Các concert quy mô lớn ra đời đã mở ra một giai đoạn mới cho âm nhạc Việt Nam. Nhưng để concert thực sự trở thành một loại hình giải trí thu hút người xem trong nước và đón thêm khán giả quốc tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững của công nghiệp âm nhạc nước nhà thì còn là hành trình phía trước với nhiều vấn đề cần giải quyết.
Tiết mục biểu diễn trong Forestival 2025
Xu hướng giải trí “hot”
Concert (buổi hòa nhạc, buổi biểu diễn ở sân vận động, nhà hát, không gian ngoài trời) là hình thức trình diễn âm nhạc trực tiếp trước đám đông khán giả rất phổ biến và được yêu thích nhất trên thế giới. Trong quá khứ, có những concert đã góp phần làm thay đổi công nghiệp âm nhạc thế giới. Như concert của The Beatles tại Sân vận động Shea (New York, Mỹ) năm 1965 thu hút 55.600 khán giả, được xem là buổi hòa nhạc định hình nên chương trình nhạc rock hiện đại.
Hiện là một xu hướng giải trí “hot”, concert còn có đóng góp quan trọng cho cả kinh tế và du lịch. Công ty Nghiên cứu thị trường QuestionPro ước tính The Eras Tour (từ tháng 3/2023 - 12/2024) của Taylor Swift mang lại khoảng 5 tỷ USD cho kinh tế Mỹ. Không chỉ là bán vé, chuỗi concert giúp các địa phương nơi Taylor Swift biểu diễn kích cầu du lịch, tăng trưởng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, giao thông vận tải. Ngoài khán giả vào xem trực tiếp, còn hàng chục nghìn người hâm mộ tụ tập bên ngoài sân vận động theo dõi concert từ bãi đậu xe hoặc các công viên gần đó (theo Business Insider). Trên website Quốc hội Anh (UK Parliament) tháng 9/2024, các nhà chức trách xác nhận chuyến lưu diễn của Taylor Swift tại Anh từ tháng 6 đến tháng 8 giúp mức tăng trưởng đạt gần một tỷ bảng Anh.Từ đó, họ kêu gọi chính phủ tiếp tục hỗ trợ và đầu tư vào lĩnh vực giải trí để tối đa hóa những đóng góp của nghệ sĩ về mặt kinh tế và văn hóa (theo Time).
Ở Việt Nam, từ năm 2024 concert bắt đầu “nở rộ” và trở thành một loại hình giải trí tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Nửa đầu năm 2025, concert 3 và 4 (150.000 khán giả) của Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG); concert 5 (78.000 khán giả) và 6 (30.000) của Anh trai say hi (ATSH); Live-concert All-Rounder (16.000 khán giả/ 2 đêm), Forestival (20.000 khán giả)...tiếp tục đưa âm nhạc Việt thăng hoa. Sân khấu hoành tráng, âm thanh và ánh sáng “đỉnh nóc”, những tiết mục biểu diễn live “kịch trần”, hiệu ứng truyền thông lan tỏa, hàng chục ngàn vé “cháy sạch” ngay khi mở bán...cho thấy concert Việt ngày càng chuyên nghiệp, tạo ra một thế hệ khán giả mới: chịu chi và chịu đi concert để nghe nhạc, kết nối với cộng đồng, mang lại cơ hội cho không chỉ những gương mặt trẻ đang lên mà cả những nghệ sĩ đã hoạt động nhiều năm tỏa sáng tài năng. Tuy nhiên, để concert phát huy lợi thế trong dòng chảy của công nghiệp âm nhạc Việt Nam thì còn những vấn đề gì cần giải quyết ?
Live-concert All-Rounder của Soobin Hoàng Sơn
Nhân lực chất lượng cao và “bài toán” về hạ tầng
Tổ chức concert quy mô hàng ngàn khán giả cần một sân khấu lớn với hệ thống âm thanh, ánh sáng, video và các hiệu ứng đặc biệt để tạo không gian biểu diễn hoành tráng. Theo đó là một đội ngũ vận hành các thiết bị và đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Ngoài ra, còn phải chọn địa điểm tổ chức, thiết kế chương trình biểu diễn, nghệ sĩ, quảng cáo và ngân sách. Trước đây, khi tổ chức concert của các ngôi sao quốc tế ở Việt Nam, toàn bộ ekip sản xuất và trang thiết bị, thiết kế, dàn dựng sân khấu đều đưa theo từ nước ngoài, đội ngũ người Việt chỉ được tham gia vài công đoạn nhỏ.
