Tóm tắt: Dựa trên lý thuyết về ký ức tập thể, nghiên cứu này phân tích cách các cựu chiến binh gìn giữ và biến đổi bản sắc của mình thông qua các hoạt động tưởng niệm, tham gia xã hội trong việc nâng cao nhận thức lịch sử và bản sắc dân tộc của thế hệ trẻ như trở lại chiến trường xưa và kể chuyện lịch sử, giúp thanh niên hiểu sâu sắc hơn về những hy sinh trong quá khứ vì độc lập dân tộc. Thông qua trường hợp nghiên cứu về Câu lạc bộ Mãi Mãi Tuổi 20 (CLBMMT20), cho thấy kết quả nghiên cứu về những ký ức chiến tranh không phải là một thực thể tĩnh, mà là một động lực tiếp tục định hình bản sắc cá nhân và trách nhiệm xã hội trong hiện tại, có vai trò khám phá những ký ức chiến tranh trong việc định hình bản sắc cựu chiến binh Việt Nam trong xã hội đương đại. Đồng thời, bài viết đóng góp cho việc nghiên cứu ký ức, chủ nghĩa dân tộc, cũng như mối quan hệ giữa ý thức lịch sử và sự hình thành bản sắc trong xã hội đương đại.
Từ khóa: ký ức chiến tranh, bản sắc cựu chiến binh, ký ức tập thể, truyền tải liên thế hệ.
Abstract: Drawing upon the theory of collective memory, this study analyzes how veterans preserve and transform their identities through commemorative activities and social participation. These activities, such as returning to former battlefields and sharing historical narratives, aim to enhance historical awareness and national identity among the younger generation, thereby fostering a deeper understanding of past sacrifices for national independence. Through a case study of the Forever 20 Club (CLBMMT20), the research reveals that war memories are not static; rather, they are a dynamic force that continues to shape personal identity and social responsibility in the present. This analysis contributes to exploring how war memories influence the identity of Vietnamese veterans in contemporary society. Furthermore, the article contributes to the broader study of memory, nationalism, and the relationship between historical consciousness and identity formation in contemporary society.
Keywords: war memory, veteran identity, collective memory, intergenerational transmission
Đặt vấn đề
Hình ảnh người lính với lòng nhiệt huyết và sự kiên cường luôn là nguồn cảm hứng để cộng đồng nhớ về quá khứ và hướng tới tương lai. Các tổ chức như CLBMMT20 thành lập năm 2022 - tiền thân là Quỹ “Mãi Mãi Tuổi 20” do UBND thành phố Hà Nội thành lập năm 2005 chính là minh chứng sống động cho quá trình chuyển hóa ký ức thành hành động (1). Nghiên cứu về cuộc sống đương đại của cựu chiến binh là một đề tài quan trọng nhưng còn rất nhiều khoảng trống. Do vậy, bài viết này như một điểm nhấn về ý nghĩa và tiềm năng của một chủ đề lớn trong đời sống xã hội Việt Nam.
Bài viết tập trung nghiên cứu cách cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản sắc qua trường hợp CLBMMT20. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính, kết hợp phỏng vấn sâu và quan sát tham gia. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 10 cựu chiến binh của CLBMMT20, khai thác ký ức chiến tranh, động lực cống hiến và tinh thần kết nối cộng đồng, đồng thời quan sát sự tương tác giữa họ và thế hệ trẻ trong các hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống.
1. Ký ức chiến tranh và bản sắc người lính
Trước tiên, ký ức chiến tranh không chỉ là các trải nghiệm cá nhân mà còn là một phần của ký ức tập thể và văn hóa. Maurice Halbwachs (1950) là người đầu tiên đưa ra khái niệm “ký ức tập thể”, ông cho rằng ký ức cá nhân không tồn tại độc lập mà luôn gắn liền với các nhóm xã hội như gia đình, cộng đồng hoặc quốc gia. Từ đó, ký ức định hình và duy trì các giá trị chung. Theo Halbwachs (1950), những trải nghiệm trong ký ức của mỗi cựu chiến binh đều nằm trong một khuôn khổ xã hội, mà ở đó họ cảm nhận và kể lại chiến tranh dưới góc độ của một người lính và qua lăng kính của một thành viên trong cộng đồng dân tộc (2).
