Tối ngày 3-7-2025, tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an” lần thứ V - năm 2025, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mang đến sân khấu vở kịch giàu cảm xúc: “Ngược chiều bình an” của tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu - một tác phẩm xúc động về những người lính cứu hỏa kiên cường, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để gìn giữ sự sống cho người khác.
Vở kịch mang tới những chi tiết rất đời, rất bình dị trong cuộc sống
Với kịch bản chân thực, giàu tính nhân văn cùng phần dàn dựng công phu, vở diễn không chỉ khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ công an trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mà còn chạm tới trái tim khán giả bằng những câu chuyện đời thường, những giằng xé nội tâm giữa nhiệm vụ và tình cảm cá nhân.
Tác giả kịch bản Thiên Ân cho biết: “Bác Hồ đã từng chúc lực lượng cảnh sát PCCC ở cái tết hòa bình đầu tiên trở về Hà Nội năm 1955 với lời chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác mong các chú thất nghiệp…”. Khi dàn dựng vở kịch, ê-kíp mới càng thấy thấm thía câu chúc của Bác Hồ nhiều hơn. Nhất là ở thời điểm này khi xã hội càng hiện đại, chúng ta lại càng phải chứng kiến với bao vụ tai nạn, hỏa hoạn thương tâm”. Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật đầy bi tráng về sự hy sinh cao cả của ba chiến sĩ phòng cháy chữa cháy Vũ Trọng Thanh, Ngô Trung Tuấn và Hoàng Nhật Linh, vở kịch Ngược chiều bình an đã chạm đến trái tim của hàng trăm khán giả.
Vở kịch đã đặt ra câu hỏi day dứt: Giữa tiếng còi báo động dồn dập, giữa những ngọn lửa ngùn ngụt, đâu mới là ranh giới thực sự giữa lòng dũng cảm và nỗi sợ hãi? Vở kịch không hô hào khẩu hiệu mà đi thẳng vào những chi tiết đời thường, những góc khuất trong tâm hồn người lính. Theo tác giả Thiên Ân: “Sân khấu thường chú ý tới khai thác, đề cao những hình tượng và sự hy sinh của người chiến sĩ công an nhân dân. Nhưng vở kịch này, ê-kíp sáng tạo mong muốn khai thác thật sâu về cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn, vất vả và cả những nỗi sợ hãi của bản thân người lính, từ đó lý giải vì sao những người lính phòng cháy chữa cháy có được lý tưởng sống cao đẹp”.
Ngược chiều bình an mang đến những khoảnh khắc lắng đọng và bi tráng đến nghẹn lòng. Khán giả không khỏi xúc động khi chứng kiến ba người lính dũng cảm lao mình vào biển lửa, đặc biệt là những giây phút họ đối thoại với người thân, gói trọn những ước mơ dang dở và nỗi tiếc nuối khôn nguôi: “Con nợ mẹ và gia đình một chuyến đi du lịch xa”, “Anh nợ em một đám cưới”, “Con nợ mẹ một nàng dâu...”. Cảnh kết của vở kịch, khi ba chiến sĩ ngã xuống giữa đám cháy, đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả, khắc sâu thêm hình ảnh người lính luôn sống và chiến đấu vì bình yên của cộng đồng.
Diễn viên Thanh Hường đã thể hiện thành công vai diễn bà Lan
Bên cạnh ba diễn viên chính Thế Nguyên, Ba Duy, Vũ Tuấn, vở diễn còn có sự tham gia của NSND Lâm Tùng, NSƯT Nông Dũng Nam, nghệ sĩ Thanh Hường, Diễm Hương, Hồng Phúc, Hồng Quang, Tô Dũng... Đặc biệt, vai diễn bà Lan - người mẹ chiến sĩ cứu hỏa, đã được diễn viên Thanh Hường thể hiện một cách xuất sắc.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, diễn viên Thanh Hường bộc bạch: “Vở kịch không chỉ ca ngợi sự hy sinh của các anh hùng phòng cháy chữa cháy, mà còn khắc họa sâu sắc sự hy sinh thầm lặng của những người thân phía sau. Chính sự lo lắng, động viên và sẻ chia từ gia đình đã làm nổi bật lý tưởng sống cao đẹp của người lính. Tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc và tự hào khi đảm nhận vai diễn này với nhiều đất diễn. Bà mẹ trong vở kịch này là người đã trải qua nỗi đau mất chồng - một chiến sĩ cửu hỏa đã hy sinh vì giặc lửa, nhưng vẫn ủng hộ con trai nối nghiệp cha vì “đó là niềm đam mê của con, là ước nguyện của bố con”. Có thể thấy, gia đình chính là nền tảng vững chắc để người lính yên tâm làm nhiệm vụ”.
Nữ diễn viên còn cho biết, vai diễn này khiến cô “bắt gặp” hình ảnh mẹ chồng mình - một điểm tựa vững chắc cho gia đình. Cô cũng thấy chính mình trong hình ảnh người vợ lính cứu hỏa, với những nỗi lo lắng và sự chờ đợi chồng mỗi đêm, điều mà nhiều khán giả cũng có thể tìm thấy sự đồng cảm bởi tính chân thực, bình dị của vở kịch.
Khán giả xúc động khi xem vở diễn
Đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện vở kịch, với mong muốn khắc họa chân dung những người lính cứu hỏa không chỉ trên chiến tuyến với ngọn lửa, mà còn trong những khoảnh khắc đời thường, nơi họ mang trong mình nỗi lo lắng, niềm tự hào và cả những hy sinh thầm lặng. Ê-kíp sáng tạo cũng không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để tạo nên một không gian sân khấu ấn tượng và mang tính biểu tượng cao. Việc sử dụng hiệu quả các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, và đặc biệt là việc sử dụng lửa thật trên sân khấu, đã góp phần tạo nên những khoảnh khắc đầy ám ảnh và chân thực, đảm bảo tính chính xác về chuyên môn qua sự tham vấn từ các chuyên gia trong ngành.
Ngược chiều bình an không chỉ là một vở kịch mà còn là một hành trình cảm xúc, đưa khán giả đến gần hơn với những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy thầm lặng nhưng vĩ đại, những người sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy mà không một lần ngoái lại, chỉ mong giữ lấy sự bình yên cho nhân dân. Đây cũng là một lời tri ân sâu sắc dành cho gia đình của các chiến sĩ - điểm tựa vững chắc để người lính yên tâm làm nhiệm vụ.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG