Tóm tắt: Du lịch nông nghiệp (DLNN) là hình thức phát triển ngày càng phổ biến của ngành công nghiệp du lịch và có thể sớm là một trong những lĩnh vực du lịch lớn nhất ở một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. DLNN là công cụ phù hợp để cân bằng nhu cầu của du khách với nhu cầu của cộng đồng nông thôn, là xu hướng du lịch bền vững tạo ra những cơ hội thực sự để phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời giảm thiểu những tác động không mong muốn tới môi trường. Bến Tre có tiềm năng địa tự nhiên rất thuận lợi để phát triển loại hình DLNN. Đây là một phương án sinh kế mới vừa để cải thiện kinh tế nông thôn vừa ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và truyền thống văn hóa cộng đồng.
Từ khóa: du lịch nông nghiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Abstract: Agritourism is an increasingly popular form of tourism and has the potential to become one of the largest tourism sectors in certain countries, particularly in Asia. As a sustainable tourism trend, agritourism is an effective tool for balancing the needs of tourists with those of rural communities, creating genuine opportunities for economic and social development while minimizing adverse environmental impacts. With its favorable natural and geographical conditions, Ben Tre possesses significant potential for agritourism development. This approach offers a new livelihood strategy that not only enhances rural economic growth but also addresses the challenges of climate change, preserves the natural environment and ecosystems, and safeguards the cultural traditions of local communities.
Keywords: agritourism, Mo Cay Nam district, Ben Tre province.
Du khách trải nghiệm ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre - Ảnh: tác giả cung cấp
1. Khái quát DLNN
DLNN (agritourism/ agrotourism), hai thuật ngữ có cùng ý nghĩa, tuy nhiên agritourism được dùng phổ biến hơn. Cả hai thuật ngữ này đều có hai phần: agri hay agro + tourism/ du lịch. Tiền tố agri xuất phát từ thuật ngữ La tinh, ager có nghĩa là cánh đồng trong khi agro bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, agros có nghĩa là đất. Soil và agronomos ám chỉ đến người quản lý tài sản đất đai. Sự kết hợp của tiền tố agri với danh từ tourism tạo nên một từ mới có nghĩa là hoạt động du lịch của con người với mục đích làm quen với hoạt động nông nghiệp và giải trí trong môi trường nông nghiệp. DLNN là một loại hình du lịch thường dành thời gian cho các nông trại, đồn điền, khu nuôi trồng thủy hải sản.
Mặc dù đã có lịch sử phát triển lâu dài nhưng định nghĩa agritourism vẫn không rõ ràng. Thuật ngữ agritourism thường được thay thế bởi rural toursm, farm tourism, green tourism hay farm based tourism. Barbieri và Mshenga cho rằng một hoạt động được phát triển ở nông trang với mục đích thu hút du khách là DLNN. Trong khi đó, Hegarty và Przezbórska nhấn mạnh không chỉ những hoạt động ở nông trang mà cả những hoạt động diễn ra ngoài nông trang trong bối cảnh vùng nông thôn đều là DLNN. William và các cộng sự định nghĩa DLNN là sự phối hợp giữa khung cảnh tự nhiên và các sản phẩm của hoạt động nông nghiệp được kết hợp trong trải nghiệm du lịch. Nó cung cấp cho du khách cơ hội trải nghiệm một loạt sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp khác nhau.
