Mỹ thuật là một trong những môn giáo dục thẩm mỹ quan trọng cho học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học. Việc đầu tư vào giáo dục nghệ thuật khi trẻ còn nhỏ giúp các em tiếp xúc và làm quen với cái đẹp, cảm thụ, yêu quý cái đẹp, biết vận dụng để sáng tạo. Để đảm bảo trải nghiệm thú vị về môn Mỹ thuật cho học sinh tiểu học, việc nâng cao chất lượng thiết kế sách dạy và học Mỹ thuật đóng vai trò quan trọng. Sách dạy và học Mỹ thuật ở cấp bậc này không chỉ là nguồn tư liệu, mà còn là cầu nối giữa thế giới nghệ thuật và sự sáng tạo của trẻ, góp phần truyền cảm hứng, khuyến khích trẻ tham gia vào hoạt động sáng tạo và khám phá vẻ đẹp trong cuộc sống xung quanh. Việc thiết kế sách dạy và học Mỹ thuật đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, đầu tư chi tiết, đảm bảo chuẩn mực để truyền đạt tốt nhất giá trị nghệ thuật cho học sinh tiểu học, nâng cao chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn.
Mở đầu
TP.HCM là trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng ở phía Nam Việt Nam, luôn nỗ lực không ngừng thay đổi và phát triển. Sự tiến bộ khoa học công nghệ, sự thay đổi trong cuộc sống hằng ngày đã định hình lại cách con người tiếp cận, tương tác với nghệ thuật. Việc cập nhật và đổi mới nguồn học liệu, sách dạy và học môn Mỹ thuật là một phần quan trọng của việc cải thiện chất lượng giáo dục. Sách dạy và học Mỹ thuật cho học sinh tiểu học bao gồm sách giáo viên, sách giáo khoa (SGK), sách bài tập, đã được biên soạn và thiết kế theo định hướng chung đổi mới giáo dục phổ thông qua Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình SGK phổ thông của Quốc hội. Từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã có 5 lần thay SGK phổ thông. Qua mỗi thời kỳ, SGK Việt Nam lại có những thay đổi rõ rệt về cả nội dung, cách thiết kế, hình ảnh đến chất lượng giấy in. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với khối lớp 1. Thay vì một bộ SGK duy nhất như giai đoạn trước, chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình với nhiều bộ SGK. Với nguồn học liệu phong phú, việc chọn lựa SGK cho các môn học do nhà trường tại các địa phương quyết định. Các bộ SGK được phát hành đều do cơ quan thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Mỗi bộ sách vừa đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, vừa phù hợp đặc thù của mỗi địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa. Xét riêng trong phạm vi bộ SGK của các tác giả miền Nam, SGK Mỹ thuật dành cho học sinh lớp 1 - bậc tiểu học được biên soạn và thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học đáp ứng những đổi mới của nền giáo dục Việt Nam nói chung, của TP.HCM và các tỉnh phía Nam nói riêng. Bộ sách có đặc trưng riêng với sự xuất hiện của phương ngữ, dữ liệu, tranh, hình ảnh mang tính đặc trưng vùng miền, tạo sự gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học. SGK đã có những sáng tạo riêng trong phương thức trình bày, thể hiện nội dung. Việc cập nhật sách dạy và học Mỹ thuật cho học sinh tiểu học không chỉ là việc đổi mới nội dung mà còn là việc nâng cao chất lượng thẩm mỹ, tạo ra bộ học liệu mới mẻ, hiện đại, hấp dẫn, trực quan, tạo sự thích thú, tò mò, mang lại trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh tiểu học.
Sách dạy và học môn Mỹ thuật
Sách dạy và học Mỹ thuật là tài liệu học tập và tham khảo dành cho học sinh và giáo viên môn Mỹ thuật. Bộ học liệu gồm sách giáo viên (dành cho giáo viên hướng dẫn), SGK (dành cho học sinh), sách bài tập và tài liệu tham khảo khác (không nằm trong danh mục bắt buộc). Sách dạy và học Mỹ thuật giúp truyền đạt kiến thức, kỹ năng và cách thực hiện các hoạt động nghệ thuật. Để đảm bảo sự đồng nhất trong giảng dạy và học tập, đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo viên và sách bài tập cần căn cứ vào nội dung của SGK.
