Cuốn sách Đinh Cường - ra đi mới biết lòng vô hạn (1) rất dày, 750 trang, dễ làm nản lòng người đọc trong hoàn cảnh cuộc sống quá bận rộn như hiện nay. Không chỉ giới thiệu hội họa của Đinh Cường thông qua các bản in tranh và bài viết của nhiều người về hành trình sáng tác của ông, cuốn sách còn chọn giới thiệu rất nhiều thơ, thơ văn xuôi, những bài viết mang nặng tâm cảm của một nghệ sĩ sống tha hương trong gần nửa đời người còn lại.
Đinh Cường là một trong những tên tuổi nổi bật của hội họa miền Nam trước ngày đất nước thống nhất. Ông vốn là cựu học sinh trường trung học Petrus Ký danh giá của Sài Gòn xưa, được giáo dục bài bản, nghiêm cẩn không chỉ về tri thức mà còn cả đạo đức, nhân văn. Ông lựa chọn tiếp tục học về hội họa và sư phạm hội họa. Năm 1963, ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, bắt đầu giảng dạy về hội họa tại trường trung học nữ sinh Đồng Khánh. Một năm sau, ông tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm hội họa, Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (2), rồi tiếp tục công việc giảng dạy hội họa tại cả hai ngôi trường nữ sinh danh giá ở Huế, cho đến năm 1967. Từ năm này trở đi, ông chuyển làm giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Huế (3), gắn bó với phong trào sáng tác hội họa tiền phong, thông qua hoạt động của hội Họa sĩ trẻ Việt Nam, thành lập năm 1966, mà ông là ủy viên ban chấp hành. Từ sau năm 1975, ông hoàn toàn dành thời gian cho hội họa và việc viết. Phải nói thêm rằng, hội họa và việc viết luôn song hành cùng ông từ thời tuổi trẻ. Những tri thức, sự giao lưu với nhiều hơn một lĩnh vực nghệ thuật là hướng sống chung của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975. Nhiều người trở thành bạn tâm giao của nhau, thậm chí cùng nhau vẽ, ký tên trên một bức tranh. Trịnh Công Sơn của âm nhạc và Đinh Cường của hội họa từng là vậy.
Người nghệ sĩ nào cũng có những giấc mơ sáng tạo của riêng mình trên hành trình dài của việc sống. Những bất trắc của đời thực bủa vây đôi khi càng khiến cho những giấc mơ ấy có sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đinh Cường và thế hệ nghệ sĩ thời ấy phải sống cùng với những tâm trạng đầy bất an bởi chiến tranh, với riêng ông, có vẻ như hoàn cảnh ấy đẩy ông rơi vào tâm trạng của kẻ vong hương ngay trên chính quê hương mình. Điều này thể hiện trong đoạn trích từ bài thơ ông viết năm 1969, Ba ngồi hát trên rừng cao su như con nằm bú sữa:
Ba buồn vô cùng như sông dưới kia
Ba buồn vô cùng như tiếng bom rơi
ồ ạt xuống khu rừng quanh đây
con ơi con ơi con
nơi ba đã lớn lên
ba đã trở về lạ mặt
Có lẽ bởi thế mà hội họa của Đinh Cường mang nặng tâm trạng hoài nhớ về những miền bình an, miền đẹp dường như chỉ có trong tâm tưởng của một kẻ đa cảm. Dù với hình thức hội họa nào, người ta cũng dễ nhận ra ở tranh của ông sự trĩu nặng của suy tư. Với dòng tranh biểu hình, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông thời đó, Đinh Cường chịu ảnh hưởng, đúng hơn là không muốn thoát khỏi ảnh hưởng tranh chân dung của A.Modigliani (1884 - 1920), họa sĩ hiện đại người Italia. Những hình dáng thon dài, mỏng manh, chơi vơi giữa khung cảnh thưa vắng hoang hoải của Huế, Đà Lạt; những đôi mắt đen dài, luôn nhìn xuống hoặc xa xăm; những gương mặt thanh tú, ưu tư. Người ta thấy hình dáng ấy trong tranh của ông, của Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ... Một vẻ hư ảo, duy mỹ giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc đương thời. Kể từ đó về sau này, cho đến tận bây giờ, Nguyễn Trung, thủ lĩnh của Hội họa sĩ trẻ Việt Nam thời đó, còn phát triển hướng vẽ ấy lên như một dòng riêng trong sự nghiệp hội họa, rất ăn khách, mang hơi hướng trang trí. Bản thân Đinh Cường cũng từng viết về sự ảnh hưởng của Modigliani tới hội họa của ông: “… nhớ lại đầu thập niên 1960, chúng tôi, những họa sĩ trẻ, đang hăng say vẽ, tìm tòi, sáng tạo, đã tìm thấy ở Chagall, Modigliani, Klee… một không khí hư thực, thơ mộng, gần thẩm mỹ phương Đông, với thiếu nữ, ngựa, đồi, và trăng bàng bạc khói sương, một tình yêu phơi phới… Bức tranh cô gái cổ dài bị Lục Hà cười đầu tiên là Biển nhớ, theo bản nhạc của Trịnh Công Sơn vừa viết xong năm 1963. Cô gái ngồi rủ buồn trước biển, với con dã tràng màu đỏ thắm. Bị mê hoặc lúc nào không hay bởi những chân dung thiếu nữ của Modigliani, với chiếc cổ dài như con thiên nga, mà người họa sĩ đã phát hiện… Những năm đầu tiên khi đến Mỹ, có dịp đi các viện bảo tàng mỹ thuật, tôi đều tìm đến phòng có treo tranh Modigliani mà đứng lặng nhìn, xúc động…” (4).