Tương tự, Richard Sharpley và Julia Sharpley cho rằng DLNN kết nối trực tiếp với môi trường nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp hoặc lưu trú nông nghiệp (ở trong nhà dân hay cắm trại tại nông trang, các chuyến tham quan giáo dục, hoạt động giải trí, việc buôn bán nông sản hoặc đồ thủ công mỹ nghệ). Theo hai tác giả, agritourism là một khái niệm rộng hơn farm/ farm-based tourism vì nó cũng bao gồm các lễ hội, bảo tàng, chương trình thủ công và các sự kiện văn hóa, khi đó agritourism đồng nghĩa với rural tourism. Tuy nhiên, du lịch nông thôn (rural tourism) không phải là thuật ngữ đồng nghĩa với DLNN. DLNN là một tập hợp con của du lịch nông thôn, bởi nông nghiệp là lĩnh vực gốc rễ định hình không gian và phát triển kinh tế ở những vùng nông thôn. Hai thuật ngữ này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự khác nhau giữa du lịch nông thôn và DLNN nằm ở bản chất của những hoạt động nông nghiệp. Thứ nhất, DLNN không thay thế cho nghề nông truyền thống. Do đó, điều cần thiết là chủ sở hữu nông trang phải theo đuổi những hoạt động nông nghiệp, không thiên về du lịch mà thu hẹp hoạt động nông nghiệp để thay bằng hoạt động du lịch. Thứ hai, bản chất của hình thức du lịch này là vùng nông thôn và những hoạt động nông thôn, trọng tâm trong việc tạo ra sản phẩm du lịch là nhắm vào những hoạt động cụ thể trong vùng nông thôn nếu không có mục đích (kết hợp du lịch với nông nghiệp) sẽ bị mất. Sự độc đáo của sản phẩm DLNN bao gồm bốn bản sắc đặc trưng: khung cảnh; truyền thống (thực phẩm truyền thống, nghệ thuật và văn hóa); đời sống nông thôn và sống với thiên nhiên.
Một số món ăn hấp dẫn du khách - Ảnh: tác giả cung cấp
Bản thân thuật ngữ agritourism cũng được hiểu khác nhau bởi khách du lịch và nhà cung cấp dịch vụ du lịch. Đối với du khách, DLNN có nghĩa là làm quen với sản xuất nông nghiệp hoặc giải trí trong môi trường nông nghiệp hay là một dịp để du khách trải nghiệm những công việc đồng áng trong chuyến tham quan. Theo cách hiểu này, agritourism hoàn toàn bỏ qua vai trò của người cung cấp dịch vụ DLNN, trong khi DLNN là một thuật ngữ được giới thiệu bởi những người đại diện của bên cung ứng miêu tả lợi ích của nông trang cung cấp dịch vụ du lịch. Điều này dẫn đến một sự mở rộng đáng kể của thuật ngữ agritourism đến tất cả những hoạt động liên quan đến người cung cấp dịch vụ cho du khách và người đang nghỉ dưỡng. Do đó, đối tượng cung cấp dịch vụ DLNN bao gồm các hình thức khác nhau của thuật ngữ agritourism: công nghiệp lưu trú - agri-accommodation (lưu trú nông nghiệp); công nghiệp thực phẩm và đồ uống - agri-food and beverages (thực phẩm đồ uống nông nghiệp); giải trí - agri-recreation (giải trí nông nghiệp); thư giãn - agri-relaxion (thư giãn nông nghiệp); thể thao - agrisport (thể thao nông nghiệp), thậm chí chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng - agri-therapy (liệu pháp nông nghiệp). Trên cơ sở đó, S. Phillip, Colin Hunter, K. Blackstock trong bài A typology for defining agritourism đã xác định những kiểu DLNN khác nhau và phân loại chúng dựa trên cơ sở mức độ và phương pháp tham gia của du khách.
Phạm vi thuật ngữ agritourism cũng giống như nhiều thuật ngữ khác thay đổi đáng kể theo thời gian. Tuy nhiên, việc làm rõ định nghĩa là cần thiết để đặt DLNN trong chiều kích thực sự của nó. Theo Anthopoulou và Yorgos Melissourgos đã chỉ ra bốn vấn đề mấu chốt để định nghĩa DLNN: DLNN như một “sản phẩm” (các loại hình lưu trú, hoạt động, sản xuất, trải nghiệm); quy mô và cơ cấu kinh doanh (hoạt động quy mô nhỏ tập trung, hợp tác xã gia đình hay cấu trúc cộng đồng); các bên liên quan (cộng đồng địa phương, chính quyền) và tác động đến cộng đồng nông thôn. Tóm lại, DLNN là một hình thức du lịch dựa trên kinh tế nông nghiệp nhằm tạo ra những giá trị du lịch thông qua hệ thống nông nghiệp địa phương. Một hình thức du lịch mà du khách ở với người dân địa phương trong vùng nông thôn và chủ yếu dành thời gian của họ ở nông trang, trải nghiệm cuộc sống và những hoạt động hằng ngày với mục đích giải trí.
Vai trò của DLNN vùng nông thôn đã được nghiên cứu và kiểm chứng qua tính bền vững của kinh tế, môi trường và xã hội nông thôn:
Kinh tế bền vững
DLNN hỗ trợ tính bền vững của vùng nông thôn thông qua việc vốn hóa môi trường nông thôn bằng việc phát triển những hoạt động nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng và bảo tồn những nguồn tài nguyên địa phương. Tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ tư liệu sản xuất, đất đai, sông ngòi, ao hồ, con người, quy trình sản xuất, tập quán canh tác, sản phẩm sản xuất… cho đến những yếu tố tự nhiên liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp như khí hậu, thời tiết… đều là cơ sở tài nguyên cho DLNN. DLNN sử dụng nhiều nguồn lực từ môi trường nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. DLNN được xem là chất xúc tác để bảo tồn khả năng tồn tại và ổn định của những vùng nông thôn với việc nhấn mạnh đến nông nghiệp sinh thái, nghề thủ công và truyền thống.
Du khách khi đến vùng nông thôn sẽ chi tiền tham gia các hoạt động liên quan đến nông nghiệp hay mua các sản phẩm phụ. Chi tiêu du lịch không chỉ liên quan đến DLNN mà còn liên quan đến những dịch vụ đi kèm trong vùng nông thôn. Vùng nông thôn khai thác DLNN có thể kích hoạt ngoại tác kết nối (network externalities), khuyến khích các hoạt động thương mại và dịch vụ bổ sung khác tạo nên một vòng tròn phát triển. Những hoạt động DLNN ở vùng nông thôn có thể tạo ra một thị trường tiêu dùng mới, tăng thu nhập trung bình của người nông dân thông qua việc bán thành quả sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ cho du khách nhờ đó đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp.
Môi trường bền vững
Một khi người nông dân và cộng đồng nông thôn có được nguồn lợi kinh tế bền vững từ việc phát triển DLNN, những vấn đề quản lý môi trường như sử dụng nước, phát sinh chất thải, sử dụng năng lượng và ô nhiễm sẽ được xem xét và giải quyết. DLNN sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường nhờ vào việc tái sử dụng tài nguyên, tái chế tất cả các vật liệu hữu ích, giảm chất thải thực phẩm. Thực hành DLNN thân thiện với môi trường là điểm mấu chốt để thu hút du khách. Vai trò của những hoạt động DLNN góp phần trong việc sáng tạo và sửa đổi cảnh quan nông thôn. Người nông dân ra sức bảo tồn bối cảnh nông thôn: đời sống đồng quê, lối sống nông dân, ẩm thực, bảo vệ hệ động, thực vật bản địa… để thu hút du khách đến với nông trang. Nông nghiệp theo hướng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ có thể giúp bảo vệ môi trường, tạo ra một sự khác biệt như là một phần của bức tranh lớn của du lịch bảo tồn và trách nhiệm.
Xã hội bền vững
DLNN tạo cơ hội việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ. DLNN là một phương cách để cung cấp việc làm cho các thành viên trong gia đình và cơ hội cho sự kế thừa nghề nông truyền thống cho các thế hệ tương lai. Tính liên tục xuyên thế hệ của nông trang gia đình là một yếu tố bắt buộc của hoạt động DLNN. Nông nghiệp kết hợp với du lịch là sự kết hợp tuyệt vời để người nông dân tiếp tục gắn bó với nghề nông, chăm sóc, duy trì và làm mới nông trang. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi DLNN tạo cơ hội cho những người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống.
