Bình yên ở Lung Ngọc Hoàng

Lá phổi xanh vùng đất phương Nam

Trong những ngày đầu năm đón Tết cổ truyền 2021, chúng tôi đã có mặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Lung Ngọc Hoàng (gọi tắt là KBT) tọa lạc tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang để tìm hiểu nhiều nét đổi thay của lá phổi xanh vùng đất phương Nam cùng với những vất vả của những người đã và đang bảo vệ cho rừng được vẹn nguyên, an toàn trước nguy cơ tàn phá của “giặc lửa”.

Về cái tên Lung Ngọc Hoàng, anh Võ Quốc Thái, nhân viên bảo vệ KBT kể: nghe ông bà xưa kể lại, theo truyền thuyết, hồi khai thiên lập địa, một hôm Ngọc Hoàng Thượng đế và hàng trăm con voi đi lạc xuống trần và đã đến vùng đất hoang sơ nhưng đầy tiềm năng này, những dấu chân khổng lồ của Ngọc Hoàng chính là những con rạch, ao hồ còn lại của KBT hôm nay ( ?).

Theo nhà Nam Bộ học Sơn Nam, năm 1900 mới có những người dân đầu tiên đến đây định cư, khai phá, săn bắt, lập nghiệp cho đến hôm nay. Trước 1945, nhiều địa chủ đã đưa người làm thuê đến đây canh tác, khai hoang nhưng sau 1945 họ đã không còn quay lại nên lung trở nên hoang vắng. Đây chính là điều kiện tốt nhất để cách mạng biến Lung Ngọc Hoàng thành căn cứ hoạt động rất an toàn với nhiều ưu điểm: tài nguyên, lương thực phong phú; địa hình hiểm trở; dễ triển khai thế trận chống lại các cuộc càn quét của thực dân Pháp lúc này và sau là đế quốc Mỹ.

Lung Ngọc Hoàng có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động thực vật quý hiếm

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc KBT cho biết: “Chúng tôi chia KBT ra làm 3 phân khu để dễ quản lý bao gồm: Khu bảo vệ nghiêm ngặt; khu hành chính và khu sinh thái. Hiện nay, KBT đang có gần 80 loài chim, trên 30 loại bò sát, 135 loại động vật quý hiếm như: bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, đà đẩy, vạc, ác là… cùng với gần 75 chủng loại cá khác nhau. Đặc biệt nhất và cũng là nét độc đáo rất riêng biệt là KBT đang quản lý rất nhiều động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ như: dơi chó, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm… Tất cả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc vừa là lá phổi xanh của ĐBSCL, vừa góp phần bảo tồn động, thực vật quý hiếm của thiên nhiên ban tặng, mở ra một tiềm năng du lịch sinh thái to lớn trong tương lai”.

Gian nan giữ rừng

Bên ly rượu xuân ngày Tết, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện vui buồn về việc giữ rừng ở KBT khỏi bị “thần lửa” viếng thăm. Đặc biệt là câu chuyện nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến tận đây thị sát và chỉ đạo các biện pháp giữ rừng.

Tuy vậy, việc giữ rừng ở KBT đang gặp phải rất nhiều gian khó từ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước tiên, lực lượng bảo vệ chuyên trách còn rất mỏng manh so với nhiệm vụ canh phòng 2.800ha rừng rất rộng lớn, địa hình phức tạp và có khả năng xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa nắng nóng. Đã vậy, mức thu nhập của họ lại khá thấp, bình quân chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng trong điều kiện công tác vô cùng khó khăn, vất vả.

Anh Võ Quốc Thái, nhân viên bảo vệ KBT chia sẻ: “Nếu không có tinh thần trách nhiệm cao, thực sự yêu rừng, chấp nhận mọi gian khổ thì khó bám rừng  lắm. Tôi công tác ở đây đã 20 năm, cũng là 20 năm đón Tết ở lung. Mất cảnh giác là dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, đó là chưa kể kẻ gian thường tranh thủ thời gian nghỉ Tết để lén lút vào đây đánh bắt thủy sản, đốn hạ cây rừng”.

Theo lời anh Thái, để cải thiện thu nhập cho lực lượng bảo vệ, lãnh đạo KBT đã có phương thức giao khoán một số diện tích để nhân viên nuôi ong rừng lấy mật nhưng phải đảm bảo yếu tố tuyệt đối an toàn. Đây chính là chìa khóa giúp họ có thêm thu nhập, an tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bình quân mỗi người có thêm từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Một khó khăn khác đang được các ngành hữu quan tìm cách giải quyết nhưng chưa có lối ra thích ứng là việc tồn tại của trên 120 hộ dân đang sống xen kẽ tại các các phân khu của KBT, tất cả đều sống từ nguồn thu nhập thủy sản, rau màu, cây ăn trái của Lung Ngọc Hoàng. Hiện tại, họ vẫn tiếp tục “ bám lung” dù Nhà nước đã chuẩn bị nền nhà tái định cư và một số chính sách hỗ trợ khác. Lo lắng nhất là việc cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào từ việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, từ sự phối hợp rất bài bản của người dân trong và ngoài KBT, tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, nhân viên, nhất là lực lượng chuyên trách giữ rừng nên 11 năm qua, KBT Lung Ngọc Hoàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể đã giữ được rừng không xảy ra bất kỳ một vụ cháy nào dù là rất nhỏ. Kết quả trên có được còn từ sự chi viện nhiều thiết bị chuyên dụng phòng chống cháy rừng của các cơ quan chuyên môn.

Ông Lư Xuân Hội, cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gen của các loài động, thực vật. Tiếp tục hoàn thành Đề án “Du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn” với các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, khám phá rừng và vùng đất ngập nước, thưởng thức Đờn ca tài tử, nấu các món ăn đặc sản địa phương và tổ chức lễ hội lấy mật ong”. 

Tác giả: Phan Thị Anh Thư

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

;