Một số vấn đề trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ hiện nay

Đông Nam Bộ (ĐNB) gồm 6 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nhiều phong trào yêu nước trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đặc biệt, ĐNB là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, xã hội, nguồn lực, khoa học công nghệ để phát triển. Đây cũng là khu vực có nhiều điều kiện tốt cho phát triển du lịch của riêng từng địa phương cũng như của chung toàn vùng.

1. Khái quát về phát triển du lịch vùng ĐNB

Vùng ĐNB có đường bờ biển dài 350km, nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo; có hệ sinh thái đất ngập mặn tại Cần Giờ; giàu tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; hệ thống Vườn quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh); tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai); tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước). Đặc biệt, TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất, là nơi hội tụ nền văn hóa của nhiều tộc người, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 24-12-2014, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐNB đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ĐNB được xác định là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch cả nước. Sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch ĐNB là “Du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển - đảo; hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa - lịch sử”… Đây là những nhân tố, điều kiện rất thuận lợi mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho ĐNB, từ đó cho phép mỗi địa phương của vùng đánh thức, khơi dậy các nguồn lực khác nhau để phát triển văn hóa nói chung, phát triển du lịch nói riêng, đưa ĐNB trở thành trung tâm không những về kinh tế mà còn về văn hóa, du lịch.

2. Thực trạng phát triển du lịch vùng ĐNB

Trong những năm qua, phát triển du lịch vùng ĐNB đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc phát triển du lịch vùng ĐNB đã bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…

Đồng thời, mỗi địa phương vùng ĐNB có sự vận dụng linh hoạt điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để phát triển du lịch cho tương thích, không dập khuôn, máy móc hoặc thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, nêu bật những lợi thế, đặc trưng nổi bật của từng địa phương cũng như tiềm năng liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh thành nội vùng. Trong năm 2019, vùng ĐNB đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt gần 1,7 triệu người, giảm 65% so với cùng kỳ (1).

Các địa phương vùng ĐNB xác định rõ, phát triển du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là kênh quan trọng giao lưu văn hóa giữa nhân dân trong nước với nhân dân thế giới; qua đó, vừa phát huy, bảo tồn vừa làm mới các giá trị văn hóa. Du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người nông dân ở vùng ven biển, gần các khu du lịch.

Năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến TP.HCM đạt 8,619 triệu lượt khách, tăng 13,48% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 7,595 triệu lượt khách). Khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách). Tổng thu của ngành Du lịch đạt 140.017 tỷ đồng, tăng 10,15% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 127.111 tỷ đồng) (2).

Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực, sản phẩm du lịch ngày càng hoàn thiện, kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng phát triển, lượt khách và doanh thu du lịch ngày càng tăng… Vì vậy, ngành Du lịch hướng đến trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Trong những năm qua, lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015-2019 đạt 10,5%/ năm và doanh thu du lịch đạt 14,6%/ năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ du lịch cao hơn tăng trưởng bình quân lượt khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch Đồng Nai ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh hơn nên chi tiêu của du khách có mức cao hơn (bình quân năm 2015 chi tiêu 314.000 đồng/ khách, đến năm 2019, ước khoảng 363.000 đồng/ khách). Du lịch đã góp phần nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, tạo công ăn việc làm cho trên 3.000 lao động trực tiếp làm việc tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ và các công ty lữ hành… (3).

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở vùng ĐNB còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch. Nhiều khu vực vui chơi, giải trí chưa được cải tạo, nâng cấp. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan, nhất là du khách quốc tế. Việc quy hoạch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng khách lưu trú dài ngày ở một số tỉnh, như Bà Rịa - Vũng Tàu còn thấp, phần đông khách đến du lịch nghỉ mát vào ngày cuối tuần. Tình trạng tăng giá dịch vụ tự phát vẫn diễn ra tràn lan ở một số nơi. Việc khai thác, đưa vào sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng chưa được chú trọng đúng mức. Đơn cử, TP.HCM đang sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm: 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, đa dạng; hệ thống đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh… nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, vẫn là “hòn ngọc” cần phải được mài dũa thêm…

3. Một số vấn đề đặt ra

Để phát triển du lịch vùng ĐNB, cần gắn du lịch với đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra sản phẩm du lịch nổi tiếng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, cân bằng cuộc sống giữa con người với thiên nhiên.