Những hoạt động thực hành nông nghiệp, lễ hội, làng nghề, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực truyền thống… làm cho mỗi vùng nông thôn trở nên đặc biệt và độc đáo. Các chương trình DLNN giúp tận dụng các nguồn tài nguyên văn hóa xã hội cộng đồng. Ở chiều ngược lại, DLNN phát triển sẽ kết nối chính người dân với văn hóa bản địa, bảo tồn những di sản văn hóa, khuyến khích người dân gìn giữ và phát triển những nghề truyền thống của địa phương để du khách được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm đặc trưng nơi họ đến tham quan. DLNN không chỉ tạo công ăn việc làm cho người nông dân mà còn có thể phát triển các giá trị văn hóa xã hội mới. DLNN kết nối người nông dân và người thành thị. Việc gặp gỡ du khách từ các nền văn hóa khác nhau sẽ có lợi cho trẻ em nông thôn, ngược lại trẻ em thành thị cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về lối sống, con người vùng nông thôn. Các hoạt động giáo dục trong quá trình phát triển DLNN mang lại những kỹ năng mới cho cộng đồng địa phương. Các nguồn thu chính của DLNN:
Trải nghiệm và giáo dục: DLNN giúp du khách có những trải nghiệm độc đáo. Chính du khách được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, canh tác, thu hoạch, chăn nuôi ở vùng nông thôn. DLNN dành cho những ai muốn kết hợp thư giãn với việc học hỏi thêm những kỹ năng hay trải nghiệm cuộc sống. Nó đáp ứng nhu cầu của con người thích tham gia thực tế vào quá trình lao động sản xuất trong môi trường nông thôn và hòa mình vào lối sinh hoạt thường nhật của một gia đình nông dân. Đây là đặc tính thu hút đầu tiên của DLNN.
Văn hóa - ẩm thực bản địa: mang đến trải nghiệm giải trí, cơ hội tìm hiểu văn hóa phong tục của người nông dân thông qua các chuyến tham quan tại ngay trang trại hoặc vùng nông thôn.
Lưu trú: hình thức lưu trú DLNN phải mang tính đặc trưng gắn với từng mô hình. Điểm đến DLNN cần đầu tư phát triển du lịch bền vững bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ đi kèm phục vụ du khách lưu trú để có thể tận hưởng trọn vẹn hơn các dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp.
Kinh doanh nông sản sạch: là hoạt động xúc tiến thương mại, bày bán trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp của điểm đến DLNN hay các sản phẩm OCOP của địa phương. Du khách hoàn toàn an tâm mua được các nông sản sạch, chất lượng vì chính du khách đã trực tiếp quan sát, trải nghiệm quá trình sản xuất. Hoạt động buôn bán trực tiếp này rất tiện lợi cho cả du khách và các chủ điểm đến. Không qua khâu trung gian, không cần chi tiền quảng cáo nên du khách sẽ mua được với giá rẻ hơn ngoài thị trường.
2. Mô hình DLNN MOCAY Famrstay, huyện Mỏ Cày Nam
Farmstay ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre học theo mô hình Moca Family Farm, Philippines trong các hoạt động quy mô nhỏ theo nguyên tắc 4Fs và 1E viết tắt của: Farm (nông trang), Food (ẩm thực), Family (gia đình), Fun (vui vẻ) và Enjoyment (tận hưởng). Vui vẻ, tận hưởng ẩm thực, học tập và sống một đời sống đơn giản, hài hòa với thiên nhiên là tầm quan trọng của việc gắn kết gia đình. Đó là những gì được mong đợi sau hành trình trải nghiệm ở MOCAY Farmstay. Tổng thể thiết kế xây dựng khu DLNN của MOCAY Farmstay dựa trên tháp hạnh phúc do Liên hiệp Hội Khoa học Phát triển Du lịch bền vững đề xuất:
Trong đó: vườn Tự sướng là vườn hoa để khách ngắm hoa, chụp ảnh; vườn Tự vui là không gian vườn rau củ quả, chuồng trại để du khách tự lao động, thu hoạch, chăm sóc vườn, chăm sóc động vật…; vườn Tự yêu với các không gian tự nấu nướng, pha chế, café, nhà tạ…; vườn Tự trọng là nơi du khách thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật tranh cát, tranh sơn dầu… theo cách mà mình thích nhất; vườn Tự do là không gian riêng tư trong khuôn viên nhà nghỉ.
