Làng nghề truyền thống là một phần không thể thiếu và phản ánh đầy đủ thuộc tính tự cung, tự cấp và khép kín cố hữu của làng xã nông nghiệp. Mặt khác, làng nghề lại biểu hiện tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong quá trình thích ứng với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội nhất định, đồng thời thể hiện rất rõ yếu tố mở của xã hội tiểu nông.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả nước có 2017 làng nghề với khoảng hơn 21 triệu lao động tham gia. Số làng nghề thủ công này có thể chia ra thành 11 nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đồng, đá… Nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã nổi bật lên trong lịch sử Việt Nam như làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề đúc đồng Ngũ Xá, Đại Bái, Tống Xá (Nam Định); làng nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng, La Xuyên (Nam Định), làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông… Các làng nghề không chỉ là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm của làng nghề mà còn là nơi hội tụ các thợ và các nghệ nhân tài khéo, những người đã tạo ra những sản phẩm có bản sắc riêng mà ở nơi khác khó có thể bắt chước được. Thực tế cho thấy, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường hàng ngày, mà một số sản phẩm nghệ thuật biểu trưng của nền văn hóa xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của dân tộc.
Làng nghề là cả một môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Chính môi trường làng nghề đó đã bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật, truyền từ đời này sang đời khác, được chung đúc ở các thế hệ nghệ nhân tài năng. Môi trường văn hóa làng nghề là khung cảnh làng quê, với cây đa, bến nước, với các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu… các hoạt động lễ hội làng nghề với các trò thi tài khéo tay của các nghệ nhân (như hội thi dâng đồ khéo ở làng nghề chạm khắc gỗ Thiết Úng, Đông Anh, ở làng chạm khắc gỗ La Xuyên, Nam Định…), các hoạt động của phường hội, các phong tục, tập quán, nếp sống đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đã góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa Việt Nam. Về phương diện kinh tế, thực tế cho thấy, địa phương nào có làng nghề thì mức sống của người dân nơi đó thường ở mức khá. Thu nhập của người lao động ở làng nghề hiện phổ biến ở mức 800.000đ đến 2.000.000đ, cao hơn nhiều so với lợi ích từ làm ruộng. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực làng nghề chỉ chiếm khoảng 3,7%, trong khi bình quân cả nước là 10,4%. Làng nghề phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho nông thôn mà còn góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống, đặc biệt sẽ tạo ra bộ mặt đô thị mới cho nông thôn để người nông dân ly nông nhưng không ly lương và làm giàu trên quê hương mình.
Nhận thức rõ về vai trò của các ngành nghề thủ công trong việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng cư dân làng nghề trong lịch sử cũng như hiện nay, Đảng và nhà nước ta đã ban hành những chính sách tạo ra một cơ hội cho các làng nghề và các ngành nghề thủ công truyền thống phát triển. Tinh thần đó đã được thể hiện trong Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương (1981), Nghị quyết X của Bộ Chính trị (1998), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX…, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế nông thôn, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp, chính sách phát triển toàn diện kinh tế xã hội nông thôn, trong đó có các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống.
Vậy, để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thì các nghề, các làng nghề thủ công truyền thống đã có vai trò như thế nào trong quá trình đổi mới đất nước, đưa chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta đi vào cuộc sống.