Ngoài việc tái hiện các sự kiện lịch sử, các nghiên cứu về ký ức chiến tranh cũng đi sâu vào cách ký ức được tái cấu trúc và ý nghĩa của chúng đối với cá nhân và xã hội. Edna Lomsky-Feder (2004) nhấn mạnh rằng ký ức cá nhân của cựu chiến binh không tồn tại độc lập mà luôn nằm trong “trường ký ức”(3). Đó là một cấu trúc xã hội nơi các giá trị và khuôn mẫu văn hóa quyết định điều gì đáng được ghi nhớ và thể hiện. Từ đó, tái cấu trúc ký ức tập thể góp phần định hình cách xã hội nhận thức và tưởng nhớ chiến tranh. Joanna Bourke (2004) xem xét các trải nghiệm chiến tranh như một phần của ký ức tập thể được định hình và lưu giữ trong văn hóa cộng đồng. Bourke khẳng định rằng ký ức chiến tranh còn là sản phẩm của các biểu tượng và giá trị văn hóa chịu ảnh hưởng của bối cảnh chính trị và xã hội đương thời. Ký ức tập thể về chiến tranh đóng vai trò định hình bản sắc và tạo ra các giá trị văn hóa gắn kết cộng đồng (4).
Xây dựng trên lý thuyết của Halbwachs, Jan Assmann phát triển khái niệm “ký ức văn hóa”. Theo ông, ký ức còn là một phần của văn hóa, được lưu truyền qua các hình thức truyền thống và biểu tượng văn hóa. Khi ký ức cá nhân được xã hội lưu truyền, sẽ chuyển hóa thành ký ức văn hóa, từ đó tạo nên một phần của di sản văn hóa chung (5). Ký ức văn hóa mang tính lâu dài, tiếp nối thế hệ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Assmann cho rằng ký ức văn hóa được hệ thống hóa sẽ giúp các cộng đồng tiếp nối hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá khứ và các giá trị gắn bó bền vững của cộng đồng mình. Trong Memory in Culture (Ký ức trong văn hóa) (2011), tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ký ức chiến tranh trong các nghi lễ và biểu tượng công cộng như một cách bảo tồn và truyền tải các giá trị văn hóa (6).
Tiếp nối khung lý thuyết này, Siri Driessen (2021) đã nghiên cứu các cựu chiến binh Hà Lan trở lại Nam Tư cũ để tái cấu trúc ký ức chiến tranh qua ba giai đoạn: nội tâm hóa, tương tác xã hội và tham gia cộng đồng (7). Nghiên cứu này làm sáng tỏ cách ký ức chiến tranh không tĩnh tại mà được xử lý và tái cấu trúc qua không gian và thời gian. Điều này góp phần giúp các cựu chiến binh hòa giải với quá khứ, định hình lại bản sắc cá nhân và tái hòa nhập xã hội. Driessen cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc hỗ trợ cựu chiến binh - yếu tố quan trọng để hiểu rõ hơn vai trò của ký ức trong việc duy trì và củng cố bản sắc dân tộc.
Tiếp cận ký ức chiến tranh của Heonik Kwon (2012) trong chuyên khảo Ghosts of War in Vietnam (Ma chiến tranh ở Việt Nam) được thể hiện qua hình ảnh “ma chiến tranh” trong bối cảnh Việt Nam, nhìn nhận các hồn ma chiến tranh như một dạng ký ức xã hội bị lãng quên (8). Theo ông, những câu chuyện về bóng ma chiến tranh là câu chuyện về sự tưởng niệm. Những hồn ma này đại diện cho những ký ức bị quên lãng hoặc bị gạt ra ngoài, những điều không được nhắc đến trong các diễn ngôn lịch sử chính thống. Nghi lễ thờ cúng và các hoạt động tưởng nhớ những hồn ma trong chiến tranh là cách mà cộng đồng cố gắng bảo tồn và tái hiện những ký ức này. Quan điểm của Kwon mở rộng lý thuyết Ký ức tập thể của Halbwachs, khi ông chỉ ra rằng các ký ức cá nhân về chiến tranh không chỉ được tái hiện qua câu chuyện của người sống mà còn qua các hình thức văn hóa và nghi lễ tín ngưỡng, từ đó duy trì và tái cấu trúc ký ức lịch sử của cộng đồng (9).