Theo nguyên tắc 4Fs và 1E, MOCAY Farmstay cũng bao gồm nông trang, ẩm thực, gia đình, vui vẻ và trải nghiệm. MOCAY Farmstay có đầy đủ vườn - ao - chuồng đặc trưng của farm nông nghiệp. Ngoài vườn dừa bao phủ tạo không gian mát mẻ, MOCAY Farmstay xây dựng một vườn hoa với đa dạng các loài. Đến với MOCAY Farmstay, mỗi khu vườn nhỏ là một điểm tham quan, khung cảnh riêng cho khách ngắm hoa và là nơi “không lấy đi gì ngoài những bức ảnh”. Nông trang còn có những vật nuôi: thỏ, chim trĩ, gà, vịt, tôm càng xanh, bồ câu Thái, bo… Cung cấp cơ hội giáo dục về trồng trọt, chăn nuôi, văn hóa nông thôn, tìm hiểu từng loài hoa, ý nghĩa và cách trồng sẽ hấp dẫn đối với những du khách thành thị tìm kiếm cơ hội được học tập như phần cốt lõi cho trải nghiệm của mình. Bên cạnh đó, du khách có thể tận hưởng cơ hội được tham quan, tìm hiểu về các vườn rau củ quả. Du khách sẽ cảm thấy thích thú với việc tự tay thu hoạch rau củ quả chuẩn bị bữa tối cho bản thân, gia đình hay bạn bè. Từ nông trang đến bàn ăn. Tất cả những món ăn ngon và nước uống giải khát phục vụ du khách đều là sản phẩm tự nhiên từ MOCAY Farmstay. Ngoài ra, MOCAY Farmstay còn có không gian dành cho khách yêu nghệ thuật. Một phòng trưng bày tranh xinh xắn đủ cho du khách thưởng thức những tác phẩm tranh cát, tranh sơn dầu. Tranh trưng bày chủ đạo là những khung cảnh sinh hoạt lao động của con người vùng đất Nam Bộ hay bức ảnh đẹp có được trong tour du lịch có thể là chủ đề của tranh cát. Nếu có nhu cầu trải nghiệm, du khách sẽ được hướng dẫn cách làm tranh cát, vẽ tranh sơn dầu trong thời gian lưu trú. Đây sẽ là món quà lưu niệm độc đáo lưu giữ kỷ niệm ở MOCAY Farmstay. Hoạt động nghệ thuật này được xây dựng và phát triển từ chính đôi bàn tay một trong những người chủ của nông trang. Đây cũng là một khác biệt độc đáo của nông trang làm tăng giá trị chức năng và thẩm mỹ cho trải nghiệm của du khách.
Tour du lịch nông trang - ẩm thực - gia đình - nghỉ dưỡng phù hợp dành cho các cặp đôi trẻ và đặc biệt là gia đình có con nhỏ. Với thực tế trong cuộc sống đô thị và áp lực học tập ngày nay, tìm về với thiên nhiên sẽ giúp con trẻ cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc, các kỹ năng nhận thức, phát triển các giác quan và khả năng học tập. Bên cạnh kết nối các thành viên trong gia đình, với không gian được thiết kế như một công viên động thực vật thu nhỏ, MOCAY Farmstay giúp kết nối con người với thiên nhiên, trẻ em sẽ được nạp đầy dưỡng chất “vitamin thiên nhiên”.
