Lang Chánh là một huyện thuộc miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, bắc giáp huyện Bá Thước, đông giáp huyện Ngọc Lặc, nam giáp huyện Thường Xuân, tây giáp huyện Quan Sơn và huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn - Lào). Vị trí tự nhiên tạo nên địa thế của vùng đất Lang Chánh núi rừng điệp trùng, vừa khắc nghiệt về thiên nhiên, vừa xung yếu về quân sự. Lang Chánh từng được biết đến với tư cách là vùng đất cổ, một vùng đất giàu bản sắc văn hóa đa dân tộc, giàu tiềm năng tài nguyên và truyền thống anh hùng, sáng tạo.
1. Đặc điểm về sự phân bố dân cư
Chủ nhân sớm nhất của vùng đất Lang Chánh là người Thái, người Mường và từ sau cách mạng tháng Tám có thêm người Kinh. Dân số toàn huyện là 48.239 người (tính đến ngày 31-12-2008), gồm chủ yếu ba dân tộc Thái, Mường, Kinh, trong đó Thái 54,3%, Mường 35,0%, Kinh 10,5%, các tộc người khác 0,2%. Thái, Mường là những cư dân lâu đời, phân bố trải rộng và đan xen trên toàn vùng Lang Chánh.
Người Thái tập trung chủ yếu ở các vùng Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú, Trí Nang, Tam Văn. Trước đây, các mường của người Thái là: Mường Ngày, Mường Đôn (nay thuộc xã Lâm Phú), Mường Giao Lão (nay thuộc xã Giao Thiện), Mường Đeng (nay thuộc xã Yên Khương, Yên Thắng), Mường Bỏ (nay thuộc xã Trí Nang). Trước cách mạng tháng Tám 1945, Mường Đèng là một trong những mường lớn, có thế lực về chính trị và kinh tế, tiêu biểu cho không gian văn hóa Thái ở miền núi Thanh Hóa.
Người Thái ở Thanh Hóa có hai nhóm tự gọi là Tày và Tày Dọ. Nhóm tự gọi là Tày phân bố chủ yếu ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh..., Nhóm tự gọi Tày Dọ tập trung chủ yếu ở các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân... Nhóm tự gọi là Tày Dọ có nhiều nét tương đồng với người Thái trắng ở Tây Bắc, nhóm tự gọi là Tày, về mặt ngôn ngữ và văn hóa gần gũi với người Thái đen ở Tây Bắc. Nhóm Thái ở Mường Đèng tự nhận là Tày Đăm (Thái đen). Những cứ liệu trên cho thấy, người Thái ở Lang Chánh có một bộ phận đã có mặt ở vùng đất này từ lâu đời, một bộ phận từ Tây Bắc xuống chủ yếu là nhóm Tày Đăm (Thái đen), từ Lào sang và sau này có cả người Mường, người Kinh nhập vào.
Người Mường tập trung ở vùng thấp như Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương, Quang Hiến, Thị trấn, Tân Phúc. Những bản mường này đã tồn tại từ rất lâu rồi. Truyền thuyết dân gian cho thấy đây là một vùng đất có người cư trú lâu đời và qua nhiều thăng trầm. Mo Đẻ đất, đẻ nước có đoạn nói đến việc sinh ra các mường ở Giao An, Giao Thiện, Quang Hiến. Tuy vậy, căn cứ vào dấu vết cư trú, những mẩu lịch sử bị thần thoại hóa hay mối quan hệ giữa các mường, thì những người Mường của Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và Thạch Thành đều là bà con gần. Tìm hiểu về một vài dòng họ thông qua các cuốn gia phả, chúng ta sẽ hiểu rõ thêm nguồn gốc của người Mường Lang Chánh (cách đây không lâu cũng có nhiều người Mường ở vùng Lạc Thổ Hòa Bình đến sinh cơ lập nghiệp, ban đầu họ cư trú ở các làng giáp giới phía bắc của Lang Chánh, rồi men theo các dòng suối tìm nơi có nguồn nước để làm nương rẫy, nay định cư chủ yếu ở các vùng Giao An, Giao Thiện, Quang Hiến).