2. Bản sắc người lính
Bản sắc được hiểu là cách thức mà cá nhân và nhóm xác lập hình ảnh của chính mình, thông qua việc liên kết với các đặc điểm, giá trị và vị trí xã hội nhất định. Đối với những người lính Việt Nam, bản sắc được định hình từ những trải nghiệm cá nhân trong chiến tranh và là sự kết tinh của các giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Quá trình này không dừng lại ở thời chiến mà tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời bình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa - xã hội hiện đại. Trong đó, ba giá trị nổi bật tạo nên bản sắc người lính gồm: chủ nghĩa yêu nước và tinh thần trách nhiệm; tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng; tính kỷ luật và đạo đức sống.
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần trách nhiệm: Lẽ sống của người lính
Lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm là giá trị cốt lõi tạo nên sợi dây kết nối cá nhân với cộng đồng và vận mệnh dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” (10). Với người lính, lòng yêu nước không dừng ở một cảm xúc cá nhân mà trở thành động lực hành động, hun đúc qua quá trình xã hội hóa trước khi nhập ngũ và được củng cố trong môi trường quân đội. Ý thức về chủ quyền, độc lập, trách nhiệm với Tổ quốc đã trở thành một phần máu xương trong căn tính người Việt. Trong quân ngũ, tinh thần trách nhiệm được rèn giũa qua kỷ luật và mệnh lệnh, nhưng sâu sắc hơn là thông qua mối liên kết bền chặt giữa những người đồng đội.
Khái niệm “cộng đồng tưởng tượng” của Benedict Anderson (1983) giúp lý giải cách người lính nhận thức bản thân không chỉ là một cá nhân, mà là một phần của một tập thể có chung lý tưởng và trách nhiệm (11). Điều này thể hiện rõ qua sự sẵn sàng hy sinh, khi mỗi cá nhân đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân xem trách nhiệm với đồng đội và Tổ quốc là kim chỉ nam cho hành động.
Tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng: Sức mạnh của sự đoàn kết
Trong chiến tranh không một người lính nào bước ra trận tuyến một mình, họ chiến đấu cùng đồng đội, cùng nhân dân và cả dân tộc. Nếu chủ nghĩa yêu nước là ngọn lửa cháy trong tim, thì tinh thần tập thể là sức mạnh giữ cho ngọn lửa ấy không bao giờ tàn lụi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Sự gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng là một nguyên tắc tổ chức quân đội, đồng thời phản ánh giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Tinh thần tập thể giúp quân đội duy trì sức mạnh ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, củng cố niềm tin vào chiến thắng (12); và trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2023) cũng nêu rõ: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (13).
Tinh thần tập thể của người lính thể hiện qua sự phối hợp chiến đấu, sự sẻ chia, hy sinh vì đồng đội. Sợi dây liên kết ấy gắn bó họ trong chiến tranh cũng nối kết họ suốt cuộc đời. Đây cũng là lý do vì sao ngay cả khi đã rời xa quân ngũ, những người lính vẫn tiếp tục gắn bó với cộng đồng và cống hiến cho xã hội.