SGK, sách giáo viên và vở bài tập môn Mỹ thuật 1 - Ảnh: tác giả cung cấp
SGK đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở kiến thức và hỗ trợ quá trình học tập trong hệ thống giáo dục. SGK Mỹ thuật được tổ chức theo chương trình tổng thể, phù hợp với tư duy thẩm mỹ, năng lực học sinh theo từng lớp và từng lứa tuổi. Sách giáo viên là tài liệu tham khảo giảng dạy được thiết kế dành riêng cho giáo viên, giúp hướng dẫn chi tiết phương pháp dạy. Đây là tài liệu hữu ích để giáo viên hiểu rõ cách truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, sách bài tập là tài liệu bổ trợ, được sử dụng tham khảo trong giáo dục. Trong hướng dẫn sử dụng SGK và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định: các cơ quan quản lý giáo dục, các trường không bắt buộc học sinh mua sách bài tập. Đối với sách bài tập, giáo viên có thể tham khảo, lấy tư liệu để giảng dạy; học sinh có thể tham khảo trong học tập.
Sự phối hợp giữa ba loại sách: SGK, sách giáo viên và sách bài tập giúp tạo ra một quy trình giảng dạy, học tập liền mạch và có hệ thống trong bộ môn Mỹ thuật cấp tiểu học. Giúp học sinh hiểu sâu hơn, học theo hướng dẫn của giáo viên và thực hành đa dạng hơn để phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật.
Nhận định chất lượng thẩm mỹ sách dạy và học môn Mỹ thuật
Ưu điểm
Hiện tại tính đến năm học 2023-2024, chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học đã triển khai lộ trình thay SGK mới lớp 1, 2, 3, 4 (theo chương trình 2018). Tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng SGK Giáo dục phổ thông vào tháng 9-2023, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận tổng quan các SGK mới có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện rõ ràng nội dung, yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học. Bên cạnh nội dung học thuật, cách thức thiết kế, trình bày, minh họa cho sách góp phần quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và kích thích sự quan tâm của học sinh. Hình ảnh minh họa đẹp, màu sắc tươi sáng bắt mắt và bố cục hấp dẫn làm cho nội dung bài học trở nên thú vị hơn.
Các trang chủ đề ở SGK Mỹ thuật 1 - Nguồn: tác giả cung cấp
Trên cơ sở những nội dung dạy học được quy định trong chương trình môn Mỹ thuật cấp tiểu học, các bộ SGK Mỹ thuật đều được thiết kế, trình bày hệ thống các chủ đề theo hệ hình, hệ màu phù hợp với tư duy thẩm mỹ, năng lực và gần gũi với học sinh. Thiết kế gần gũi, dễ nhận biết giúp các em học sinh dễ hình dung, thực hiện bài một cách dễ dàng. Đối với thiết kế SGK cho học sinh tiểu học, kênh hình chiếm phần lớn trang sách và kênh chữ được sử dụng ở mức độ ít chữ và dễ hiểu, điều này giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc hiểu và tiếp thu kiến thức.
Tính thống nhất được duy trì trong việc sắp xếp bố cục, hệ thống cấp bậc, phân cấp thông tin, yếu tố chính, phụ được cân nhắc khi trình bày nội dung. Mỗi chủ đề sẽ có gam màu riêng biệt dẫn dắt nội dung trong toàn bộ chủ đề đó. Cách sắp xếp hợp lý có thể giúp điều hướng điểm nhìn của người xem, giúp học sinh nắm bắt được thông tin rõ ràng. Hình ảnh, tranh vẽ trong những trang SGK Mỹ thuật giúp học sinh có cái nhìn trực quan về thế giới xung quanh.
Nếu như SGK hạn chế việc học sinh ghi vào sách gây lãng phí thì sách bài tập tương tác, thực hành và cung cấp nhiều hình ảnh ví dụ sinh động có thể thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa học sinh và nội dung bài. Bằng cách vẽ, viết và thực hiện các hoạt động trong sách bài tập, các em có thể củng cố kiến thức và kỹ năng một cách chủ động.