Kinh phí có thể tính bằng triệu USD cho thấy nhiều concert Việt đang có sự đầu tư quy mô và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi concert đều có bước tiến trong ứng dụng công nghệ, hiện thực những ý tưởng sáng tạo và mang đến cho công chúng trải nghiệm mới mẻ. Như concert ATVNCG 5 và 6 lắp đặt Delay Tower - công nghệ mới nhất giúp khán giả ở xa vẫn nghe rõ từng tiếng hát, và giữ được trải nghiệm âm thanh đồng nhất khắp toàn bộ không gian; lần đầu tiên hiệu ứng “mưa” diện rộng kết hợp EDM, vũ đạo và ánh sáng giúp bùng nổ cảm xúc. Không chỉ học hỏi quốc tế concert nội địa còn khẳng định sự khác biệt mang bản sắc Việt khi sử dụng chất liệu dân gian trong âm nhạc, hình ảnh sân khấu, thiết kế không gian trình diễn, sử dụng đạo cụ...có chiều sâu văn hóa. Như Live-concert All-Rounder của Soobin Hoàng Sơn dùng ánh sáng trầm, sân khấu phụ cắt ngang khán đài như một dòng chảy, tạo không gian đậm chất dân gian trong phần hát Xẩm và Ca trù.
Không có công nghệ và trang thiết bị hiện đại thì khó có được một concert hấp dẫn cho hàng ngàn người “cháy” hết mình. Nhưng trong biểu diễn âm nhạc, điều khán giả cần là cảm xúc, sáng tạo và nghệ thuật từ con người. Nhiều concert huy động hơn 1.000 nhân sự cho các khâu sản xuất và hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, cần phải đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, liên tục phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ nhằm giải quyết vấn đề thiếu đội ngũ sáng tạo, biểu diễn hiểu nghề và yêu nghề, đáp ứng nhu cầu tổ chức concert không chỉ ở Hà Nội hay TP HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.
Hiện tại Việt Nam còn thiếu các nhà hát, nhà thi đấu, sân vận động đủ tiêu chuẩn và được vận hành chuyên nghiệp. Tại tọa đàm Đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc, ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc truyền thông của Yeah1 (tổ chức concert ATVNCG, Chị đẹp concert) chia sẻ là rất khó khăn khi tìm kiếm địa điểm phù hợp để tổ chức những sự kiện 40.000 - 50.000 người ở TP. HCM. Chỉ các khu đô thị mới có bãi đất trống lớn, phải thiết kế sân khấu hoàn toàn mới, tốn kém kinh phí tổ chức. Theo ông An, “bài toán” về địa điểm là yếu tố then chốt, giúp bảo đảm điều kiện tổ chức tối ưu và mở ra cơ hội đưa concert Việt vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành, đặc biệt là du lịch.
Tiềm năng phát triển du lịch âm nhạc
Theo ông Phạm Minh Toàn -Tổng Giám đốc Vietfest (tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP. HCM - Hozo), nhiều concert ở Việt Nam chỉ tổ chức một đêm là rất lãng phí và mất nhiều công sức tổ chức, khi khán giả tới xem rồi đi về. Trong khi đó ở Thái Lan có những lễ hội âm nhạc kéo dài cả tuần ở địa điểm được thiết kế riêng, du khách vừa xem concert vừa vui chơi cả tuần và chi tiêu cho du lịch địa phương. Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình phổ biến và phát triển ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Trên khắp cả nước, mô hình du lịch kết hợp với show ca nhạc đang được các địa phương tích cực thúc đẩy và hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tổ chức được thuận lợi. Như Forestival 2025 kết hợp concert và triển lãm Cung đường di sản tạo nên sự cộng hưởng độc đáo giữa văn hóa bản địa và xu hướng toàn cầu, nhằm kích cầu du lịch cho địa phương. Theo thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 2 ngày diễn ra sự kiện âm nhạc này đã “níu chân” 20.000 khán giả, trong đó có nhiều khách quốc tế. Thành công của Forestival mở ra hướng xây dựng một lễ hội âm nhạc đỉnh cao thường niên độc đáo, được định hình riêng cho Ninh Bình.