Tính kỷ luật và đạo đức sống: Nền tảng sức mạnh của người lính
Môi trường quân đội đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc về tổ chức, kỷ luật, rèn giũa con người trong một khuôn khổ trách nhiệm chặt chẽ. Điều này dù tạo ra áp lực lớn nhưng lại rèn luyện ý chí kiên cường và khả năng kiểm soát bản thân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong Di chúc của Người: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (14). Những phẩm chất này là chuẩn mực đạo đức cá nhân, kim chỉ nam hành động dẫn người lính cống hiến vì Tổ quốc, nhân dân. Ngay cả khi rời quân ngũ, cựu chiến binh vẫn giữ vững tinh thần liêm chính, trách nhiệm, tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Và một cựu chiến binh Trương Công Đạo nhớ lại: “Mới hôm qua còn là sinh viên với những ngày tháng bình yên, giờ đây đã bắt đầu làm quen với cuộc sống khắc nghiệt của người lính. Chỉ có ý thức chính trị và tinh thần chấp hành kỷ luật quân đội mới giúp vượt qua mọi khó khăn” (15). Sự thay đổi từ một công dân bình thường sang một người lính đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường và kỷ luật sắt. Nếu trong cuộc sống thường ngày, con người có thể tùy ý lựa chọn hành động, thì trong quân đội, mọi quyết định đều gắn với tính tập thể và sứ mệnh quốc gia.
3. Cựu chiến binh và những nỗ lực gìn giữ ký ức chiến tranh
Bản sắc người lính Việt Nam: Không chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại và tương lai
Bản sắc của người lính không dừng lại khi tiếng súng ngừng vang. Dù đã rời xa chiến trường, họ vẫn tiếp tục mang trong mình tinh thần kiên trung, ý chí sắt đá và trách nhiệm với đồng đội, với đất nước. Khi trở về với đời thường, những giá trị cốt lõi làm nên hình ảnh người lính bền bỉ hiện diện qua những hoạt động tri ân, thiện nguyện và giáo dục thế hệ trẻ. Họ tiếp tục chiến đấu trong cuộc sống hiện tại, để giữ gìn ký ức, truyền bá giá trị và lan tỏa tinh thần trách nhiệm. Khi người lính trở về từ chiến tranh là cá nhân với câu chuyện riêng nhưng cũng nằm trong một phần của lịch sử tập thể. Họ mang theo trong mình những ký ức không bao giờ lụi tàn, liên kết vô hình nhưng bền chặt với đồng đội đã ngã xuống. Mỗi lần quay lại chiến trường xưa, đứng trước những ngôi mộ đồng đội, hiện lên trong họ không chỉ quá khứ mà còn đó là sự hiện diện của một thời tuổi trẻ sống động, đầy lý tưởng. Giữ cho mình “chất lính” trong cuộc sống đời thường, ngoài việc giữ gìn một phần ký ức còn là một hành trình nối dài từ ký ức ấy chuyển hóa thành hành động - hành động vì đồng đội, vì thế hệ trẻ, vì đất nước mà họ đã chiến đấu để bảo vệ.
Tri ân và thiện nguyện: Khi ký ức trở thành hành động
Bên cạnh ý nghĩa tưởng nhớ, các hoạt động tri ân của cựu chiến binh cũng là cách họ thực hiện trách nhiệm đạo đức đối với quá khứ. Trong đó, CLBMMT20 là một minh chứng tiêu biểu với chuỗi hoạt động “Hành trình Tri ân - Thiện nguyện” được duy trì suốt gần 20 năm qua. Đó là những hành trình đầy xúc cảm - nơi những người lính năm xưa gặp lại nhau, cùng ôn lại những ký ức, cùng sống lại tinh thần của một thời “vào sinh ra tử”. Hành trình tri ân năm 2024 với chủ đề “Non sông một dải, Bắc - Nam một lòng” diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20-7 tại Nghệ An và Hà Tĩnh là một minh chứng rõ nét. Đoàn cựu chiến binh đã đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ, những địa danh lịch sử, trao quà cho các gia đình khó khăn, tổ chức giao lưu nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca tuổi 20” - tất cả những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa tri ân, mà còn kết nối quá khứ với hiện tại, truyền tải tinh thần người lính đến thế hệ trẻ.
Những chuyến đi là cuộc hành trình trên bản đồ nhưng cũng là hành trình của ký ức, của nghĩa tình đồng đội. Bác Trương Công Đạo nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Buôn Ma Thuột: “Khi tìm thấy phần mộ của người thủ trưởng cũ - Đại đội trưởng Lữ đoàn 203, cùng với các pháo thủ đã hy sinh trong trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi cảm giác như thời gian quay ngược trở lại. Đứng trước những ngôi mộ ấy, tôi như thấy lại những gương mặt thân quen, những tiếng gọi nhau trong bom đạn ngày nào. Họ chưa bao giờ rời xa, họ vẫn ở đây, cùng chúng tôi” (16). Bác Nguyễn Đăng Dũng luôn đau đáu một lời hứa năm xưa: “Không bao giờ bỏ lại đồng đội” (17). Đối với họ, được thắp một nén hương cho người đồng đội đã khuất là sự tiếp nối của một lời thề chiến trường - rằng, những người còn sống sẽ mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi tri ân.
Giáo dục thế hệ trẻ: Truyền lửa từ quá khứ đến tương lai
Gìn giữ ký ức là sợi chỉ kết nối hành trình từ quá khứ đến cuộc sống của hiện tại. Để tiếp nối hành trình đi trước giáo dục thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được giá trị của hòa bình và trách nhiệm công dân là một trong những mục tiêu lớn của CLBMMT 20. Cùng với CLB MMT20, các bạn sinh viên được tham gia các chuyến hành trình về nguồn, tận mắt chứng kiến những di tích chiến tranh, lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng chiến tranh. Bạn Nguyễn Khắc Quyến (sinh viên tham gia “Hành trình tri ân 2023”) chia sẻ: “Khoảnh khắc mình không thể nào quên là khi được thắp những nén hương lên các ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đứng dưới lá cờ Tổ quốc, hát Quốc ca giữa hàng vạn ngôi mộ, mình cảm thấy tim mình đập nhanh hơn. Mình biết rằng thế hệ của mình may mắn như thế nào, và mình hiểu rằng trách nhiệm của chúng mình là phải sống sao cho xứng đáng” (18). Không ai có thể mãi mãi sống với ký ức, nhưng ký ức có thể trở thành nguồn động lực để hướng về tương lai. Nếu trong chiến tranh, chiến đấu là để bảo vệ Tổ quốc thì trong thời bình chiến đấu là để xây dựng đất nước.
Bên cạnh những chuyến đi thực tế, CLBMMT20 còn tổ chức trao tặng sách, giao lưu với sinh viên, phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử. Hành trình mang tên “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Vinh quang 50 năm một chặng đường” (tháng 3-2025) tiếp tục đưa thế hệ trẻ đến những địa chỉ đỏ, giúp họ hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình và ý thức trách nhiệm đối với đất nước.
4. Đề xuất và kiến nghị
Nhằm phát huy giá trị của ký ức chiến tranh trong đời sống đương đại, đồng thời tạo điều kiện để cựu chiến binh tiếp tục đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội, chúng tôi đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức xã hội về giá trị của ký ức chiến tranh thông qua giáo dục lịch sử, truyền thông và văn học nghệ thuật. Các chương trình giảng dạy cần lồng ghép nội dung về chiến tranh và hậu quả của nó, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ. Đồng thời, các phương tiện truyền thông và sáng tác nghệ thuật cần tiếp tục khai thác chủ đề này để lan tỏa ý nghĩa nhân văn.
Thứ hai, tăng cường kết nối và hỗ trợ các tổ chức tri ân - thiện nguyện, đặc biệt là những tổ chức có sự tham gia của cựu chiến binh. Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn. Việc kêu gọi sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp mở rộng quy mô và tác động của các hoạt động tri ân.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành về tác động của ký ức chiến tranh trong bối cảnh hiện nay, từ góc độ văn hóa, tâm lý và xã hội. Các nghiên cứu này sẽ góp phần làm rõ ảnh hưởng của chiến tranh đối với đời sống cựu chiến binh cũng như thế hệ sau. Qua đó, có thể đề xuất các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng này một cách thiết thực.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của thế hệ trẻ vào các hoạt động lưu giữ và phát huy giá trị ký ức chiến tranh. Cần xây dựng các chương trình giao lưu, đối thoại giữa cựu chiến binh và thanh niên nhằm truyền tải tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn tư liệu phỏng vấn và kể chuyện lịch sử sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp cận ký ức chiến tranh một cách sinh động hơn.
Kết luận
Bản sắc cựu chiến binh không chỉ là di sản của chiến tranh mà còn tiếp tục được duy trì và tái tạo trong xã hội đương đại. Những giá trị như tinh thần đồng đội, trách nhiệm, kỷ luật và lòng yêu nước vẫn được họ gìn giữ và lan tỏa thông qua các hoạt động tri ân, thiện nguyện và giáo dục thế hệ trẻ. Ký ức tập thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp cựu chiến binh bảo tồn ký ức chiến tranh, tiếp tục kết nối với cộng đồng và định hình vai trò của họ trong thời đại mới. Trong đó, CLB MMT20 giữ vai trò cầu nối quan trọng nhằm duy trì tinh thần người lính và góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ, đảm bảo những giá trị tốt đẹp ấy vẫn sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy trong tương lai. Chính từ nền tảng ấy, việc tìm hiểu sâu hơn tác động của ký ức chiến tranh đối với cuộc sống thời bình của cựu chiến binh giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về sự chuyển động của lịch sử trong đời sống con người.
___________________
1, K.C., Thành lập Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”, dangcongsan.vn, 2022.
2, 9. Maurice Halbwachs, On collective memory (L. A. Coser, Trans) (Về ký ức tập thể), (L.A. Coser dịch, 1950), University of Chicago Press, 1992, tr.57, 175.
3, Edna Lomsky-Feder, “Life stories, war, and veterans: On the social distribution of memories” (Những câu chuyện cuộc sống, chiến tranh và cựu chiến binh: Về sự phân bố xã hội của ký ức), Ethos, 32(1), 2004, tr.82-109
4, Joanna Bourke, Fear: A Cultural History (Sợ hãi: Một lịch sử văn hóa, Virago Press, London, 2004, tr.125.
5. Jan Assmann, Collective Memory and Cultural Identity (Ký ức tập thể và bản sắc văn hóa), New German Critique, (65), 1995, tr.125-133.
6. Aleida Assmann, Cultural Memory and Western Civilization: Functions, Media, Archives (Ký ức văn hóa và văn minh phương tây: Chức năng, truyền thông và lưu trữ) Nxb Đại học Cambridge, 2011, tr.98.
7. Siri Driessen, Making sense of war memories: An analysis of Dutch veteran return trips to former Yugoslavia (Hiểu rõ về ký ức chiến tranh: Phân tích chuyến trở về Nam Tư cũ của cựu chiến binh Hà Lan), Ethos, 49(2), 2021, tr.152-170.
8. Heonik Kwon, Ghosts of War in Vietnam (Những bóng ma từ chiến tranh ở Việt Nam), Nxb Đại học Cambridge, 2008, tr.72.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.38.
11. Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (Những cộng đồng tưởng tượng: Suy ngẫm về nguồn gốc và sự lan tỏa của chủ nghĩa dân tộc, London 1983.
12, 14. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.119, 622.
13. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, 2023.
15, 16, 17, 18. Phỏng vấn các cựu chiến binh và sinh viên tham gia “Hành trình tri ân 2023”, ngày 1-3-2025 tại Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1. Cẩm Anh, “Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tuổi trẻ và tháng 7”, giaoducthoidai.vn, 2024.
2. In Rutherford, J. (Chủ biên), Identity: Community, Culture, Difference (Bản sắc: Cộng đồng, Văn hóa và sự khác biệt), London: Lawrence & Wishart, 1990, tr. 222-237.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 28-3-2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.
ĐỖ LÊ QUỲNH ANH - BÙI THỊ THANH MAI - VƯƠNG ĐỨC HUY - TS NGUYỄN VŨ HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025