca từ, làn điệu, dân ca ví, giặm đã truyền cảm hứng để người dân nơi đây vượt lên những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và cuộc sống.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.
2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.
3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.
4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.
NGUYỄN PHƯƠNG THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022