Sách giáo viên cung cấp thông tin chi tiết về cách giảng dạy môn Mỹ thuật một cách có hiệu quả và giúp giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu được kiến thức và thực hiện hoạt động thẩm mỹ đúng cách. Do đó, sách giáo viên có nhiều nội dung văn bản hơn để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ trong việc truyền đạt thông tin cho giáo viên. Nội dung bài được thiết kế, phân chia một cách có logic và rõ ràng, sắp xếp theo chủ đề, mục và phần để giúp giáo viên tìm kiếm thông tin dễ dàng.
Điểm chưa phù hợp
Trong một số biên bản góp ý lựa chọn SGK có đề cập những tồn tại hạn chế như: Việc chú thích ảnh đôi khi còn một số bất cập trong việc tuân thủ quy định. Bao gồm việc tập trung vào tên tác giả của ảnh chụp mà bỏ qua thông tin địa điểm hoặc nội dung bức ảnh. Bên cạnh đó, hình minh họa chưa đánh số thứ tự hoặc ký hiệu, chưa ghi chú cụ thể chi tiết, gây khó khăn khi giáo viên yêu cầu học sinh quan sát. Để cải thiện SGK Mỹ thuật, nội dung ghi chú cần được xem xét lại. Việc chú thích ảnh trong SGK cần cân nhắc thông tin. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo rằng học sinh có đủ thông tin để hiểu rõ và đánh giá bức ảnh một cách chính xác trong ngữ cảnh của SGK.
Ở một số lớp cấp tiểu học, sách bài tập Mỹ thuật với hệ thống câu hỏi, bài tập luyện tập chưa được tinh giản, chọn lọc, có quá nhiều câu hỏi chi tiết dành cho phần thực hành sáng tạo, vở bài tập yêu cầu các em viết nhiều hơn vẽ. Tùy thuộc vào lứa tuổi và khả năng của học sinh, việc điều chỉnh và tinh giản câu hỏi có thể giúp các em tập trung vào thực hành, tự do thoải mái thể hiện ý tưởng qua nét vẽ, màu sắc, sản phẩm thực hành với các chất liệu khác nhau (màu vẽ, đất nặn, giấy thủ công, vật liệu tái chế…). Việc điều chỉnh các bài tập sao cho phù hợp với độ tuổi và khả năng của học sinh là quan trọng để tạo sự hấp dẫn và hữu ích, khuyến khích học sinh dành thời gian tự học, tự khám phá và phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo.
Xu hướng tiếp cận thế giới và khoa học công nghệ mới
Các quốc gia đều rất coi trọng trách nhiệm biên soạn và thẩm định chất lượng SGK. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển coi SGK như nguồn học liệu quan trọng cần tham khảo, chứ không quy định bắt buộc phải sử dụng toàn bộ nội dung của sách. Theo GS, TS Phạm Tất Dong: “Giáo viên không phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa, mà phải thật sáng tạo xây dựng bài giảng của mình” (1).
Sách giáo viên Mỹ thuật 1 - bản điện tử trên trang hanhtrangso.nxbgd.vn
Năm 2018, Hội thảo Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế được Nxb Giáo dục Việt Nam tổ chức nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thiết kế, biên soạn sách. Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định SGK thay đổi thì quan niệm SGK là pháp lệnh của giáo viên cũng cần được thay đổi. Chủ thể của bài học sẽ không hoàn toàn là kiến thức mà hướng vào việc chuyển hóa kiến thức. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, cần ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn cuộc sống. Trong việc xây dựng SGK mới cần giảm bớt các nội dung kiến thức không cần thiết, tăng cường thời gian giúp cho học sinh vận dụng kiến thức vào những thực hành, sáng tạo sản phẩm mỹ thuật gắn liền với cuộc sống. Xu hướng xây dựng chương trình, biên soạn SGK theo hướng phát triển năng lực là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục Việt Nam thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh cả nước chịu nhiều ảnh hưởng khó khăn trong đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội, học sinh không thể đến trường, chưa mua được sách, thư viện trực tuyến chính là giải pháp trong thời điểm đó. Để học sinh, giáo viên, phụ huynh được tiếp cận với SGK thuận lợi, Nxb Giáo dục Việt Nam đã xây dựng trang “Hành trang số” và số hóa toàn bộ SGK, một số sách bài tập và sách giáo viên. Ở Việt Nam, SGK điện tử môn Mỹ thuật chỉ mới dừng lại ở bản điện tử của SGK giấy. Để phát huy thế mạnh của sách điện tử thì việc thiết kế sách cần tích hợp thêm ứng dụng tương tác, video, ảnh động... Học sinh có thể xem hướng dẫn thực hành, quy trình thực hiện theo từng bước, giúp các em dễ dàng hình dung, vận dụng thực tế. Với sự phát triển của công nghệ sẽ giúp học sinh, giáo viên có nhiều cơ hội tiếp cận với sách điện tử và có thể trải nghiệm nhiều trang sách thú vị.