Trước hết các làng thủ công truyền thống đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn lên một bước mới về chất, làm thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm, giá trị sản lượng và cơ cấu thu nhập của cư dân nông thôn bằng các nguồn lợi từ các lĩnh vực trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong quá trình vận động và phát triển, các làng nghề truyền thống đã có vai trò tích cực trong việc góp phần tăng tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng của nông nghiệp, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp sang ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Cho tới nay cơ cấu kinh tế ở nhiều làng nghề đạt 60 - 80% công nghiệp và dịch vụ, 20 - 40% nông nghiệp. Thực tế đã xác minh rằng, sự phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Với quy mô nhỏ bé, được phân bổ rộng khắp ở các vùng nông thôn, hàng năm các làng nghề luôn sản xuất ra một số khối lượng sản phẩm hàng hóa khá lớn, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân nói chung và cho từng địa phương nói riêng. Năng lực sản xuất, kinh doanh của các làng nghề là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Do đó, bước đầu có thể nhận thấy là ở nơi nào có nhiều làng nghề thì kinh tế hàng hóa ở đó phát triển hơn. Làng nghề và nghề thủ công phát triển còn góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Thống kê nhà nước gần đây cho thấy, hoạt động ngành nghề phi nông nghiệp, trong đó có các nghề thủ công truyền thống đã thu hút gần 11 triệu người lao động, chiếm 29,5% lực lượng lao động ở nông thôn. Vai trò tạo việc làm của các làng nghề truyền thống còn thể hiện rất rõ ở sự phát triển lan tỏa sang các làng khác, vùng khác, nó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội ở vùng đó. Trường hợp như làng gốm Bát Tràng, hàng tháng, nhiều người dân lao động đến Bát Tràng làm việc để tăng thu nhập khi người dân lao động tại làng gốm Bát Tràng không đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động.
Quá trình hoạt động và mở rộng sản xuất các làng nghề còn thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi, tận dụng thời gian và lực lượng lao động, hạn chế di dân tự do. Khác với sản xuất công nghiệp và các ngành nghề khác, phần lớn các làng nghề truyền thống không đòi hỏi số vốn đầu tư quá lớn, xuất phát từ đặc điểm của sản xuất trong các làng nghề truyền thống là quy mô nhỏ, cơ cấu vốn và cơ cấu lao động ít nên rất phù hợp với khả năng huy động vốn và các nguồn lực vật chất của các hộ gia đình thủ công. Đây là một lợi thế để các làng nghề có thể huy động các loại vốn nhàn rỗi trong dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đặc điểm sản xuất của nghề truyền thống là sử dụng chủ yếu nguồn lao động tại chỗ, nơi sản xuất cũng chính là nơi ở của người thợ, vì vậy, nó có khả năng tận dụng và thu hút nhiều loại lao động thời vụ nông nhàn đến các lao động ở mọi lứa tuổi. Chính do đặc điểm của sản xuất và khả năng thu nhập đảm bảo cuộc sống quy định, các nghề thủ công truyền thống đã góp phần tích cực trong việc hạn chế di dân tự do ở nông thôn. Hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị, từ vùng này sang vùng khác là một hiện tượng phổ biến ở nước ta hiện nay; mặt khác sức ép về việc làm và thu nhập đã thúc đẩy người nông dân đi tìm việc làm ở thành phố, nơi thường xuyên có nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động giản đơn, hoặc chuyển cư đến vùng khác đến nơi có khả năng cho thu nhập cao hơn.
Nghề thủ công phát triển tại các làng xã đã, đang và sẽ góp phần làm đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Đa dạng hóa kinh tế nông thôn là một biện pháp thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa ở nông thôn phát triển, tạo ra một sự chuyển biến mới về chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Vì vậy, trong kinh tế nông thôn, phát triển làng nghề truyền thống được coi là cơ sở và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện quá trình đa dạng hóa kinh tế nông thôn. Thực tế hoạt động cho thấy rõ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển sẽ kích thích sự ra đời và phát triển các nghề khác như dịch vụ, thương mại. Như vậy, nghề thủ công truyền thống đã phá vỡ thế độc canh trong các làng thuần nông, mở ra hướng phát triển mới với nhiều nghề trong một làng nông nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề hiện nay tự bản thân nó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đảm bảo. Vì vậy, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ tạo điều kiện cho người dân có thu nhập cao hơn, cuộc sống ngày càng ổn định hơn mà còn là nhân tố kích thích sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao dân trí ở nông thôn, thúc đẩy xã hội nông thôn tiến lên văn minh, hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Từ góc độ văn hóa, lịch sử phát triển của làng nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. Đó là nhân tố tạo nên nền văn hóa ấy, đồng thời là sự biểu hiện tập trung nhất bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm của nghề thủ công truyền thống là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, được tạo ra bởi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công. Nhiều sản phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó chứa đựng những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề. Nghề truyền thống, đặc biệt là nghề thủ công kỹ nghệ, là những di sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Mặc dù nền sản xuất công nghiệp hiện đại phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm công nghiệp được sử dụng và tiêu thụ ở khắp nơi, nhưng các sản phẩm thủ công truyền thống, với tính độc đáo và độ tinh xảo của nó, vẫn rất cần thiết và có ý nghĩa đối với nhu cầu đời sống của con người. Những sản phẩm này là sự kết tinh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, là sự bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này qua đời khác, qua những thế hệ nghệ nhân tài ba với những nét độc đáo mang bản sắc dân tộc. Những vấn đề nêu ra trên đây đã minh chứng rằng, các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến các nghề và làng nghề truyền thống cũng là một vấn đề cần quan tâm của các nhà quản lý xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh các số lượng làng nghề phát triển thích ứng và tìm được đường đi hợp lý, mở rộng quy mô sản xuất, số lượng hàng hóa ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn xuất khẩu ra các nước trên thế giới, vẫn còn một số không nhỏ làng nghề gặp nhiều khó khăn về vốn, về đầu ra cho sản phẩm, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng và không thể cạnh tranh được với các hàng công nghiệp, đặc biệt là về giá cả. Vì vậy, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề phải bỏ nghề, một số khác chuyển sang sản xuất đồ thủ công đơn thuần để cầm cự và giữ lấy nghề. Đó chính là những vấn đề đặt ra hiện nay về tình trạng của các làng nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh yếu tố tích cực của các làng nghề đối với việc bảo tồn và phát huy những đặc trưng của văn hóa dân tộc, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay cũng có những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân các làng nghề thủ công truyền thống trên nhiều lĩnh vực cụ thể như: cấu trúc và cảnh quan làng nghề, phong tục tập quán làng nghề, đạo đức và bí quyết nghề nghiệp, lối sống, nếp sống, sản phẩm của làng nghề, văn hóa ứng xử của cư dân các làng nghề với những người trong và ngoài làng, đối với các đối tác làm việc trong kinh doanh nguyên liệu và sản phẩm hàng hóa... Vấn đề đặt ra hiện nay là hạn chế những tác động tiêu cực, khuyến khích và phát triển các tác động tích cực từ phía công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu cơ bản là phát triển toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng nông thôn hiện nay.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng Việt nói chung hay làng nghề truyền thống nói riêng đang có nhiều biến đổi. Quá trình này về bản chất chính là quá trình đô thị hóa nông thôn dẫn đến những hệ quả tất yếu về làng nghề truyền thống như: nhiều làng nghề đã biến mất do không còn nhu cầu sử dụng lẫn thị trường tiêu thụ; nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một bởi thị trường co lại và nhu cầu ít ỏi của một bộ phận người sử dụng; các làng nghề vẫn tồn tại và phát triển do nhu cầu và thị trường vẫn còn, nhưng đều phải thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi mẫu mã cho phù hợp...
Như vậy, những tác động hai chiều của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến các làng nghề truyền thống được xem như là một hiện thực, tất yếu diễn ra. Để đảm bảo phát triển hài hòa, đúng hướng, hỗ trợ tác động giữa các thành phần kinh tế hiện đại và thủ công sẽ tạo điều kiện để tìm ra một hướng đi hợp lý, đúng đắn cho nghề và các làng nghề tồn tại và phát triển trong bối cảnh của thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
_______________
Tài liệu tham khảo
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (1998), Ngành nghề nông thôn - vai trò, thuận lợi và khó khăn, Tin tham khảo nội bộ kinh tế - xã hội, 36 (669).
Dương Bá Phượng, Bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.
Phan Gia Bền, Sơ khảo lịch sử phát triển thu công nghiệp Việt Nam, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1957.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phát triển công nghiệp nông thôn đồng bằng sông Hồng, Hà Nội, 1999.
Trần Minh Yến, Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011
Tác giả : Đinh Công Tuấn