Vì vậy, trước hết, tăng cường liên kết, hợp tác, kêu gọi đầu tư giữa các địa phương để phát triển du lịch vùng ĐNB. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để phát triển du lịch vùng ĐNB, bảo đảm cho các hoạt động diễn ra thường xuyên, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, có sự giao thoa văn hóa giữa các địa phương với nhau. Việc liên kết, hợp tác, kêu gọi giữa các địa phương giúp cho hoạt động du lịch ở mỗi địa phương được tỏa sáng, phát triển, tiếp thu lẫn nhau những giá trị tốt đẹp. Mỗi địa phương có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau để quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho những sản phẩm văn hóa du lịch; hợp tác xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch nhằm thu hút khách đến tham quan. Người đứng đầu mỗi địa phương ở vùng ĐNB cần có chiến lược quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch để xúc tiến hợp tác, kết hợp với nhau trong xây dựng, tu bổ, tôn tạo, làm mới những khu di tích lịch sử, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thăm quan. Nếu trong điều kiện phạm vi ngân sách còn hạn hẹp thì phải xác định những công trình, khu vực trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, huy động sức mạnh của toàn dân, nhất là doanh nghiệp lớn, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi một chủ trương, đường lối, chính sách phát triển du lịch ở mỗi địa phương.

 Trong năm qua, các tỉnh ĐNB đã liên kết với nhau hình thành nhiều tuyến sản phẩm liên vùng về phát triển du lịch: TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề Sắc xanh ngày mới, Chinh phục nóc nhà Nam Bộ, TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề Tình đất đỏ miền Đông và TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca; cùng với đó đẩy mạnh hình thức phát triển các hoạt động phục vụ du lịch khác như: tour xe caravan TP.HCM - Tây Ninh; Hành trình xuyên Á, vẻ đẹp của cung đường biên giới, trải nghiệm văn hóa đa sắc màu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch ở vùng ĐNB một cách bền vững, ổn định. Đây là biện pháp mang tính chất quyết định. Nói đến phát triển du lịch là nói đến nguồn nhân lực, bao gồm tất cả các tổ chức, lực lượng và các tầng lớp nhân dân, đây là lực lượng chính, chủ yếu tham gia vào các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ở vùng ĐNB. Vì vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch vùng ĐNB bền vững, ổn định là rất cấp bách, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách về du lịch, hoạt động trong lĩnh vực du lịch để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa vùng ĐNB với những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa của mỗi địa phương; đặc biệt là tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về ngoại ngữ, xã hội, để khi du khách nước ngoài đến thăm quan có thể diễn thuyết, trình bày, giới thiệu được. Muốn vậy, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chuyên trách về văn hóa trong tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán ở từng địa phương.

Mỗi địa phương nội vùng cũng cần có chiến lược cụ thể để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng để phát triển du lịch. Đây là biện pháp có tác dụng thúc đẩy việc phát triển du lịch của cả vùng một cách bền vững, hiệu quả. Mỗi địa phương ở vùng ĐNB đều có những thế mạnh riêng, sản phẩm rất đặc trưng tiêu biểu: Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá - mạo hiểm - trải nghiệm; Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen; Bà Rịa - Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo; Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao; TP.HCM có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái… Vì vậy, mỗi địa phương cần khai thác triệt để những tiềm năng, lợi thế này để vực dậy những lĩnh vực du lịch còn đang ở trạng thái chưa được đánh thức, xây dựng chiến lược cụ thể cho hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng và tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, hướng đến người dân; có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên giữa người dân với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trước sản phẩm du lịch của mỗi người, mỗi địa phương trong toàn vùng.

4. Thay lời kết

Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI của Đảng đã khẳng định: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4). Việc phát triển du lịch vùng ĐNB chính là góp vào bức tranh văn hóa chung của cả nước thêm sinh động, hấp dẫn. Để từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy được lợi thế, tiềm năng du lịch ở mỗi địa phương, trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển du lịch vùng, cần có sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

____________________

 1. Mạnh Hùng, Du lịch Đông Nam Bộ liên kết phát triển bền vững, baochinhphu.vn, 28-6-2020.

2. Nguyễn Tấn Trung, Giải pháp phát triển ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, tháng 4-2021.

3. Lê Kim Bằng, Đồng Nai khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Tạp chí Tuyên giáo, 14-8-2019.

4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 9-6-2014.

PHAN THỊ CẨM LAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;