Như vậy, người Mường Lang Chánh được hợp thành từ một bộ phận là cư dân bản địa, một bộ phận di cư từ Hòa Bình vào, một bộ phận người Kinh bị Mường hóa. Về mặt lịch sử cư trú, người Mường ở đây là tộc người có mặt từ rất lâu đời. Các mường của người Mường ở Lang Chánh là Mường Khạt (nay thuộc xã Đồng Lương), Mường Chếnh (nay thuộc xã Quang Hiến). Mường Chếnh là một trong những mường lớn ở Thanh Hóa, xưa kia đây là vùng đất trung tâm của châu Lang Chánh.
Người Kinh có mặt ở vùng đất Lang Chánh là do quá trình nhập cư từ các địa phương ở Bắc Bộ, Trung Bộ và một số huyện trong tỉnh, diễn ra chủ yếu vào thời kỳ từ sau cách mạng tháng Tám và nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954 đến nay, bởi yêu cầu điều chỉnh sự phân bố dân cư và phát triển kinh tế miền núi.
Nhìn vào sự phân bố các tộc người ở Lang Chánh, chúng ta thấy, đây là một vùng đa tộc người, đa sắc thái văn hóa. Trong quá trình phát triển của lịch sử, các cư dân người Thái, người Mường trên cơ sở nền tảng của một nền nông nghiệp lúa nước đã thiết lập, tạo dựng nên một thiết chế bản mường cổ truyền, còn chi phối khá mạnh mẽ trong tổ chức xã hội làng xã ngày nay.
2. Một số đặc điểm văn hóa truyền thống
Một số đặc điểm văn hóa truyền thống mà chúng tôi nói đến ở đây, thực chất là các giá trị văn hóa cổ truyền của người Thái, Mường ở Lang Chánh được sáng tạo và tồn tại trong cuộc sống của họ từ bao đời nay.
Có một điểm cần nhấn mạnh là, do đặc điểm cư trú của người Thái, Mường là đan xen, nên trong quá trình phát triển lịch sử, trên vùng đất Lang Chánh đã và đang diễn ra sự giao thoa văn hóa Thái - Mường khá điển hình. Do quá trình hòa nhập đã diễn ra khá lâu đời, nhiều hiện tượng văn hóa không phân biệt được nguồn gốc từ Mường hay từ Thái. Chẳng hạn như tập quán canh tác ruộng nước, nương rẫy, ẩm thực, nhà ở, sử dụng thuốc nam, trang phục, tín ngưỡng, lễ tục, thiết chế bản mường, nhạc cụ... riêng tiếng nói và chữ viết thì ít bị lẫn lộn.
Hoạt động kinh tế truyền thống
Lang Chánh có địa hình khá phức tạp, nhiều tiểu vùng khí hậu. Trên địa tầng đó, từ bao đời nay, người Thái, Mường đã lấy hoạt động kinh tế lúa nước làm chủ đạo, kết hợp với trồng luồng để một thời Lang Chánh nổi tiếng là vua luồng. Vùng đất này nằm trong hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á, thảm thực vật và động vật rất phong phú. Có thể nói, thiên nhiên đã cho con người ở vùng đất Lang Chánh những điều kiện thuận lợi, nhất là thảm thực vật đa dạng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách đố ngặt nghèo buộc con người muốn tồn tại và phát triển phải thích nghi và sáng tạo. Phần lớn cảnh quan của miền đất Lang Chánh ngày nay đều in đậm dấu vết của bàn tay, trí tuệ con người Lang Chánh.
Các dân tộc ở Lang Chánh sống và canh tác dọc các sông Âm, sông Sạo, sông Cảy và các thung lũng tiếp giáp chân núi Pù Rinh. Tập quán canh tác lâu đời chủ yếu là trồng lúa nước, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, săn bắt cá tôm dưới sông, suối, tận dụng nguồn măng, quả, củ trên rừng, chăn nuôi trâu bò và gia cầm, làm nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm... Đặc diểm này có ý nghĩa thực tiễn để Lang Chánh xác định hướng phát triển một nền nông nghiệp đa canh và các làng nghề thủ công truyền thống
Tập quán làm nhà sàn
Trong văn hóa vật chất, nhà cửa là một trong những dấu hiệu mang tính tộc người rõ nét. Ở các vùng của người Thái, Mường, nhà sàn rất phổ biến. Bên cạnh những nếp nhà sàn truyền thống, đã có nhiều nếp nhà sàn kiểu mới, đẹp và tiện dụng hơn... Nhà sàn vừa thể hiện đặc trưng văn hóa khu vực miền núi Thanh Hóa, vừa thể hiện các đặc thù văn hóa tộc người ở Lang Chánh. Theo thống kê hiện nay, số lượng nhà sàn ở Lang Chánh như sau: xã Yên Khương 95%, xã Yên Thắng 95%, xã Lâm Phú 90%, xã Trí Nang 85%, xã Tam Văn 85%, xã Tân Phúc 75%, xã Quang Hiến 70%, xã Giao Thiện 80%, xã Giao An 75%, xã Đồng Lương 70%, Thị trấn 15%.
