Lễ hội mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, Quận 7 nói riêng là vùng đất bốn phương tụ hội. Quá trình tạo dựng cuộc sống, bà con đã dần xây dựng cho mình một hệ thống các cơ sở tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu... Các hoạt động lễ hội tín ngưỡng như lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông và một số lễ hội khác,… từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, thể hiện sự biết ơn và mong muốn được đền đáp công ơn của các vị anh hùng có công khai hoang, mở đất, xây dựng và giữ gìn quê hương đất nước, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người dân Quận 7, lễ hội còn góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn thuần phong mỹ tục, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước.

 

Sơ đồ tiến trình lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông (phường Tân Phong)

Đình Tân Quy Đông được hình thành dưới thời Vua Minh Mạng (năm 1820). Theo tục lệ của cha ông xưa khi đặt chân đến vùng đất mới sinh sống, dựng làng, lập ấp, khai cơ lập nghiệp thì việc đầu tiên là lập đình thờ, trước để cầu khẩn thần linh ở vùng đất mới che chở cho dân làng thiên tai ̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣(chỗ dựa tâm linh của người dân, mong có cuộc sống thanh bình), sau để đền đáp công ơn phò trợ. Tại vùng đất xã Tân Quy Đông ngày xưa, sau đổi tên thành khu dân cư Tân Quy Đông, phường Tân Phong, Quận 7, TP. HCM, bà con đã dựng lên ngôi đình có tên đình Tân Quy Đông. Vị thần được thờ trong đình là thần thành hoàng, thường được cư dân gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Theo lời kể của các vị cao niên trong ban Hội hương đình: Đình có sắc phong của Vua Tự Đức (năm 1852) nhưng do chiến tranh loạn lạc, sợ giặc đốt phá đình nên đã đem cất giấu nơi khác và trong thời gian dài ấy, sắc phong đã bị mất. Nay, sắc phong thờ cúng tại đình được làm lại vào năm 2000, dựa trên nội dung sắc phong trước đây.

Lễ hội Kỳ Yên là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng của người dân ở vùng nông thôn cũng như thành thị. Trước kia, lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông được người dân tự đứng ra tổ chức, sáng tạo và tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nay có thêm đội ngũ cán bộ công chức từ quận đến phường phối hợp tổ chức một cách chỉn chu, bài bản dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Mỗi đình làng sẽ tổ chức những ngày lễ hội khác nhau trong năm, cụ thể: Đình Tân Quy Đông (phường Tân Phong) tổ chức lễ hội Kỳ Yên vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm. Bên cạnh đó, còn có lễ Hạ Điền diễn ra vào ngày 16 tháng 5 âm lịch, lễ Cầu Bông diễn ra vào ngày 16 tháng 10 âm lịch. Như vậy, lễ Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông được xem là lễ hội lớn nhất trong năm. Thông qua lễ hội, cư dân cầu mong các vị thần được phối thờ trong đình: Thần Nông, Thổ Địa, Thổ Công, Bà Ngũ Hành Nương Nương, Tiền Hiền và Hậu Hiền chở che, phù hộ cho người dân sống bình yên, làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

Lễ dâng hương, dâng rượu mời Thành hoàng làng tại đình Tân Quy Đông, phường Tân Phong, Quận 7

Lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có các nghi thức rước Sắc Thần về đình dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần đã phù hộ độ trì cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở lễ Kỳ Yên, phần lễ rất quan trọng và được tổ chức trang nghiêm. Những người đứng ra tế lễ thường là những bậc cao niên, người có chức sắc hoặc có uy tín trong cộng đồng dân cư. Điều làm nên nét đặc sắc của lễ hội Kỳ Yên không thể không kể đến phần hội. Phần hội ở đây thường gồm các chương trình múa lân, các trò chơi dân gian. Người đến lễ hội Kỳ Yên ngoài mục đích cầu tài, cầu phước, cầu lộc, cầu thọ còn là dịp để ôn lại những truyền thống lịch sử của cha ông đã khai hoang, lập ấp. Đồng thời, thỏa sức thưởng thức các chương trình nghệ thuật như hát Bội, Cải lương. Trong ngày lễ hội Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ để giải trí bình thường mà còn mang nội dung nghi lễ riêng biệt. Ngoài ra, lễ Kỳ Yên cũng là dịp để mọi người thi thố tài năng, sự khéo léo thông qua các vật phẩm cúng tế như trưng bày, sắp xếp mâm hoa quả, sản phẩm địa phương dâng lên Thành hoàng.