Tùy mỗi quốc gia sẽ cấp phát SGK theo những cách khác nhau. Ở một số nước, học sinh có thể chọn học sách giấy hoặc SGK điện tử tùy ý. Để tiết kiệm chi phí, nhiều trường học cho học sinh mượn sách tại thư viện của trường trong suốt cả năm học, mua sách cũ hoặc mua SGK điện tử. Chính vì thế, bản sách điện tử cần đồng nhất với bản in của sách.
Chương trình số hóa SGK từng thí điểm ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước nhanh chóng gặp trở ngại về vấn đề kinh phí. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chính phủ và trường học sẽ gặp nhiều áp lực trong việc chi tiêu ngân sách nếu hỗ trợ thiết bị chuyên dụng - máy tính bảng cho từng học sinh. Trang bị máy tính bảng cho học sinh sẽ tốn một khoản kinh phí lớn, nhiều chính quyền địa phương trên cả nước không thể thực hiện đồng bộ, triển khai trên diện rộng. SGK điện tử không thể thay thế hoàn toàn sách giấy. Trong thực tế, hạn chế về ngân sách, khác biệt về thu nhập, chênh lệch điều kiện cơ sở vật chất sẽ khiến SGK truyền thống luôn là lựa chọn hàng đầu. SGK điện tử sẽ chỉ là một công cụ bổ trợ song song.
Kết luận
Sách dạy và học Mỹ thuật đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển của giáo dục thẩm mỹ. Sách Mỹ thuật là nguồn tài liệu cơ bản, hướng dẫn cho học sinh tiếp xúc với nghệ thuật. Đặc biệt, việc thiết kế sách dạy và học Mỹ thuật có sự quan tâm đến hình thức, tính thân thiện và sự tích hợp của công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn. Hình thức bắt mắt của sách dạy và học Mỹ thuật không chỉ về việc sử dụng màu sắc, hình ảnh đẹp mắt, mà còn về việc trình bày nội dung một cách hấp dẫn. Các sách dạy và học Mỹ thuật thiết kế một cách tinh tế có thể kích thích sự sáng tạo và khám phá của học sinh. Sự tích hợp của công nghệ tiên tiến dành cho sách điện tử Mỹ thuật giúp mở rộng cơ hội học tập và trải nghiệm nghệ thuật. Các ứng dụng tương tác, video, tài liệu trực tuyến cung cấp thêm kiến thức và cách tiếp cận đa dạng. Để tạo ra sách dạy và học Mỹ thuật chất lượng cần có sự nghiên cứu, phát triển nội dung và thiết kế chặt chẽ. Nhà xuất bản cần đảm bảo tài liệu đáp ứng chuẩn mực giáo dục và sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Nhà trường cần tạo ra môi trường học tập đa dạng, kết hợp giữa sách giấy và sách điện tử, thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho các em học sinh tiểu học và khuyến khích sự phát triển nghệ thuật của thế hệ tương lai.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc biên soạn và thiết kế sách dạy Mỹ thuật không những hướng đến cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy mới, mà còn vận dụng khoa học công nghệ để kích thích tư duy sáng tạo và phù hợp với sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội của đất nước.
_______________
1. Phạm Tất Dong, Tầm quan trọng của sách giáo khoa với thế hệ trẻ, congdankhuyenhoc.vn, 16-10-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông Mỹ thuật, tháng 1-2018.
3. Bernd Meier, Những quan điểm cơ bản về phát triển sách giáo khoa, Hội thảo tập huấn Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2018.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Hội thảo Về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023.
5. Armand D., Jelmer E., Elisa, Nadia, Michael , Koen, Dạy học trong CMCN lần thứ 4, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2020.
6. hanhtrangso.nxbgd.vn.
Ths LÂM YẾN NHƯ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023