Tóm lại, DLNN được xây dựng dựa trên nền tảng khung cảnh địa tự nhiên và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hai yếu tố này được kết hợp thành một trải nghiệm du lịch với mục tiêu giải trí hoặc giáo dục cho du khách. Tại mô hình DLNN của MOCAY farmstay (Mỏ Cày Nam), rất nhiều hoạt động sẽ diễn ra để thúc đẩy sự giao tiếp qua lại giữa người nông dân và du khách. Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một loạt sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp khác nhau. Thông qua việc tham gia DLNN, người nông dân hy vọng du khách sống vui, sống khỏe và trải nghiệm các hoạt động gắn với nông nghiệp, với người dân. Ngược lại, bằng cách chia sẻ cuộc sống nông nghiệp với du khách, người dân cũng sẽ yêu thích hơn nghề nông truyền thống, giúp tăng thu nhập của gia đình.
___________________
Tài liệu tham khảo
1. Barbieri, C., & Mshenga, P. M., The role of the firm and owner characteristics on the performance of agritourism farms (Vai trò của doanh nghiệp và các đặc điểm của chủ sở hữu đối với hiệu suất của các trang trại du lịch nông nghiệp), Sociologia Ruralis, 48(2), 2008.
2. Michał Sznajder, Lucyna Przezbórska & Frank Scrimgeour, Agritourism (Du lịch nông nghiệp), CAB, 2009.
3. C. Hegarty and L. Przezbórska, Rural and agri-tourism as a tool for reorganising rural areas in old and new member states - a comparison study of Ireland and Poland (Du lịch nông thôn và du lịch nông nghiệp như một công cụ tái tổ chức các khu vực nông thôn ở các quốc gia thành viên cũ và mới - một nghiên cứu so sánh giữa Ireland và Ba Lan), International Journal of Tourism Research, 7 (2), 2005.
4. Kalyan Mandi et al., Agro Tourism: Exploring New Avenues In Rural India (Du lịch nông nghiệp: Khám phá những hướng đi mới ở nông thôn Ấn Độ), Science for Agriculture and Allied Sector, vol 1 (1), 2019.
5. Maria Giulia Pezzi, Alessandra Faggian, Neil Reid, Agritourism, Wine Tourism, and Craft Beer Tourism: Local Responses to Peripherality Through Tourism Niches (Du lịch nông nghiệp, du lịch rượu vang và du lịch bia thủ công: Các phản ứng địa phương đối với tính ngoại vi thông qua các ngách du lịch), Routledge, 2020.
6. Neda Tiraieyari and Azimi Hamzah, Agri-tourism: Potential opportunities for farmers and local communities in Malaysia (Du lịch nông nghiệp: Cơ hội tiềm năng cho nông dân và cộng đồng địa phương ở Malaysia), African Journal of Agricultural Research, 7 (31), 2012.
7 (31), 2012. 7. Phillip, S., Hunter, C., & Blackstock, K., A typology for defining agritourism (Một phân loại để định nghĩa du lịch nông nghiệp), Tourism Management, 31(6), 2010.
8. Recep Efe, Münir Öztürk, Tourism, Environment and Ecology in the Mediterranean Region (Du lịch, môi trường và sinh thái ở khu vực Địa Trung Hải), Cambridge, 2014.
9. Sharpley, R., & Sharpley, J., Rural tourism An introduction (Tổng quan du lịch nông thôn), International Thomson Business Press, 1997.
10. Công bố sản phẩm du lịch “ SELF- HAPPINESS - Tự tìm hạnh phúc”, congthuong.vn, 17-3-2015.
11. Tomás F. Espino-Rodríguez, Sustainable Directions in Tourism (Những hướng đi bền vững trong du lịch), MDPI, 2019.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 1-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 11-3- 2025; Ngày duyệt đăng: 25-3-2025
TS PHAN THỊ NGÀN - Ths TRƯƠNG PHÚC HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025