Thiết nghĩ, để góp phần phát triển du lịch âm nhạc, cần xây dựng concert thành một sân chơi, một điểm đến, một kỳ nghỉ thật hấp dẫn, cuốn hút được nhiều gia đình, nhóm bạn, cặp đôi...chịu chi ngân sách đi xem concert. Tất nhiên, để xây dựng những địa điểm tổ chức concert định kỳ và dài ngày, đơn vị tổ chức concert phải có kế hoạch “dài hơi” trong lịch biểu diễn, kết hợp với doanh nghiệp du lịch xây dựng và thiết kế sản phẩm, chẳng hạn như combo tour: vé xem concert - ẩm thực - tham quan.
Chị đẹp concert- 30 chưa từng là giới hạn
Tuyên truyền và phổ biến thói quen mua vé
Dù thị trường vé đang “nóng” với hàng loạt concert công diễn, nhưng theo Châu Lê - CEO Bamboo Artists Agency thì con số 78.000 vé, 53.000 vé thông báo trên truyền thông là không có kiểm chứng. Vì Việt Nam thiếu “big data” (dữ liệu lớn) về số lượng khán giả sẵn sàng bỏ tiền cho âm nhạc như phim chiếu rạp. Nếu thống kê được ở Việt Nam có 10 triệu người có thói quen đi xem concert, đêm nhạc thì dữ liệu này sẽ rất có ý nghĩa với các đơn vị tổ chức.
Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân. Song hiện tại có rất nhiều sự kiện âm nhạc tổ chức cho khán giả xem miễn phí. Còn kinh phí tổ chức của nhiều concert (có bán vé) vẫn phụ thuộc vào tài trợ của doanh nghiệp. Ông Trần Thăng Long - Trưởng Bộ phận Phát triển nghệ sĩ và Marketing nhạc Việt tại Universal Music Việt Nam, nhận định: “Mặc dù người Việt Nam đã bắt đầu đi xem concert thường xuyên, nhưng vẫn thấp hơn các nước Đông Nam Á. Để thị trường thực sự phát triển, việc tham dự các sự kiện âm nhạc trực tiếp cần trở thành thói quen. Điều này sẽ giúp tạo ra một thị trường concert bền vững hơn để nghệ sĩ phát triển và ngành công nghiệp âm nhạc có thể thăng hoa”.
Thời gian qua, những concert âm nhạc của nghệ sĩ quốc tế tổ chức tại Việt Nam thu hút khá nhiều khán giả trên thế giới. Đồng thời với xem concert, họ cùng lúc khám phá văn hóa địa phương, trải nghiệm du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm...Để tăng sức thu hút cả khán giả quốc tế - tức tăng nguồn thu bán vé - cho concert nội địa, nên mời nghệ sĩ quốc tế cùng biểu diễn với nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Theo Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm - Giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT- để định vị Việt Nam như một trung tâm du lịch âm nhạc sôi động, các cơ quan quản lý cần tích cực hỗ trợ tổ chức và quảng bá các sự kiện âm nhạc đa dạng, từ các chương trình nhạc Pop đương đại đến âm nhạc truyền thống. Xây dựng lịch trình những sự kiện âm nhạc trên khắp cả nước và quảng bá chúng ra quốc tế có thể thu hút một phân khúc khách du lịch mới - những người yêu âm nhạc khao khát trải nghiệm trực tiếp nền âm nhạc năng động của Việt Nam. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các sự kiện văn hóa - giải trí quy mô lớn và đơn giản hóa quy trình thị thực cho du khách quốc tế sẽ tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn này.
Khi đủ mạnh bằng năng lực tổ chức của nhà sản xuất, tài năng của nghệ sĩ, thu hút thật đông khán giả trong và ngoài nước “chịu chi”, tạo ra giá trị lớn về du lịch văn hóa...concert nội địa sẽ phát triển bền vững và góp phần cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam “cất cánh” trong kỷ nguyên mới.
XUÂN HƯỚNG - TẠ THỊ OANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025