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng nói trên chỉ thuần mang tính hình thức. Trong khi Modigliani tìm kiếm những hình thức và ngôn ngữ biểu đạt mới trong sáng tạo của mình, không chịu đi theo bất kỳ vết xe đổ của các trường phái đang thịnh hành đương thời mà muốn kiến tạo nên một thế giới nghệ thuật của riêng ông, vượt qua mọi ranh giới của Ấn tượng, Lập thể, Đa đa... thì nhiều họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 60 TK XX, trong đó có Đinh Cường, dường như vẫn mang tâm thế của một nho sĩ, mượn thi ca hội họa để giãi bày tâm trạng cá nhân. Hội họa như một phương tiện để truyền tải và giải tỏa tâm trạng thay vì là đích đến sáng tạo. Chính vì thế, dù ở ngay tại quê hương, trong hoàn cảnh chiến tranh, hay sau này, ở xa quê hương, trong hoàn cảnh sống êm ấm hơn, ông vẫn vẽ với một tâm trạng hoài nhớ về những viễn ảnh cái đẹp chỉ có riêng trong thế giới mộng tưởng của mình. Điều đáng quý là viễn ảnh ấy phần nào hiện diện trong tính cách nhân ái của ông, một người giàu tình cảm, thủy chung, ấm áp và chân tình với tất cả, như lời giới thiệu sách đề cập. Những năm tháng dài sống ở Mỹ, Đinh Cường càng có khuynh hướng vẽ dòng tranh này. Điều thú vị là ngay cả khi ông vẽ chân dung hai cô cháu gái tuổi thiếu niên, 11 - 12 tuổi, vẫn thấy đâu đó nguyên một vẻ đẹp cổ điển, mộng mơ trong hoài niệm về thiếu nữ Huế thuở nào.
Sự nhất quán trong tâm cảm của Đinh Cường về một cái đẹp không tồn tại giữa đời thực, đúng hơn là một cái đẹp đã mất bởi hiện thực tàn khốc, trải dài theo thời gian và không gian, khiến cho người đọc sách không khỏi ngậm ngùi. Phần nào trầm tĩnh như tính cách con người của ông, hội họa trừu tượng của Đinh Cường cũng tiếp tục thể hiện tâm cảm ấy. Những tên tranh của ông như chỉ là cớ đưa đẩy vào nội dung mênh mông của một tâm trí luôn đi tìm điểm tựa bình an cho chính mình. Không hẳn là sự phá cách của ngôn ngữ, sự tìm kiếm những mới mẻ trong bút pháp hay tinh thần cách mạng, phản kháng mạnh mẽ hướng đến tính tiền phong nghệ thuật, hội họa trừu tượng của Đinh Cường, cũng như dòng tranh biểu hình của ông, chỉ là phương tiện để ông giãi bày tâm trạng mình. Như ông tự bạch: “Nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm”.
Có thể nói, những sáng tác của Đinh Cường trong hội họa và văn chương là hy vọng giữa rất nhiều tuyệt vọng của một cá nhân có tài song phải trải nghiệm đời mình qua nhiều tàn khốc, vô định của hoàn cảnh chiến tranh, của sự khác biệt nhận thức xã hội và thẩm mỹ cũng như sự tha hương về cuối đời. Nghệ thuật đã là một mái nhà thứ hai, nơi giúp ông lấy lại sự bình an trong chốc lát. Cũng chính bởi nghệ thuật là phương tiện cứu cánh tâm hồn thay vì là kế sinh nhai Đinh Cường đã dành cho nó tất cả cảm xúc đẹp đẽ, thành thực nhất. Từ đây, ông đã nhận lại được thật nhiều sự trân quý và tình cảm của bạn hữu, từ cùng thế hệ đến lớp người trẻ hơn, bạn vong niên.
Khép lại những trang sách cuối cùng của Đinh Cường - ra đi mới biết lòng vô hạn, người viết cảm thấy tiếc nhớ về một tâm hồn nặng lòng với cái đẹp tuyệt đích như của nhân vật chính. Cuốn sách hẳn là một món quà cho những nghệ sĩ cùng ý hướng với ông, hoặc chí ít là một chiếc tẩy tinh thần cho những ai đang có dụng ý biến hội họa thành một công cụ duy ý chí cho cuộc sống vật chất của mình.
___________
1. Sách do Bửu Nam và Phạm Thị Anh Nga (chủ biên), Nxb Hội nhà văn, 2016.
2. Nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
3. Nay là Đại học Nghệ thuật Huế.
4. Đinh Cường, Modigliani, người họa sĩ lừng lẫy bi thảm nhất thế kỷ hai mươi, in trong sách này, tr.629.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : ĐÀO MAI TRANG