Nhà sàn của người Thái, Mường trước đây chủ yếu làm nhà gác, cột chôn. Đồ nghề chủ yếu để làm nhà là con dao, cái rìu. Gỗ làm nhà sàn thường chọn loại gỗ tốt có lõi để làm cột như dổi, vàng tâm xanh, đinh hương, bù hương, sến và mạy láy, là loại gỗ tốt, bền, làm cột chôn được lâu hơn các loại gỗ khác. Kiểu làm nhà gác, cột chôn phát triển duy trì từ những năm 60 trở về trước. Hiện nay tỷ lệ làm nhà gác cột chôn còn ít. Từ những năm 70 lại đây dần dần chuyển sang làm nhà kê đá tảng.
Nhà sàn của người Thái Lang Chánh về kết cấu mái khác rất nhiều so với nhà sàn của người Thái đen ở Tây Bắc nhưng lại giống với kết cấu mái nhà của người Mường. Ở người Thái đen mái nhà có dạng của con thuyền úp và dạng nhà có mái như vậy được gọi là nhà mai rùa. Người Thái Tây Bắc thường trang trí ở hai đầu hồi nhà các kiểu khâu cút. Thế nhưng bản thân khâu cút lại không tồn tại ngay cả trong tâm thức của người Thái Lang Chánh.
Ngày nay, ngôi nhà sàn suy nguyên trực tiếp từ hình thể con rùa đang dần trở thành một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Những ngôi nhà sàn ngày xưa cột chôn, vách liếp, sàn nứa, nay đang có xu hướng thay bằng những ngôi nhà sàn cột kê, vách và sàn bằng gỗ, vừa bề thế, vừa vững bền, lại tiện dụng. Ở mỗi ngôi nhà sàn, cách chia gian không còn ước lệ như xưa mà có ván gỗ phân cách. Những ngôi nhà sàn trên vùng đất Lang Chánh đang kết tinh những vẻ đẹp mới trên cơ sở kế thừa nét đẹp cổ truyền.
Tập quán mặc
Sự chung sống lâu đời trên một miền đất núi rừng và phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và các loài thú dữ đã tạo nên sự hòa hợp trên một số nét của đời sống và sắc thái văn hóa của người Thái và người Mường Lang Chánh, trong đó trang phục của phụ nữ Thái, Mường là một trong những biểu hiện dễ nhận thấy. Ở các vùng tiếp giáp với người Mường, phụ nữ Thái Lang Chánh ăn vận theo kiểu trang phục của phụ nữ Mường mà tiêu biểu nhất là chiếc cạp váy có trang trí hoa văn. Bộ nữ phục Thái ở đây thể hiện trên phần cạp váy và ảnh hưởng nhiều yếu tố của bộ nữ phục Mường chi phối. Ở các vùng giáp Lào thì gần với trang phục của phụ nữ Lào hơn.
Tập quán ăn
Người Thái Lang Chánh thường gọi bữa cơm là cơm canh, canh là các thức ăn có trong bữa. Trong mâm cơm của người Thái, dù có bao nhiêu thức ăn, nhưng vẫn luôn có đĩa muối và ớt, dùng cho người ăn mặn nhạt khác nhau, gọi là pan khấu lé cứa (mâm cơm, đĩa muối). Người Mường Lang Chánh cũng có các món ăn tương tự như người Thái, nhưng mâm cơm gọi là cơm băng, cơm bòi (cơm măng, cơm muối). Cơm nếp đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Thái, Mường Lang Chánh. Tập quán chế biến món ăn từ cá vẫn giữ vai trò chính trong văn hóa ẩm thực của người Thái, Mường. Có thể quan sát tập quán này trong một số món ăn như sau.
Cơm đồ: Muốn có cơm đồ, trước hết phải có niếng bằng đồng, có gạo nếp ngon ngâm nước qua đêm. Cách đồ cơm theo các bước như sau: Cho nước vào niếng (1/2), bắc lên bếp, gạo đã ngâm vo sạch, đổ vào rá, chờ ráo hết nước rồi lấy hông bằng gỗ mít, cho gạo vào hông, nắp đậy kín, đặt lên niếng đang bốc hơi nong sẵn và tiếp tục trở củi cho cháy đều cho đến khi bốc hơi lên trên miệng hông để cơm chín đều. Cơm chín đưa xuống, đổ ra mâm gỗ lấy quạt lá cọ quạt, đồng thời một tay lấy đũa bếp xới đều, lại cho vào hông hoặc ép đậy kín lại cho cơm nóng dẻo, lúc ăn lấy tay bốc ra mủng, mỗi mâm cơm từ hai đến ba mủng tùy theo lượng người ăn mà lấy dần ra cho đủ.
Cơm lam: Thường có hai cách làm. Cách thứ nhất, chặt ống nứa hoặc vầu non (bánh tẻ), ống không to quá và không lót lá chuối (gọi là lam cày). Cách thứ hai, cũng chọn ống như trên nhưng lót lá chuối rừng rồi cho gạo nếp vào cho đến lúc đầy ống thì nút lá chuối lại, đưa vào bếp củi có than hơ cho nóng dần. Lan dần từ miệng ống xuống đến đáy ống. Khi lam xuống đến đáy ống, thỉnh thoảng cầm ống nện cho chặt và sau đó lấy que chọc đáy ống để làm lỗ thoát hơi và ráo nước.Khi cơm trong ống chín dẻo đều, đưa ra khỏi bếp để cho nguội mới xé hoặc bổ đôi ống ra (đối với cơm lam cày). Sau đó, chặt thanh nứa tươi làm cây đẩy cơm từ trong ống ra để ăn, rất dẻo thơm. Còn đối với cơm lam lót lá thì chẻ nhỏ đầu ống lam rồi lấy tay xé ra từng thanh, lấy ra ăn từng đoạn, ăn đến đâu xé ra đến đó để khỏi khô cơm.
Món cá chủm (đùm) đồ: Một trong những món độc đáo là món cá chủm. Đây là món đặc sản của người Thái, người Mường Lang Chánh. Cá con rửa sạch bỏ vào chậu nhỏ, hoa chuối rừng, thái mỏng khi thái phải thái vào nước có mẻ, muối vừa phải sau đó, rửa với nước sạch rồi đồ chung với cá, rau dền đất rửa sạch thái nhỏ, hạt mắc khẻn trộn lẫn cá, gạo nếp đã giã bỏ vào, muối, mì chính trộn đều ướp 15 - 20 phút, lấy lá dong đùm lại, lấy lạt buộc lại bỏ vào hông đồ, khi sôi, kiểm tra thấy gạo nếp chín dẻo là được. Cá chủm đùm đồ chế biến đơn giản, dễ tìm nhưng rất thơm và ngon, là món đặc sản khi có khách lạ đến thăm nhà.
Canh loóng: là món độc đáo, ưa thích và quen thuộc của người Mường, Thái Lang Chánh. Nguyên liệu nấu bằng cây chuối rừng hầm với xương lợn, xương trâu, bò, chó. Về nguồn gốc, canh loóng ra đời từ rất sớm, trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường đã ghi món ăn này. Từ xa xưa đến nay, canh loóng vẫn giữ được hương vị độc đáo của nó. Người Mường, Thái Lang Chánh sử dụng canh loóng trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt còn sử dụng để làm thức ăn chính trong đám hiếu, đám khó (đám tang), đám lợp nhà, dựng nhà mới, trong các buổi lễ có đông người tham dự. Nói tóm lại, tất cả các hội lễ của người Thái, Mường đều có sử dụng canh loóng (trừ đám cưới kiêng dùng canh loóng). Trong đám ma, canh loóng có vai trò rất quan trọng. Mọi người quây quần bên nhau ăn bát canh loóng tiễn người đã chết về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bát canh loóng được dùng rộng rãi như vậy có lẽ một phần là vì nguyên liệu chế biến đơn giản. Cây chuối rừng hay chuối nhà có mặt khắp nơi, xung quanh ngôi nhà của người Mường, lúc nào cũng sẵn. Canh loóng lại có thể nấu nhiều lần, càng nấu kỹ càng ngon.