Hằng năm, lễ Kỳ Yên diễn ra vào ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch với các lễ chính như: lễ cúng Thần Nông, lễ cúng Tiền vãng, lễ Thỉnh sanh, lễ Túc yết, lễ Chánh tế và lễ tế Chiến sĩ. Trong lễ có chánh bái bồi bái, học trò lễ, đào thải theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ.

Lễ hội chính của đình Tân Quy Đông không có lễ rước thần Thành hoàng. Diễn trình lễ hội  tại đình như sau:

Thứ nhất, Lễ cúng Thần Nông

Đối với văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần Nông chính là thần được thờ ở đàn Xã Tắc. Một số tư liệu cho biết: Xã là thần Đất đai, Tắc là thần Lúa, tức là Thần Nông, một dạng thu gọn đàn xã tắc và đàn tiên nông ở kinh đô.

Đây là một lễ cúng mang đầy đủ nghi thức và lời xướng nhất của lễ hội. Trong đó, lễ vật cúng Thần Nông có 8 mâm giống nhau gồm: đầu heo, dụm heo, lòng heo, mâm xôi, mâm trầu cau. Trong mỗi nghi thức cúng đều có một Ban Tế tự và lễ sinh, có nghi thức cúng do ông Chủ tế (Chánh tế) đảm trách. Lễ sinh sẽ xướng các nghi thức tế lễ để Ban Tế tự thực hiện theo. Theo vị Hương văn của đình và quan sát của tác giả thì chỉ có nghi thức cúng Thần Nông là thực hiện đầy đủ các nghi thức cúng tế, các lễ sau đã được giản lược bớt nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng, tôn nghiêm.

Thứ hai, Lễ Tiền vãng

Lễ cúng Tiền vãng được bắt đầu sau lễ tế Thần Nông. Lễ này nhằm nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về công lao của những bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền đã có công khai khẩn và bảo vệ đất nước. Cụ thể, tại đình Tân Quy Đông sẽ làm lễ tế các chiến sĩ đã trận vong. Chủ tế là một vị chánh bái có phụ tế và bồi lễ theo để phụ giúp. Toàn bộ nghi lễ đều tiến hành theo lệnh của người thủ xướng đứng hai bên hương án kế vị chủ tế. Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc văn tế, vái lạy đều phải đúng theo lời của người thủ xướng. Do đó, người thủ xưởng là người hay chữ nhất trong làng,  thuộc lòng các điển lễ, tế tự theo các truyền thống lễ hội từ xưa. Lễ tế diễn ra trang trọng với hương, hoa, đội lân, đội tế, đội kèn trống nhạc lễ. Lễ vật gồm: mâm quả, trái cây, sáu chung rượu, bánh trái, hương đèn. Trong buổi lễ, người thủ xướng được dân làng trọng vọng nhất. Đội học trò lễ (lễ sinh) mặc áo, đội mũ, mang hia theo kiểu các Tú tài ngày xưa. Trước đó họ đã được huấn luyện thuần thục cách đi đứng, biểu diễn, dâng lễ vật theo nhịp phách của dàn nhạc diễn tấu để cầu Trần Hương Sơn, các nghi lễ đẹp trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau đó, người tham dự sẽ lần lượt lên bái lễ.

Thứ ba, Lễ Thỉnh sanh

Lễ Thỉnh sanh là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đặc biệt là trong các làng nghề truyền thống, lễ này thường được tổ chức trước lễ Túc yết để cầu xin sự bình an, may mắn và thành công trong sản xuất.

Thứ tư, Lễ Túc yết

Lễ Túc yết sau lễ Thỉnh sanh. Túc yết là túc trực để xin ra mắt, nghinh tiếp thần. Người tham dự lễ Túc yết phải ở lại trong đền đến hết một đêm. Chịu trách nhiệm chính ở buổi lễ cúng là ông chánh bái. Lễ vật là một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo và con heo được làm trong lễ Thỉnh sanh. Các lễ vật được dọn trên bàn, riêng con heo trắng được đặt nằm sấp trên một giá gỗ sơn đỏ, cao hơn khoảng 6 tấc, đầu hướng về bàn thờ. Ngoài ra còn có những lễ vật khác do nhân dân mang đến dâng cúng. Lễ này cũng có một bài văn tế và sau khi kết thúc ông chánh tế đốt bản văn này và một ít giấy tiền vàng bạc. Thực hiện nghi thức này cũng có ba tuần rượu và một tuần trà.

Thứ năm, Lễ Chánh tế

Người được cử đứng ra đọc văn tế để mở đầu buổi lễ Chánh tế phải là một chức sắc trong làng. Vị này ăn mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, quỳ trước bàn hương án, hai tay nâng bản văn tế đưa lên dưới ánh nến soi rõ do hai phụ tế đứng hai bên cầm, rồi chậm rãi đọc với một giọng kính cần trang nghiêm trong nhạc đệm của dàn nhạc lễ. Việc hòa hợp chặt chẽ từng âm thanh trầm bổng của nhạc lễ với giọng xướng trang nghiêm của người đọc văn tế là cái hồn văn hóa dân gian, trong đó chuyên chở cả một đức tin thiêng liêng của những người dân biết ơn tiền nhân,  các vị thần.

Thứ sáu, Lễ tế Chiến sĩ

Năm 1973, khi lực lượng cách mạng của ta đánh vào kho xăng Nhà Bè, nơi để hàng của ba hãng nhiên liệu nổi tiếng Caltex, Shell và Esso (Mỹ). Trận đánh lịch sử ấy đã làm nhiều lực lượng chiến sĩ hy sinh tại nhiều ngôi đình trên địa bàn Nhà Bè xưa, Quận 7 ngày nay. Vì vậy, nhiều ngôi đình đã dựng bia liệt sĩ thờ cúng những người có công với đất nước. Lễ tế Chiến sĩ là một lớp văn hóa mới của lễ hội. Cúng chiến sĩ trận vong là biểu hiện tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” của hội đình Tân Quy Đông cùng bá tánh nhằm giáo dục lớp trẻ hôm nay có ý thức trách nhiệm và bổn phận đối với những người đã đem xương máu giành lấy hòa bình, ấm no cho nhân tộc.

Nếu phần lễ đem lại cho con người cảm giác linh thiêng, sự tôn thờ và niềm tin tín ngưỡng thì phần hội giúp cho con người vui vẻ, thỏa mãn. Ở đình Tân Quy Đông, phần hội thường gồm các chương trình như múa lân. Người dân đến với lễ Kỳ Yên ngoài mục đích cầu bình an, tài lộc còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha đã khai hoang lập ấp. Bên cạnh đó còn được thỏa sức thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống như hát Bội, Cải lương,... Lễ Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ để giải trí bình thường mà cũng mang nội dung nghi lễ riêng biệt. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Chẳng hạn hát Bội trong ngày lễ Kỳ Yên hầu hết đều gồm 3 tiết mục: Khai chầu đại bội, hát tuồng và tôn vương. Hồi chầu Tiết mục đầu tiên mang tính nghi lễ như tẩy uế, thử trống và đánh ba hồi trống khai tràng. Tiết mục cuối cùng mang tính chúc tụng. Đoàn hát Bội có kép trẻ, đẹp để trình diễn, thường diễn những tuồng tích về trung hiếu, tiết nghĩa và những tuồng cổ xưa. Bên cạnh đó, còn có buôn bán nhỏ phục vụ tổ chức vui chơi, trẻ em, thanh nhiên mặc áo mới nô nức đến đình để chơi và chọn mua những món đồ cổ truyền mà chỉ có dịp hát đình mới có. Hội Đình ở các khu vực lân cận như Nhà Bè, quận 4, quận 8, Long An,…

Trước đây, có một số trò chơi dân gian như kéo co, nhảy ba bố, cờ người, thi bày mâm ngũ quả,… những trò chơi này dần mai một theo thời gian với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đến nay, phần hội của lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông chỉ còn các hoạt động của lễ hội như: múa Lân, tiếp đãi bá tánh dùng bữa. Phần “hội” của lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Quy Đông không chỉ giúp con người vui khỏe, thoải mái tâm hồn mà còn giúp gắn kết để hình thành, củng cố một cộng đồng thống nhất, không chỉ miền Đông Nam Bộ (TP HCM) mà cả các tỉnh, thành phố khác (Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu,…).

Lễ hội Kỳ Yên chính là nơi để con người hiện đại được tắm mình trong dòng nước mát của văn hóa dân tộc, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, được sống từng giây phút giao cảm đầy tinh thần cộng đồng, con người có thể phô bày tất cả những gì là tinh túy, đẹp đẽ nhất của bản thân qua các cuộc thi tài, qua các hình thức trình diễn nghệ thuật, phong cách ăn mặc lộng lẫy, đẹp đẽ khác ngày thường. Thông qua lễ hội Kỳ Yên, đã giáo dục lớp lớp thế hệ người dân từ xưa đến nay về chân thiện mỹ, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc; mang lại cho mỗi người niềm an lạc, yêu đời, yêu chân lý, yêu cái thiện từ đó đời sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn.

BÙI TRƯỜNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;