Món cá trong ngày tết: Cá là món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Thái, người Mường Lang Chánh, nhất là trong những ngày Tết, cá là món ăn chính không thể thiếu. Thông thường, cứ đến ngày 28, 29 tháng chạp là dân làng đổ ra sông, ra suối bắt cá. Tất cả những con cá bắt được không kể to hay nhỏ, đều được coi là thần suối và được mang về làm cỗ cúng. Con cá to nhất được chọn để riêng. Đó là con cá đầu mâm cỗ nên được nướng nguyên con. Số cá còn lại được chế biến theo cách riêng của vùng này như: cá đồ, cá sấy, cá nướng, cá độn cơm, cá mọc, cá gói vùi tro bếp, lạp cá pa lạp...
Món pa lạp là món cá đặc biệt dùng để đãi tiếp khách quý mỗi khi tết đến xuân về. Từ một con cá, họ chế biến thành ba món: món lạp vừa béo vừa cay, vừa có vị chua chát của lá rừng, món chẻo gio nướng để chấm xôi nóng và bát canh chua cá để đưa cay.
Món cá mọc được chế biến theo cách khác, thịt cá băm nhỏ giống như mọc thịt, dùng làm nhân bánh bột gạo nếp. Bột nếp được chuẩn bị kỹ như làm bánh dẻo. Mọc cá gói bên trong bột nếp, sau đó xếp từng lượt vào chõ xôi đồ 30-40 phút. Có loại mọc 3 cá, 5 cá, 7 cá, 9 cá. Đó là số lượng cá dùng làm thành mọc nhân bánh.Cá nướng được kẹp que tre thành từng kẹp rồi đem nướng lên than củi gỗ. Mỗi kẹp cá từ 3,5,7,9, con cá. Sau khi nướng xong thì cá được đem đồ lại. Khâu cuối cùng là bày mâm cỗ cúng. Con cá nướng đầu mâm được bày ở giữa, chung quanh là cá mọc và cá nướng. Hai loại này chia thành từng cụm gồm 3, 5, 7, 9 con từng loại.
Trên cái nhìn tổng thể, các đặc trưng của văn hóa trong cách ứng xử, trong quan hệ giữa các thành viên trong bản trong mường đều được quy chuẩn. Sống ở vùng bồn địa giữa núi, trong nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước, người Thái, người Mường cũng như người Kinh ở Lang Chánh từ lâu đã tạo lập được với mối quan hệ cộng cảm trong cộng đồng và giữa các cộng đồng bền chặt. Mối quan hệ trong bản, làng của người Thái, người Mường ỏ Lang Chánh được ràng buộc về nhiều mặt. Đó chính là các mối quan hệ huyết tộc, họ hàng, thông gia, láng giềng quyện chặt với nhau.
Các tộc người Thái, Mường, Kinh ở Lang Chánh trong quá trình cùng chung sống lâu đời ở nơi đây đã đoàn kết gắn bó cùng nhau xây dựng quê hương. Ngay từ thời khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất Lang Chánh đã nổi lên với vai trò là căn cứ địa quan trọng của dân tộc.
Bức tranh dân cư vùng đất Lang Chánh là bức tranh đa sắc màu. Trong quá trình đổi mới xây dựng quê hương đất nước, những biến đổi về kinh tế xã hội, đã làm cho nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đang mất đi, khi chúng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử làm động lực mạnh mẽ cho cuộc sống mới, để hình thành nền văn hóa mới cách mạng và tiên tiến. Điểm mạnh nổi bật là các dân tộc ở Lang Chánh luôn quan tâm đến những truyền thống của mình. Đó chính là cội nguồn quan trọng của sự phát triển các dân tộc gắn liền với sự hiểu biết về kinh tế, văn hóa xã hội, manh tính bền vững.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010
Tác giả : Ngô Xuân Sao